Tôi không tin là nó hèn nhát nhiều hơn những người khác, chỉ đơn giản là nó không biết rằng tất cả mọi người nhạy cảm đều hèn nhát khi vướng vào chuyện gì đó vượt ngoài tầm tay, hay khi nghĩ là họ sẽ bị đối xử thô bạo. Tôi tin rằng trong thực tế ngay cả thánh Michael can đảm cũng có thể đã cố hết sức để trốn tránh cuộc đối đầu nổi tiếng với con rồng, ngài cố tình không nhìn ra tất cả những hành động xấu xa của con rồng, ngài bịt mắt trước việc nó đã ăn thịt hàng trăm người, cả đàn ông, đàn bà và trẻ con mà ngài đã hứa là sẽ bảo vệ họ, ngài bằng lòng chấp nhận bị sỉ nhục công khai hàng tá lần về việc này, rồi đến cuối cùng khi ngay cả một thiên thần cũng không thể chịu đựng nổi, ngài vẫn lưỡng lự và trì hoãn một cách vô lý ngày giờ mà ngài phải đứng lên đương đầu với con rồng. Còn cuộc chiến thực sự của ngài thì nó cũng chỉ là một đống lo lắng hỗn độn cầu may như lúc bà Allaby xoay xở với chàng trai trẻ vốn cuối cùng rồi cũng phải kết hôn với cô con gái lớn của bà, và sau một thời gian giao tranh kiểu như thế, ngài thấy con rồng nằm chết, còn bản thân mình sống sót và chẳng chịu thương tích gì nặng nề.
‘Mẹ à, con không biết mẹ nói gì,’ Ernest nói to, đầy lo âu và phần nào hấp tấp. Christina xem đó có thể là sự giận dữ, và đúng hơn là đe dọa cô, nên cô lảng tránh nhanh hết mức có thể.
‘Ôi,’ cô nói, ‘với giọng của con thì mẹ thấy là con vô tội! Ôi, ôi, tạ ơn Chúa biết bao vì thế, có lẽ nhờ Chúa Giêsu, mà Chúa đã giữ cho con luôn được trong sạch. Con yêu quý, cha của con, (đoạn này cô nói nhanh nhưng lại đưa mắt dò xét Ernest) trong sạch như một thiên thần nguyên tuyền khi đến với mẹ. Giống ông ấy, con cũng hãy luôn bỏ mình, thật sự trung tín trong lời nói và việc làm, đừng bao giờ quên cha và ông nội của con, cũng đừng quên cái tên mà cha mẹ đã đặt cho con, và con phải nhớ lấy dòng nước sẽ rửa sạch tội con trong máu và ơn phúc của Chúa Kitô,’…. V.v.
Nhưng Ernest đã chặn những lời này, mà tôi chắc hẳn phải dài lắm, bằng cách thoát ra khỏi vòng tay của mẹ và vội vã bỏ chạy. Khi đã đến gần nhà bếp, nơi khiến nó dễ chịu hơn, nó nghe tiếng cha gọi mẹ nó, và cái cảm thức tội lỗi lại dấy lên trong nó. ‘Bây giờ thì cha đã khám phá ra hết,’ lương tâm nó lên tiếng, ‘và đang định nói với mẹ, lần này mình xong rồi.’ Nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra, cha nó chỉ muốn lấy chìa khóa phòng rượu. Rồi Ernest lẩn vào một lùm bãi nào đó nơi bãi cỏ sau nhà, và lấy lại bình tĩnh bằng một hơi thuốc. Trong đám cây dưới ánh mặt trời mùa hạ đang len lỏi qua tán lá, với một quyển sách và cái tẩu, đứa trẻ của chúng ta quên đi những bận tâm của nó, và tạm thời được nghỉ ngơi tránh khỏi thứ mà tôi tin là thật sự không thể chịu đựng nổi trong cuộc sống của nó.
Tất nhiên, Ernest bị bắt phải đi tìm cho được những thứ nó đã làm mất, và sẽ có phần thưởng cho việc này, nhưng dường như nó cứ lang mang khỏi việc chính, nhiều lần cứ nghĩ đến chuyện tìm tổ chim chiền chiện, hơn nữa, việc tìm một cái đồng hồ và ví ở Battersby rộng lớn cũng chẳng khác gì mò kim đáy biển, mà cũng có thể một khách bộ hành nào đó đã nhặt được chúng rồi, hoặc chúng đã rơi vào tay những kẻ nhanh tay vốn đầy rẫy khắp vùng, cho nên khoảng một tuần hoặc mười ngày sau, nó không phải tìm kiếm nữa, còn cha mẹ nó đành đối diện với sự thật khó chịu là họ phải mua cho nó một chiếc đồng hồ mới, con dao mới và cho nó thêm ít tiền dằn túi.
