Chương 40
Khi Ernest về đến nhà và lẩn vào bằng cửa sau, nó nghe tiếng cha nó với tông giọng giận dữ nhất đang vặn hỏi xem cậu Ernest đã về đến nhà chưa. Nó cảm thấy đang lâm vào tình cảnh giống hệt như truyện Jack và Cây đậu thần, lúc Jack nấp sau lò bánh và nghe thấy con yêu tinh đang hỏi vợ mình xem đứa trẻ nào sẽ được dọn làm bữa ăn tối. Đầy can đảm, nhưng vẫn đủ thận trọng khôn ngoan, và mọi việc chứng tỏ là đúng như thế, Ernest không chút e dè xuất hiện ngay lập tức và nói rằng nó vừa về nhà sau khi gặp một chuyện xui xẻo khủng khiếp. Từng chút một, nó kể câu chuyện nó đã bịa ra, và dù Theobald có mắng xối xả về ‘sự bất cẩn và ngu ngốc quái đản’ của nó, thì nó vẫn thấy mọi chuyện đang diễn biến còn tốt hơn nó kỳ vọng. Lúc đầu, tất nhiên, Theobald và Christina nghĩ rằng việc nó vắng mặt có liên quan đến chuyện của Ellen, nhưng khi biết mọi chuyện rõ ràng, như lời của Theobald, vốn mọi thứ luôn rõ ràng với anh, thì Ernest đã không ở nhà suốt buổi sáng và do đó có thể chẳng biết chút gì về những chuyện đã xảy ra, rồi nó được tha bổng hoàn toàn. Có lẽ Theobald đang có tâm trạng tốt, có thể ngày hôm đó anh đọc thấy cổ phiếu của mình đã lên giá, có thể là như thế hoặc hơn tá lý do tương tự, nhưng dù gì đi nữa, thì anh cũng đã không rầy la nhiều như Ernest tưởng, và khi thấy nó trông thật mệt mỏi và tin rằng nó đang rất buồn vì làm mất chiếc đồng hồ, Theobald truyền dọn một ly rượu cho nó sau buổi tối, và thật lạ là ly rượu không khiến nó nghẹn mà lại cho nó nhìn đời một cách vui vẻ hào hứng hơn bình thường.
Đêm đó, lúc đọc kinh, nó thêm vào vài lời cầu nguyện xin cho chuyện của nó đừng bị phát giác, và xin cho mọi chuyện tốt đẹp với Ellen, nhưng trong lòng nó cứ áy náy và bất an. Cảm thức tội lỗi của nó chỉ ra rằng câu chuyện của nó có quá nhiều khuyết điểm mà bất kỳ ai cũng sẽ dễ nhận thấy. Ngày hôm sau, và nhiều ngày sau nữa, nó cứ tìm cách lẩn đi trong khi chẳng có ai theo dõi nó, và mỗi lần Theobald gọi vào có việc, nó đều run như cầy sấy. Nó có quá nhiều lý do để lo lắng đến mức chẳng thể chịu nổi nữa, và dù đã cố gắng để trông có vẻ vui tươi, nhưng ngay cả mẹ nó cũng có thể thấy được là nó đang có gì đó day dứt trong lòng. Rồi cô chợt nghĩ rằng, xét cho cùng, có thể con trai cô không vô tội trong vụ của Ellen, và điều này quá quan trọng nên cô quyết tâm phải cố hết sức để biết được sự thật.
Đến một ngày nọ, cô lấy hết giọng dịu dàng gọi nó, ‘lại đây nào con trai xanh xao buồn bã tội nghiệp của mẹ, đến ngồi bên cạnh mẹ, và hai mẹ con mình sẽ tâm sự một chút được không?’
