Nó cứ đem hết bài này đến bài khác, tìm đủ chủ bút này đến chủ bút kia. Có vài lần, người chủ bút chịu lắng nghe và bảo nó để các bài viết lại đó, nhưng cuối cùng nó gần luôn nhận được một lá thư ngắn lịch sự báo rằng những bài viết của nó không phù hợp với tờ báo của họ. Nhưng rất nhiều bài báo trong số này lại được nằm trong những tác phẩm về sau của nó, và chẳng ai chê trách gì được chúng, ít nhất là về giá trị văn học. ‘Con thấy,’ một ngày nọ, nó nói với tôi, ‘người ta đặt ra những yêu cầu quá cao, và phải oằn lưng mới đáp ứng nổi.’
Thực sự có một lần, chủ bút của một tờ nguyệt san có tiếng đã nhận những bài viết của nó, và nó nghĩ là bây giờ nó đã được đặt chân vào thế giới văn chương. Bài viết đó hẳn phải được in ngay trong số tới, và nhà in thế nào cũng sẽ gởi bản in thử đến cho nó trong vòng mười ngày hoặc hai tuần, nhưng nó cứ chờ hết tuần này đến tuần khác mà chẳng thấy ai gởi gì đến cả, và rồi tháng này qua tháng nọ, bài báo của nó vẫn chưa được lên khuôn, sau tận sáu tháng sau, một sáng nọ, chủ bút mới bảo rằng ông đã duyệt hết những bài cho mười tháng tới, và chắc chắn sẽ có bài của Ernest. Ông còn nhấn mạnh là sẽ gởi tờ tạp chí này đến cho nó.
Có đôi lần những bài của nó cũng được đăng báo, nhưng đã bị người chủ bút sửa lại theo ý thích của mình, thêm vào những câu nói đùa nếu thấy buồn cười, hoặc bỏ đi đúng cái đoạn mà Ernest xem là điểm nhấn của toàn bài. Và dù bài đã đăng, nhưng trả tiền nhuận bút lại là một chuyện khác, mà từ trước đến giờ nó chưa từng nhận được đồng nào. ‘Các chủ bút,’ nó nói với tôi, vào khoảng thời gian chán nản này, ‘hệt như những con buôn được viết trong sách Khải huyền vậy, chẳng một ai lại không in dấu của ác thú trên mình.’
Cuối cùng sau vài tháng thất vọng và nhiều giờ chán ngắt lãng phí thời gian nơi phòng chờ (mà với tôi tất cả mọi phòng chờ chủ bút đều là thứ chán nản nhất), nó nhận được một lời mời thực sự từ một trong những tờ nhật báo cao cấp nhất, và cũng là nhờ tôi kiếm được lời giới thiệu của một người có ảnh hưởng lớn với tờ báo đó. Chủ bút gởi cho nó cả chục quyển sách dài về rất nhiều chủ đề khó, bảo nó viết lại chúng thành một bài trong vòng một tuần lễ. Một trong những quyển này có bài xã luận viết về những gì số mệnh người cầm bút phải nhận. Ernest đặc biệt ái mộ quyển sách mà người ta muốn nó phê phán, và thấy mình hoàn toàn không thể công tâm với những quyển sách mà người ta đã giao, nên nó đã gởi hết chúng lại cho chủ bút.
Cuối cùng, cũng có một tờ báo đã nhận hơn mười bài viết của nó, và trả hai đồng guinea cho mỗi bài, nhưng chỉ thanh toán hết toàn bộ trong vòng hai tuần lễ sau khi bài cuối cùng đã đăng xong. Rõ ràng việc này cho thấy có vẻ như các chủ bút khác đều biết cách kiếm lời hơn thế khi nhận bài từ đứa con đỡ đầu tội nghiệp của tôi.
