Xác thịt về đâu – Samuel Butler

Khi mới thấy nó, tôi nghĩ rằng thà chết còn hơn sống trong một nơi khủng khiếp như thế này, nhưng đó là bởi suốt hai mươi lăm năm qua tôi sống ở khu Thánh đường, vốn là một nơi sang trọng, còn Ernest thì đang trọ tại đường laystall và vừa mới ra tù, trước đó nó lại sống ở Ashpit Place, nên ngôi nhà này chẳng có gì là kinh khủng với nó, chỉ cần được sửa sang lại là ổn ngay thôi. Vấn đề là ông chủ đất không chịu chi tiền để làm việc này. Nên cuối cùng tôi phải bỏ tiền túi ra để làm hết tất cả, và ký một hợp đồng thuê nhà năm năm với cùng mức giá của người thuê cuối cùng. Rồi sau đó tôi nhượng lại cho Ernest, tất nhiên với điều kiện là nó biết cách sử dụng nhà này hiệu quả hơn người chủ cũ.

Một tuần sau, tôi ghé lại và thấy mọi thứ đã biến đổi hoàn toàn đến mức tôi khó lòng nhận ra ngôi nhà đó nữa. Toàn bộ trần đã được sơn trắng, mọi phòng đều đã được dán giấy lót tường, những cửa kính vỡ được tháo ra và thay mới, các phần gỗ bị hỏng được làm mới lại, toàn bộ khung cửa, tủ chè, và cửa ra vào đều được sơn quét mới. Cống rãnh đã được khai thông toàn bộ, thực sự là tất cả mọi thứ có thể sửa được đều đã được làm xong, và trước đây mọi gian phòng trông gớm ghiếc đến thế nào thì bây giờ lại bắt mắt đến chừng ấy. Những người thợ đã dọn sạch sẽ sau khi hoàn tất mọi việc sữa chữa, nhưng Ellen còn tự mình lau chùi thêm một lần nữa từ nền lên đến mái, và giờ đây ngôi nhà trông sạch như mới. Tôi cảm thấy như thể chính tôi cũng có thể sống ở đó vậy, còn với Ernest đây thật sự là chốn thiên đàng. Nó nói rằng mọi việc được như thế này là nhờ cả vào tôi và Ellen.

Trong cửa hàng đã có sẵn quầy tính tiền và vài giá hàng, nên chỉ cần kiếm hàng về là bắt đầu bán được rồi. Ernest bảo rằng tốt hơn nó nên mở hàng bằng việc bán đi mớ áo quần giáo sỹ và đống sách của nó, bởi dù cửa hàng vốn định lập ra để bán áo quần cũ, nhưng Ellen thấy chẳng có lý do gì lại không bán thêm cả sách nữa, nên nó khởi nghiệp bằng việc đem bán những quyển sách mà nó đã từng mang theo ở trường và ở đại học với giá một shilling mỗi quyển, và bảo với tôi rằng nó đã biết được việc đem gom sách lại trên kệ hàng mà bán đi còn thiết thực hơn là cái việc mà nó đã làm suốt những năm ròng trong giảng đường là vùi đầu vào chúng.

Và bán đi từng quyển một dạy nó biết nhận ra quyển nào bán được, quyển nào không, và giá mỗi quyển sẽ thế nào. Có được một khởi đầu nho nhỏ với đống sách này, nó bắt đầu tập trung vào ngành bán sách ngang bằng với bán áo quần, rồi không lâu sau, hai việc kinh doanh này đã tương đương nhau về lợi nhuận, và tôi chắc rằng, bán sách rồi sẽ là công việc gắn bó với nó rất lâu dài, nếu như nó vẫn còn muốn làm một người bán hàng, nhưng tôi chỉ phỏng đoán vậy mà thôi.

Tôi cũng góp vốn và có điều kiện chia phần trong công việc của Ernest. Nó muốn lột bỏ hoàn toàn cái mác quý ông cho đến khi có thể thăng tiến trở lại được như cũ. Nếu để mặc ý nó, thì nó sẽ quyết định sống với Ellen trong phòng hậu của cửa hàng cộng với nhà bếp, và để hai tầng phía trên cho người ta thuê lại đúng theo kế hoạch ban đầu của nó. Nhưng tôi không muốn nó mất hoàn toàn liên hệ với âm nhạc, văn chương, cũng như đời sống lịch thiệp, và sợ rằng nếu không có một phòng làm việc để náu mình khỏi những náo động thì chẳng bao lâu sau nó sẽ chỉ còn là một con buôn thứ thiệt mà thôi. Bởi thế, tôi nhất quyết lấy nguyên tầng lầu thứ nhất và bài trí nó bằng đồ đạc lấy về từ bà Jubb. Tôi đã mua những thứ này chỉ với một khoản tiền nhỏ và sẽ đưa chúng đến đây.

