Charlotte có ý rằng Ernest là điều gây phiền lòng nhất đối với Theobald, với nó, Joey và tất cả mọi người, và con bé cũng đã nói vài lời thể hiện điều này, thực sự thì nó không dám khăng khăng nói mãi chuyện này và đã nén lại, nhưng nó có cách của mình, và đúng là cách này có hiệu quả. Bên giường bệnh của mẹ, Ernest để ý thấy Charlotte thường bất ngờ khó chịu với nó bất cứ lúc nào bác sỹ hay y tá bảo rằng mẹ cô đã khá hơn. Khi cô viết thư gởi đến nhà ngoại ở Crampsford để nhờ cộng đoàn ở đó thêm lời cầu nguyện (cô chắc rằng mẹ cô muốn như vậy lắm, và mọi người ở Crampsford cũng sẽ hài lòng khi biết cô vẫn nhớ đến họ), cô cũng gởi thêm một lá thư nữa nhưng với chủ đề hơi khác một chút, rồi bỏ hai lá thư vào nhầm phong bì. Ernest đã nhận giúp đưa những lá thư này đến bưu điện làng, nó thật quá kinh suất khi làm vậy, rồi khi thư bị đưa đến nhầm chỗ, Charlotte ngay lập tức nhảy bổ vào Ernest, bảo nó quá sức ngớ ngẩn, và đổ hết mọi chuyện lên đầu nó.
Không chỉ Joey và Charlotte đã hoàn toàn trưởng thành, mà ngôi nhà và đồ vật, cũng thay đổi đôi chút kể từ lần cuối Ernest về đây. Đồ đạc và những trang trí trên mặt lò sưởi vẫn hệt như trong trí nhớ nó. Còn trong phòng khách, ngoài hai bức tranh của Carlo Dolci và Sassoferrato treo hai bên lò sưởi treo từ lâu, bây giờ ở ngay chính giữa có thêm bức tranh màu nước vẽ cảnh Lago Maggiore được Charlotte sao lại từ bản gốc mượn của thầy dạy vẽ. Một trong những gia nhân nói rằng đây hẳn là một bức tranh đẹp bởi ông chủ đã phải mua một cái khung mười shilling để treo nó mà. Giấy dán tường vẫn không đổi, vẫn những bông hoa hồng lừa bịp lũ ong, và cả nhà vẫn đến đây mỗi tối mỗi sáng để cầu nguyện xin cho được ‘thật lòng lương thiện và tận tâm.’
Chỉ có một bức vẽ bị bỏ đi, chính là bức chân dung của nó vốn từng được treo dưới chân dung cha nó và giữa hai em nó. Ernest để ý thấy điều này khi cùng dự giờ cầu nguyện, lúc cha nó đọc về con tàu Noah và cách người ta trát tàu bằng ốc sên thế nào, vốn là một trong những chủ đề ưa thích của nó lúc còn là một đứa trẻ. Tuy nhiên sáng hôm sau, nó lại thấy chân dung mình đã được treo lên, vẫn còn bám bụi và hơi sứt mẻ nơi góc khung, nhưng chắc chắn phải thế rồi. Tôi nghĩ là họ đã treo bức tranh lên lại khi biết Ernest của chúng ta đã trở nên giàu có đến mức nào.
Trong phòng ăn, phía trên lò sưởi vẫn còn treo bức tranh đám quạ đang cố đem thức ăn cho Elijah, khi nhìn bức vẽ này biết bao nhiêu chuyện cũ lại kéo về trong Ernest. Bên ngoài cửa sổ, vẫn có một luống hoa hệt như ngày trước, và nó chợt thấy mình đang chăm chăm nhìn về cánh cửa xanh phía cuối vườn để xem thử có phải trời đang mưa hay không, hệt như lúc còn là một đứa trẻ mới được vài tuổi vậy.
Sau khi dùng xong bữa tối sớm, lúc chỉ còn lại ba người đàn ông trong phòng, Joey, Ernest và cha chúng, Theobald đứng dậy bước ra trước lò sưởi, ngay dưới bức tranh Elijah và bắt đầu huýt điệu sáo lơ đãng cũ của mình. Anh chỉ có hai điệu, một là bài ‘Trong túp lều gần rừng của tôi,’ còn bài kia là Thánh khúc Giáng sinh, suốt cả đời, anh đã cố để huýt chúng cho thạo, nhưng bất thành, tiếng sáo của anh nghe như tiếng con chim sẻ đỏ vậy, anh huýt được nhưng không đúng nhạc, cứ mỗi ba nốt là anh lại nâng lên nửa cung như thể đang cố dựng dậy những tiền bối âm nhạc xa xưa, có lẽ là từ tận phong cách Lydia và Phrygia, mà cũng có thể là bất cứ kiểu nhạc nào cho phép anh huýt sáo sai gần hết bài nhưng vẫn đủ để người ta biết đó là bài gì. Theobald cứ đứng trước lò sưởi và nhẹ nhàng huýt đi huýt lại hai điệu quen này cho đến tận khi Ernest rời phòng. Mọi chuyện giờ đây, ở nơi này, cảnh vật vẫn như xưa nhưng lòng người đã khác, khiến Ernest gần như mất thăng bằng hoàn toàn.
Nó ra ngoài tản bộ về phía đầm nước sau nhà, và tự khuây khỏa mình bằng một hơi thuốc. Chẳng bao lâu sau, nó đã thấy mình đang đứng nơi cửa nhà của người xà ích, vốn đã kết hôn với một người hầu cũng trong nhà nó tên là Susan, người đã chăm cho nó từ lúc nó mới được năm hay sáu tuổi và rất thân với nó. Nó vào nhà ngồi trước lò sưởi, còn bà thì đi ủi đồ nơi chiếc bàn trước cửa sổ, và mùi vải nóng bốc lên cả căn bếp.
Christina ngăn không cho Susan đứng về phía Ernest. Nó biết rõ như thế, và đã không nhờ bà giúp đỡ gì, thậm chí cả về tinh thần cũng vậy. Nó đến gặp, là vì nó thích bà, và cũng bởi vì nó biết nói chuyện với bà sẽ cho nó biết nhiều điều mà nó chẳng thế kiếm được từ người nào khác.
‘Ôi, cậu chủ Ernest,’ Susan nói, ‘tại sao cậu không trở về khi cha mẹ tội nghiệp của cậu mong mỏi? Tôi chắc rằng mẹ cậu đã hàng trăm lần như một nói với tôi rằng muốn mọi chuyện được trở lại hệt như thời trước đây.’
Ernest cười thầm, và thấy có giải thích cho Susan vì sao nó cười cũng vô ích, nên nó chẳng nói gì.
‘Trong một hai ngày đầu, tôi tưởng như bà ấy chẳng bao giờ qua nổi, bà nói đó là án phạt dành cho bà về những gì bà đã từng làm và từng nói trong suốt những năm về trước, trước cả khi gặp cha cậu, và nếu tôi không ngăn lại thì chẳng biết bà ấy còn nói thêm gì nữa, bà giống như người mất hồn vậy, và bảo rằng sẽ chẳng một ai lân cận còn được nói chuyện với bà nữa. Rồi ngày hôm sau, có bà Bushby đến thăm (chính là bà Cowey), mẹ cậu luôn quý bà ấy, và dường như cuộc gặp này đã tăng sức cho bà, bởi hôm sau bà đã bán hết áo quần của mình, mà chúng tôi cứ tưởng là bà đem chúng đi sửa lại, rồi người ta từ xa hàng dặm cũng đều đến thăm bà, và bà nói là mình đã phải băng qua dòng sông đau khổ, nhưng
Chúa đã biến mọi chuyện thành tốt lành cho bà.’
‘Ôi, đúng vậy, Susan ạ,’ bà chủ nói với tôi, ‘chắc chắn như vậy. Những ai được Chúa thương, Người sẽ uốn nắn họ, Susan ạ,’ và rồi bà ấy lại bắt đầu khóc. ‘Còn về con tôi,’ bà chủ tiếp tục nói, ‘hoàn cảnh đó tự nó tạo ra, nó phải nhận lấy, khi nó ra khỏi tù cha nó sẽ biết phải làm gì tốt nhất, và cậu chủ Ernest phải thấy biết ơn khi có được một người cha quá tử tế và cũng đã phải chịu đựng quá nhiều như vậy.’ rồi việc cậu không chịu gặp họ đã khiến mẹ cậu đau khổ khủng khiếp. Cha cậu thì chẳng nói gì cả, cậu biết là cha cậu không bao giờ nói nhiều trừ khi cực kỳ nổi nóng mà thôi, nhưng mẹ cậu cứ dằn vặt suốt mấy ngày, và tôi cũng chưa bao giờ thấy ông chủ ảm đạm đến vậy, nhưng nhờ Chúa, sau vài ngày nó cũng qua, và tôi đã chẳng thấy được là cha và mẹ cậu đã đổi khác đi nhiều từ dạo đó, cho đến tận khi mẹ cậu đổ bệnh tôi mới hay.’
Đêm hôm đó, lúc về nhà Ernest tham dự giờ kinh rất nghiêm túc, và sáng hôm sau cũng vậy. Cha nó đọc bài về di nguyện của David truyền cho Salonmon về việc phải xử thế nào với Simey, nhưng nó chẳng chú ý lắng nghe làm gì. Nhưng rồi suốt ngày hôm đó, nó đã bị làm mếch lòng nhiều lần nên đến tối lại thấy thật khó chịu bức bối. Nó quỳ sát Charlotte và đáp những lời kinh một cách chiếu lệ, dù không qua loa quá mức để con bé khỏi nghĩ là nó cố ý làm thế, nhưng cũng đủ để khiến nó không chắc Ernest có ác ý gì khi làm vậy hay không, và đến khi, như thường lệ, buộc phải cầu nguyện xin được ơn thật lòng lương thiện và tận tâm, nó cố ý nhấn mạnh chữ ‘thật lòng.’ Tôi không biết liệu Charlotte có để ý gì hay không, nhưng kể từ hôm đó, con bé đều giữ một khoảng cách với nó khi quỳ cầu nguyện. Ernest cam đoan với tôi đó là điều hằn học duy nhất nó làm trong suốt thời gian ở lại Battersby. Lúc đi lên phòng mình, vốn đã được nhóm lửa lò sưởi để nó vừa lòng, Ernest chú ý đến điều mà nó đã nhận thấy ngay khi vừa về đến nhà, đó là có một tấm bảng chữ vàng được đóng khung và treo trên giường nó với dòng chữ ‘Ngày dài hay ngày chán nản, cuối cùng cũng xong khi tiếng chuông nguyện buổi chiều vang lên.’ Nó tự hỏi những người như nhà nó sao có thể để một tấm bảng như thế này trong phòng dành cho khách được cơ chứ, nhưng nó cho qua việc này và nghĩ: ‘Giữa ‘chán nản’ và ‘dài’ không đủ khác nghĩa để dùng từ ‘hay’ nhưng mình cho là cũng được, không sao.’ Tôi tin là Christina đã mua tấm bảng này ở buổi bán hàng từ thiện để quyên góp xây một nhà thờ nào gần đó, và đã mua thì phải dùng, ý nghĩa câu đó quá đánh động và tấm bảng thực sự rất đẹp nữa. Nhưng dù thế nào đi nữa, chẳng có gì mỉa mai hơn khi đặt nó trong phòng ngủ của Ernest, dù chắc chắn chẳng ai chủ tâm sắp xếp như vậy.
Đến hôm sau, ngày thứ ba Ernest về nhà, bệnh tình Christina lại tái phát. Suốt hai ngày vừa qua, cô không đau đớn gì và ngủ rất ngon, sự hiện diện của đứa con trai đầu dường như đã nâng đỡ cô, và cô thường nói mãi rằng mình thật có phúc khi trong giờ chết được bao quanh bởi một gia đình quá hạnh phúc, quá kính sợ Thiên Chúa, và quá gắn bó, nhưng lúc này cô bắt đầu nghĩ vẩn vơ và cảm nhận rõ hơn cái chết đang đến dần, và dường như đối với cô, nó đang gióng lên một hồi chuông báo động hơn cả ngày Tận thế nữa.
Nhiều lần cô đánh liều trở lại vấn đề tội lỗi của mình, và nài xin Theobald bảo đảm chút gì đó rằng cô sẽ được tha tội. Cô ám chỉ rằng danh tiếng mục sư của anh đang xuống thấp, và như thế anh chẳng thể bảo đảm cho vợ mình sẽ được lên Thiên Đàng. Điều này đã đánh đúng điểm kích động, khiến anh rụt lại và đáp lời với cái hất hàm rõ ràng là do mất kiên nhẫn, ‘Nhưng, Christina, em được tha tội,’ và rồi dứt khoát tránh nói chuyện tiếp khi dùng đến một thứ rất nghiêm trang là đọc kinh lạy Cha. Lúc đọc xong, anh rời khỏi phòng và gọi Ernest lại bảo rằng anh không thể mong Christina sẽ trụ thêm lâu hơn nữa đâu.