Xác thịt về đâu – Samuel Butler

Chương 9

Ông Allaby là mục sư Crampsford, một ngôi làng cách Cambridge vài dặm. Ông cũng có được một tấm bằng khá, và được Giáo hội thu nhận, rồi có được khoản thu nhập 400 bảng một năm cùng một ngôi nhà, còn thu nhập riêng của ông không đến 200 bảng một năm. Ông đã cưới một phụ nữ trẻ hơn mình nhiều và sinh được mười một người con, bây giờ còn lại chín người, hai nam bảy nữ. Hai người con gái lớn của ông đã có gia đình yên ổn, nhưng lúc này vẫn còn năm người con gái chưa thành thân, tuổi đời từ ba mươi đến hai mươi hai, và thêm hai người con trai vẫn còn sống nhờ vào ông. Rõ ràng là nếu có chuyện gì xảy ra cho ông Allaby, gia đình ông sẽ rơi vào cảnh nghèo khó, và điều này hẳn nhiên khiến ông bà Allaby lo lắng phiền lòng vô cùng.

Các bạn đọc của tôi, có bao giờ các bạn rơi vào cảnh thu nhập cao nhất cũng chẳng nhiều nhặn gì cho lắm, và nếu bạn mất thì nó cũng tiêu tan, chỉ còn lại 200 bảng một năm mà thôi, hay không? Có bao giờ bạn vừa có hai người con trai phải khởi nghiệp cùng năm người con gái vẫn chưa thành thân, và thật sự cũng khó kiếm chồng cho chúng, hay không? Nếu sống hợp đạo nói chung cho người ta được an bình lúc xế chiều, thì thành thật mà nói, liệu ở trong những hoàn cảnh như trên, bạn có hy vọng hão rằng mình đã có một đời sống hợp đạo hay không?

Và cho dù bạn có một người vợ tốt, chẳng khiến bạn phiền lòng, và cũng không bệnh tật để làm bạn phải đổ bệnh theo; và dù gia đình bạn có mạnh mẽ, tử tế, và có phúc như người ta thường nói, thì bạn có chắc là mình có một đời sống hợp đạo hay không? Tôi biết nhiều người lớn tuổi có tiếng là đạo đức, nhưng lại sống với những người bạn đời mà họ đã hết yêu từ lâu, hay có những đứa con gái ở giá xấu xí gắt gỏng chẳng bao giờ có chồng, những đứa con gái mà họ khinh ghét và cũng khinh ghét họ trong lòng, hoặc có những đứa con trai ngu ngốc hay hoang phí, liên tục gây phiền phức cho họ. Liệu một người có những điều như thế có được kể là sống hợp đạo không? Như những gì ông già Pecksniff Bacon[7] đã làm được cho khoa học, thì cũng cần phải có một ai đó làm điều tương tự cho đạo đức chứ.

Nhưng chúng ta hãy trở lại với ông bà Allaby. Bà Allaby nói về đám cưới của hai cô con gái đầu như là một chuyện dễ dàng chưa từng có. Bà nói vậy bởi bà nghe những bà mẹ khác cũng nói như vậy, nhưng tự thâm tâm mình, bà chẳng biết làm thế nào mình lại làm được vậy, mà thật sự đó cũng chẳng phải là việc do tay bà. Trước hết, phải tìm được một chàng trai chịu kết giao với những đứa con gái mà bà đã cố gắng tập cho chúng những kỹ thuật nhất định, những thứ bà tưởng tượng ra hết lần này đến lần khác, nhưng lại hoàn toàn không thể áp dụng vào thực tế. Rồi tiếp theo là những tuần lễ xen lẫn hy vọng và e sợ, cùng đôi chút mưu mẹo thường được tính toán rất cẩn thận, và đến cuối cùng, chàng trai trẻ si tình phải quỳ gối cầu hôn con gái họ. Đối với bà, dường như đó là một điều quá may mắn, và thật khó hoặc chẳng bao giờ lặp lại lần nữa. Thật ra bà đã lặp lại được phép màu này thêm một lần, và có lẽ cũng nhờ vào vận may, nhưng năm lần sau đều thất bại! Thật tồi tệ: tại sao bà lại sinh ra đến bảy đứa con gái, mà không phải là ba đứa, để giờ đây cùng lắm bà chỉ phải đau khổ bởi một đứa chưa chồng mà thôi.

Dù gì đi nữa thì cũng phải kiếm chồng cho chúng, và bà Allaby tội nghiệp luôn luôn nhìn những chàng trai trẻ như thể họ là những con rể tương lai của mình vậy. Các ông cha bà mẹ thường hỏi những cậu trai rằng tình ý các cậu dành cho con gái họ liệu có đáng tin được không. Tôi nghĩ rằng có những lúc các cậu trai sẽ hỏi những ông cha bà mẹ đó rằng nếu họ đồng ý ghé thăm những gia đình còn nhiều cô gái chưa chồng thì thử hỏi xem tình ý của họ có đáng tin nữa hay không.

Ông Allaby nói với vợ mình khi cả hai bàn về kế hoạch sắp tới. ‘Tôi không đủ tiền để mời thêm một phụ tá giúp việc giáo xứ. Sẽ thoải mái hơn nếu có một người trẻ đến giúp tôi vài giờ trong ngày Chủ nhật. Tôi sẽ trả một đồng guinea mỗi ngày Chủ nhật, và chúng ta có thể tiếp tục chọn lựa cho đến khi có được người thích hợp.’ Ông Allaby chắc chắn đã không còn sung sức nữa, và ông cần một ai đó giúp mình trong các tác vụ ngày Chủ nhật.

Bà Allaby có một người bạn lớn, là bà Cowey, vợ của Giáo sư Cowey lừng danh. Bà ta là một người thật sự rộng rãi, hơi đẫy đà, có ria mép mờ, và quan hệ rộng với các sinh viên, đặc biệt là với những người thích tham gia vào các phong trào Phúc âm đang nở rộ. Mỗi hai tuần, bà tổ chức một buổi tiệc tối, và một phần buổi tối đó được dành để cầu nguyện. Bà không chỉ là một người rộng rãi sẵn lòng giúp đỡ người khác, mà theo như những gì bà Allaby thường nói, thì bà ta còn là một người phụ nữ hoàn hảo, và mang trong mình sự mạnh mẽ của một người đàn ông. Bà có hai người con gái, nhưng bà thường than thở với bà Allaby rằng mình không được tốt số bằng, bởi từng đứa một đã theo chồng và để tuổi già của bà thực sự sẽ sống trong cô đơn nếu như không còn ông Giáo sư ở bên nữa.

Tất nhiên, bà Cowey biết được xu thế của tất cả giáo sỹ chưa vợ trong Đại học, và cũng chính bà sẽ giúp tìm một người đủ tư cách phụ tá cho chồng bà Allaby. Nên vào một buổi sáng tháng mười một năm 1825, theo sắp xếp trước, bà Allaby đến dùng bữa nhẹ với bà Cowey và nán lại ở đó cả buổi chiều. Sau khi dùng bữa, hai người cùng nghỉ với nhau, và lúc đó chuyện của hai bà mới thực sự bắt đầu. Họ bàn về việc cả hai đã tranh luận thế nào, họ nhận xét nhau thế nào, điều gì họ không muốn người kia làm, rồi họ bàn đến những chuyện nhăng nhít nhỏ nhặt như người phó tế này nọ có xứng đáng không, rồi khi đã thấy là xứng đáng, họ lại bàn đến những chuyện tốt xấu của người đó, tất cả những chuyện này tôi xin phép để tùy theo trí tưởng tượng của các bạn. Bà Cowey đã quen với việc tự xác định với mình rằng bà nên chỉ ra đường đi lối bước cho người ta hơn là để mặc họ. Nhiều bà mẹ tìm đến bà lúc cần kíp, và bởi họ cũng là những người rộng rãi, nên bà Cowey luôn luôn cố hết sức để giúp họ; nếu như cuộc hôn nhân của một Cử nhân Nghệ thuật không phải do Chúa, thì nó cũng hoàn toàn có thể, hay cao nhất có thể, là do bởi tay bà. Và lúc này đây, hai bà đang bàn thấu đáo về những phó tế đầy tiềm năng ở trường Đại học, rồi bà Cowey kết luận rằng anh bạn Theobald của chúng ta là người tốt nhất bà có thể tìm được.

‘Tôi không cho rằng đó là một cậu trai đặc biệt hấp dẫn, và cậu chỉ là con thứ, nhưng rồi cậu ta sẽ được chọn làm mục sư, và tôi thấy là con của chủ nhà xuất bản Pontifex, dù chỉ là con thứ, cũng sẽ mang lại được nhiều điều tốt đẹp.’

Bà Allaby mãn nguyện reo lên, ‘Tại sao lại không chứ, bà bạn của tôi, đây chính là điều tôi cần đó.’

Chương 10

Mọi cuộc vui đều có giờ tàn, ngày đã hết, và bà Allaby còn sáu dặm đường phải đi về nhà ở Crampsford. Khi bà quấn khăn ngồi vào xe, James, người quản gia nhà Allaby không thấy biến đổi nào lạ thường trên khuôn mặt bà, và suốt đoạn đường về cũng chẳng nhận ra gì nhiều những viễn cảnh tươi đẹp mà bà chủ của ông đang họa nên trong đầu.

Giáo sư Cowey có xuất bản một vài tác phẩm ở nhà xuất bản của cha Theobald, do đó bà Cowey đã dìu dắt anh từ những bước đầu tại trường Đại học. Bà đã dõi theo anh và gần như xem mình có trách nhiệm phải tìm cho anh một người vợ, giống như kiểu bà Allaby cố gắng kiếm chồng cho con gái mình vậy. Lúc này, bà đã viết thư mời anh đến gặp bà nếu anh thấy hứng thú. Khi anh đến, bà bắt đầu đề cập đến tình hình sức khỏe của ông Allaby, và trông bộ dạng nhiệt tình của bà cứ như thể chính bà phải chịu trách nhiệm giải quyết những khó khăn này vậy. Cuối cùng, hai người quyết định rằng Theobald sẽ đến Crampsford trong sáu ngày chủ nhật liên tục, và sẽ làm phân nửa công việc của ông Allaby với tiền công là nửa guinea một ngày, do bà Cowey đã hạ thấp mức thù lao thông thường một cách không thương tiếc còn Theobald lại không đủ cứng rắn để thương lượng.

Theobald chẳng hay biết gì về những toan tính được chuẩn bị sẵn để giăng bẫy tâm hồn đơn giản của anh, mà cũng không nghĩ gì ngoài việc kiếm được ba đồng guinea, và có lẽ là thêm việc gây ấn tượng cho dân chúng Crampsford bằng kiến thức học viện của mình. Sáng sớm ngày Chủ nhật, chỉ vài tuần sau khi được phong chức, Theobald rảo bộ tiến về nhà xứ Crampsford để nhận việc. Bài giảng hôm đó khiến anh vất vả rất nhiều. Đó là bài giảng về địa chất học, một vấn đề thần học nhức nhối hàng đầu. Anh chỉ ra rằng nếu như địa chất học chẳng chứng minh được gì – và anh là người quá rộng rãi, không thành kiến để trở nên khinh miệt ngành đó – thì như thế là chứng thực cho yếu tố lịch sử tuyệt đối rõ ràng trong trình thuật Sáng tạo mà Moses đã viết trong sách Sáng Thế, và bất cứ giả thiết nào thoạt qua đối lập với quan điểm này đều là giả thiết đầy thiên kiến và không đáng nghiên cứu. Thật là một bài giảng tuyệt vời, khi Theobald trở về nhà xứ để dùng bữa, ông Allaby khen ngợi anh hết lời vì khởi đầu hoàn hảo của anh, còn các cô con gái của ông chẳng tìm ra lời nào để thể hiện hết sự ngưỡng mộ dành cho anh.

Theobald chẳng biết gì về phụ nữ. Những phụ nữ duy nhất anh gần gũi là các chị em của anh mà hai trong số đó lại luôn khiển trách anh, ngoài ra chỉ còn thêm một vài người bạn học ở Elmhurst nữa mà thôi. Những cô gái này hoặc quá nhút nhát nên Theobald chưa bao giờ hòa hợp với họ, hoặc có thể quá khôn ngoan và nói những lời quá cao sang đối với anh. Theobald không nói những lời cao sang và cũng chẳng muốn người ta dùng những lời như vậy. Ngoài ra, họ thường nói chuyện về âm nhạc, anh ghét âm nhạc, về hội họa, anh ghét hội họa, về sách vở, mà ngoài thể loại cổ điển ra, còn lại anh ghét sách vở luôn thể. Rồi đôi khi anh muốn khiêu vũ với họ, nhưng lại chẳng biết cách, mà cũng chẳng muốn học khiêu vũ làm gì. Anh cũng đã được gặp và được người ta giới thiệu với nhiều quý cô ở những bữa tiệc của bà Cowey. Anh đã cố tỏ ra dễ chịu, nhưng lại luôn luôn có ấn tượng rằng mình đã không làm được như vậy. Các quý cô anh gặp ở nhà bà Cowey hoàn toàn không phải là những người hấp dẫn nhất trường Đại học, và có lẽ người ta cũng chấp nhận được nếu Theobald chẳng ưng ý phần nhiều trong số những cô đó, nếu anh thấy cảm một cô nào đó xinh xắn hơn và tốt tính hơn, thì gần như ngay lập tức đều bị những kẻ bạo dạn hơn hớt tay trên, và rồi anh tránh đi như một tên bất lực.

Tác giả: