Rồi tôi nghĩ rằng lòng trí anh ta đang hướng đến Roma, tuy nhiên, lúc này dường như những ý tưởng của anh ta gợi cho tôi nhiều điều, mà có lẽ cả bạn cũng sẽ thấy hứng thú. Bạn cũng thấy được rằng chúng ta phải truyền sức sống vào trong Giáo hội bằng cách nào đó, chúng ta không nên cứ mãi chống đối Roma và những kẻ ngoại đạo.’ (Có lẽ tôi nên nói xen vào đây rằng tôi không tin Ernest đã từng bao giờ thấy một người ngoại đạo, chứ đừng nói đến việc đã từng trò chuyện với họ.) ‘Bởi thế, vài ngày trước, tôi đề xuất với Pryer rằng chúng tôi nên khai mào một phong trào tôn giáo gần giống với phong trào Tuổi trẻ anh quốc cách đây hai mươi năm, với tiêu chí là để thắng vượt được cả Roma và chủ nghĩa hoài nghi. Pryer rất háo hức với đề xuất này khi nhận thấy tôi có những phương cách để hiện thực hóa nó. Để đạt được mục tiêu trên, tôi thấy chẳng có phương cách nào tốt hơn việc lập nên một tổ chức hay một đại học để nhắm đặt bản chất của tội lỗi và cách xử lý nó trên một nền tảng mang tính khoa học hơn hiện thời. Chúng ta thiếu một Đại học về Bệnh học Phần hồn, một cụm từ tôi mượn của Pryer, là nơi mà những người trẻ (tôi cho là Ernest nghĩ nó đã qua hết thời tuổi trẻ rồi) có thể nghiên cứu về bản chất và cách xử lý với những tội của linh hồn, theo cách giống như các sinh viên y khoa học nghiên cứu về thân thể các bệnh nhân vậy. Và bạn cũng sẽ đồng ý với tôi rằng một trường học như thế sẽ tiếp cận được với những kỹ thuật của Roma cũng như của khoa học, Roma cho chúng ta một hệ thống kỹ năng mục sư tốt hơn vốn đã mang lại cho họ một uy thế lớn lao trên thế giới, còn khoa học sẽ cho chúng ta nhận ra rằng ngay cả những tư tưởng tự do cũng có một giá trị nhất định trong việc suy xét phần hồn. Pryer và tôi đã quyết tâm tận hiến chính mình cho con tim và linh hồn nhân loại.
Tất nhiên những ý tưởng của tôi vẫn chưa được định hình rõ ràng, và tất cả phải dựa vào nguồn nhân lực để khởi đầu trường đại học mà tôi đã nói ở trên. Tôi chưa phải là một mục sư, nhưng Pryer thì rồi, và nếu tôi là người lập trường, thì Pryer sẽ đảm nhiệm trường đó và cho tôi làm cấp dưới của anh. Đó là gợi ý của Pryer. Anh ta thật rộng rãi làm sao?
Nhưng điều tệ nhất, là chúng tôi chưa có đủ tiền. Số tiền thực sự tôi có là 5.000 bảng, nhưng chúng tôi cần ít nhất là 10.000 bảng, nên Pryer bảo rằng khi chúng tôi còn khá yếu thì tôi nên sống tại trường và nhận lương từ chính tổ chức của tôi, nói chung là vậy, hoặc gần như vậy, đầu tư vào việc này cũng gần giống như tôi mua cho mình một sinh kế rồi. Ngoài ra, tôi chẳng ham muốn gì nhiều, chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ lập gia đình, một giáo sỹ không nên nghĩ đến chuyện hôn nhân, và một người độc thân có thể sống mà chẳng cần gì nhiều. Đến bây giờ tôi vẫn chưa có được cách nào để kiếm thêm cho đủ số tiền tôi cần, và Pryer gợi ý rằng với tình hình này, chúng tôi phải đầu tư một cách thận trọng. Anh ta biết một vài người có thu nhập rất khá từ một số vốn rất nhỏ, hoặc có thể là chẳng cần vốn, nhờ việc mua bán những thứ ở nơi gọi là Sở Giao dịch Chứng khoán, tôi chưa biết nhiều về nơi này, nhưng Pryer bảo tôi nên tìm hiểu về nó sớm, thực sự anh ta nghĩ là tôi có tài năng trong việc này, và nếu có được người đỡ đầu thích hợp, tôi có thể thăng tiến trong ngành kinh doanh này. Tất nhiên, tôi không quyết định được việc này mà phải dựa vào nhiều yếu tố khác, nhưng người ta sẽ làm được việc nếu biết chú tâm vào đó, và tôi nghĩ là tôi sẽ không ham tiền cho bản thân tôi, mà tôi muốn có nhiều tiền cho những việc tốt đẹp, cụ thể là nhờ số tiền đó tôi sẽ cứu được nhiều linh hồn thoát được địa ngục đọa đày khủng khiếp. Sao nào, nếu mọi chuyện thành công, và thực sự tôi không thấy có gì trở ngại, thì chẳng thể nói là tôi đã phóng đại tầm quan trọng và tầm vóc của chương trình mà tôi đang đeo đuổi,’…v.v.
Một lần nữa tôi lại phải hỏi Ernest rằng nó có phiền không khi tôi viết ra cho các bạn những dòng này. Nó tái mặt, nhưng nói ‘Không, con không phiền nếu chúng giúp bố hoàn thành câu chuyện của mình, nhưng bố có nghĩ là lá thư này quá dài hay không?’
Tôi nói rằng thay vì những lời giải thích của tôi, lá thư này sẽ giúp độc giả nắm bắt được những gì đã diễn ra nhanh hơn gấp đôi.
‘Tốt rồi, vậy bố cứ giữ chúng lại đi.’
Tôi tiếp tục lần giở những lá thư của Ernest và thấy những dòng sau.
‘Tôi biết ơn vì lá thư của anh, đáp lại tôi xin gởi anh bản sao của lá thư mà tôi gởi đến tờ báo Times vài ngày trước. Họ đã không in nó, nhưng nó gần như là toàn bộ ý tưởng của tôi về vấn đề kinh lược giáo xứ, Pryer hoàn toàn tán thành nó. Xin hãy đọc nó cẩn thận rồi gởi lại cho tôi, bởi nó chính là bản tuyên tín của tôi, và tôi không thể để mất nó được.
Tôi rất muốn được trò chuyện trực tiếp với anh về một vài vấn đề, cụ thể là tôi có thể thấy chúng ta đang phải chịu những mất mát lớn lao khi không còn quyền ban vạ tuyệt thông. Chúng ta nên ban vạ tuyệt thông cho cả người nghèo và người giàu như nhau, và nên bớt dè dặt trong chuyện này. Nếu được phục hồi quyền này, thì tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chặn đứng được khá nhiều tội lỗi và khốn khổ đang vây quanh mình.’
Những lá thư này được viết chỉ vài tuần sau khi Ernest được phong chức, nhưng dù chúng có được viết trễ hơn thì người ta cũng chẳng màng đếm xỉa đến đâu.
Với lòng háo hức muốn phục hưng Giáo hội anh giáo (và qua đó là tái tạo vũ trụ này) bằng những phương thế mà Pryer đã gợi ý với nó, Ernest cố để làm quen với tâm tính và suy nghĩ của người nghèo bằng cách sống giữa họ. Tôi nghĩ ý định này của nó xuất phát từ quyển ‘Alton Locke’ của Kingsley mà nó, dù là một người thuộc Thượng phái, đã đọc ngấu nghiến hệt như trước đây nó đã vùi đầu vào quyển ‘Cuộc đời Arnold’ của Stanley, những tiểu thuyết của Dickens và bất kỳ thứ văn chương sọt rác nào khác, những thứ đầu độc trí óc nó. Dù gì đi nữa, nó cũng đã thực sự thực hiện kế hoạch này và dọn đến ở trọ trong một căn nhà tại Ashpit Place, một con phố nhỏ gần nhà hát Drury Lane, với bà chủ trọ là vợ góa một người đánh xe thuê.
Bà này ở tầng trệt, trước căn bếp là chỗ của một người thợ hàn, phía sau bếp có một người thợ sửa ống trú ngụ. Tầng một là nơi ở của Ernest, với hai gian phòng được nó bài trí đồ đạc đầy đủ, bởi dù có muốn sống giữa người nghèo đi nữa, thì cũng phải có giới hạn nhất định chứ. Hai tầng trên được ngăn ra cho bốn nhóm khác nhau thuê trọ. Trước hết là một thợ may tên Holt, kẻ nát rượu thường đánh vợ và tiếng la hét của bà ta làm náo động cả nhà lúc nửa đêm. Trên phòng của ông Holt là một ông thợ may khác cùng bà vợ của ông, cả hai không có con cái, họ theo hội Giám lý của Wesley, cũng nát rượu nhưng không làm ồn. Hai phòng còn lại là của hai cô gái độc thân mà Ernest thấy dường như mình nên tôn trọng họ, bởi có nhiều chàng trai trẻ ăn vận đẹp và lịch thiệp thường đi ngang phòng nó để lên lầu gặp cô Snow, và nó nghe thấy tiếng cửa phòng cô đóng lại ngay sau đó. Rồi nó nghĩ rằng một số trong những người đi ngang qua tầng của nó cũng có thể là khách của cô Maitland. Bà chủ nhà Jubb nói với Ernest rằng đó là các anh trai và anh họ của cô Snow, và cô đang muốn tìm một chỗ để làm gia sư, nhưng hiện tại thì cô vẫn là một diễn viên ở nhà hát Drury Lane. Ernest hỏi xem thử có phải cô Maitland cũng đang tìm việc hay không, và biết được rằng cô mong muốn được làm một người gia công mũ. Ernest của chúng ta tin tưởng tất cả những gì bà Jupp kể cho nó.
Chương 54
Chuyển biến này của Ernest nhận được nhiều lời bình phẩm khác nhau từ các bạn của nó, ý kiến chung cho rằng đó chính là đặc tính của Ernest, một kẻ luôn làm vài việc bất thường bất cứ nơi nào nó đến, nhưng xét cho cùng thì đó là một ý tưởng đáng khen. Christina không thể kìm nén nỗi sung sướng khi nghe những giáo sỹ quen biết tán thưởng con trai mình, và lý tưởng hóa đức hạnh của nó thành một thứ tự bỏ mình cao hơn thực chất hành động của nó nữa. Cô không thích lắm khi thấy con trai mình sống trong một môi trường tầm thường như vậy, nhưng việc nó đang làm hẳn sẽ được lên báo, rồi những người quyền cao chức trọng sẽ chú ý đến nó. Ngoài ra, mức sống ở đó rất rẻ mạt, khi sống giữa những người nghèo thì nó sẽ có thể sống mà chẳng cần gì, và như thế có thể để dành được một khoản lớn. Còn về những cám dỗ, thì có lẽ sẽ chỉ có rất ít hoặc chẳng có cám dỗ nào ở nơi như thế đâu. Cô hợp ý nhất với Theobald về chuyện mức sống rẻ mạt, bởi anh đang ngày càng cau có phàn nàn rằng anh chẳng đồng tình chút nào với thói tiêu phá và tự đại của Ernest. Khi Christina chỉ ra cho anh điểm này, anh cho rằng như thế thì chuyện này cũng có vài điểm chấp nhận được.
Còn riêng Ernest, việc này càng củng cố cái nhìn tốt đẹp về bản thân của nó, vốn đã ngày càng lớn dần kể từ lúc nó được phong chức, cũng như càng khiến nó tự tâng bốc mình như thể nó là một trong số ít những kẻ sẵn sàng từ bỏ tất cả vì Chúa Kitô. Từ trước đó rất lâu, nó đã bắt đầu nhận mình là một người mang trọng trách và sẽ có được một tương lai hoành tráng. Những ý tưởng sáng giá nhất và được định hình vội vàng nhất bắt đầu trở nên cực kỳ quan trọng với nó, rồi nó áp đặt chúng trên những người bạn cũ, và cứ mỗi tuần trôi qua càng nó càng lỳ lợm giữ chặt những ý tưởng quái gở này hơn nữa. Tôi gần như có thể che đậy giai đoạn này trong sự nghiệp của Ernest, nhưng như thế lại làm hỏng mất câu chuyện của tôi.