Vào mùa xuân năm 1859, tôi thấy nó viết một lá thư như sau
‘Tôi không thể chấp nhận danh xưng Giáo hội Kitô giáo hữu hình cho đến khi nó sinh được hoa trái là những người Kitô hữu, nghĩa là cho đến khi hoa trái của từng thành viên trong Giáo hội anh giáo mang tính tòng phục hay gần như tòng phục với giáo lý của Giáo hội. Tôi thành tâm đồng tình với giáo lý của Giáo hội anh giáo trong hầu hết mọi quan điểm, nhưng Giáo hội này lại nói một đằng làm một nẻo, và cho đến khi nào việc rút phép thông công, đúng ra là rút phép thông công hàng loạt, được tái hồi, thì tôi mới nhìn nhận Giáo hội này là một thể chế Kitô giáo. Tôi nên bắt đầu từ mục sư quản nhiệm của tôi, và nếu tôi thấy cần phải theo ông ta để rút phép thông công của Giám mục, tôi cũng sẽ chẳng ngần ngại làm việc đó.
Những mục sư đương nhiệm ở London đúng là những con người chẳng đáng để hợp tác. Ông mục sư quản nhiệm của tôi là một trong số khá nhất, nhưng khi tôi và Pryer bày tỏ những dấu hiệu muốn công kích tội lỗi bằng những phương thức ngoài lề thói, hay bằng những phương thuốc chưa từng có, thì lại gặp phải lời như thế này đây: ‘Ta không thể hiểu nổi là các con đang nghĩ gì nữa khi đưa ra tất cả những thứ hỗn loạn này, chẳng một mục sự nào nhìn nhận những thứ như vậy, và ta chẳng mong mình là người đầu tiên đảo lộn mọi thứ đâu.’ rồi người ta xem ông là một kẻ biết lý lẽ. Tôi chẳng thể chịu nổi những người như vậy. Nhưng chúng tôi biết điều mình muốn, và như đã viết cho Dawson mới đây, chúng tôi có một kế hoạch cụ thể mà tôi nghĩ rằng sẽ thỏa mãn được những đòi hỏi của hoàn cảnh hiện thời. Nhưng chúng tôi còn thiếu nhiều tiền, và bước đầu kiếm tiền của tôi không được hoàn hảo như tôi và Pryer mong đợi, tuy vậy, tôi tin rằng chúng tôi sẽ sớm khắc phục được nó thôi.’
Khi đến London, Ernest dự định sẽ đi thăm viếng từng nhà giáo dân, nhưng lời của Pryer đã đập tan ý tưởng này của nó ngay cả trước khi nó dọn đến căn hộ mới với quyết định lạ lùng của nó. Quan điểm hiện thời của nó là nếu người ta mong muốn Đức Kitô, thì họ phải chứng tỏ được mong muốn của mình bằng việc khi gặp những rắc rối nhỏ, họ phải tìm đến nó. Ernest, nó ở đó và sẵn sàng dạy dỗ họ, nhưng nếu người ta không chịu tìm đến, thì đó không phải là lỗi của nó.
Ernest lại viết cho Dawson rằng, ‘Việc trọng đại của tôi ở đây là quan sát. Tôi chẳng làm nhiều việc giáo xứ ngoài phần việc mục vụ hằng ngày. Tôi có một lớp Kinh Thánh cho người lớn, và một lớp như vậy cho trẻ con, và như thế tôi dạy dỗ cho nhiều người lớn cũng như các cậu bé. Còn với những đứa trẻ đến học giáo lý vào ngày chủ nhật, tôi dùng hết sức chứa của gian phòng vào buổi tối để tập cho chúng hát những bài thánh ca và tán ca. Chúng thích việc đó. Tôi còn dành nhiều thời gian cho việc đọc sách, đặc biệt là những sách mà tôi và Pryer nghĩ là hữu ích, và từ đó chúng tôi thấy rằng chẳng một dòng tu nào có thể so sánh nổi với dòng Tên. Pryer là một quý ông hoàn hảo cũng như một doanh nhân đáng ngưỡng mộ, và thực sự anh ta quá tuân theo những quy luật của trần gian này hơn là những điều hướng thượng. Nhờ sự táo bạo thông minh của mình, anh đã bù đắp được, hay gần như bù đắp được, một khoản mất mát nghiêm trọng vốn có thể đe dọa trì hoãn vô thời hạn kế hoạch lớn của chúng tôi. Mỗi ngày anh ta và tôi đều thu lượm được những nguyên tắc mới mẻ. Tôi tin rằng những điều vĩ đại đang chờ đợi mình, và tôi hy vọng mạnh mẽ rằng trong tương lai tôi có thể là một người có tầm ảnh hưởng to lớn.