Tôi không tiếc khi thấy Ernest thất bại với thể loại văn chương báo chí đó, bởi viết bài phê bình hay tin tức sẽ chỉ làm mòn đi ngòi bút của những người vốn khao khát viết nên những tác phẩm về những gì trường tồn hơn. Một ngòi bút trẻ nên dành nhiều thời gian để suy tư hơn là làm người cộng tác cho một nhật báo hay thậm chí là tuần báo. Tuy thế, Ernest quá chán nản khi thấy mình chẳng có mấy giá trị với người ta. ‘Tại sao,’ nó nói với tôi, ‘Nếu con là một con ngựa nòi, một con cừu giống, một con chim câu thuần chủng hay một con thỏ tai dài, thì có lẽ con sẽ dễ được người ta chọn mua hơn. Nếu thậm chí con là một nhà thờ lớn ở một thành phố thuộc địa người ta cũng sẽ cho con thứ gì đó, nhưng như thế này đây, chẳng ai cần đến con cả.’ Bây giờ, khi đã khỏe lại và được nghỉ ngơi một thời gian rồi, nó muốn mở cửa hàng trở lại, nhưng tất nhiên là tôi không bao giờ đồng ý.
‘Con không thèm,’ một ngày nọ, nó nói thẳng với tôi ‘quan tâm đến cái mà người ta gọi là một quý ông.’ Và nó nói với một giọng rất giận dữ.
‘Ngoại trừ việc khiến con mất đi dần khả năng kiếm ăn và càng dễ bị hao mòn hơn, thì làm một quý ông có thêm gì cho con chăng? Nó vẫn là một thứ lừa bịp con, chỉ khác kiểu mà tôi, chỉ có vậy. Nếu bố không tốt với con, thì con đã chẳng còn đồng nào nữa rồi. Cám ơn Chúa vì con đã để con cái con được ở đúng chỗ của chúng rồi.’
Tôi nài nó ở yên thêm một thời gian ngắn nữa thôi và đừng nhắc đến chuyện mở cửa hàng làm gì.
‘Chẳng lẽ làm một quý ông,’ nó nói, ‘cuối cùng sẽ cho con tiền ư, mà có điều gì có thể cho con được yên tâm hơn là có tiền đây? Người ta cứ nói rằng những người giàu khó vào được Thiên Đàng. Thế thật ư, họ vẫn vào đó, họ giống như những người Struldbrugs vậy, họ sống và sống và cứ sống mãi thật hạnh phúc trong nhiều năm dài nữa, chứ nếu họ nghèo thì họ đã phải vào Thiên Đàng sớm và mất đi khoảng thời gian hạnh phúc của mình rồi. Nếu con thấy con cái của con đáng phải được lớn lên một cách hạnh phúc hơn, thì con muốn được sống lâu và nuôi dạy chúng sao cho xứng đáng, đó là tất cả những gì con muốn, và con sẽ chẳng bao giờ làm được vậy nếu cứ ở không như thế này. Sống kiểu một quý ông là thứ quá xa hoa mà con không đủ tiền để tiếp tục, bởi vậy con mới không muốn sống như thế. Hãy để con về mở lại cửa hàng, và làm những gì người ta đặt rồi nhận tiền công họ trả cho con. Những người đó biết rõ mình muốn gì và biết điều gì tốt cho mình hơn những gì con có thể chỉ dạy cho họ.’
Nó nói thật hợp lý khiến tôi không thể bác bỏ, và nếu như thực sự nó chỉ sống nhờ mỗi ba trăm bảng hằng năm từ tôi thì đúng là tôi nên khuyên nó mở lại cửa hàng ngay, nhưng chuyện đâu phải chỉ đơn giản như vậy. Bởi thế, tôi cứ kiếm cớ này cớ kia để trì hoãn, và hết lần này đến lần khác phải cố hết sức để xoa dịu nó.
Mỗi khi Darwin ra quyển nào mới là Ernest mua ngay, và nó xem thuyết tiến hóa của ông như một vấn đề đức tin vậy. Nó từng bảo tôi rằng, ‘Con thấy dường như mình giống những con sâu bướm vậy, mỗi lần bị gián đoạn lúc làm kén thì đều phải bắt đầu lại từ đầu. Chỉ cần trở lại địa vị thấp trong xã hội là con lại ổn, và lại kiếm ra tiền, chỉ khác là không có Ellen mà thôi, còn khi con cố để làm điều gì đó với một vị thế xã hội cao hơn thì con đều thất bại hoàn toàn.’ Tôi không biết khi so sánh cuộc đời của nó như vậy có đúng không nữa, nhưng tôi chắc rằng bản năng của Ernest đã đúng khi mách bảo nó một khi đã hứng chịu thất bại nặng nề thì tốt hơn hết nên bắt đầu lại cuộc đời từ một vị thế rất thấp, và như tôi đã nói, nếu như không có những dự tính từ lâu về tiền đồ của nó, thì hẳn tôi đã cho nó về mở lại cửa hàng mất rồi.
