‘Lạy Chúa con, những kiệt tác tay Ngài Khi trông thấy, linh hồn con kính phục.
Cô tịch siêu vời và yên bình kinh hãi
Tháp tuyết vươn lên tinh khôi hùng vĩ
Đây đỉnh vút nhọn, kia đồng bằng êm
Mặt biển chìm trong mùa đông bất diệt
Hết thảy đều do tay Ngài tác tạo
Và lúc lặng ngắm những kỳ công đó
Trong thinh không, con nghe lời tán tụng vang vang’
Một vài nhà thơ luôn bắt đầu chới với sau bảy hoặc tám dòng. Ông Pontifex đã rất vất vả với hai dòng cuối, và gần như mọi chữ đều bị xóa đi viết lại ít nhất một lần. Dù vậy, trong quyển sổ tham quan tại Montanvert, hẳn ông đã phải đắm mình vào những dòng thơ đó. Xem qua những dòng thơ này, tôi có thể nói rằng ông đã đúng khi cho rằng chúng hòa hợp với thời gian; nhưng tôi không muốn quá bắt bẻ về chuyện biển băng, nên tôi sẽ không bình luận gì về việc chúng có phù hợp với cảnh vật hay không. Rồi ông Pontifex đến đèo Great St. Bernard và tại đây ông cũng viết một vài dòng thơ nữa, lần này tôi e là bằng tiếng Latin. Ông cũng ấn tượng với nhà nghỉ hospice cùng vị thế của nó. ‘Toàn bộ chuyến hành trình vô cùng đặc biệt này như thể một giấc mơ, nó tóm lược thật kì diệu một xã hội hào hoa, với sự êm ái và hài hòa ẩn trong cả những khối đá thô cứng nhất và trong cả một vùng đất quanh năm tuyết phủ. Ý nghĩ rằng mình đang ngủ trong một tu viện và nằm trên chiếc giường của chính Napoleon, rằng tôi đang được ở trên đỉnh cao nhất của thế giới, trong một chốn đầy danh tiếng, khiến nhiều lần tôi phải giật mình tỉnh giấc trong đêm.’ Để thấy được một thứ trái ngược với cảm giác của ông, có lẽ tôi nên trích dẫn lá thư mà cháu nội ông, Ernest đã viết cho tôi, trong đó có câu: ‘Con lên đến đèo Great St. Bernard, và trông thấy những con chó.’ rồi sau đó, ông Pontifex tìm qua nước Ý, chìm đắm trong tột đỉnh ngưỡng mộ sự trang nhã của những họa phẩm và các tác phẩm nghệ thuật, những thứ ít nhất đang là xu thế thời thượng thời bấy giờ. Ông viết về phòng trưng bày Uffizi ở Florence như sau: ‘Tôi dành trọn ba tiếng sáng nay trong nhà triển lãm, và xác quyết với mình rằng nếu được chọn một trong số những kho báu của Ý quốc, thì tôi sẽ chọn ngay gian phòng triển lãm này. Nó lưu giữ bức tượng Vệ Nữ của Medici, tượng Nhà Thám hiểm, bức tượng Đấu sỹ, tượng Thần Nông Nhảy múa và một bức tượng thần Apollo thật đẹp. Những bức tượng này còn giá trị hơn cả tượng Laocoon và tượng Belvedere Apollo ở Rome. Ngoài ra, trong phòng này còn có họa ảnh thánh John do Raphael vẽ và nhiều kiệt tác của những nghệ nhân vĩ đại nhất thế giới’. Tôi thấy khá hay khi so sánh tình cảm dạt dào của ông Pontifex với sự hào hứng tột bậc của những nhà phê bình nghệ thuật ở thời đại này. Gần đây, một ngòi bút đáng kính tuyên cáo với thế giới rằng ông ta sẵn sàng khóc trong vui sướng trước một tác phẩm của Michael Angelo. Tôi tự hỏi rằng nếu như những nhà phê bình nhận xét rằng Michael không phải là một thiên tài, hay nếu như lúc đó Michael chưa có được danh tiếng gì, thì liệu ông ta có sẵn sàng làm vậy trước một Michael Angelo bằng xương bằng thịt hay không. Nhưng tôi cho rằng một kẻ hợm hĩnh đầu ngập tiền vào sáu mươi, bảy mươi năm về trước cũng sẽ làm giống hệt như ông ta bây giờ vậy.
