Khi nghĩ xa hơn nó nhớ lại rằng tất cả mọi sự sẽ tốt đẹp sẽ dành cho những ai yêu mến Thiên Chúa, và nó tự hỏi mình liệu có thể là nó, dù không hoàn toàn, cũng đã cố để yêu mến Thiên Chúa hay không? Nó chẳng dám trả lời là Có, nhưng nó sẽ cố gắng để làm như vậy. Rồi chợt nó nghĩ đến giai điệu tuyệt vời của Handel: ‘Thiên Chúa cao cả, Người có đó nhưng chúng ta không rõ,’ và nó cảm nhận sâu sắc điều này như chưa từng bao giờ nhận ra trước đây. Nó đã mất niềm tin vào Kitô giáo, nhưng trong nó vẫn còn niềm tin vào sự gì đó mà nó không rõ. Nhưng nhất thiết phải có một sự gì đó khiến cho những sự ngay chính nên đúng đắn và những thứ xấu xa ra tồi tệ, và niềm tin đó của nó ngày càng mạnh hơn.
Một lần nữa, nó lại nghĩ đến cái sức mạnh mà nó thấy là nó có, và cách nào, nơi nào sức mạnh đó sẽ được lộ ra. Cũng chính bản năng tương tự sức mạnh đó đã dẫn đưa nó đến sống giữa những người nghèo, bởi đó cũng chính là thứ gần nhất với con người trong nó mà nó có thể nắm bắt được rõ ràng. Nó nghĩ về những mỏ vàng ở Úc châu và làm sao mà người ta sống ở đó nhưng chẳng bao giờ nhìn ra được dù vàng đầy rẫy quanh họ, ‘Vàng ở mọi nơi,’ nó reo lên trong lòng, ‘cho những ai biết tìm kiếm nó.’ Nếu nó biết tìm kiếm đủ cẩn thận trong phạm vi hoàn cảnh hiện thời của mình, biết đâu cơ hội lại đang ở gần nó thì sao? Vậy thì vị thế hiện nay của nó là gì? Nó đã mất tất cả. Chẳng lẽ nó không thể biến mất mát của nó thành cơ hội được hay sao? Nếu nó cũng biết noi theo thánh Phaolo, tìm kiếm sức mạnh Thiên Chúa, một sức mạnh vốn nằm nơi sự yếu đuối, chẳng lẽ nó không thể thành công hay sao?
Ernest chẳng có gì để mất: tiền bạc, bạn bè, danh tiếng, tất cả đã ra đi nếu không vĩnh viễn thì cũng phải rất lâu nữa mới tái hồi lại được, nhưng cũng có một thứ đã tan biến theo cùng những điều trên. Đó chính là nỗi sợ của nó, nỗi sợ bị người khác làm tổn thương. Cantabil vacuus. Người chẳng có gì thì chẳng có gì để mất. ai có thể khiến nó tổn thương hơn những gì nó đã phải nhận nữa đây? Những tổn thương chỉ khiến nó mạnh mẽ hơn và biết tự lo cho mình, nó biết rằng nó dám làm mọi thứ để biến thế gian này thành một nơi hạnh phúc hơn cho những người trẻ tuổi và dễ thương. Nó quá thích thú điểm này đến nỗi gần như mong ước mất thanh danh hơn nữa, bởi nó thấy rằng gần như trong đời người, những thứ tìm thấy lại mất đi, và những thứ mất đi sẽ lại được tìm thấy. Nó đã không có đủ can đảm để từ bỏ tất cả vì Chúa Kitô, nhưng giờ đây, Ngài đã thương mà lấy hết đi và hãy xem, chẳng phải dường như nó đã tìm thấy được mọi thứ đó sao.