Còn với anh, tôi chúc anh sự tốt đẹp của Chúa. Hãy táo bạo nhưng phải hợp lý, phán đoán trong cẩn thận, dám nghĩ dám làm, nhưng phải thận trọng trong việc đó,’…v.v.
Tôi nghĩ kiểu suy nghĩ này của nó có thể vẫn còn gây nguy hại cho đến tận bây giờ.
Chương 55
Tất nhiên, tôi đến thăm Ernest ngay lúc nó vừa đến London, nhưng lại không gặp được nó. Còn khi nó đến tìm thì tôi lại ra ngoài mất rồi, vậy nên mãi đến vài tuần sau, khi nó đã dọn đến căn hộ mới ở Ashpit Place, tôi mới thực sự được gặp mặt nó. Tôi thích vẻ mặt của nó, nhưng ngoại trừ đam mê chung là âm nhạc, thứ mà hai chúng tôi đặc biệt hợp nhau về thị hiếu, hầu như tôi chẳng biết làm thân với nó bằng cách nào. Công bằng mà nói, nó chẳng hé môi nửa lời với tôi về những kế hoạch của nó cho đến tận khi tôi bắt nó phải lộ ra. Mượn lời bà Jubb, chủ nhà của Ernest, tôi thừa nhận mình ‘không phải là người thường xuyên đến nhà thờ.’ Và sau khi dò xét, tôi khám phá ra rằng bà Jubb chẳng bao giờ đến nhà thờ ngoại trừ một lần duy nhất trong đời để rửa tội cho Tom, con trai bà hai mươi lăm năm về trước, và tôi e là bà còn chẳng làm phép kết hôn, bởi tôi không thấy nhẫn cưới trên tay bà, và bà thường gọi người đáng ra là ông Jubb bằng cụm từ ‘cha của con tôi’ chứ không phải là ‘chồng tôi’. Trở lại vấn đề chính, tôi phải thừa nhận rằng tôi rất phật ý khi biết Ernest đã được phong chức. Bản thân tôi không mong muốn được phong chức, và tôi cũng chẳng muốn những người thân thiết với tôi như vậy, cũng như tôi chẳng thích phải cư xử thật lịch lãm và làm bộ màu mè, nên tôi cũng mong như vậy cho đứa trẻ mà tôi nhớ có thời nó chỉ biết đến ngày hôm qua và ngày mai và thêm ngày thứ Ba nữa, còn lại chẳng có khái niệm gì về các ngày khác trong tuần kể cả chủ nhật, và có thời nó nói rằng nó không thích mèo bởi chúng có những móng nhọn ở ngón chân.
Tôi nhìn Ernest và nghĩ về cô Alethea của nó, cũng như về số tiền đang lũy tiến rất nhanh mà cô để lại cho nó để rồi toàn bộ sẽ rơi vào tay chàng trai trẻ này, người có thể sẽ dùng chúng theo cách những cách khó mà hợp ý với Alethea nhất. Tôi khó chịu và tự nhủ rằng ‘Cô ấy luôn luôn bảo rằng cô có thể gây nên một chuyện tệ hại, nhưng tôi đã không nghĩ là chuyện này lại tệ hại đến mức như thế này.’ rồi tôi nghĩ rằng có lẽ nếu Alethea sống được đến bây giờ thì mọi chuyện đã không đến nỗi này.
Ernest cư xử khá đàng hoàng với tôi và tôi phải nhận rằng nếu câu chuyện của chúng tôi bị đẩy đến những chủ đề khó chịu thì đó là lỗi của chính tôi. Tôi là người gây hấn trước, bởi dựa vào tuổi tác và mối quan hệ lâu dài với Ernest tôi cho mình quyền ngấm ngầm gây cảm giác khó chịu cho nó.
Rồi nó lên tiếng, và thật bực mình vì xét đến mức độ nào đó, nó khá có lý. Tôi cho rằng những tiền đề và kết luận của nó cũng đủ để nói chuyện, nhưng lại chẳng nhìn ra được rằng nó đã được phong chức, và cứ tranh luận với nó như thể nó chưa được phong chức vậy. Kết quả là tôi phải chịu thua và bỏ về với một tâm trạng không được tốt cho lắm. Tôi tin rằng tôi thực sự thích Ernest, và sự phật ý của tôi do bởi nó là một giáo sỹ, và là một giáo sỹ sẽ được nhận một số tiền quá lớn. Lúc đi về, tôi có nói chuyện đôi chút với bà Jubb. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, cả hai chúng tôi đều nhận thấy người đối diện chẳng phải là loại người ‘thường xuyên đi nhà thờ,’ và nhờ đó bà bắt đầu cởi mở với tôi. Bà nói rằng Ernest sẽ chết sớm. Nó quá tốt so với thế gian này và đôi mắt nó buồn ‘hệt như anh Watkins ở Crown bên kia đường mới mất hồi tháng trước, có màu da trắng bệch như thạch cao, và người ta kháo rằng anh đã tự vẫn bằng súng. Họ đưa anh đi từ Mortimer, tôi gặp họ lúc đang đi trên đường cùng cô Rose để lấy một panh bia thường, và cô ấy đang phải băng tay bằng nẹp. Cô ấy nói với chị mình là muốn đến Perry để lấy một ít len, thay vì nói là đi đến cửa hàng duy nhất có bán bia thường, thật tốt bụng quá, chẳng có ai làm vậy với bà già Jubb này, và thật là dối trá kinh tởm khi nói cô là một kẻ phóng đãng, nhưng mà tôi thích phụ nữ phóng đãng, tôi thà đưa nửa đồng crown cho một phụ nữ phóng đãng còn hơn cho một quý bà thùy mị một cốc bia, nhưng tôi không muốn dính dáng đến những cô gái hư chút nào. Còn người ta đưa anh Watkins đi, và chẳng thấy anh về nữa, cái kiểu tự vẫn của anh thật là khéo. Vợ của anh ở quê với mẹ, và luôn nói chuyện tử tế về cô rose của tôi. Tội nghiệp anh ta, mong sao cho anh được lên Thiên đàng. Ngài ạ, ngài có tin rằng trên khuôn mặt anh Pontifex có nét gì rất giống với anh Watkins, nhiều lúc tôi thấy anh ấy thật lo lắng và chộn rộn, nhưng mỗi lần lại vì một chuyện khác nhau, bởi anh ấy chẳng biết gì hết, chẳng hơn một đứa trẻ còn trong bụng mẹ, nói trắng ra thì một con khỉ đi kèm với một tay đàn Ý ở London này còn biết nhiều hơn anh Pontifex. Anh ấy chẳng biết gì, tôi cho là vậy…’
Nói đến đây thì một đứa trẻ chạy việc gần đó xộc vào và bà Jubb phải quay sang nó, nếu không thì tôi chẳng biết lúc nào bà mới dừng bài nói của mình nữa. Tôi nhân cơ hội đó để chuồn đi, nhưng cũng nhớ đưa cho bà năm shilling và địa chỉ của tôi, bởi những lời bà vừa nói khiến tôi thấy hơi ái ngại. Tôi dặn bà nếu có chuyện gì xấu xảy ra với Ernest thì hãy đến báo cho tôi biết.
Nhiều tuần trôi qua và bà ta chẳng đến. Dù gì thì tôi cũng đã cố giúp Ernest trong khả năng của mình rồi, và tôi thấy không cần phải làm gì thêm, cứ để mặc nó bởi nghĩ rằng có lẽ tôi và nó chỉ gây khó chịu cho nhau mà thôi.
Đến bây giờ, nó đã được phong chức gần bốn tháng rồi, nhưng đó chẳng phải là một thời gian hạnh phúc hay thỏa mãn đối với nó. Nó đã sống cả đời trong một ngôi nhà của giáo sỹ, và có lẽ cũng biết rõ một giáo sỹ là như thế nào, cụ thể riêng với nó là biết rõ về một giáo sỹ thôn quê. Nhưng nó cũng đã có một hình mẫu lý tưởng về một giáo sỹ thành thị và đang cố chớm thử hiện thực hóa nó, nhưng dường như đó luôn là điều bất khả thi đối với nó.