Thằng bé ngượng nghịu đến bên ghế sô pha. Bất cứ lúc nào mẹ nó muốn cái mà cô gọi là tâm sự với nó, thì cô luôn chọn chiếc ghế sô pha như thể nó là địa thế thoải mái nhất để cô dàn trận. Tất cả mọi bà mẹ đều như thế, với họ, chiếc ghế sôpha cũng như phòng ăn với những người cha. Còn trong tình hình hiện tại, chiếc ghế sôpha này đặc biệt được dùng cho một mục đích chiến lược, nó là một chiếc ghế theo kiểu cũ với lưng dựa cao, nệm, gối lót, và đệm biên. Một khi ngồi vào một trong những góc sâu của nó, thì cảm giác như thể ngồi trên chiếc ghế nha sỹ, và chẳng muốn nhấc lưng lên chút nào nữa. Với chiếc ghế này cô có thể tiếp cận nó dễ dàng thay vì thô bạo kéo nó lại gần, vì chiếc ghế này đáng để người ta thích thú và nếu cô nghĩ là cần phải khóc thì cô có thể vùi đầu ngay vào nệm tay ghế và sự mềm mại của nó sẽ khiến cô đỡ đau buồn đi nhiều. Nếu ngồi trên chỗ ngồi quen thuộc là chiếc ghế dựa bên phải lò sưởi, sẽ rất khó để áp dụng những thủ thuật của cô, vì thế khi vừa nghe thấy giọng điệu của mẹ, Ernest đã hiểu ngay là sẽ nói chuyện trên ghế sô pha, nên nó ngoan ngoãn đến ngồi đó ngay trước khi mẹ nó kịp tiếp lời, và trước cả lúc cô đặt mình xuống chiếc ghế đó nữa.
‘Con trai yêu dấu của mẹ,’ cô bắt đầu câu chuyện, cầm lấy tay nó và đặt vào tay cô, ‘hãy hứa với mẹ là đừng bao giờ sợ hãi cha con và mẹ, hãy hứa với mẹ, con yêu dấu, nếu con yêu mẹ thì hãy hứa với mẹ như vậy đi,’ rồi cô hôn nó nhiều lần và vuốt tóc nó. Nhưng bàn tay kia của cô vẫn nắm chặt tay nó, cô đã có được nó rồi và muốn giữ không cho nó thoát.
Thằng bé gật đầu và hứa. Ngoài việc đó ra, nó còn làm gì được nữa chứ?
‘Ernest yêu dấu à, con biết là không ai yêu con nhiều bằng cha con và mẹ, và cũng không ai chăm chút dõi theo những hứng thú của con hay khắc khoải vì những niềm vui nho nhỏ và những vấn đề của con cho bằng hai người chúng ta, nhưng con yêu dấu của mẹ, thật buồn biết bao khi đôi lần mẹ nghĩ rằng con đã không có được tình thương hoàn hảo và lòng tin tưởng tương tự mà đáng ra con phải có đối với cha và mẹ. Con biết đó, con yêu, việc dõi theo những tiến bộ về lối sống và tinh thần của con vừa là niềm vui vừa là trách nhiệm của cha và mẹ, nhưng than ôi, con sẽ giấu diếm chúng ta lối sống và tinh thần của con. Nhiều lần, cha và mẹ gần như ngờ rằng không biết con có đời sống tinh thần đạo đức không nữa. Về đời sống nội tâm của con, con yêu ạ, chúng ta chẳng biết gì về con ngoài những mẩu nhỏ chúng ta vớt vát được từ những điều nhỏ nhặt toát ra nơi con mà con không hay biết.’
Những lời này khiến thằng bé rúm người lại. Chúng khiến nó cảm thấy hoàn toàn bất an và bồn chồn. Nó biết rõ là nó phải cẩn thận đến mức nào và cần phải làm gì, nhưng hết lần này đến lần khác nó lại quên mất vai trò của mình và để lọt ra điều gì đó. Christina thấy nó co rúm người lại, và thích thú với thương tích đầu tiên cô đã gây ra cho nó. Càng thiếu tự tin vào chiến thắng, cô lại càng muốn hưởng trước cái cảm giác được chạm vào điểm yếu nhất của nó để rồi thích thú nhìn nó co mình lại, nhưng cô biết rằng một khi đã kéo được nó ngồi vào chiếc ghế sô pha này và giữ chặt tay nó, thì gần như cô đã hoàn toàn nắm được nó, và có thể làm bất kỳ điều gì cô thích.
‘Cha con không thấy nơi con một tình yêu trọn vẹn và cởi mở đáng ra sẽ khiến con chẳng giấu diếm cha điều gì, và sẽ nói với cha tất cả mọi thứ một cách thoải mái vô lo như thể con đang nói chuyện với người bạn trần thế mà con yêu thương nhất sau Chúa Cha trên trời. Chúng ta đều biết là tình yêu hoàn hảo sẽ loại bỏ sợ hãi: cha của con yêu con hết mình, nhưng con yêu ơi, cha lại không thấy con đáp lại bằng một tình cảm tương tự như vậy. Nếu con sợ cha, thì đó là bởi con không yêu mến cha đủ như cha mong muốn, và mẹ biết việc này nhiều lần khiến cha con rất đau lòng khi nghĩ rằng đáng ra cha phải nhận được một tình cảm sâu đậm và cảm thông hơn những gì lâu nay con vẫn thể hiện. Ernest ơi Ernest, đừng làm buồn lòng một người quá tốt và quá cao thượng như thế bằng cái thái độ mà mẹ chẳng thể tìm được tên nào khác cho nó ngoài từ ‘vô ơn’.’
Trước cách nói như thế này, có lẽ Ernest sẽ chẳng bao giờ chống đỡ nổi, bởi trong chừng mực nào đó, nó vẫn tin rằng mẹ nó yêu thương nó, và nó cũng yêu thương mẹ cũng như xem mẹ là một người bạn. Nhưng những phương kế của mẹ nó cũng đã gần cạn hết, cô đã dùng cách trò chuyện tâm tình với nó quá nhiều lần không đếm nổi rồi. Hết lần này đến lần khác, cô đều dỗ ngọt và thu được những gì cô muốn từ nó, rồi sau đó đẩy nó vào tình trạng khó khăn kinh khủng nhất khi đem hết mọi chuyện kể lại với Theobald. Ernest đã hơn một lần phản đối chuyện này và đã nói cho mẹ nó biết rằng lòng tin của nó đã xuống cấp thê thảm lắm rồi, nhưng lần nào cô cũng bác đi và với cách nói rõ ràng nhất có thể, cô chỉ cho nó thấy rằng trong từng trường hợp cô đều hành động đúng, và nó chẳng có lý gì để phàn nàn cả. Thường thì lương tâm phải lên tiếng bảo cô nên im lặng, và rõ ràng là vậy, bởi chúng ta đều buộc phải nghe theo tiếng gọi lương tâm. Ernest từng trích lại một đoạn thánh ca về lương tâm nói rằng nếu chúng ta không chú ý đến tiếng gọi của lương tâm thì hệ quả là nó sẽ sớm thành câm tiếng. Và nó đã từng kể với một bạn thân ở Roughborough rằng ‘lương tâm của mẹ tôi không câm tiếng, nó chỉ luôn nói một cách lúng búng mà thôi.’
Khi một đứa trẻ đã từng nói kiểu bất kính như thế về lương tâm của mẹ mình thì thực sự chẳng còn gì nhiều giữa hai người. Nhưng mặc dù thấy rõ những thủ thuật quen thuộc, chiếc ghế sô pha và cũng đã nhớ lại những chuyện liên quan khác, Ernest vẫn bị dao động nhiều bởi cái giọng nhẹ nhàng đó đến nỗi sẵn sàng chiều theo, và lao mình vào tay mẹ nó. Nhưng không như thế đâu, bởi ký ức lại tiếp tục ùa về, và nó thấy trên vạt áo của mẹ nó đã treo quá đầy những mảnh xương trắng của các tội xưa kia, khiến nó chẳng thể tin cô thêm nữa. Cho nên, nó cúi đầu và nhìn cô một cách ngại ngùng, nhưng vẫn giữ chặt quyết tâm của mình.
‘Con yêu dấu,’ Christina nói tiếp, ‘mẹ thấy là hoặc mẹ đã lầm và chẳng có vấn đề gì nơi con, hoặc con sẽ ngoan cố và tiếp tục khiến mẹ phải lo âu, Ernest của mẹ ơi, ít nhất hãy nói cho mẹ biết việc này là liệu có điều gì mà con ân hận, hoặc khiến con buồn rầu, mà lại có liên quan đến Ellen tội nghiệp hay không?’
Ernest thất thần kinh hoảng, ‘mình chết chắc rồi,’ nó tự nhủ như thế. Nó không nhận thức được chút gì về cái ý thực sự của mẹ nó, và cứ nghĩ là cô muốn nói về chiếc đồng hồ, nhưng nó vẫn cố giữ vững, không chịu nói ra điều gì.