Ngày qua ngày, dần dần Ernest thấy rằng như mọi cặp thái cực khác, Kitô giáo và chối bỏ Kitô giáo, đến cuối cùng cũng gặp nhau, đó không phải là cuộc chiến về vấn đề, mà chỉ là tranh chấp về danh xưng. Thực sự thì Giáo hội Roma,
Giáo hội anh giáo, và những người theo tư tưởng tự do đều có chung một mẫu mực tư duy và đều gặp nhau trong một con người cao quý, bởi vị thánh hoàn hảo nhất cũng là con người cao quý hoàn hảo nhất. Rồi nó thấy rằng những gì người ta tuyên xưng, dù theo tôn giáo hay vô tôn giáo, đều chẳng có gì là to tát, chỉ cần người ta theo đuổi tuyên ngôn của mình với một sự mâu thuẫn giao tranh đầy khoan nhượng, và không khăng khăng cố chấp đến tận cùng. Vấn đề xung đột không hệ tại ở giáo lý hoặc thiếu giáo lý, mà nằm ở chính sự nhất quyết đòi cho được giáo lý nào buộc mọi người phải tuân theo. Đây là đỉnh điểm suy tư của nó, và một khi đã đến được đó, nó chẳng còn muốn quấy nhiễu Giáo hoàng làm gì nữa. Còn Tổng Giám mục Canterbury có lẽ sẽ nhảy quanh nó ăn mừng và thậm chí có thể nói năng thoải mái mà không sợ bị bắt lẽ. Có thể ngài Giám mục đầy thận trọng này bất đồng về quan điểm với Ernest, nhưng như những con chim có thể yên tâm đậu xuống mà ăn vụn bánh trên tay ông ấy thế nào, thì ông ấy cũng sẽ càng chẳng có chút ngại ngần vô ích nào với Ernest của chúng ta.
Có lẽ nó đi đến được kết luận như thế là nhờ một biến cố đã gần như đẩy nó vào sâu trong sự mâu thuẫn. Vài ngày sau khi rời thương xá, nó được viên tuyên úy đến thăm và báo cho biết rằng người tù chơi đàn trong nhà nguyện vừa mãn hạn và đã rời khỏi đây, bởi thế ông đề nghị Ernest thế chỗ, bởi ông được hay là nó biết chơi đàn. Lúc đầu, Ernest ngần ngại không biết có nên tham gia vào những việc phụng vụ tôn giáo này hay là để bị ép phải làm đây, nhưng niềm vui được chơi đàn, cộng với những ưu ái dành cho vị trí này đã khiến nó thấy hoàn toàn chẳng có lẽ gì để cứ mãi khăng khăng từ chối. Rồi, khi đã từng có và từng biết đến những mâu thuẫn trong mình, nó không quá cố chấp để khăng khăng giữ mâu thuẫn đó, và thực sự là từ lâu trước đó, nó đã chiều theo một chủ nghĩa trung dung hòa nhã, xét bề ngoài thì có vẻ khác biệt nhưng rất nhỏ so với chủ nghĩa trung dung mà ông Hawke đã truyền cho nó.
Bây giờ nó vẫn chưa phải làm những việc lao công trong tù vì bác sỹ nói là nó chưa đủ sức, nhưng rồi thế nào nó cũng phải làm lúc khỏe hơn. May thay khi trở thành người đánh đàn, nó được miễn những việc đó. Thậm chí nếu muốn, nó cũng có thể rời xưởng may để đến phòng của viên tuyên úy làm những việc tương đối nhẹ nhàng, nhưng bởi muốn học làm thợ may và cố hết sức vì điều đó, nên nó không chịu rời xưởng, dù vậy, nó vẫn được cho phép đến nhà nguyện hai tiếng mỗi chiều để tập đàn. Từ lúc đó trở đi, cuộc sống trong tù của nó thôi buồn tẻ, và hai tháng tù còn lại trôi qua thật nhanh như thể nó đã được tự do rồi vậy. Với âm nhạc, sách vở, việc học được nghề may, và những buổi trò chuyện với viên tuyên úy ân cần tử tế vốn giúp cho Ernest được vững vàng hơn đôi chút, những ngày trong tù trôi qua thật êm đềm nên đến lúc mãn hạn, nó đã, hoặc nghĩ là đã, rời nhà tù với đôi chút nuối tiếc.
