Xác thịt về đâu – Samuel Butler

Những đồ dùng của Theobald đều được đem đi bán đấu giá, trong đó có cả quyển Tân Cựu Ước hòa hợp mà anh đã biên soạn sưu tầm suốt nhiều năm rất rõ ràng và tỉ mỉ, cùng với một bộ sưu tập lớn các bài giảng mà anh đã tự tay viết nên. Và hai vật này mỗi thứ đem về được chín xu. Tôi ngạc nhiên khi nghe biết Joey đã không chịu bỏ ra khoảng ba hay bốn shilling vốn có thể mua lại hết đống đồ này, nhưng Ernest cho tôi biết rằng Jeoy thậm chí còn ghét cha mình hơn cả nó nữa, và chỉ muốn vứt bỏ hết tất cả những gì có liên quan đến Theobald mà thôi.

Lúc này cả Joey và Charlotte đều đã lập gia đình rồi. Và hai đứa con trai của Theobald hiếm khi gặp gỡ nói chuyện với nhau. Tất nhiên, theo di chúc của cha, Ernest chẳng nhận được thứ gì, và chuyện này từ lâu đã được hai người ngầm hiểu với nhau rồi.

Charlotte vẫn tinh ranh như thường, thỉnh thoảng nó mời Ernest đến thăm và ở lại nhà vợ chồng nó gần Dover, tôi cho rằng con bé làm vậy bởi nó biết những lời mời của nó sẽ khiến Ernest thấy khó chịu. Mọi lá thư con bé viết đều mang giọng điệu kiêu kỳ kẻ cả, thật khó để nói thẳng nhưng lúc nào nhận thư của con bé Ernest đều có cảm giác như chúng được viết bởi một người đã được trực tiếp chuyện trò với thiên thần vậy. ‘Thật là lạ đời,’ Ernest từng bảo tôi, ‘vị thiên thần đã khiến cho Charlotte trở nên như thế này hẳn phải thật quái đản.’

‘Anh có thích ý tưởng về một vùng biển nhỏ biến động không?’ lời trong thư Charlotte gởi Ernest cách đây không lâu, ‘mỏm vách đá sẽ sớm sáng lên nhờ những cây thạch nam, cây kim tước đã không còn nữa, và khi đã xem qua ngọn đồi ở Ewell, em nghĩ là cây thạch nam sẽ nảy nở ở đây, nhưng dù có chúng hay không, vách đá vẫn luôn đẹp tuyệt vời, và nếu anh đến, em sẽ chuẩn bị sẵn một phòng ấm cúng để anh có góc nghỉ ngơi cho riêng mình. Mười chín shilling và sáu xu là giá cho vé khứ hồi với chuyến về trong vòng một tháng. Anh nên quyết định đến hay không tùy vào ý thích của anh, chỉ như thế chúng em mới có thể hy vọng sẽ cố gắng khiến cho anh vui được, và anh đừng để chuyện này làm nặng lòng mình nếu anh thấy bị ép buộc phải đến thăm chúng em như thế này.’

‘Lúc gặp ác mộng,’ Ernest nói với tôi lúc nó cười và chỉ tôi xem lá thư của em nó, ‘con mơ thấy mình đang ở trong nhà Charlotte.’

Những lá thư của con bé được cho là viết rất tốt, và tôi tin là gia đình Theobald cho rằng Charlotte có năng khiếu văn học thực sự vượt xa Ernest. Đôi lúc, chúng tôi nghĩ rằng con bé viết thư cho anh nó chỉ để nói, ‘Đây này, anh nghĩ rằng mình là người duy nhất trong nhà có thể viết văn hay sao, hãy đọc đi! Và nếu anh cần bổ sung bút pháp cho quyển sách mới của mình, thì cứ rút ra từ lá thư này tùy thích.’ Tôi dám nói rằng con bé viết rất tốt, nhưng lại bị sa vào việc lạm dụng quá nhiều những từ ‘hy vọng,’ ‘cảm thấy,’ ‘nỗ lực,’ ‘rạng rỡ,’ và ‘một ít,’ con bé gần như không thể viết một trang mà không có những từ này, thậm chí có từ được lặp lại nhiều lần. Như thế khiến cho văn phong của nó trở nên nhàm chán, đơn điệu.

Ernest vẫn đam mê âm nhạc như xưa, thậm chí còn hơn nữa, và những năm gần đây nó lấn sân qua cả mảng soạn nhạc. Nó vẫn thấy việc này khá khó khăn, và luôn gặp vấn đề khi chuyển từ cung Đô sang cung Đô thăng và không thể trở về lại cung cũ được.

‘Chuyển sang cung Đô thăng,’ nó bảo, ‘giống như thể một cô gái yếu đuối đang đi xe điện ngầm, và thấy mình bị lạc ở quận Shepherd’s Bush, mà chẳng biết nên đi về đâu. Làm sao để cô ấy an toàn về lại được nhà ga Clapham Junction? Mà kể cả nhà ga Clapham Junction cũng không đúng, bởi nó vẫn giống như quãng giáng bảy, rất dễ dẫn đến trùng âm, và rồi sẽ khiến con phải chuyển sang bất kỳ nốt kết nào có thể.’

Nói chuyện về âm nhạc khiến tôi nhớ đến một cuộc nói chuyện cách đây không lâu giữa Ernest với bà Skinner và con gái đầu của họ. Tiến sỹ Skinner đã rời Roughborough và đảm nhậm chức vụ trưởng một nhà thờ chính tòa ở miền Trung, một vị trí hợp nhất đối với ông. Khi biết ông đang ở gần nhà mình, Ernest đến thăm như một người quen cũ, và được niềm nở mời ở lại dùng bữa trưa.

Ba mươi năm trôi qua đã nhuộm trắng đôi lông mày rậm của ông, dù đầu tóc giả của ông không trắng đi nổi. Tôi tin rằng nếu không có đầu tóc đó thì thế nào ông cũng được chỉ định làm giám mục rồi.

Giọng nói và cử chỉ của ông vẫn hệt như trước, và khi Ernest chú ý thấy có một tấm bản đồ Roma treo trong phòng lớn, và buộc miệng nói về chính phủ Ý, ngài tiến sỹ đáp lại với giọng phô trương thường thấy của mình, ‘Đúng rồi, chính phủ Í[44] quốc, hay nói theo kiểu của ta là, chính phủ Í quốc.’ Sau khi thể hiện được mình, ông rít một hơi thuốc dài qua kẽ miệng và phà khói thanh thản vào hư không, đúng hệt phong cách của ông thời còn làm hiệu trưởng. Trong bữa ăn, đúng là ông có nói rằng mình ‘gần như không thể nghĩ đến bất kỳ chuyện gì khác,’ nhưng rồi ông đính chính ngay và thay bằng, ‘gần như không thể nuôi dưỡng những ý tưởng vô ích,’ có vẻ ông rất hài lòng thoải mái sau khi đã kịp chữa lời. Ernest vẫn thấy tiến sỹ đặt những tập tác phẩm quen thuộc của trên kệ sách phòng ăn, nhưng lại chẳng thấy quyển ‘Roma hay Kinh Thánh?’ ở đâu cả.

‘Và anh vẫn thích âm nhạc như trước chứ, anh Pontifex?’ cô Skinner hỏi Ernest trong bữa ăn.

‘Một số thể loại nhạc thì đúng, cô Skinner ạ, nhưng cô biết đó tôi chưa bao giờ thích nhạc hiện đại.’

‘Chẳng lẽ nó khủng khiếp lắm à? Anh không nghĩ là chính anh mới thế hay sao?’ cô còn định nói tiếp, ‘đáng ra,’ nhưng lại bỏ lửng, thấy là mình nói vậy cũng đủ rồi.

‘Tôi hẳn sẽ thích nhạc hiện đại, nếu tôi có thể, tôi đã cố cả đời để thích nó, nhưng càng thêm tuổi tôi càng thấy khó hợp với nó.’

‘Xin hỏi, anh nghĩ nhạc hiện đại bắt nguồn từ đâu’

‘Từ Sebastian Bach.’

‘Và anh không thích Beethoven à?’

‘Không, lúc còn trẻ tôi từng nghĩ là tôi thích ông ấy, nhưng bây giờ tôi biết mình chưa bao giờ thực sự thích Beethoven cả.’

‘À! Làm sao anh có thể nói vậy được chứ? Anh không thể hiểu nổi ông ấy, anh sẽ chẳng nói như thế nếu hiểu được ông. Đối với tôi chỉ cần có một bản nhạc của Beethoven là đã quá đủ. Chỉ cần như thế là tôi thấy hạnh phúc rồi.’

Ernest rất thích cái tính mạnh mẽ vốn được truyền từ cha của cô, mà cô càng lớn tuổi thì sự giống nhau di truyền này càng mạnh hơn nữa và thể hiện ra cả nơi giọng điệu nói chuyện của cô. Nó vẫn còn nhớ lời tôi kể về ván cờ tôi từng chơi với ông tiến sỹ, và giờ đây nó tưởng như đang nghe cô Skinner nói với một giọng nghe sao mà giống hệt như lời mộ chí vậy:

‘Xin phép

Có lẽ tôi sẽ lấy ngay một bản nhạc của Beethoven hay một nốt móc đôi

Từ một trong những Bài không tên của Mendelssohn’