Khi thời hạn được cô Alethea của nó ấn định đã đến gần, tôi càng chuẩn bị nhiều hơn cho nó để đón tiền đồ đang tới. Và cuối cùng, vào ngày sinh nhật thứ hai mươi tám của nó, tôi đã có thể kể cho nó nghe mọi chuyện và cho nó xem lá thư Alethea viết trong giờ hấp hối giao cho tôi giữ toàn bộ số tiền hộ nó. Ngày sinh nhật của nó trùng vào ngày Chủ nhật, nên ngay ngày hôm sau tôi chuyển giao toàn bộ cổ phiếu sang tên nó, và cũng giao luôn sổ sách tài khoản mà nó vốn quản lý suốt một năm rưỡi nay.
Dù đã được tôi chuẩn bị suốt thời gian qua, nhưng cũng phải mất một lúc lâu, tôi mới có thể khiến Ernest tin thật rằng toàn bộ gia tài đó là của nó. Nó không nói gì nhiều, cả tôi cũng vậy, bởi có lẽ tôi xúc động nhiều khi đã giữ vai trò ủy thác lâu dài này và đưa chúng đến được cái kết hoàn hảo là cho Ernest khám phá ra rằng mình vừa nắm giữ một số tiền lên đến hơn bảy mươi ngàn bảng. Rồi nó cũng nói được thành lời, lúng búng một hai câu. ‘Nếu con có thể dùng thời khắc này để viết nhạc, thì thật quá dễ dàng để xử lý với quảng sáu tăng.’ Tôi nhớ là chỉ một lát sau, nó vừa cười vừa nói những lời nghe rất giống với cô Alethea của nó. ‘Con thấy thật thích thú không phải vì chuyện này quá tốt đẹp với con, mà là vì đó sẽ là nỗi đau cho tất cả những bạn bè của con, ngoại trừ bố và Towneley.’
Tôi bảo nó, ‘Con không thể nói chuyện này với cha mẹ con được, nó sẽ khiến họ phát điên lên mất.’
‘Không, không, không được thế,’ nó nói, ‘như thế là quá ác độc, làm thế sẽ như Issac đem thiêu sống Abraham cha mình thật luôn vậy. Hơn nữa, có lẽ gì để con làm thế? Cha mẹ và con đã đoạn tuyệt giao tình với nhau từ bốn năm trước rồi mà.’
Chương 82
Dường như những lời vô tình chúng tôi nói về Theobald và Christina có thiêng hay sao mà đột nhiên sau nhiều năm yên ắng họ lại xuất hiện. Suốt nhiều năm trôi qua kể từ lần cuối cùng tôi nhắc đến, họ vẫn ở Battersby và tập trung chăm lo cho những đứa con còn lại của mình.
Theobald thấy thật cay đắng khi không còn được gây họa cho đứa con đầu của anh nữa, nếu như anh biết được sự việc vừa mới diễn ra này, thì thế nào anh cũng sẽ thấy đau đớn hơn bất kỳ nỗi ô nhục nào đã phải chịu lúc con anh bị bỏ tù. Anh đã một hai lần cố gắng để qua tôi mà mở lại trao đổi với Ernest, nhưng chẳng bao giờ kể cho nó những chuyện này, bởi tôi biết chúng sẽ khiến nó thấy buồn nhiều. Dù vậy, tôi vẫn viết thư lại cho Theobald nói rằng tôi thấy con trai anh vẫn không động lòng, và khuyên anh lúc này dù gì cũng đừng nhắc lại vấn đề này nữa. Tôi nghĩ làm như thế là điều khiến Ernest thích nhất và Theobald ghét nhất.