Tuy nhiên, rất hợp lý khi Ernest phải trả nửa số tiền mua đồng hồ, và việc này cũng chẳng làm khó gì nó, bởi số tiền này sẽ được trừ dần vào tiền chu cấp mỗi học kỳ của nó trong vòng hai hoặc thậm chí là ba năm. Vấn đề mà Ernest cũng như cha mẹ nó quan tâm bây giờ là phải mua chiếc đồng hồ với giá rẻ nhất có thể, nên họ quyết định sẽ mua một chiếc đồng hồ cũ đã qua sử dụng. Và cha mẹ nó dự tính là sẽ mua mà không cho nó biết, rồi đặt lên dĩa ăn của nó xem như một bất ngờ trước khi kì nghỉ kết thúc. Theobald đã phải lên phố vài ngày mới tìm được vài chiếc đáng mua. Nhưng tất nhiên, trong thời gian đó, anh cũng giải quyết cả một danh sách việc cần cho nhà, và chiếc đồng hồ của Ernest chỉ là một trong số đó mà thôi.
Như tôi đã nói, những lần Theobald xa nhà cả ngày luôn là thời gian thoải mái, và Ernest bắt đầu cảm thấy dễ thở hơn như thể Chúa đã nghe lời cầu nguyện của nó, và chuyện của nó sẽ không bị bại lộ. Suốt những ngày đó, mọi chuyện yên bình lạ lùng, nhưng ôi thôi, lại chẳng thể tốt đẹp đến tận cùng, mà với cái bầu không khí hay thay đổi trong nhà này, thì sau một thời gian càng yên bình bao nhiêu, bão tố ập đến lại càng dữ dội bấy nhiêu, và khi Theobald trở về, Ernest chỉ cần nhìn sắc mặt của anh cũng đã biết rằng cơn dông tố đang chuẩn bị ập xuống.
Christina thấy có chuyện gì rất không ổn, và hơi e sợ rằng có thể đã bị thất thoát một số tiền lớn trong cổ phần của Theobald, tuy nhiên, anh bảo cô là không phải vậy, và cùng lúc đó rung chuông nói với người hầu, ‘Báo cho cậu Ernest là ta muốn nói chuyện với nó trong phòng ăn.’
Chương 41
Trước khi đến phòng ăn, cái tâm hồn rúng động của Ernest đã mách bảo nó rằng tội của nó đã bị phát giác. Nếu muốn khen thưởng, thì sao người chủ gia đình lại mời một thành viên đến phòng ăn để làm gì chứ?
Nhưng khi nó đến đó rồi thì lại chẳng có ai, cha nó đã phải ra ngoài vài phút vì việc trong giáo xứ, và để lại nó trong phòng hệt như kiểu người ta lúc vừa mới bị đưa vào phòng chờ nha sỹ vậy.
Trong mọi gian phòng, nó ghét nhất là phòng ăn. Chính ở nơi này, nó phải làm bài tiếng Latin và Hy Lạp với cha nó. Gian phòng thế này thường có một mùi đặc trưng của xi bóng hoặc vẹc ni vốn dùng để đánh bóng đồ gỗ, và cả tôi lẫn Ernest cho đến tận bây giờ mỗi khi bước vào một nơi có mùi vẹc ni như thế, vẫn thấy có gì đó khó chịu trong lòng.
Ngự trên mặt lò sưởi trong phòng là một trong những bức họa mà ông Pontifex đã đem về từ Ý quốc. Người ta cho rằng đó là tranh của Salvator Rosa, và thật là một món hời khi mua được nó. Chủ đề bức tranh là về Elijah hoặc Elisha (ai cũng được) đang được các con quạ nuôi ăn trong sa mạc. Có vài con quạ ở góc phía trên bên trái với thịt và bánh ngậm trong mỏ và kẹp trong chân chúng, còn vị ngôn sứ đầy tranh cãi của chúng ta ở góc trái phía dưới đang nhìn chúng đầy thèm khát. Khi Ernest còn là một đứa trẻ nít, nhìn vào bức tranh, nó cảm thấy tội nghiệp khi thức ăn từ những con quạ chẳng bao giờ thực sự đến được tay vị ngôn sứ; nó không hiểu được tính hạn chế của hội họa, và muốn vị ngôn sứ chạm được trực tiếp đến những đồ ăn này. Một ngày nọ, nhờ có cái thang ai đó bỏ quên trong phòng, nó leo lên đến bức tranh cầm theo một mẩu bánh và lấy nó mà phết một đường bơ đậm kéo từ những con quạ đến tận miệng của Elisha, làm thế rồi, nó mới thấy nhẹ nhõm hơn.
Ernest đang miên man nhớ lại hành động trẻ dại của mình thì nghe thấy tiếng cha nó về đến cửa, và chỉ một giây sau, Theobald đã đặt chân vào phòng rồi.
‘Ôi, Ernest,’ anh nói với vẻ thân thiện, và thậm chí có phần vui vẻ nữa kia, ‘có một vấn đề nhỏ mà ta muốn con giải thích cho ta, và ta chắc là việc này chẳng khó gì với con đâu.’ Thịch thịch thịch, trống ngực Ernest đập liên hồi, nhưng cái cách nói của cha nó quá thân thiện hơn mức bình thường khiến nó bắt đầu nghĩ rằng mọi chuyện chỉ là báo động nhầm mà thôi.
‘Mẹ con và ta thấy rằng chúng ta nên mua cho con một chiếc đồng hồ mới, trước lúc con vào năm học’ (‘Ôi, mọi chuyện chỉ có vậy,’ Ernest tự nói với mình và thấy bớt căng thẳng), ‘và ta đã mất cả ngày để tìm cho ra một chiếc đồng hồ cũ đáp ứng đủ mọi yêu cầu ở trường của con.’
Theobald nói như thể những chiếc đồng hồ phải có đến cả tá công dụng ngoài việc đo thời gian, nhưng anh không thể mở miệng mà không kèm theo một trong số những lời sáo rỗng của mình, và ‘đáp ứng đủ mọi yêu cầu’ là một trong số đó.
Ernest reo lên với biểu hiện biết ơn thường thấy, nhưng khi Theobald nói, ‘Con ngắt lời ta,’ thì tim nó lại run lên lần nữa.
‘Con đang ngắt lời ta, Ernest. Ta vẫn chưa nói xong.’ Ernest câm tiếng ngay lập tức.
‘Ta đã dạo quanh vài cửa hàng bán đồng hồ cũ, nhưng chẳng thấy cái nào trông được mắt hay vừa giá, cho đến khi người ta đưa ra một chiếc đồng hồ, mà theo lời người bán hàng, thì nó vừa được giao để nhờ ông ta bán giùm, và ta nhận ra ngay nó trông như cái mà cô Alethea đã tặng cho con. Thậm chí nếu ta không nhận ra nó, mà có lẽ vậy thật, thì khi cầm nó trên tay ta cũng xác định được ngay nhờ dòng chữ ‘E.P., một món quà từ A.P’ khắc bên trong nó.
Ta chẳng cần phải nói thêm gì nữa, đây chính là chiếc đồng hồ mà con đã nói với ta và mẹ con là đã bị rơi mất khỏi túi áo.’
Đến tận lúc này, cách nói của Theobald vẫn điềm tĩnh thận trọng, và những lời anh nói ra hoàn toàn chậm rãi, nhưng đến đoạn này, anh đột nhiên nói nhanh hơn và vứt bỏ đi cái mặt nạ anh vốn đeo nãy giờ, ‘hoặc đó chỉ là một câu chuyện bịa đặt mà cả ta và mẹ con đã quá tin tưởng nơi con nên chẳng nghi ngờ gì. Con hẳn có thể đoán được hiện giờ cha và mẹ con đang cảm thấy thế nào rồi đó.’
Ernest đã cảm nhận được cú đánh cuối cùng này. Những lúc bớt bồn chồn lo lắng hơn, nó đã nghĩ rằng cha và mẹ nó sẽ cả tin vào sự thật lòng của nó, nhưng nó không thể bác bỏ được rằng tính nhẹ dạ của họ là dấu chỉ cho thói quen phải sống ngay thẳng. Xét một cách công tâm, nó phải thừa nhận rằng khi hai con người ngay thẳng thật thà lại có một đứa con trai giả dối như nó thì thật là khó chịu khủng khiếp.