Hãy xem cách Mendelssohn nói về gian phòng mà ông Pontifex đã cảm thấy quá xứng đáng để gắn liền danh tiếng của mình với tư cách là một con người của văn hóa và thẩm mỹ. Mendelssohn thấy như thế không đáng cho lắm và viết ra những dòng sau, ‘rồi tôi đến gian phòng Tribune. Nó là một gian phòng đầy thú vị và chỉ rộng khoảng mười lăm bước chân, nhưng lại chứa đựng cả một thế giới nghệ thuật. Một lần nữa, tôi lại tìm thấy chiếc ghế tay dựa yêu thích của tôi đặt dưới bức tượng ‘Người nô lệ mài dao’ (bức l’arrotino), và tự thưởng cho mình được ngồi vào đó trong hai giờ đồng hồ; rồi từ đây, tôi nhìn ngắm được bức ‘Madonna del Cardellino’ của giáo hoàng Julius II, một bức chân dung phụ nữ do Raphael vẽ, và trên nó là một bức ảnh Thánh gia đẹp đẽ của họa sỹ Perugino; và gần bên tôi đến nỗi tôi có thể chạm vào được là tượng Venus của Medici; xa hơn nữa là những tác phẩm của Titian… Phần còn lại trong gian phòng treo những họa ảnh khác của Raphael, Titian, hay Domenichino, vân vân và vân vân. Tất cả đều đặt trọn trong một chu vi hình bán nguyệt nhỏ bằng một gian phòng của bạn mà thôi. Đây là nơi con người ta có thể cảm thấy sự tầm thường của mình cũng như sẽ học được cách cư xử khiêm cung.’ Đối với những người như Mendelssohn, gian phòng Tribune không phải là một nơi để nhận biết sự thấp hèn của chính mình. Nói chung những người như thế càng lại gần gian phòng này thì lại càng rời xa nó hơn. Tôi tự hỏi Mendelssohn đã tự thán phục mình đến mức nào về việc ngồi hai tiếng đồng hồ trên chiếc ghế đó. Tôi cũng không biết liệu trong hai tiếng ngồi ở đó, bao nhiêu lần ông đã xem đồng hồ và tự cho phép mình được sánh ngang với những nghệ sỹ có họa phẩm trưng bày trong gian phòng này, và cũng không biết bao nhiêu lần ông tự hỏi có khách tham quan nào nhận ra ông và ngưỡng mộ ông vì đã ngồi ở chiếc ghế đó lâu đến vậy không, và bao nhiêu lần ông bực tức vì người ta đi ngang qua mà chẳng thèm chú ý đến ông. Nhưng có lẽ thực sự thì ông chẳng ngồi đó được hai giờ đồng hồ đâu.
Lại nói về ông Pontifex, không biết liệu ông có thích thứ mà ông tin là những kiệt tác của nghệ thuật Hy Lạp và Ý quốc hay không, nhưng ông đã mang về một vài bản sao của các nghệ nhân Ý, những họa bản mà tôi tin là ông đã tự hài lòng rằng chúng cực kỳ giống với bản gốc. Theobald thừa kế hai trong số những bản sao này, và tôi thường thấy chúng mỗi khi đến Battersby thăm vợ chồng anh. Chúng là bức họa Madonna của Sassoferrato với chiếc mũ trùm màu xanh trên đầu Đức mẹ làm mờ đi phân nửa bức tranh, và còn lại là bức Magdalena của Carlo Dolci với mái tóc đẹp cầm chiếc bình ngọc trên tay. Thời thanh niên, tôi đã từng nghĩ rằng những bức họa này thật đẹp, nhưng mỗi lần viếng thăm Battersby, tôi lại càng thấy chúng khó ưa hơn bởi phải nhìn thấy cái tên ‘George Pontifex’ ký trên đó. Cuối cùng tôi liều lĩnh giả vờ đòi xóa chúng đi, nhưng Theobald và vợ anh cùng nhau nổi nóng với tôi ngay lập tức. Họ không thích cha của mình, nhưng lại tin tưởng vào uy thế và khả năng của ông, cũng như tin tưởng khiếu thẩm mỹ tuyệt vời của ông đối với văn học và nghệ thuật – rõ ràng là quyển nhật ký hành trình xuất ngoại của ông đã chứng tỏ điều đó. Tôi sẽ trích dẫn quyển nhật ký này thêm một câu ngắn nữa thôi. Đó là trong thời gian ở Florence, ông Pontifex có viết: ‘Tôi đã vừa nhìn thấy Đại Công tước và gia đình ngài trên hai cỗ xe ngựa, nhưng người ta chỉ chú ý họ hơn chú ý tôi, một kẻ hoàn toàn vô danh ở đây.’ Ông tin là mình hoàn toàn vô danh ở Florence hay ở bất kỳ nơi nào khác ư? Tôi không nghĩ như thế!
Chương 5
Chúng ta được bảo rằng Tài lộc là một người mẹ nuôi con một cách mù quáng và thất thường, những tặng vật của bà được trao cho con cái một cách ngẫu nhiên. Nhưng nếu chúng ta tin như vậy thì thật là bất công vô cùng đối với bà. Hãy theo dấu sự nghiệp của một người từ lúc anh ta mới khởi nghiệp cho đến tận khi xuống mồ, và chú ý xem Tài lộc đã xử thế nào với anh ta, bạn sẽ thấy được rằng một khi anh ta đã chết thì Tài lộc có thể được bào chữa khỏi tội thất thường hời hợt mà người ta gán cho bà. Sự mù quáng của bà chỉ là chuyện bịa đặt, bà có thể nhìn ra được những người bà yêu quý, trước cả khi họ được sinh ra. Chúng ta ngày hôm nay và ông cha chúng ta thời trước, đều bình đẳng với nhau trong đôi mắt trong sáng đầy tình mẫu tử của bà mẹ Tài lộc, bà có thể nhìn ra được hết những giông tố đang kéo đến. Bà mỉm cười khi đặt những kẻ bà yêu quý nơi một con hẻm của London và đặt kẻ bà quyết định loại bỏ nơi chốn cung điện vua chúa. Hiếm khi bà động lòng đối với những kẻ mà bà đã nuôi nấng trong tàn nhẫn và cũng hiếm khi bà hoàn toàn bỏ rơi một đứa trẻ mà bà đã chiếu cố.
Vậy George Pontifex là một đứa trẻ được bà mẹ Tài lộc chiếu cố hay là không? Tóm lại toàn bộ, tôi có thể nói là không, bởi ông không tự cho mình là một người như vậy, ông quá đậm chất tôn giáo để tôn thờ bà mẹ Tài lộc; ông nhận lấy tất cả những gì bà cho và không bao giờ tạ ơn bà, ông tin chắc rằng bất cứ thứ gì ông có được là do tay ông mà ra. Nhưng tất cả những thứ ông có được chính là bởi thần Tài lộc đã cho ông có thể có được như vậy.
‘Nos te, nos facimus, Fortuna, deam,’ một nhà thơ đã từng tuyên bố như thế. ‘hỡi thần Tài, chính chúng ta đã tôn người làm thần.’ Và như thế thần Tài đã cho chúng ta có thể tạo ra bà. Nhà thơ đó đã chẳng nói gì về việc tạo nên cái ‘chúng ta.’ Có thể một số người không lệ thuộc vào quá khứ, hoàn cảnh và đã có được một sức mạnh nội tại tuyệt đối không dính dáng gì với quan hệ nhân quả; nhưng điều này được xem là một vấn đề nan giải, và nên tránh xa nó. Chúng ta chỉ cần cho rằng George Pontifex không xem mình là một người may mắn, và cũng không xem vận thế của mình là vận rủi.
Ông quả thật là một người giàu có, được hết thảy mọi người tôn trọng và có một bản tính nổi trội. Nếu ông ăn nhậu ít hơn, thì hẳn không bao giờ bị xem là một kẻ sống về đêm. Có lẽ sức mạnh chính yếu của ông nằm ở việc dù có hơn mức trung bình một chút, nhưng năng lực của ông vẫn không quá cách xa với mọi người. Rất nhiều người khôn ngoan đã bất đồng ý kiến về điểm này. Một người thành đạt sẽ nhìn ra nhiều điều hơn hẳn những gì mà các đồng bạn của anh nhìn ra, nhưng những điều đó nếu được chỉ ra thì các đồng bạn của anh phải có khả năng hiểu được nó. Biết quá ít vẫn tốt hơn biết quá nhiều. Người ta sẽ chê bai người biết quá ít, nhưng sẽ phẫn uất khi phải cố gắng nỗ lực chạy theo người biết quá nhiều. Lúc này ví dụ khá nhất mà tôi có thể chỉ ra về sự khôn ngoan của ông Pontifex trong các vấn đề kinh doanh là cuộc cách mạng mà nhờ đó ông đã tác động đến phong cách quảng cáo các sản phẩm của công ty mình. Lúc ông mới vào làm thì các mẩu quảng cáo của công ty như sau:
‘Những quyển sách đáng mua mùa này…
Giáo Dân Ngoan Đạo, là những đường hướng một Kitô hữu nên sống mỗi ngày để trọn cuộc sống được bảo đảm và thành công; sống ngày Sabbath như thế nào; sách Kinh Thánh nào nên đọc trước hết; toàn bộ phương pháp giáo dục; tập hợp những đức hạnh quan trọng nhất để làm đẹp linh hồn; một bài viết về Buổi Tiệc ly; những nguyên tắc để cứu chữa linh hồn đang yếu đuối; bởi thế trong tập này có đủ tất cả những nguyên tắc cần thiết cho ơn cứu độ. Xuất bản lần thứ tám, kèm theo phụ lục. Giá 10đ.
Sẽ có chiết khấu cho người mua sách để bán hoặc tặng.’