Pryer trạc hai mươi tám tuổi, đã từng học tại Eton và Oxford. Anh ta là người cao lớn, và được phần đông cho là dễ nhìn, còn tôi từng gặp anh ta trong vòng năm phút, và nghĩ rằng cả điệu bộ lẫn hình dong của anh ta đều thật gớm ghiếc. Có lẽ ác cảm của tôi là bởi hoàn cảnh tôi gặp anh ta không được dễ chịu với tôi cho lắm. Tôi đã trích dẫn một câu của Shakespeare hơi thiêu thiếu chút gì đó để thể hiện cho trọn ý, cụ thể là tôi đã nói rằng một sự tiếp xúc tự nhiên khiến cho toàn thế giới nên thân thiết. ‘À,’ cậu ta nói với giọng xấc xược lơ láo khiến tôi khó chịu, ‘nhưng một tiếp xúc giả tạo còn khiến cho mọi người thân thiết hơn,’ rồi ném cho tôi một cái nhìn như thể tôi là một ông già lắm chuyện, và chẳng thèm bận tâm xem liệu tôi có thấy sốc hay không. Sau vụ đó, tôi thấy khó ưa cậu ta cũng đúng thôi.
Tuy nhiên, tôi đã lường trước cái cảm giác khó ưa sẽ dành cho cậu ta, bởi không phải chờ đến lúc Ernest ở London được ba hay bốn tháng tôi mới biết đến gã phụ tá này, và tôi càng thấy khó ưa hơn khi biết anh ta đã gây những tác động xấu đến thế nào đối với con đỡ đầu của tôi. Ngoài ngoại hình được người ta cho là dễ nhìn, anh ta còn rất chỉnh chu trong ăn mặc, và tóm lại đó là loại người mà chắc chắn Ernest nên e dè lo ngại, nhưng lại sẽ lừa phỉnh được nó. Phong cách ăn mặc của Pryer cực kỳ chuẩn theo kiểu của Thượng phái, và kiến thức cũng hoàn hoàn theo hướng đó, nhưng khi có ông mục sư, thì anh ta thể hiện mình rất bình thường, và ông già đó dù thường dành cho đồng bạn của Pryer cái nhìn ngờ vực, lại chẳng phàn nàn chút gì về anh. Pryer cũng có tiếng về tài giảng dạy, mà xét cho cùng có thể là kiểu vua chột giữa xứ mù. Trong lần đầu anh ta đến thăm Ernest, ngay khi chỉ còn hai người với nhau, anh ta liền nhìn nó với cái liếc mắt nhanh sắc lạnh và dường như cũng khá hài lòng về nó, bởi tôi phải nói thêm ở đây là ngoại hình của Ernest đã cải thiện nhiều dưới môi trường êm ả của Cambridge. Thật sự thì Pryer thấy Ernest vừa đủ xứng đáng để anh ta đối xử một cách lịch sự, và các bạn biết đó, Ernest luôn là đứa dễ cảm tình với bất kỳ ai cư xử với nó như vậy. Đi cùng với anh ta, chẳng bao lâu sau, Ernest khám phá rằng Thượng giáo và thậm chí là Roma có quá nhiều điều mới lạ mà nó chưa từng nghĩ đến. Và đó chính là đường bay chấp chới đầu tiên của nó.
Pryer giới thiệu nó với một vài người bạn của anh ta. Tất cả họ đều là những giáo sỹ trẻ tuổi và như tôi đã nói đều là những người Thượng phái cực đoan nhất, nhưng khi gia nhập với họ, Ernest rất ngạc nhiên khi thấy rằng họ cũng hệt như những người khác mà thôi. Điều này chấn động tinh thần nó, chẳng bao lâu sau nó càng kinh ngạc hơn khi thấy những ý nghĩ mà nó đã đấu tranh chống lại xem như là thứ tuyệt mạng đối với nó, và những thứ mà nó từng nghĩ là sẽ gạt được hết sang một bên một khi đã nhận chức thánh, tất cả đến tận bây giờ vẫn cứ mãi quấy rối nó như xưa. Nó cũng thấy rõ rằng Pryer, người quy tụ được cả một loạt bạn bè vây quanh cũng đang trong tình cảnh khốn khổ hệt như nó vậy.
Thật là tồi tệ. Cách duy nhất để thoát khỏi tình cảnh này mà Ernest nghĩ ra được chính là phải kết hôn. Nhưng rồi nó nhận ra rằng nó chẳng biết cô nào để cưới. Nó chẳng biết bất kỳ phụ nữ nào, và thực sự là nó thà chết còn hơn phải lấy vợ. Một trong những mục tiêu hàng đầu của Theobald và Christina là cách ly nó khỏi phụ nữ, và họ đã thành công ngoài mong đợi, Ernest chẳng bao giờ tìm kiếm hay theo đuổi phụ nữ, và nếu không tránh được họ, thì nó cũng chỉ xem họ là những đối tượng bí ẩn và cực kỳ khó hiểu. Nó cũng thấy được nhiều người đàn ông yêu say đắm, nếu không thì cũng là yêu mến phụ nữ, nhưng nó lại tin là phần đông trong số đó chỉ là những kẻ dối trá mà thôi. Tuy vậy, giờ đây, rõ ràng là nó khắc khoải điều này quá lâu rồi, và việc duy nhất nó nên làm bây giờ là đi gặp và cầu hôn người phụ nữ đầu tiên chịu lắng nghe nó, càng sớm càng tốt.
Nó đề cập việc này với Pryer, và vô cùng ngạc nhiên khi khám phá ra rằng, anh chàng này dù ân cần với từng thành viên trong đoàn chiên của mình, và cũng là một người trẻ đẹp trai, lại quyết tâm mạnh mẽ sống đời giáo sỹ độc thân, và thực sự là những đồng bạn khác mà anh đã từng giới thiệu với Ernest cũng cùng một quyết tâm như vậy.
Chương 52
‘Bạn biết đấy, Pontifex thân mến của tôi,’ Pryer nói với Ernest lúc đang đi dạo trong vườn Kensington vào khoảng vài tuần sau khi bắt đầu quen biết nhau, ‘Bạn biết đấy, thật hoàn toàn đúng đắn khi chúng ta bất đồng với Roma, nhưng mà Roma gần đây đã biến việc chỉnh đốn tinh thần con người thành một loại khoa học, còn trong khi đó, Giáo hội của chúng ta, dù nguyên tuyền hơn họ về nhiều mặt, lại chưa có một hệ thống tổ chức nào để chẩn đoán và trị liệu, ý tôi tất nhiên, là về mặt tinh thần ấy. Giáo hội của chúng ta không định ra được những phương thuốc theo kiểu một hệ thống được thiết lập sẵn, và tệ hơn nữa, ngay cả khi những nhà trị liệu của chúng ta với hiểu biết của họ đã tìm ra căn bệnh và kê thuốc chữa, Giáo hội này vẫn chẳng có được một nền kỷ luật để bảo đảm cho phương thức chữa lành đó được thực hiện. Nếu những bệnh nhân của chúng ta không muốn làm theo những gì chúng ta bảo, thì chúng ta cũng chẳng thể bắt ép họ được. Có lẽ thực sự trong mọi trường hợp, khi đem chúng ta so sánh với linh mục Roma, thì giống như kiểu bác sỹ thú ý với bác sỹ vậy. Và chúng ta sẽ chẳng thể hy vọng có tiến triển chút gì trong việc chống lại tình trạng tội lỗi và thống khổ đang vây khốn chúng ta, trừ phi chúng ta biết quay về với một vài khía cạnh trong việc hành đạo của cha ông và của phần lớn thế giới Kitô giáo.’
Ernest hỏi Pryer xem anh ta mong muốn quay về với việc hành đạo của cha ông trong những khía cạnh nào.
‘Sao nào, bạn thân mến, bạn có thể thực sự ngu dốt đến vậy ư? Đơn giản là thế này, nếu quả thật các mục sư chẳng phải là người hướng dẫn tinh thần và cũng chẳng có khả năng chỉ cho người ta cách để sống tốt hơn những gì tự họ có thể tìm được, thì mục sư chẳng là gì cả và cũng chẳng có lý do gì để tồn tại. Nếu mục sư không phải là một người chữa lành và hướng dẫn cho linh hồn như vai trò của bác sỹ đối với thể xác, vậy thì mục sư là cái gì? Lịch sử của mọi thời đã chỉ ra, và tôi chắc là bạn cũng biết rõ như tôi, rằng người ta chẳng thể cứu chữa cho thân xác bệnh nhân nếu chưa được đào tạo đúng đắn trong bệnh viện dưới sự chỉ dẫn của những người lành nghề, vậy thì linh hồn cũng không thể được chữa lành khỏi những bệnh tật sâu kín bên trong nếu như không có những người được đào tạo những kỹ năng về phần hồn, hay nói cách khác, chính là mục sư đó. Một nửa những công thức và đề mục của chúng ta sẽ là thứ gì nếu không có điều này? Xét cho cùng, làm sao chúng ta chỉ có thể tìm ra chính xác bản chất của một bệnh tật phần hồn, nếu như không có kinh nghiệm trong những trường hợp tương tự như vậy, và như thế có hợp lý hay không? Hiện tại chúng ta đều bắt đầu với những thử nghiệm tự phát, mà chẳng có một kinh nghiệm hệ thống nào từ những người đi trước, hay nói cách khác là hiện nay, các kinh nghiệm chưa bao giờ được người ta tổ chức và sắp xếp lại. Bởi thế, lúc khởi đầu công việc mục sư, thế nào chúng ta cũng sẽ phá hoại một vài linh hồn, một việc mà chúng ta có thể tránh được nếu như được dạy cho biết vài nguyên tắc căn bản.’ Ernest vô cùng ấn tượng vì điều này.
‘Còn khi người ta tự chữa cho mình ư,’ Pryer tiếp tục, ‘về phần hồn, họ chẳng thể làm gì hơn những việc chữa chạy có thể làm với thân xác hay với những vấn đề luật pháp. Trong hai trường hợp sau, người ta thấy rõ ràng thật ngu ngốc khi tự mình can thiệp sâu vào những chuyện này, và rồi tất yếu phải tìm đến những người chuyên nghiệp, mà chắc chắn vấn đề phần hồn còn khó khăn và phức tạp hơn, cũng như quan trọng đối với người ta hơn, do đó càng cần phải xử lý nó một cách hợp lý hơn nữa. Chúng ta nghĩ gì khi thấy một Giáo hội khuyến khích người ta cậy dựa vào những lời khuyên không đủ chuyên sâu trong những vấn đề liên quan đến hạnh phúc đời đời của họ, trong lúc đó lại không muốn gây hại cho những chuyện trần tục của mình bằng một cách xử trí tương tự như vậy?’
Ernest chẳng thấy một kẽ hở nào trong lập luận này. Những ý tưởng này đã từng thoáng qua trong đầu nó trước đây, nhưng chưa bao giờ nó nắm vững hay sắp xếp chúng lại. Và nó cũng chẳng nhạy bén để dò ra được những so sánh sai lầm và quá lạm dụng mà Pryer đang dùng, thực sự thì nó chỉ như một đứa nhãi con trong tay anh ta mà thôi.
‘Và tất cả những chuyện này nói lên điều gì?’ Pryer lại tiếp tục, ‘Trước hết, về bổn phận xưng tội, việc phân tích mổ xẻ chẳng phải là một phần huấn luyện của các sinh viên y khoa hay sao. Giả dụ như những sinh viên này phải nhìn và phải làm những việc mà chúng ta còn chẳng muốn nghĩ đến, nhưng họ sẽ chẳng theo đuổi một nghề nghiệp trừ phi họ đã được chuẩn bị sẵn sàng cho việc đó, họ có thể lấy chất độc từ một người chết mà tiêm vào mình rồi mất mạng, nhưng họ phải đánh cược với cơ hội của họ. Vậy nếu chúng ta mong mỏi được trở thành những mục sư sao cho đúng với danh xưng này, thì chúng ta cũng phải làm quen với những chi tiết nhỏ nhặt nhất và ghê gớm nhất của đủ mọi loại tội, để nhờ đó chúng ta có thể nhận biết mọi dạng thức của chúng. Chắc chắn một vài người trong chúng ta sẽ mất linh hồn khi theo đuổi việc này. Chúng ta không thể tránh được nó, tất cả mọi ngành khoa học đều phải có những kẻ tử vì đạo, và trong số đó không ai đáng được vinh danh hơn những người bị sa ngã khi mưu tìm sự chữa lành cho linh hồn.’