Ernest càng bị thu hút hơn về vấn đề này, nhưng với bản tính hiền lành, nó chẳng bình luận gì.
‘Tôi không mong muốn mình tử vì đạo theo kiểu như thế,’ gã phụ tá Pryer lại tiếp tục, ‘mà ngược lại, tôi sẽ xa lánh việc này bằng hết sức lực mình, nhưng nếu Chúa muốn tôi phải sa ngã khi đang tìm hiểu những gì tôi tin rằng sẽ mang lại vinh quang cho Ngài, thì xin đừng theo ý tôi, một theo ý Chúa mà thôi.’
Đến đây là đã quá mức chịu đựng của Ernest.
‘Tôi từng nghe nói đến một người phụ nữ Ireland tự nhận mình là một kẻ tử vì đạo trong chuyện chè chén.’ Pryer nói với một điệu cười nhếch trên môi. ‘Và bà ta đúng thực như vậy,’ anh ta reo lên đầy hăng hái, rồi tiếp tục chỉ cho Ernest thấy người phụ nữ tốt này là một người theo tư tưởng thực nghiệm, và những thử nghiệm của bà dù gieo cho bản thân bà những tác hại khủng khiếp nhưng lại mở mắt cho những người khác. Do đó, bà đúng là một kẻ tử vì đạo hay là một bằng chứng cho những tác hại kinh khủng của thói rượu chè, và nhờ đó cứu được nhiều người mà nếu không có sự hi sinh của bà thì chắc chắn họ đã sa vào thói xấu này rồi. Bà là một hy vọng bị tàn lụi, một người thất bại không thể giữ vững được quan điểm của mình, bà là minh chứng cho sự bất bại của thói rượu chè, từ đó khiến người ta thấy ra rượu chè không phải là thói có thể dạm thử được. Đối với nhân loại, nếu việc kiên định giữ vững được quan điểm vĩ đại đến mức nào, thì thất bại này của bà cũng mang lại một thu hoạch ngang tầm lớn lao như vậy.
‘Ngoài ra,’ anh ta vội vã nói thêm, ‘giới hạn giữa xấu và tốt là cực kỳ mong manh. Nửa số những thói xấu xa mà cả thế giới lên án mạnh mẽ nhất đều có hạt giống sự thiện trong chúng, và chúng ta cần sử dụng một cách vừa phải chứ không nên tuyệt đối trốn tránh chúng.’ Ernest rụt rè xin một ví dụ.
‘Không, không,’ Pryer trả lời, ‘tôi sẽ không cho bạn một ví dụ, nhưng sẽ đưa ra một công thức gộp tóm toàn bộ mọi ví dụ. Nó như thế này, không có việc gì hoàn toàn xấu xa, và những giống loài lịch thiệp nhất, mạnh mẽ nhất và học thức nhất trong lịch sử loài người đã chỉ làm yếu đi những thói xấu thay vì tiêu diệt chúng tận gốc. Nếu những thói xấu vẫn được tồn tại trong những quốc gia lịch thiệp nhất, thì điều đó hẳn phải được thiết lập trên một chân lý bất di bất dịch hay trên một sự thật trong bản tính con người, và chúng hẳn phải có những lợi điểm bù trừ mà chúng ta không thể chối bỏ được.’
‘Nhưng,’ Ernest lại rụt rè lên tiếng, ‘vậy chẳng phải như thế là xóa sạch tất cả những phân biệt giữa thiện và ác, và người ta sẽ chẳng có bất kỳ hướng dẫn đạo đức nào nữa hay sao?’ ‘Không phải những thường dân, mà chính chúng ta sẽ là người quan tâm hướng dẫn cho họ, bởi họ đang và luôn luôn bất lực trong việc hướng dẫn chính mình sao cho đúng đắn. Chúng ta nên dạy cho họ phải làm gì, và lý tưởng nhất, chúng ta phải có khả năng bắt họ làm những điều đó. Có lẽ tình trạng lý tưởng này chỉ đến khi chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, và để thúc đẩy điều này, thì việc cần thiết nhất chính là chúng ta phải có một hiểu biết sâu rộng hơn bệnh lý tinh thần. Và để được như vậy cần có ba điều, thứ nhất là chúng ta, các mục sư phải có sự tự do tuyệt đối để thử nghiệm đối với các bệnh tinh thần này, thứ hai là chúng ta phải nhận biết hoàn toàn về những suy nghĩ và việc làm của giáo dân một cách tổng thể cũng như trong những trường hợp nhất định, và thứ ba là các mục sư chúng ta phải được tổ chức gắn kết chặt chẽ hơn nữa.
Nếu chúng ta muốn làm được điều gì đó tốt đẹp thì chúng ta buộc phải hợp nhất chặt chẽ với nhau, và đồng thời phải vươn mình mạnh mẽ vào trong lòng giáo dân. Chúng ta cũng phải thoát khỏi những ràng buộc của gia đình vợ con. Tôi gần như không thể diễn tả hết sự ghê tởm khi chứng kiến đời sống của các mục sư anh chìm trong thứ mà tôi chỉ có thể gọi là ‘hôn nhân vô giới hạn’. Thật là tồi tệ. Mục sư phải là người tuyệt đối vô tâm thờ ơ với tình dục, nếu không tuyệt đối trong thực tế, thì ít ra cũng phải trong lý thuyết, và quy luật này phải được chấp nhận rộng rãi sao cho không một ai dám cả gan phê phán nó.’
‘Nhưng,’ Ernest nói, ‘chẳng phải Kinh Thánh đã dạy cho người ta biết những gì nên và không nên làm, còn chúng ta chỉ cần chú tâm vào Kinh Thánh là đủ rồi, không cần quan tâm đến thứ khác nữa, có đúng vậy không?’
‘Nếu bạn bắt đầu với Kinh Thánh,’ Pryer đáp lại, ‘thì bạn đã bước được ba bước trên con đường bội tín, và rồi sẽ bước thêm bước nữa mà bạn chẳng hay. Đối với chúng ta, Kinh Thánh rất có giá trị, nhưng với giáo dân, lại là một tảng đá ngáng đường mà chẳng thể sớm hoàn toàn vứt nó đi được. Tất nhiên, trong trường hợp này tôi giả thiết là họ có đọc Kinh Thánh, nhưng thực sự họ lại hiếm khi làm vậy. Nếu người ta đọc Kinh Thánh theo cách của những viên chức trong Giáo hội, thì như vậy chẳng có gì đáng ngại, nhưng nếu họ đọc nó một cách vô ý thức, mà chắc hẳn thế nào cũng như vậy, thì đó lại là mối nguy hại cho họ.’
‘Ý anh là sao?’ Ernest buột miệng, trong lòng càng kinh ngạc hơn nữa, nhưng cũng cảm thấy rõ hơn là ít nhất nó đang bị điều khiển bởi một người mang trong mình những tư tưởng rõ ràng.
‘Câu hỏi của bạn chỉ ra rằng bạn chưa bao giờ đọc đến Kinh Thánh của chính bạn. Một quyển sách khó nắm bắt hơn và không bao giờ được viết ra sẵn. Hãy nghe tôi, và đừng bao giờ đọc nó, đừng đọc cho đến khi bạn đủ tuổi khôn hơn, lúc đó bạn mới có thể đọc nó an toàn.’
‘Nhưng chắc chắn anh phải tin Kinh Thánh về những điều như Chúa Kitô đã chết và đã sống lại từ cõi chết, có chắc là anh tin những điều này hay không?’ Ernest trả lời, và sẵn sàng đón nhận câu trả lời là không.
‘Tôi không tin, tôi biết là tôi không tin.’
‘Nhưng vậy phải làm sao, nếu những lời chứng trong Kinh Thánh là sai lầm?’
‘Tin vào lời sống động của Giáo hội, những lời tôi biết là được chính Chúa Kitô lập nên, và không thể sai lầm.’
Chương 53
Buổi nói chuyện trên và thêm những lần khác tương tự như vậy, đã gây nên một ấn tượng mạnh trong Ernest. Nếu như chỉ một ngày sau, nó được trò chuyện với ông Hawke và được nghe những quan điểm khác của ông, thì hẳn nó cũng sẽ bị ấn tượng nhiều, và sẵn sàng vứt bỏ hết những gì Pryer vừa nói với nó, cũng như hiện tại nó đang vứt bỏ hết tất cả mọi lời nó từng được nghe ngoại trừ những lời của Pryer, nhưng tiếc thay hiện giờ chẳng có ông Hawke nào bên nó, và chỉ còn mỗi Pryer được tự tung tự tác với tư tưởng của nó mà thôi.
Những tâm trí còn phôi thai, cũng hệt như thân thể còn trong trứng nước, phải trải qua một loạt những biến dạng lạ lùng trước khi đạt đến hình thái cuối cùng của nó. Chắc chắn một người đang trong tiến trình biến đổi thành một tín hữu Công giáo Roma, sẽ phải qua những giai đoạn làm một thành viên hội Giám lý, rồi đến một kẻ tự do về tư tưởng, như thể một thứ lúc trước chỉ là một tế bào, bây giờ trở nên một sinh thể không xương sống vậy. Tuy nhiên, chẳng thể mong Ernest biết được điều này, một phôi thai chẳng bao giờ biết điều gì hết. Mỗi giai đoạn, những kẻ phôi thai chỉ nghĩ rằng, bây giờ chúng đã đạt đến tình trạng duy nhất thực sự phù hợp với mình. Và chúng cho rằng đó hẳn phải là giai đoạn cuối cùng của chúng, đến mức kết cuộc chúng sẽ phải đón nhận sự chấn động quá độ mà chẳng gì níu giữ nổi. Tất cả mọi đổi thay đều gây chấn động, tất cả mọi chấn động đều là một cái chết không hơn không kém. Thứ mà chúng ta gọi là cái chết chỉ là một chấn động đủ lớn để tận diệt năng lực của chúng ta, không cho chúng ta nhìn nhận được rằng quá khứ và hiện tại là những thứ tương đồng. Nó khiến chúng ta xem quá khứ và hiện tại khác nhau hơn là giống nhau, đến nỗi chúng ta không thể chấp nhận việc xem những gì có trước là phần mở rộng của những gì đang có, và lại thấy mình dễ dàng xem quá khứ là một điều gì đó mà chúng ta quyết định xem như một thứ mới lạ.
Nhưng khi nhìn nhận như thế, thì rõ ràng bệnh học tinh thần (tôi thú nhận là tôi chẳng biết từ này nghĩa là gì, nhưng Pryer và Ernest thì chắc chắn phải biết) là một trong những việc lớn cần phải làm trong thời đại này. Dường như Ernest muốn tự mình khám phá lĩnh vực này, và gắn kết thứ này suốt đời nó, đến nỗi nó thực sự chẳng bao giờ đếm xỉa đến bất cứ thứ gì khác. Nó viết những lá thư dài gởi cho các bạn học để bày tỏ quan điểm này của nó, và suy nghĩ của nó chẳng khác gì một ông linh mục Tòa Thánh Roma. Nó chẳng thèm dành chút thời gian nào cho Cựu Ước. Tôi đã thấy nó viết cho một người bạn thế này: ‘làm ơn đọc sách ngôn sứ Zechariah giùm tôi, và cho tôi biết quan điểm công tâm của bạn về ông ấy. Zechariah là một thứ vớ vẩn đầy huênh hoang hệt như dân mỹ, thật đáng tởm khi phải sống trong một thời đại mà những thứ vớ vẩn về cả mặt văn chương lẫn ngôn sứ như thế lại được người ta hết mực ái mộ.’ Nó nghĩ như vậy bởi Pryer chống đối Zechariah. Tôi chẳng biết Zechariah đã làm gì, nhưng tôi nghĩ Zechariah là một ngôn sứ tốt. Có lẽ bởi Zechariah là một người viết Kinh Thánh và chẳng có gì xuất chúng, nên Pryer đã chọn ông để làm nền cho việc phê phán Kinh Thánh khi đem so với Giáo hội.
Tôi thấy Ernest, không lâu sau đó, đã viết cho anh bạn Dawson của nó như thế này: ‘Pryer và tôi vẫn tiếp tục tiến lên cùng nhau, và phân tích các tư tưởng cho nhau. Lúc đầu, mọi ý tưởng đều là của anh ta, nhưng bây giờ tôi nghĩ là tôi đã khá ngang tài với anh ta rồi, và đúng hơn, tôi rất thích thú khi thấy rằng anh ta đã bắt đầu thay đổi một vài quan điểm mà anh ta vốn khư khư giữ chặt lúc hai chúng tôi mới đầu quen biết nhau.