Chương 69
Khi đi đến kết luận là phải đoạn tuyệt vĩnh viễn mối liên hệ với gia đình, Ernest đã tự xem mình như một người không gia đình. Về phần Theobald, anh đã muốn tránh xa đứa con trai này, thật sự là vậy, đến mức anh muốn xa rời nó, muốn đẩy nó đến tận Úc châu và xa hơn nữa, nhưng anh chưa từng nghĩ đến việc cắt đứt hoàn toàn với nó. Anh biết con trai mình đủ rõ để nhận thức khá khôn ngoan rằng chính Ernest cũng muốn như thế, và có lẽ vì lý do này anh đã quyết định giữ mối liên hệ cha con, chỉ cần Ernest không về lại Battersby cũng như anh không phải tốn tiền thường kỳ cho nó.
Khi gần đến lúc Ernest mãn hạn tù, cha mẹ nó ngồi lại với nhau bàn xem nên làm thế nào.
‘Chúng ta không bao giờ được để mặc nó tự xoay xở,’ Theobald cao giọng, ‘và cũng không được mong như thế.’ ‘Ôi, không! Không! Theobald yêu dấu,’ Christina kêu lên. ‘Cho dù bất kỳ ai ruồng rẫy nó, và dù nó có xa cách chúng ta bao nhiêu đi nữa, nó hẳn vẫn phải thấy được rằng cha mẹ vẫn mãi yêu thương nó cho dù nó có tàn ác khiến chúng ta đau đớn cực khổ đến đâu đi nữa.’
‘Kẻ thù tồi tệ nhất của nó chính là bản thân nó,’ Theobald lên tiếng, ‘nó chẳng bao giờ yêu thương chúng ta cho đáng, và giờ đây khi mong muốn được gặp chúng ta, lòng nó sẽ phải thấy hổ thẹn. Nếu được, thế nào nó cũng sẽ tránh mặt chúng ta.’
‘Vậy thì chúng ta phải tự đến với nó, cho dù nó có thích hay không, chúng ta vẫn phải ở bên cạnh nó để hỗ trợ nó đương đầu với thế gian này.’
‘Nếu chúng ta không muốn nó bỏ đi thì phải gặp được nó ngay khi nó vừa ra tù mới được.’
‘Chúng ta sẽ làm như vậy, thế nào cũng sẽ phải như vậy, lúc nó bước chân ra khỏi đó, chúng ta sẽ là những người đầu tiên làm rạng rỡ ánh mắt nó, và cũng là người đầu tiên bảo cho nó biết tìm về lại đường ngay chính.’
‘Tôi nghĩ rằng nếu nó có gặp chúng ta trên đường thì nó cũng sẽ ngoảnh mặt bỏ đi mà thôi. Nó là một đứa vô cùng ích kỷ.’
‘Nếu vậy thì chúng ta buộc phải đến nhà tù thăm nó, trước lúc nó ra khỏi đó.’
Sau một hồi bàn luận, cuối cùng đó là kế hoạch mà họ định sẽ làm, và Theobald viết thư gởi viên quản giám nhà tù để hỏi xem thử liệu anh có được phép vào bên trong nhà tù để đón Ernest vào ngày nó mãn hạn hay không. Lời đề nghị của anh được chấp thuận, và khi ngày đó đến, hai người rời Battersby để đón Ernest.
Ernest không lường trước việc này, nên vài phút trước giờ ra tù là chín giờ, nó bất ngờ khi được bảo là phải đến phòng tiếp khách trước khi ra tù bởi có vài người đến thăm nó đang chờ ở đó. Lòng nó chùng xuống bởi đoán biết được là sẽ phải gặp ai, nhưng rồi lấy hết can đảm nó thẳng tiến đến phòng tiếp khách. Và đúng như vậy, đứng ở cuối chiếc bàn cạnh cửa là hai con người mà nó xem là những kẻ địch nguy hiểm nhất trên thế gian này, cha và mẹ nó.
Nó không thể thoát đi, nhưng nó biết rằng chỉ cần có chút dao động, nó sẽ mất hết tất cả. Mẹ nó đang khóc lóc, nhưng đã lao đến và ôm chầm lấy nó. ‘Ôi, con trai tôi, con trai tôi,’ cô cứ thổn thức và chẳng thể nói thêm được gì.
Ernest trắng bệch người ra, tim đập mạnh đến nỗi gần như không thở được. Nó cứ để mẹ ôm nó, rồi gỡ tay mẹ nó ra, và đứng trước cô im lìm với hai dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nó.