Xác thịt về đâu – Samuel Butler

Ernest không hiểu nhiều về thế giới văn học như tôi, và tôi e rằng nó sẽ hơi kích động khi một mai thức dậy bỗng thấy mình nổi tiếng. Nó là con của Christina, và có lẽ những gì nó làm được cũng phần nào nhờ vào cái tính tự hào đôi khi quá độ được thừa kế từ mẹ nó. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, nó thấy ra được tất cả mọi chuyện của giới văn học này, và lặng lẽ quyết tâm viết một loạt sách mới, trong đó nó nhấn mạnh những điều mà chẳng ai dám nói cho dù họ có thể, hay không thể nói và cho dù có muốn nói ra bao nhiêu đi chăng nữa.

Nét văn của Ernest không được tốt lắm. Tôi có lần nói vui với nó rằng nó giống như người của thế kỷ trước, và cái nét văn đó sẽ chẳng làm được gì ngoài việc làm xấu đi những tập sách này.

Nó cười mà bảo rằng đúng ra nó phải giống một vài nhà văn hiện đại mà nó biết, với những tập sách quá nghèo nàn đến nỗi chẳng gì có thể kéo họ lên nổi ngoại trừ cái nét văn của họ.

Tôi nhớ ra là sau khi một trong những quyển này xuất bản tôi đã tình cờ gặp bà Jubb, người vốn lâu nay được nhận một khoản trợ cấp nhỏ hằng tuần từ Ernest. Hôm ấy, vì lý do gì đó, trong khoảng vài phút, chỉ còn lại bà và tôi trong phòng làm việc của Ernest. Tôi bảo bà ấy, ‘Cậu Pontifex vừa viết một quyển sách khác đó, bà Jubb à.’

‘Ôi lạy Chúa, mới đây à,’ bà kêu lên, ‘thực sự là vậy à? Đúng là một quý ông! Là sách về tình yêu à!’ Và bà già tội lỗi này ném cho tôi một ánh mắt đưa tình dưới hai hàng mi già cỗi. Tôi chẳng biết tôi có nói gì để khiến bà ta làm như vậy không nữa, mà có lẽ là không, nhưng bà ta cứ lao lên nhanh hết sức có thể rồi kể rằng Bell đã cho bà một vé xem opera, ‘Thì, tất nhiên là tôi đã đi. Tôi chẳng hiểu gì hết bởi người ta toàn nói tiếng Pháp, nhưng tôi thấy được chân họ rồi. Ôi ông thân mến, ông à! Tôi e là tôi sẽ chẳng còn ở đây được bao lâu nữa, và khi cậu Pontifex thấy tôi nằm trong quan tài, hẳn cậu ấy sẽ nói, ‘Bà Jubb tội nghiệp, bà chẳng còn được ba hoa tán chuyện nữa rồi,’ nhưng may phước, tôi vẫn chưa quá già, và tôi còn đang đi học nhảy nữa đấy.’ lúc này Ernest bước vào và cuộc nói chuyện được đổi sang chủ đề khác. Bà Jubb hỏi xem lúc hoàn thành quyển này rồi, nó còn dự định viết thêm nữa không. ‘Tất nhiên rồi,’ Ernest trả lời, ‘Tôi luôn luôn viết, đây là bản thảo cho quyển kế tiếp,’ và nó cho bà xem cả một chồng giấy.

‘Ôi thế là,’ bà ta kêu lên, ‘ôi thôi, đây đúng là bản thảo đấy à? Tôi thường nghe người ta nói về bản thảo, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ là mình sống được đến ngày tự mắt nhìn thấy nó một lần. Hay quá! Vậy đây là bản thảo thật chứ?’

Nơi cửa sổ phòng làm việc của Ernest có vài cây phong lữ và chúng trông không được vừa mắt cho lắm, Ernest hỏi bà Jubb xem bà có hiểu về hoa hay không. ‘Tôi hiểu ngôn ngữ loài hoa chứ,’ bà nói kèm theo ánh mắt đưa tình ớn lạnh, và đến đây thì chúng tôi tiễn bà đi, trước lúc ra về bà cố lấy lòng chúng tôi bằng cách xin lần khác sẽ đến thăm, và bà biết thế nào mình cũng sẽ được ưng thuận bởi Ernest thấy thích bà.

Chương 86

Và lúc này tôi buộc phải đưa câu chuyện của mình đến hồi kết.

Những chương trước được tôi viết ngay sau khi sự việc vừa xảy ra, nghĩa là vào mùa xuân năm 1867. Trong thời gian đó, tôi đã dần viết thêm câu chuyện câu chuyện của mình rồi, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải sửa đổi chỗ này chỗ khác. Còn bây giờ là mùa thu năm 1882, và nếu tôi không chóng hoàn tất quyển này, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ làm được điều đó nữa, bởi tôi đã tám mươi hai tuổi và dù sức khỏe vẫn tốt nhưng vẫn chẳng thể giấu đi sự thật rằng tôi đã già mất rồi. Bản thân Ernest cũng đã được bốn mươi bảy tuổi, dù trông nó có vẻ trẻ hơn nhiều.

Ernest đang giàu hơn bao giờ hết, bởi nó vẫn chẳng kết hôn và khối cổ phiếu London and North-Western của nó đã tăng lên gần gấp đôi. Do hoàn toàn không có năng lực để tái đầu tư khoản thu nhập của mình, nó đành phải tích lũy chúng. Kể từ lúc bỏ cửa hàng đến giờ, nó vẫn sống trong căn hộ ở khu Thánh Đường mà tôi đã chọn cho nó, bởi chẳng ai có thể khuyên được nó bỏ tiền mua một ngôi nhà cả. Nó bảo rằng nhà của mình là bất cứ nơi nào có một khách sạn tốt, vậy là tuyệt vời. Những lúc ở London, nó thích làm việc một cách kín tiếng. Còn khi rời thành phố, nó chẳng thấy luyến tiếc gì mấy, và nó không thích bị ràng buộc vào một nơi cố định. ‘Con chẳng có khái niệm về cái luật là mua sữa thì rẻ hơn nuôi một con bò.’ Nó bảo tôi vậy.

Trước đây tôi đã nói với các bạn về bà Jubb, bây giờ tôi nghĩ mình nên nói thêm chút ít còn lại nữa. Bây giờ bà ta đã rất già, nhưng như lời hãnh diện của bà, thì chẳng ai còn sống có thể nói được bà đã bao nhiêu tuổi rồi, bởi cái bà ở phố Old Kent đã chết và có lẽ đã mang theo xuống mồ bí mật này. Tuy nhiên, dù đã già, bà vẫn ở trong căn nhà cũ và vẫn phải chật vật xoay xở để sống, tôi không biết là bà phải vất vả với tiền bạc như vậy, nhưng dù gì như thế khiến cho bà chẳng có đủ tiền để uống rượu nhiều hơn mức cần thiết. Chẳng ích gì khi cố giúp bà ngoại trừ việc trợ cấp mỗi tuần và đừng bao giờ cho bà được ứng trước đồng nào hết. Ngày thứ bảy nào, bà ta cũng đem cái bàn là đi cầm lấy bốn xu, và đến sáng thứ hai lúc được nhận trợ cấp lại đi lấy về với giá bốn xu rưỡi, và cứ làm thế mãi suốt mười năm gần đây. Chúng tôi biết rằng, bao lâu bà vẫn chưa bán đứt cái bàn là, thì bà vẫn còn có thể giải quyết được vấn đề tiền bạc của mình theo cái cách vụng trộm đó, nên chúng tôi cứ để như vậy. Nếu đến lúc bà ta không thể chuộc lại nổi cái bàn là, chúng tôi mới bắt đầu can thiệp. Chẳng biết tại sao, nhưng có điều gì đó ở bà ta cứ luôn gợi cho tôi nhớ đến một người vốn chẳng có gì giống bà ta cả, ý tôi là Christina, mẹ của Ernest. Lần cuối cùng tôi ngồi buôn chuyện dài giờ với bà Jubb là cách đây hai năm trước, khi bà ta đến thăm tôi thay vì ghé nhà Ernest. Bà nói rằng bà gặp một chiếc xe ngựa đi ra ngay khi bà vừa đến cầu thang, và đã thấy cha của cậu Pontifex thò cái đầu xấu xí của ông ta ra khỏi cửa, nên bà phải đến tìm gặp tôi, bởi bà chẳng dễ gì chịu khó cúi chào cái loại người như ông ấy. Bà thú nhận là đang rất xui xẻo, các khách trọ đối xử với bà quá bạc, họ bỏ đi mà chẳng trả tiền trọ và cũng không để lại gì có giá, nhưng hôm nay bà lại đang thấy rất hạnh phúc. Bà đã được một bữa tối ngon miệng với món thịt heo nấu với đậu xanh. Bà đã khóc mừng vì món đó, nhưng rồi bà lại bắt đầu ngờ nghệch, mà với tuổi của bà thì đúng là phải vậy.

‘Và còn Bell nữa,’ bà ta tiếp tục, dù tôi chẳng thấy cả đống chuyện này có chút liên hệ gì với nhau, ‘ai ai cũng sẽ thấy thật đáng chán khi giờ này nó đang đến nhà nguyện, mẹ nó đang chuẩn bị đi gặp Chúa Giêsu và với tôi thế là hết, nhưng mà bà ta sẽ chẳng chết đâu, mỗi ngày bà ấy còn uống được nửa chai sâm banh, và còn Grigg với đống bài giảng của anh ta, ông biết đó, anh ta hỏi Bell xem tôi có thực sự trụy lạc hay không, mà không, tôi không như vậy, ngoại trừ lúc còn trẻ, lúc nào tôi cũng sẵn sàng ‘bay đêm’ ở Holborn, và nếu tôi có áo quần để diện và còn đủ răng thì thế nào tôi cũng sẽ làm thế ngay bây giờ. Tôi đã mất Watkins yêu dấu của mình rồi, nhưng tất nhiên không thể không mất được, rồi tôi còn mất Rose yêu quý nữa. Những tên bóng ngu ngốc đến và đi trên xe ngựa rồi lãnh lấy bệnh viêm phổi. Khi tôi hôn Rose yêu quý ở hành lang Pullen rồi cô ấy cho tôi miếng sườn, tôi chẳng bao giờ nghĩ là sẽ không bao giờ được gặp lại cô nữa, và các ông bạn của cô cũng mến cô nhiều như vậy, dù họ đã có vợ hết rồi. Tôi dám cá là giờ này cô ấy đang ngà ngà say đó. Nếu cô có thể gặp tôi lần nữa, và thấy những ngón tay xấu xí của tôi, thì thế nào cô ấy cũng sẽ khóc, và tôi sẽ bảo rằng, ‘Đừng có lo, con yêu, ta ổn mà.’ Ôi! Ông ơi, trời đang chuẩn bị mưa. Tôi ghét đêm thứ bảy ẩm ướt, các cô mang vớ trắng[43] tội nghiệp còn phải kiếm ăn nữa mà,’… v.v.

Người ta bảo đáng ra tuổi tác phải bào mòn bà già tội lỗi vô thần này, nhưng không phải vậy. Dù bà ta đã sống thế nào đi nữa, thì đúng là bà đã sống rất hợp với nó. Nhiều lần bà bắt chúng tôi phải hiểu rằng bà còn rất hấp dẫn với đàn ông, rồi những lúc sau lại nói bằng giọng điệu hơi khác đi một chút. Bà không cho phép bất kỳ ai kể cả Joe King được phép chạm vào môi bà suốt mười năm qua. Và ngày nào bà cũng phải ăn một miếng sườn cừu. ‘À, nhưng mà, đáng ra ông phải được thấy thời xuân sắc lúc tôi mới mười bảy tuổi. Tôi giống hệt người mẹ tội nghiệp của tôi, bà ấy rất đẹp, dù tôi không nên nói như thế. Bà có làn môi và hàm răng rất đẹp. Thật là tội lỗi khi đem chôn chung hàm răng đó với bà.’

Tôi chỉ biết có một điều, mà theo bà tự nhận, có thể khiến cho bà thấy choáng. Đó là việc con trai bà Tom và vợ nó Topsy đang dạy cho con cái chửi thề. ‘Ôi, thật kinh khủng, bực mình quá đáng,’ bà kêu lên, ‘dù chẳng rõ nghĩa nhưng tôi đã bảo nó là một con sâu ngu vì rượu.’ Tôi tin là ngược với lời vừa nói, thực sự bà ta rất thích cái việc dạy chửi thề này.

Tác giả: