Joey cũng chẳng thể xoa dịu những dằn vặt của Christina hơn gì Theobald, thực sự nó cũng chỉ là bản sao thứ cấp của anh mà thôi. Cuối cùng đến lượt Ernest, người vốn không thích can thiệp vào chuyện gì, phải ra tay. Và nó đến ngồi cạnh mẹ, để cô tuôn ra những đau khổ của mình với nó, mà chẳng cần phải khuyến khích hay ngăn cản gì.
Christina nói rằng cô biết mình chưa từ bỏ tất cả vì Chúa Kitô, và đó là điều đang đè nặng trong lòng cô. Cô đã từ bỏ rất nhiều, và cứ mỗi năm trôi qua, cô luôn cố để từ bỏ hơn nữa, nhưng đến bây giờ cô biết rất rõ rằng cô không có được sự hướng thượng đáng phải có. Nếu như cô có được mức độ như vậy thì hẳn cô đã được có những thị kiến trực tiếp với Chúa rồi, trong khi đó dù Chúa đã thương tình viếng thăm một cách trực tiếp và rõ mặt với một trong những đứa con yêu dấu của cô, nhưng lại chưa bao giờ cho cô được như thế, kể cả Theobald cũng vậy.
Những lời này vốn là cô tự nói với mình hơn là nhắm đến Ernest, nhưng chúng khiến nó tò mò. Nó muốn biết liệu thiên thần đã hiện ra với Joey hay Charlotte. Nó hỏi cô, nhưng cô lại có vẻ ngạc nhiên như thể cô cho là đáng ra nó phải biết hết mọi chuyện này, rồi cô nhớ lại, ‘À, đúng rồi, con chẳng biết gì về chuyện này, và có lẽ thế là tốt.’ Ernest tất nhiên không thể gây áp lực để bắt cô nói, nên chẳng bao giờ nó biết được ai trong số máu mủ của nó đã được mặt đối mặt với một thiên thần bất tử cả. Những người khác chẳng bao giờ nhắc gì về chuyện này với nói, có lẽ do họ xấu hổ hay do họ sợ nó sẽ không tin chuyện này và rồi sẽ phạm thượng hơn, nó cũng chẳng biết nữa.
Từ lúc đó, Ernest thường nghĩ về chuyện này. Nó cố để tìm hiểu chuyện từ Susan, người nó nghĩ chắc chắn sẽ biết, nhưng Charlotte đã ra tay trước nó mất rồi. ‘Không, cậu chủ Ernest à,’ Susan trả lời khi nó vừa chớm hỏi, ‘mẹ cậu đã nhờ cô Charlotte nhắn với tôi là tôi không được nói gì về chuyện đó, và tôi sẽ làm theo lời bà ấy.’ Tất nhiên đã như thế thì chẳng mong hỏi được gì thêm. Nhiều lần Ernest thấy rằng trong thực tế, niềm tin của Charlotte chẳng hơn gì nó, và điều này chỉ khiến tăng thêm những phỏng đoán của nó, nhưng khi nhớ lại cách con bé đã bỏ nhầm lá thư xin cộng đoàn Crampsford cầu nguyện, nó thấy có gì đó không đúng. ‘mình cho rằng,’ nó ão não tự nhủ, ‘xét đến cùng thì đúng là con bé có đức tin.’
Rồi Christina lại bắt đầu trở lại nói mãi về chuyện cô thiếu ý thức tâm linh, thậm chí cô còn lải nhải về chuyện cô từng thích ăn dồi lợn, thật sự là cô đã bỏ thói quen này nhiều năm về trước, nhưng suốt bao nhiêu năm ròng trước đó chẳng phải cô đã cố chấp ăn chúng mãi dù đã biết là không được phép đó hay sao. Xa hơn, cô còn than trách hoài về những lỗi phạm gì đó trước lúc cô kết hôn nữa.
Ernest ngắt lời cô, ‘mẹ yêu quý của con,’ nó nói, ‘mẹ đang yếu sức còn trí óc cũng đã suy nhược, bây giờ, những người khác có thể đánh giá về mẹ tốt hơn mẹ tự đánh giá nhiều. Con bảo đảm rằng, có lẽ đối với con, mẹ là người vợ và người mẹ biết từ bỏ nhất và tận tâm nhất trên đời này. Thậm chí nếu xét trên lý thuyết, mẹ đã không thực sự từ bỏ tất cả mọi sự vì Chúa Kitô, thì trong thực tế mẹ đã làm hết sức có thể rồi, và còn làm tốt hơn bất kỳ ai khác. Con tin rằng mẹ sẽ không chỉ là một vị thánh, mà còn là một vị thánh xuất chúng nữa.’
Christina mừng rỡ khi nghe những lời này. ‘Con đã cho mẹ hy vọng, con đã cho mẹ được hy vọng,’ cô kêu lên và thôi khóc lóc. Cô bắt Ernest phải cam đoan với cô hết lần này đến lần khác rằng nó trang trọng tin chắc những gì nó vừa nói, lúc này vấn đề cô quan tâm không phải là việc làm một vị thánh xuất chúng, chỉ cần được là kẻ nhỏ mọn nhất trong nước trời cũng đủ khiến cô thỏa mãn rồi, miễn sao đừng phải vào hỏa ngục khủng khiếp là được. Nỗi sợ hỏa ngục đó cứ bao trùm lấy cô, và dù Ernest có nói gì vẫn không hoàn toàn xua tan nó đi được. Tôi phải thừa nhận là cô thật vô ơn bởi sau hơn một giờ được Ernest an ủi, cô lại cầu nguyện cho nó được mọi ơn lành trong cuộc đời này, bởi cô luôn sợ rằng nó là người duy nhất trong gia đình sẽ chẳng được lên thiên đàng gặp mặt cô, nhưng lúc này trí óc cô vẩn vơ và gần như không ý thức được Ernest đang ở với mình, thực sự thì trí lực của cô đã trở lại nguyên trạng như trước lúc cô đổ bệnh rồi.
Vào ngày Chủ nhật, Ernest đến dự lễ nhà thờ, tất nhiên phải vậy rồi, và nó để ý thấy trong suốt thời gian nó vắng mặt, làn thoái triều của phái Phúc âm đã suy sụp và rút xuống xa hơn nữa. Như thường lệ, cha nó vẫn đến nhà thờ bằng lối băng qua vườn nhà và thêm một cánh đồng lúa. Lúc trước, anh vẫn thường đội chiếc mũ cao, mang áo choàng lễ và dải băng giáo sỹ, nhưng bây giờ, Ernest để ý thấy cha nó không còn đeo dải băng nữa và ôi trời, thật quá kinh ngạc, thay vì chiếc áo choàng lễ bây giờ cha nó mang một cái áo surplice. Toàn bộ phụng vụ cũng đã thay đổi, chẳng thể gọi nó là theo kiểu thượng phái, bởi Theobald dù thế nào đi nữa sẽ chẳng bao giờ chịu như vậy, nhưng dù gì thì cái vẻ lộn xộn nhếch nhác cũ, tôi có thể gọi như vậy, đã hoàn toàn biến mất. Dàn nhạc đệm đã bị dọn đi khi Ernest còn là một đứa trẻ, nhưng suốt nhiều năm sau khi đưa cây đàn phong cầm về, Theobald vẫn không cho người ta hát thánh ca. Khi Ernest còn học ở Cambridge, Charlotte và Christina đã thuyết phục được Theobald cho hát thánh ca trở lại, và thậm chí còn trở lại quá đỗi lỗi thời với nhạc của lord Mornington, Dr Dupuis và một số người khác. Theobald không thích như vậy, nhưng anh đã cho làm vậy, hoặc cho phép người ta làm như vậy.
Rồi Christina nói với anh, ‘anh yêu dấu, anh có biết không, em thực sự nghĩ là,’ (nghĩ bất kỳ cái gì Christina cũng luôn ‘thực sự’) ‘người ta rất thích hát thánh ca, và đó sẽ là cách để đưa nhiều người vốn lâu nay xa cách trở về với Giáo hội. Ngày hôm qua, em vừa nói chuyện này với bà Goodhew và bà cô Wright, và họ khá là đồng ý với em, họ luôn miệng nói rằng chúng ta nên hát câu ‘Vinh Danh Cha’ vào cuối mỗi Thánh vịnh thay vì chỉ đọc nó.’
Theobald có vẻ buồn, anh cảm thấy những lời hát như đang dâng lên và nuốt dần lấy anh, nhưng chẳng hiểu vì sao anh cũng lại thấy khao khát hơn là đối đầu với nó. Vậy nên anh cho mọi người từ đây trở đi được hát câu ‘Vinh Danh Cha’, dù anh không thích chuyện này.
‘Thực sự mà nói, mẹ yêu à,’ Charlotte nói khi cả hai đã thuyết phục được Theobald, ‘mẹ không nên gọi bài đó là ‘Vinh Danh Cha’ mà phải gọi là ‘Vinh danh’ thôi.’
‘Tất nhiên rồi, con yêu,’ và từ đó Christina chỉ dùng từ ‘Vinh danh’ để gọi kinh đó. Rồi cô nghĩ rằng Charlotte thật là một cô gái thông minh, và con bé phải được kết hôn với một giám mục trở lên mới xứng. Có lần Theobald đi nghỉ hè dài ngày bất thường, và anh chẳng tìm được ai để tạm đảm nhiệm xứ của mình ngoài một mục sư Thượng phái. Đây là một người có tiếng nói trong vùng, và làm chủ một gia sản riêng đáng kể, nhưng lại không được đề bạt. Vào độ hè, ông ta thường đến giúp các mục sư bạn khác, và nhờ vậy mà Theobald có thể đi xa được vài tuần. Tuy nhiên, lúc trở về, anh thấy không chỉ kinh Vinh Danh, mà toàn bộ các Thánh vịnh đều đã được hát thay vì đọc. Ngay khi Theobald vừa về, vị mục sự bạn thế giá, Christina và Charlotte đã dám đứng ra nhận chuyện này và cười trừ, ông mục sư kia vừa cười vừa huênh hoang, Christina vừa cười vừa dỗ ngọt Theobald, còn Charlotte thì dùng những lời tình cảm quá độ, hơn nữa, mọi chuyện cũng đã rồi, và chẳng thể hoàn lại được, nên bực tức cũng chẳng được ích gì, do vậy, từ đó các Thánh vịnh đều được hát lên, nhưng trong lòng Theobald chẳng chút thích thú mà thậm chí còn ghét cay ghét đắng chuyện này nữa.
Suốt thời gian anh vắng nhà, cái gì đã cho phép bà Goodhew và bà cô Wright hướng về phía Đông khi đọc kinh Tin cơ chứ? Theobald còn ghét việc này hơn cả chuyện hát thánh ca nữa. Khi anh rón rén mở miệng nói đôi chút về chuyện này trong buổi tối sau giờ lễ, Charlotte bảo, ‘Thực ra mà nói, cha phải gọi đó là ‘Kinh Tin kính’ chứ không phải ‘kinh Tin’’, và Theobald rùng mình bực bội, khịt mũi tỏ vẻ khinh thường, nhưng Charlotte vốn lỳ lợm giống các dì Jane và Eliza của nó, hơn nữa việc này cũng quá nhỏ nhặt, nên cuối cùng Theobald cười phá lên và cho qua. ‘Về phần Charlotte,’ Christina nghĩ, ‘mình tin là nó biết tất cả mọi thứ.’ rồi như vậy, bà Goodhew và bà cô Wright vẫn tiếp tục quay về phía đông khi đọc kinh Tin Kính, và dần dần những người khác cũng làm theo như thế, chẳng bao lâu số còn lại cũng đành làm theo họ, và cả Theobald cũng phải làm thế như thể từ đầu anh đã xem chuyện này là đúng đắn hợp lý vậy, nhưng dù gì anh vẫn không thích nó. Charlotte dần dần cố bắt anh đọc ‘alleluia’ thay vì ‘hallelujah’, nhưng như thế là đi quá xa, và Theobald nhất quyết không chịu, nên con bé sợ và thôi không dám nữa.
Rồi Christina, Charlotte và những người khác dần dần thay đổi hết mọi thứ, bây giờ một câu trong Thánh vịnh được hát hai lần, và giữa các Thánh vịnh họ đổi từ cung trưởng qua cung thứ và ngược lại, (mà tôi nghĩ các bạn đọc cũng như tôi sẽ chẳng thấy có lý gì để họ phải làm vậy cả), rồi họ hát thêm bài ‘Thánh ca xưa và nay,’ và như tôi đã nói, họ không cho Theobald mang dải băng yêu thích của anh nữa, rồi còn buộc anh phải giảng trong bộ áo surplice, và phải làm Bí tích Thánh Thể mỗi tháng một lần thay vì năm lần một năm như trước đây. Theobald chống đỡ trong vô vọng những tác động vô hình đang chống lại tất cả những gì quen thuộc với anh, và cũng là những gì định hình rõ nhất lập trường vốn có của anh. Chuyện này là gì, ra làm sao, anh chẳng rõ, và cũng chẳng biết chính xác phải làm gì, nhưng có một điều anh hoàn toàn nhận thức được là dù anh làm gì rồi chuyện này cũng sẽ xóa mòn anh, bởi nó quá mạnh và Christina cùng Charlotte hăng máu hơn anh nhiều, rồi cuối cùng đích đến của mọi chuyện này sẽ là gì ngoài đồng hóa với Roma chứ? Rồi còn việc trang trí lễ Phục sinh nữa! Trang trí lễ Giáng sinh thì hợp lý, nhưng trang trí cho cả lễ Phục sinh nữa ư! Thôi, thôi, không phải trong thời của anh.