Suốt năm học cuối ở Cambridge, nó ép mình lao vào học tập để chiều theo ý muốn của cha nó, vì nếu không có áp lực từ cha muốn nó phải rạng danh cho anh, thì hẳn nó đã hài lòng với một tấm bằng hạng thường rồi. Thực sự thì sức khỏe nó đang rất xấu, đến nỗi không chắc nó có đủ sức để lấy bằng không nữa, nhưng nó đã làm được, và khi danh sách tốt nghiệp được treo lên, vị thứ của nó vượt ngoài kì vọng của tất cả mọi người và của cả chính nó nữa, nó được xếp trong số ba hay bốn thủ khoa môn Toán, và vài tuần sau là ở nửa sau của danh sách tốt nghiệp ưu tú môn Kinh điển. Lúc về đến nhà nó đã rất yếu rồi, nhưng Theobald bắt nó làm lại những bài thi với anh, và phải làm cho thật tốt gần với kết quả bài thi mà nó đã nộp cho trường. Nó chỉ phản kháng được đôi chút rồi cứ chìm sâu trong lối mòn e sợ cũ, nên dù đã ở nhà, nó vẫn dành vài giờ mỗi ngày để tiếp tục học môn Toán và môn Kinh điển, cứ như thể nó vẫn chưa lấy được bằng tốt nghiệp vậy.
Chương 47
Ernest trở lại Cambridge vào một ngày tháng năm 1858, để xúc tiến việc phong chức, một việc mà giờ đây nó phải đối mặt sớm hơn mong đợi. Cho đến lúc này, dù không có chiều hướng tôn giáo rõ ràng, nó vẫn chưa bao giờ hoài nghi bất kỳ điều gì đã học được về Kitô giáo. Nó chưa bao giờ thấy bất kỳ ai tỏ thái độ hoài nghi, cũng chưa từng đọc bất kỳ thứ gì có thể khơi gợi trong nó hoài nghi về tính lịch sử của các phép lạ trong Tân và Cựu Ước.
Chúng ta phải nhớ rằng năm 1858 đánh dấu sự chấm hết của một thời kỳ yên bình liên tục của Giáo hội anh giáo. Giữa năm 1844, lúc quyển ‘Dấu tích Sáng tạo’[22] ra đời, và năm 1859, lúc quyển ‘luận Bình’[23] đánh dấu sự khởi phát của cơn giông tố sẽ hoành hành suốt vài năm sau đó, thì ở anh không có một quyển sách nào gây được chấn động rung chuyển trong lòng Giáo hội. Có lẽ quyển ‘lịch sử Văn minh’[24] của Buckle và quyển ‘Bàn về Tự do’[25] của Mill là những bìa sách gây hoang mang nhất, nhưng cả hai đều chưa chạm được đến tầng lớp phổ thông, và Ernest cũng như đồng bạn không hề biết đến sự hiện diện của chúng. Phong trào của phái Phúc âm đi kèm với những phản đối mà tôi sẽ sớm đưa ra sau đây, cũng đã gần như chìm vào quên lãng. Phái Tiểu luận đã biến thành một thứ nhất thời, dù vẫn còn hoạt động nhưng chẳng gây được nhiều chú ý. Lúc Ernest đến học tại Cambridge, thì quyển ‘Dấu tích’ đã bị người ta lãng quên, và những công kích nhắm vào Giáo hội Công giáo cũng chẳng còn đáng sợ, chủ nghĩa hình thức chưa được những người tỉnh lẻ biết đến, còn cuộc luận chiến Gorham và Hampden đã chấm dứt từ cách đó nhiều năm, Bất đồng trong Giáo hội đã ngừng lại, và người ta chỉ mải chăm chú vào chiến trận Crimean, rồi Binh biến Ấn Độ và cuộc chiến Pháp-Áo. Nhiều biến cố lớn đã đẩy người ta rời mắt khỏi những vấn đề về lập luận và suy tư, và chẳng một kẻ thù nào của đức tin có thể khơi gợi lên dù chỉ một gợn sóng nhỏ trên mặt biển quốc dân. Có lẽ kể từ đầu thế kỷ XIX này, chẳng có thời kỳ nào người ta lại khó tìm thấy những khuấy động nhiễu loạn như trong thời kỳ này.
Tôi buộc phải nói rằng sự yên bình này chỉ là phần nổi. Những người lớn tuổi hơn, và am hiểu hơn các sinh viên, hẳn phải thấy được con sóng của chủ nghĩa hoài nghi vốn đã vỡ vụn ở Đức quốc giờ đây đang lan đến bờ anh quốc và sẽ chẳng bao lâu nữa sẽ gây cơn giông gió nơi đây. Ernest đã được phong chức trước lúc xuất hiện ba tác phẩm lớn nhanh chóng thu hút sự chú ý, thậm chí của cả những người ít lưu tâm đến tranh luận thần học, đó là quyển ‘luận Bình’, quyển ‘Nguồn gốc các loài’ của Charles Darwin, và quyển ‘Bàn về Ngũ Thư’ của giám mục Colenso.
Nhưng tôi lạc đề mất rồi, tôi phải trở lại với một giai đoạn hoạt động tôn giáo mạnh mẽ nhưng đã lụi tàn lúc Ernest theo học ở Cambridge. Điều tôi muốn nói đến chính là phần còn lại của phong trào phái Phúc âm nổi lên từ trước đó hơn một thế hệ, và có liên quan đến cái tên Simeon.
Vẫn còn khá nhiều người thuộc nhóm Simeon, hoặc được gọi đơn giản là ‘Sim’ vào thời của Ernest. Mọi trường ở Cambridge đều có một vài thành viên của nhóm này, nhưng trung tâm đầu não của nhóm được đặt ở trường Caius, nơi có ông Clayton đang làm giám hộ, và còn ở nhóm những sinh viên miễn giảm của trường Thánh John nữa.
Phía sau nhà nguyện của trường thánh John, có một ‘mê cung’ (người ta đặt tên nó như vậy) đầy những phòng tối tăm và lộn xộn, toàn bộ đều là chỗ trọ cho những sinh viên nghèo nhất, những người nhờ học bổng và giảm học phí để tồn tại trong trường đại học. Nhiều người, ngay cả những người ở trường thánh John, vẫn không biết đến sự tồn tại và địa điểm của cái mê cung này, một vài sinh viên cùng khóa với Ernest, dù sống ngay ở nhà lớn trong trường thánh John vẫn không thể tìm được đường băng qua cái lối đi ngoằn nghèo để tìm đến mê cung bí ẩn này.
Trong mê cung đó, có đủ người thuộc mọi lứa tuổi, từ những đứa choắt đến những người đầu hai thứ tóc đi học trễ. Người ta hiếm khi thấy họ ngoại trừ ở sảnh, nhà nguyện hay giảng đường, và cái kiểu ăn uống cầu nguyện cũng như học hành của họ đều khiến người khác thấy khó chịu. Chẳng ai biết họ đến từ đâu và đi đâu, cũng chẳng biết họ làm gì, bởi không bao giờ họ xuất hiện trên sân cricket hay bãi đua thuyền. Với mọi người, họ là những kẻ u ám và rầu rĩ, chẳng có mấy vẻ rạng rỡ nơi trang phục, cách thức và cả thân xác họ nữa.
Ernest và đồng bạn của nó thường tự xem mình là xuất sắc về tài chính khi có thể xoay sở với số tiền chu cấp quá ít ỏi của mình, nhưng với phần lớn những người sống trong cái mê cung trên thì chỉ cần có được một nửa khoản cái khoản được cho là ít ỏi của nhóm Ernest đã là sung túc quá bội rồi, và chắc chắn những bạo ngược gia đình mà Ernest đã phải chịu sẽ chẳng là gì so với những khốn khổ phải cam chịu của phần đông những sinh viên miễn giảm trường thánh John này. Một vài người trong số họ, sau khi qua kỳ sát hạch đầu tiên đã thể hiện được sự xuất chúng và được xem là niềm vinh dự cho trường, họ sẽ được nhận những học bổng giá trị có thể cho cuộc sống của họ được thoải mái hơn đôi chút, và sự chăm chỉ sẽ đưa họ hòa nhập với những người có địa vị cao hơn mình, nhưng dù như vậy, trừ vài trường hợp đặc biệt, họ vẫn phải mất một thời gian dài để rũ bỏ sự thô kệch vốn có, cũng như vẻ ngoài của họ sẽ còn mãi tố giác họ cho đến tận khi họ được trở thành một giảng viên hay trợ giảng. Tôi đã từng gặp nhiều người vốn đạt đến vị trí cao trong giới chính trị và khoa học, nhưng vẫn còn giữ cái nhìn của một sinh viên miễn giảm trường John, một kẻ sống trong mê cung.
Với nét mặt, dáng đi và bộ điệu khó ưa, cộng với đầu tóc rối bù và ăn mặc xoàng xĩnh dễ nhận thấy, những sinh viên này tạo thành một tầng lớp cá biệt, mang những suy nghĩ và cách sống khác hẳn với Ernest và đồng bạn của nó, nhưng như thế lại tạo điều kiện cho chủ nghĩa Simeon chi phối chủ đạo trong tư tưởng của họ.
Hầu hết những người phái Simeon đều nhắm đến phục vụ cho Giáo hội (thời đó cụm từ ‘chức thánh’ ít được dùng đến), họ buộc mình đón nhận một lời mời gọi thúc bách với chức mục sư, và sẵn sàng ép mình trong nhiều năm để chuẩn bị cho những khóa thần học cần thiết. Đối với phần lớn trong số họ, trở thành một giáo sỹ chính là con đường để đạt đến một địa vị xã hội mà cho đến tận lúc này họ vẫn còn bị ngăn cản và biết rằng không thể vượt qua nổi. Bởi thế, chức thánh là thứ mở đường cho tham vọng của họ, và họ toàn tâm toàn ý đặt nó làm tâm điểm cho mọi suy nghĩ của mình. Còn Ernest thì khác, nó biết chức thánh là một thứ sẽ đến với nó một ngày nào đó, nhưng cũng như với cái chết, nó chỉ mong sao chúng đừng quấy nhiễu nó được chừng nào hay chừng đó.
Để chuẩn bị cho mình được chu đáo hơn, nhóm này hội nhau lại trong phòng một thành viên để chuyện trà, cầu nguyện và làm những việc hành đạo khác. Nhờ đặt mình dưới sự hướng dẫn của vài giảng viên danh tiếng, họ được dạy trong các lớp giáo lý ngày chủ nhật, và lúc thuyết phục được một ai đó lắng nghe mình, họ liền truyền đạt những kiến thức tâm linh cho người đó, bất kể có đúng lúc hợp lý hay không.
Nhưng những sinh viên khá giả hơn không phải là mảnh đất thích hợp cho những hạt giống mà họ cố gieo trồng. Nếu tình cờ được bắt chuyện với ai mà họ xem là trần tục, thì họ sẽ cố xen vào câu chuyện những lời sùng đạo, và điều này chẳng gây được tác dụng gì ngoài việc gieo thêm ác cảm đối với những người đó. Khi họ đi rải những bài giảng đạo vào hộp thư của những kẻ khá giả vào ban đêm lúc họ đang ngủ, thì chúng bị quăng vào lò lửa, hoặc bị đối xử tệ hơn nữa. Họ tự xem những lời nhạo báng dành cho mình là một điều hãnh diện và là dấu hiệu chứng tỏ họ là những môn đệ thật của Chúa Kitô. Thường thì những buổi cầu nguyện của họ đều có một đoạn trong thư thánh Phaolo nói đến việc ngài mời những người thành Corinth cải đạo, và quy chiếu đoạn đó với chính họ là những người gần như không có xuất thân cao quý cũng như trí tuệ thông minh. Họ tự hào nhìn nhận mình chẳng có gì để tự hào trong những phương diện đó, và như lời thánh Phaolo, họ hãnh diện vì họ chẳng có gì đáng hãnh diện về thân thế trần tục của mình.
Ernest có vài người bạn ở trường thánh John, rồi từ đó nó nghe biết về nhóm Simeon cũng như được thấy mặt một vài người trong số đó nhờ đám bạn chỉ cho nó lúc họ băng qua sân trường. Họ khiến nó khó chịu, nó không thích họ và không muốn cho họ yên thân. Một lần nọ, nó đã đi quá xa khi nhại lại một trong những bài giảng đạo vốn được nhóm Simeon lén lút phân phát trong đêm, rồi đem đặt những bản sao vào hộp thư của từng người trong nhóm. Chủ đề bài đó là ‘Sự sạch sẽ bản thân.’ Nó viết rằng, sự sạch sẽ nằm ngay sau sự thánh thiện, và mong muốn biết sự sạch sẽ được thể hiện ra ở mặt nào, rồi đến cuối bài, nó kết luận là phải hô hào cho những người nhóm Simeon đi tắm nhiều hơn. Tôi không thể tán thưởng cái tính khôi hài theo kiểu này của nó, và bài đó của nó cũng chẳng có gì hay, nhưng tôi nhắc đến việc này để chỉ ra rằng vào thời đó, nó có gì đó giống Saolo[26], thích thú khi ngược đãi những người theo Chúa, hoàn toàn không phải bởi nó nghi ngờ đạo, nhưng bởi nó cũng chỉ như những nông dân trong xứ của cha nó, dù không khó chịu gì khi thấy ánh sáng đạo lan tỏa, nhưng cũng chẳng để tâm đến việc này cách nghiêm túc. Bạn bè của Ernest nghĩ rằng nó không thích nhóm Simeon chỉ bởi vì cha nó đã ngược đãi nó, và ông là một mục sư. Tuy nhiên, đúng hơn thì những hành động của nó xuất phát từ một sự thương cảm vô thức dành cho bọn họ, và cũng như trong trường hợp của thánh Phaolo, đến cuối cùng, tâm thức này sẽ dẫn nó gia nhập vào hàng ngũ những kẻ mà nó vốn khinh thường và căm ghét nhất.