Tôi phải đích thân đến gặp bà Jubb để thu xếp hết mọi chuyện này, bởi Ernest không thích ghé lại Ashpit Place nữa. Trong lòng tôi cứ thấp thỏm nửa lo sợ rằng bà Jubb đã dọn đi và bán sạch đồ đạc rồi, nhưng lại không phải vậy, dù có nhiều lầm lỗi, bà già tội nghiệp này vẫn hoàn toàn là một người lương thiện.

Tôi kể cho bà nghe là Pryer đã bỏ trốn cùng với toàn bộ số tiền của Ernest rồi. Bà ta ghét Pryer ra mặt. ‘Tôi chưa từng gặp người nào có vẻ mặt hèn nhát như Pryer, và cả con người anh ta chẳng có chút gì ngay thẳng cả. Tại sao vậy, bởi khi anh ta thường đến dùng bữa sáng hằng ngày với cậu Pontifex, tôi đã thoáng thấy cái bóng khốn nạn của anh ta rồi. Chẳng có việc gì làm anh ta vừa lòng cả. Đầu tiên tôi dọn cho họ trứng và thịt muối, anh ta không thích, rồi tôi dọn cá, anh ta cũng chẳng ưa, mà ông biết đó, còn có thứ gì được hơn cá nữa đâu, rồi tôi phải dọn cho anh ta vài món Đức, và anh ta bảo là nó khiến anh ta khó chịu, tôi thử đến xúc xích thì anh ta lại kêu rằng món này còn làm xốn mắt anh ta hơn món Đức nữa, ôi thôi, thôi, tôi đã phải đi lui đi tới trong phòng thầm gặm nhấm nỗi buồn này và phải khóc đến hàng giờ, tất cả chỉ vì cái bữa ăn sáng cỏn con đó, nhưng mà cậu Pontifex không có lỗi gì trong việc này, cậu ấy luôn thích thú bất kỳ món nào người ta dọn cho cậu.’

‘Còn về cây đàn,’ bà tiếp tục, ‘nó vang lên những âm thanh thật du dương khi được đặt dưới tay cậu Pontifex, chắc chắn là vậy, và trong đó có một bản mà tôi thấy thích nhất. Có lần khi cậu ấy chơi bản đó và tôi cũng đang ở trong phòng, tôi phải thốt lên, ‘Ôi, cậu Pontifex ơi, bản nhạc này thật đúng kiểu phụ nữ của tôi,’ và cậu ấy nói, ‘Không, không bà Jubb ơi, bản nhạc này xưa rồi, nhưng không một ai có thể nói rằng bà đã già đâu.’ Nhưng, lạy Chúa, cậu ấy hoàn toàn không có ý gì khi nói vậy, đó chỉ là lời tâng bốc vụng về mà thôi.’

Cũng như tôi, bà Jubb bực tức vì Ernest chuẩn bị kết hôn. Bà không thích nó kết hôn, và cũng không thích nó cứ ở vậy, nhưng dù gì, thì đó đều là lỗi của Ellen, chứ không phải của nó, nên bà mong nó sẽ được hạnh phúc. ‘Nhưng sau tất cả mọi chuyện,’ bà kết luận, ‘không phải do ông, cũng chẳng phải bởi tôi, không phải tại nó, cũng chẳng do cô ấy. Mà là do một sự mà ông phải gọi nó bằng cái tên những số mệnh chuyện đời, bởi ngoài ra chẳng còn biết gọi nó là gì nữa.’

Trong buổi chiều đó, đồ đạc đã được gởi đến căn hộ mới của Ernest. Trên tầng một, chúng tôi sắp đặt cây đàn dương cầm, chiếc bàn làm việc, các bức tranh, giá sách, hai ghế dựa, và toàn bộ những vật dụng nhỏ khác mà nó đã mang theo từ hồi còn ở Cambridge. Gian phòng ngủ phía sau được bài trí y hệt phòng ngủ của nó hồi ở Ashpit Place, còn những thứ mới thì đặt trong phòng tân hôn nơi tầng trệt. Tôi nhấn mạnh rằng hai phòng tầng một này là của riêng tôi, nhưng Ernest được quyền sử dụng bất cứ lúc nào nó muốn. Và bởi tôi đã chiếm mất một tầng rồi, nên nó cũng chẳng bao giờ cho thuê phòng nào trong nhà kể cả phòng ngủ, mà giữ lại để phòng trường hợp nó hoặc vợ nó bị đau ốm.

Những việc này xảy ra trong vòng chưa đến hai tuần lễ kể từ ngày Ernest mãn hạn tù, và nó thấy mình đã lại được kết nối với cuộc sống vốn có trước lúc chịu án, nhưng kèm theo một vài thay đổi quan trọng và sinh nhiều ích lợi cho nó. Nó không còn là một giáo sỹ nữa, mà đã chuẩn bị cưới một người phụ nữ nó rất gắn bó, và cũng đã thoát ly vĩnh viễn khỏi cha mẹ nó rồi.

Quả thật là nó đã mất hết tiền bạc, thanh danh, và cương vị của một quý ông, nói một cách hình tượng thì nó đã phải dỡ toàn bộ ngôi nhà gỗ của mình để nướng cho chín con heo sữa của nó, nhưng nếu ai đó hỏi xem thử nó muốn tình trạng hiện thời hay tình trạng trước lúc đi tù, thì nó sẽ chẳng một giây ngập ngừng mà chọn cái hiện thời này. Nếu những gì nó đang có phải đổi lấy bằng việc mất đi tất cả những gì nó đã từng có trong quá khứ, thì vẫn đáng để nó trao đổi, và nếu được chọn lại, nó sẽ vẫn làm như thế nếu cần thiết. Mất hết tiền là chuyện tệ nhất, nhưng Ellen nói rằng cô chắc cả hai sẽ vượt qua được, và cô biết thế nào cũng sẽ như vậy. Còn về thanh danh bị mất đi, khi nó vẫn còn Ellen và tôi bên cạnh, thì thực sự đó cũng chẳng phải là mất mát quá lớn đâu.

Đến chiều tôi lại ghé nhà nó, và thấy mọi chuyện đều đã xong, chỉ cần mua hàng hóa về và bắt đầu buôn bán là được. Lúc tôi đã ra về và buổi dùng trà cũng xong, nó rút vào lâu đài của nó là phòng khách trên tầng một, thắp một tẩu thuốc và ngồi xuống bên cây đàn. Nó chơi những bản nhạc của Handel trong suốt một giờ, rồi đến bên bàn mà đọc sách và viết lách. Nó lấy ra tất cả những bài giảng và những bản thảo thần học mà nó đã soạn trong suốt thời gian làm giáo sỹ rồi ném vào lửa. Đứng nhìn chúng cháy rụi trong lò, nó cảm thấy mình như được thoát khỏi một trong những cơn ác mộng vốn lâu nay đè nén nó. Rồi nó soạn ra vài bản thảo con mà nó đã chắp bút suốt những năm cuối tại đại học Cambridge, và bắt đầu chỉnh sửa cũng như viết lại chúng. Đang mải miết làm việc trong thinh lặng, thì nó nghe tiếng đồng hồ đổ mười giờ, vậy là đã đến lúc đi ngủ, lòng nó bỗng cảm giác rằng giờ đây nó không chỉ hạnh phúc mà còn cực kỳ hạnh phúc thì đúng hơn.

Hôm sau Ellen đưa nó đến phòng đấu giá Debenham, và cả hai xem qua rất nhiều áo quần đang treo trưng bày quanh phòng đó. Ellen có đủ kinh nghiệm để biết cái nào bán được bao nhiêu, cô kiểm tra rất kỹ lưỡng, và định giá chúng, chẳng mấy chốc Ernest cũng đã bắt đầu xác định được khá tương đối cái nào nên mua với giá nào, và chưa đến trưa nó đã định giá xong được cả tá đồ mà Ellen nói là nếu nó quyết giá đó thì bảo đảm sẽ không bị lỗ đâu.

Tác giả: