Chương 39
Ernest ra ngoài cả buổi sáng, nhưng lại về đến sân nhà đúng lúc đồ đạc của Ellen được chất lên xe ngựa. Nó nghĩ người trên xe ngựa chính là Ellen, nhưng chiếc khăn che mặt bịt kín của cô khiến nó không chắc lắm, và rồi xem đó là chuyện tầm phào, nó gạt ngay chuyện này sang một bên.
Lúc bước vào bếp, nó thấy chị bếp đang vừa gọt khoai tây vừa khóc. Ernest thấy rất mủi lòng, bởi nó thích chị bếp, và tất nhiên, nó muốn biết hết mọi chuyện, biết ai vừa mới đi trên chiếc xe ngựa đó, và tại sao? Chị bếp cho nó biết đó chính là Ellen, nhưng cũng nói thêm là cô sẽ chẳng hé môi lời nào về chuyện này nữa đâu, tuy nhiên khi Ernest dỗ ngọt cô và không hỏi thêm câu nào nữa, thì cô lại kể cho nó mọi chuyện sau khi bắt nó hứa là phải giữ bí mật tuyệt đối.
Phải vài phút sau, Ernest mới hiểu hết mọi vấn đề, nhưng đó cũng là lúc nó choáng đến nỗi phải dựa lưng vào cái máy bơm đặt cạnh bếp, và bật khóc giống hệt chị bếp vậy.
Rồi nó lấy lại được bình tĩnh. Nó thấy rằng cha và mẹ nó chẳng thể làm gì hơn được trong chuyện này. Có lẽ họ nên điềm tĩnh hơn, và cố gắng làm cho chuyện này bớt ầm ĩ hơn một chút, nhưng đúng là chuyện này không dễ xử lý, và dù họ có làm vậy đi nữa thì cũng chẳng thể thay đổi gì nhiều. Cái sự thật đau lòng vẫn là nếu Ellen phải làm một việc gì đó thì hẳn cô đã liều mạng làm chúng, bất kể cô trẻ trung xinh đẹp đến đâu hay bất kể cô đã sa phải cám dỗ nào. Đây là lẽ thường tình, và chẳng có cách nào giúp cô được.
Từ những gì chị bếp kể, Ernest chỉ có thể nắm bắt được rằng Ellen mà nó yêu quý đã bị đuổi khỏi nhà với ba bảng trong túi, ra đi mà chẳng biết về đâu và sẽ làm gì, hơn nữa Ellen còn bảo rằng cô sẽ treo cổ hay nhảy sông tự vẫn, và nó hoàn toàn tin cô sẽ làm như vậy.
Với một sự nhanh nhẹn chưa từng thấy, Ernest mò túi và thấy toàn bộ số tiền nó có chỉ là hai shilling và ba xu, cùng với con dao có thể bán được một shilling và chiếc đồng hồ bạc mà cô Alethea đã tặng nó không lâu trước lúc cô mất. Chiếc xe ngựa đã khởi hành được mười lăm phút, và hẳn đã đi được một quãng kha khá rồi, nhưng nó sẽ cố hết sức để bắt kịp, và nó biết một vài đường tắt sẽ giúp rút ngắn đoạn đường. Nó đi ngay lập tức, và từ trên đỉnh đồi nhìn qua bãi cỏ nhà, nó có thể thấy được chiếc xe ngựa đã đi được khá xa, có lẽ là cách chỗ nó đứng khoảng một dặm rưỡi.
Một trong những trò chơi phổ biến ở Roughborough là trò có tên ‘chó săn’, gần giống với trò ‘thỏ rừng và chó săn’ vốn quen thuộc hơn với mọi người, nhưng trong trò này, thỏ là hai cậu trai, và được gọi là hai con cáo, mà các cậu trai vốn rất kỹ lưỡng trong việc gọi tên cho chính xác những trò chơi mà chúng ham thích, nên tôi dám nói rằng trò này ở Roughborough chẳng phải là trò ‘thỏ rừng và cáo’ đâu, mà phải tinh vi hơn thế nhiều. Những cơ bắp yếu ớt của Ernest không thành vấn đề trong trò này, bởi nó chẳng phải va chạm với những đứa dù lớn tuổi hơn nhưng lại thấp hơn và lực lưỡng hơn nó, và điểm chính yếu trong trò này là sức chịu đựng mà cái đó nó chẳng thua kém gì ai, cho nên từ lúc thôi không làm nghề mộc, tự nhiên trò ‘chó săn’ này được xem là trò ưa thích của nó. Nhờ tập luyện, hai lá phổi của nó đã mạnh mẽ hơn, và việc chạy sáu hay bảy dặm chẳng là gì nhiều so với trò đuổi bắt của nó, hơn nữa những tuyến dường tắt cho nó thêm hy vọng bắt kịp cỗ xe ngựa, hay ít nhất cũng sẽ bắt kịp Ellen ở nhà ga trước lúc tàu khởi hành. Bởi thế, nó bắt đầu cắm đầu cắm cổ chạy, và qua nhịp thở thứ hai, hơi thở của nó đã dễ dàng hơn rồi. Chưa bao giờ trong trò ‘chó săn’ nó lại chạy được nhanh và ít dừng lại lấy hơi như thế, nhưng dù đã rút ngắn quãng đường bằng những đường tắt, và đã cố gắng nhiều, nhưng có lẽ nó đã không bắt kịp được xe ngựa nếu xà ích John không vô tình ngoái đầu lại và thấy nó đang đuổi theo, rồi cho xe dừng lại cách nó nửa dặm. Nó đã chạy cách nhà được năm dặm và gần bắt kịp điều nó muốn rồi.
Mặt nó phừng phừng vì gắng sức, người đầy bụi, ống quần và tay áo hơi ngắn so với nó, cho nên trông nó có vẻ xoàng xĩnh khi đưa cho Ellen chiếc đồng hồ, con dao, và chút ít tiền nó có. Nó chỉ nài xin cô một việc là đừng có làm những điều kinh khủng mà cô đã dọa sẽ làm, nếu không vì lý do nào thì xin hãy đừng làm những chuyện đó, ít nhất hãy vì nó cũng được.
Lúc đầu, Ellen không chịu nhận bất kỳ thứ gì từ nó, nhưng anh xà ích, vốn là dân miền Bắc đã nói thêm vào cho Ernest. ‘Nhận chúng đi, cô gái của tôi ạ,’ anh nói nhẹ nhàng, ‘hãy nhận những gì em có thể nhận khi em còn có thể; bởi cậu chủ Ernest đã cất công chạy theo em, bởi thế, hãy để cậu cho em những gì cậu muốn.’
Ellen làm theo như thế, và cả cô lẫn Ernest đều đầm đìa nước mắt, lời cuối cùng của cô là cô sẽ không bao giờ quên nó, và cả hai sẽ gặp lại ở kiếp sau, cô chắc chắn như vậy, đến lúc đó, cô sẽ đền đáp cho nó. Rồi Ernest thả mình xuống bãi cỏ bên đường, núp dưới bóng hàng rào để chờ chiếc xe ngựa sẽ đón nó lúc quay trở về từ nhà ga, bởi bây giờ nó đã mệt lử quá rồi. Những ý nghĩ vốn đã mạnh trong đầu nó, bây giờ lại xuất hiện mạnh mẽ hơn nữa, và nó thấy rằng nó đã tự đẩy mình dấn sâu vào một chuyện rắc rối, hay nửa tá chuyện rắc rối thì đúng hơn.
Trước hết, nó sẽ trễ bữa cơm tối, một trong những điều xúc phạm mà Theobald không bao giờ bỏ qua. Rồi nó cũng sẽ phải nói là nó đã ở đâu, và có thể sẽ rất nguy nếu nó nói thật. Không chỉ như thế, mà sớm hay muộn rồi sẽ lộ ra là nó không còn giữ chiếc đồng hồ đẹp đẽ cô Alethea đã tặng cho nó, và tiếp theo, cầu cho đừng có, là hàng loạt câu hỏi như nó đã làm gì với chiếc đồng hồ đó, hoặc làm sao mà mất? Các bạn sẽ thấy rõ là nó nên làm gì. Nó nên về thẳng nhà và nếu có ai hỏi gì, thì nên nói là ‘Con đã chạy theo xe ngựa để bắt kịp cô hầu Ellen, người mà con rất yêu quý, và con đã đưa cho cô ấy đồng hồ, con dao, và toàn bộ tiền túi của con, cho nên hiện giờ con không còn đồng nào, và con thấy cần phải xin một ít tiền sớm hơn bình thường, và cha mẹ cũng phải mua cho con một cái đồng hồ mới và một con dao nữa.’ Nhưng rồi nó tưởng tượng đến cơn thịnh nộ kinh hoàng mà một lời như thế có thể gây ra! Nó nghĩ đến đôi mắt tóe lửa đe dọa của Theobald đang giận điên lên! ‘mày là đứa nhóc hoang đàng vô phép,’ anh sẽ gầm lên, ‘ý mày là muốn gièm pha cha mẹ mày khi ngụ ý rằng chúng ta đã bị đối đãi tệ hại bởi một đứa hoang đàng làm ô nhục cái nhà này hay sao?’ hay nó nên nói chuyên này với một vài lời bông đùa hóm hỉnh để xoa dịu tình hình, một việc mà nó rất thành thạo.
‘Tốt lắm, Ernest, tốt lắm: Ta sẽ chẳng nói gì nữa. Mày có thể làm những gì mày thích, mày chưa đến hai mươi mốt tuổi, mà hành động như thể mày có toàn quyền vậy, người cô tội nghiệp của mày đã cho mày chiếc đồng hồ để rồi mày đem vứt nó cho một kẻ không xứng đáng đầu tiên mà mày gặp; nhưng ta nghĩ rằng bây giờ ta đã hiểu tại sao cô không để lại tiền cho mày, xét cho cùng thì cô để lại tiền cho bố đỡ đầu của mày cũng được, bởi nếu giao cho loại như mày thì thế nào mày cũng đem hoang phí ngay khi cầm tiền trên tay mà thôi.’
Cha nó sẽ giận dữ nói thế, rồi mẹ nó sẽ òa khóc và van xin nó hãy hối lỗi và biết tìm kiếm những gì tốt đẹp khi còn có thể, bằng cách quỳ xuống chân cha nó mà cam đoan với anh về tình yêu thương vô bờ bến nó dành cho anh, người cha trìu mến nhất và nhẹ nhàng nhất trần gian. Mọi khả năng trên đều có thể xảy ra, còn giờ đây, khi nằm trên đám cỏ, những cách nói có thể, một số nó chỉ vừa nghĩ ra khi xế chiều, cứ mãi vẩn vơ trong đầu nó cho đến khi nó kết luận rằng ý tưởng nói ra hết sự thật là một điều ngu ngốc phải loại bỏ. Thành thật có thể là tính anh hùng, nhưng trong phạm vi cư xử thực tế của gia đình thì không như vậy.
Ernest đã quyết định là nó phải nói dối, nhưng mà nói dối kiểu nào đây? Nói là nó bị cướp ư? Nó tự biết là mình không đủ trí tưởng tượng để bịa ra chuyện đó. Bản năng của một người trẻ tuổi như nó mách bảo rằng cách nói dối tốt nhất là đưa cái dối trá nhỏ nhất đi xa nhất, vận dụng nó thật cẩn thận để đưa mọi chuyện đến mức có thể bỏ qua được. Giả thiết đơn giản nhất là nó làm mất đồng hồ, và trễ giờ ăn tối vì mải đi tìm nó. Và như thế là nó đã phải đi loanh quanh cả một quãng dài, rồi nó chọn tuyến đường phải đi là băng qua cánh đồng mà nó vừa chạy qua lúc sáng và do thời tiết quá nóng khiến nó phải cởi áo ngoài và cả áo gilê mà vắt lên tay, rồi tất cả, tiền bạc, đồng hồ, con dao của nó đều rơi mất hết. Về gần đến nhà, nó mới phát giác ra chuyện này, rồi chạy ngược lại thật nhanh hết sức có thể, tìm kiếm dọc tuyến đường mà nó đã đi, tìm mãi cho đến cuối cùng nó đành chịu thua; bỗng nó thấy chiếc xe ngựa trở về từ nhà ga, và anh xà ích đã đưa nó quá giang về đến nhà.
Câu chuyện này bao trùm hết toàn bộ, cả việc nó đã chạy và tất cả mọi thứ, bởi khuôn mặt của nó đang chỉ rõ là nó đã phải chạy rất nhiều; vấn đề duy nhất là liệu có người hầu nào thấy nó lởn vởn quanh nhà khoảng hai tiếng hoặc hơn trước thời điểm Ellen ra đi hay không, và nó rất thoải mái vì tin rằng chuyện này không có đâu, bởi nó đã chẳng ở nhà phút nào ngoại trừ chút ít thời gian nói chuyện với chị bếp mà thôi. Cha nó thì đã đi quanh giáo xứ, mẹ thì chắc chắn không bắt gặp nó, và mấy đứa em của nó cũng đã ra ngoài cùng với cô gia sư rồi. Nó biết là có thể tin tưởng được chị bếp và những người hầu khác, anh xà ích hẳn sẽ hiểu chuyện này, bởi thế, xét chung, cả nó và anh xà ích đều nghĩ rằng câu chuyện mà nó nghĩ ra sẽ hợp lý hoàn toàn với hoàn cảnh này.