Sau bữa ăn trưa, khi chỉ còn nó ngồi tiếp chuyện khoảng nửa giờ với tiến sỹ, Ernest đã dùng những lời tán dương hết mực khiến ông vô cùng hài lòng và khoái trá. Ông bật dậy và gật gù. ‘Những lời này,’ ông nói, với giọng điệu riêng của mình, ‘rất có giá trị với ta.’ Ernest đáp lại ngay, ‘Thưa thầy, đó chỉ là một phần nhỏ thôi trong vô vàn tình cảm mà những học sinh cũ dành cho thầy,’ và cả hai nhảy lên vui vẻ với nhau ở cuối dãy bàn ăn phía trước cánh cửa sổ màu hồng nhìn ra khu vườn nhỏ trơ trụi. Lúc này cũng đã đến giờ Ernest phải ra về, rồi vài ngày sau, tiến sỹ viết thư bảo nó rằng những nhà phê bình của nó là một σκληροι και αντιτυποι, và cũng là một ανεκπληκτοι. Ernest còn nhớ được từ σκληροι, và cũng biết những chữ còn lại có lẽ có nghĩa là tự nhiên, nên nó thấy không có gì phải thắc mắc thêm. Khoảng một hai tháng sau, tiến sỹ Skinner cũng về trời.

‘Ông ta là một ông già ngớ ngẩn, Ernest ạ,’ tôi bảo nó, ‘và con không nên động lòng vì người như thế.’

‘Con không thể cầm lòng được,’ nó đáp lại, ‘ông ấy quá già nên con thấy giống như mình đang chơi với một đứa trẻ vậy.’

Đôi khi Ernest giống hệt như những người suy nghĩ tích cực, và bắt mình làm việc quá sức, rồi lúc mệt nhoài có vài lần nó gặp thấy tiến sỹ Skinner và Theobald trách móc mắng nhiếc nó trong mơ, nhưng ngoài điều này ra thì hai người này chẳng còn làm phiền gì nó được nữa.

Đối với tôi, Ernest hệt như một đứa con trai, và thậm chí còn hơn nữa. Đôi khi, ví dụ như lúc nói chuyện về những quyển sách của nó, tôi hơi lo rằng tôi đã cư xử với nó quá giống một người cha, và như thế là hơi quá so với vai trò của mình, nhưng nếu có như vậy thì tôi tin là nó sẽ bỏ quá cho tôi. Những quyển sách của nó là thứ duy nhất mà hai chúng tôi không đồng thuận với nhau. Tôi muốn nó viết giống như những người khác, và đừng xúc phạm quá nhiều độc giả, nhưng nó bảo rằng văn phong cũng hệt như màu tóc của nó, không thể đổi được, và nó phải viết như thế hoặc chẳng viết gì cả.

Với toàn thể cộng đồng, nó không được ưa thích cho lắm. Người ta thừa nhận nó có tài năng nhưng lại thường xem đó là một dạng tài năng lạ thường không thiết thực, và dù nó có viết nghiêm túc đến thế nào đi nữa, vẫn cứ bị xem là đang nói đùa mà thôi. Quyển sách đầu tiên của nó đã thành công nhờ những nguyên do mà tôi đã nói ở trên, nhưng những quyển sau lại hoàn toàn thất bại. Nó là một trong số những kẻ mang vận rủi, cứ mỗi quyển sách trình làng, ngay lập tức bị các nhà phê bình châm chích và chế nhạo, nhưng lại trở thành một ‘tác phẩm tuyệt vời’ ngay khi một quyển sách khác xuất hiện và thay thế vào vị trí tội nghiệp của quyển sách trước.

Suốt cả đời nó chẳng bao giờ mời một nhà phê bình nào dùng bữa với mình. Tôi đã nói mãi với nó rằng làm vậy là rất dại dột, nhưng rồi tôi nhận thấy đây lại là những lời duy nhất từ miệng tôi có thể khiến nó nổi cơn tam bành.

‘Thứ có thể có giá trị với con là,’ nó nói, ‘liệu người ta có đọc sách của con hay không? Người ta có thể phải bận tâm đến chuyện thăng tiến danh vọng, nhưng con có quá nhiều tiền rồi nên chẳng cần thêm nữa, và nếu sách của con có gì đó thì dần dần nó sẽ tự bộc lộ ra. Con không biết và cũng chẳng bận tâm nhiều xem thử chúng hay dở thế nào. Liệu một người đúng mực sẽ nghĩ thế nào về tác phẩm của chính mình đây? Có một số người viết những tác phẩm ngu ngốc nằm trong số những kẻ mới cầm bút và những kẻ xoàng xĩnh hạng ba. Tại sao con lại phải phàn nàn vì bị xếp chung với hạng xoàng đó? Nếu một người hoàn toàn không tầm thường, thì hãy cứ mừng vì như vậy đi, ngoài ra, một ngày nào đó, những quyển sách sẽ phải tự thân khẳng định giá trị của chúng, và ngày đó đến càng sớm càng tốt.’

Tác giả: