Về mặt tôn giáo, tôi nghĩ cô gần như là một người có tư tưởng tự do, với tâm trí hiếm khi hướng đến một mục đích rõ ràng. Cô vẫn đến nhà thờ, nhưng với cô, những kẻ ra vẻ đầy lòng đạo hay những kẻ lớn tiếng tự nhận mình vô đạo, cô đều ghét như nhau. Tôi nhớ có một lần nghe nói rằng cô đã thúc đẩy một người về sau thành triết gia nổi tiếng, là ông nên viết một quyển tiểu thuyết thay vì cứ theo đuổi cái việc công kích tôn giáo. Triết gia nọ rất khó chịu với điều đó, và bàn rộng ra về tầm quan trọng của việc phải làm cho người ta thấy được sự ngu xuẩn trong niềm tin của họ. Cô mỉm cười và nói một cách từ tốn, ‘Không phải chúng đã có Moses và các ngôn sứ rồi hay sao? Hãy để chúng nghe theo họ là được rồi.’[20] Nhưng đôi khi cô sẽ nói những lời sâu cay ẩn dưới một giọng nhẹ nhàng, và lời trên khiến tôi nhớ về một bài viết của cô trong quyển sách kinh của mình, nói về chuyến đi Emmaus với hai môn đệ của Chúa, và việc Ngài đã nói với họ rằng ‘Ôi thật là những kẻ ngu muội và chậm tin vào lời TẤT CẢ các ngôn sứ đã nói,’ với chữ ‘tất cả’ được in hoa.
Mặc dù chắc chắn chẳng thèm dính dáng gì đến anh John, cô lại giữ mối liên hệ thân thiết với Theobald, và dành vài ngày để viếng thăm Battersby khoảng hai năm một lần. Alethea luôn cố để thích Theobald và hợp lực với anh hết sức có thể (bởi trong nhà, chỉ có hai người họ là thỏ non, còn lại đều là chó săn cả), nhưng vô ích. Tôi tin rằng lý do chính khiến cô vẫn giữ liên hệ với anh mình là bởi cô muốn để mắt đến những đứa trẻ nhà Theobald và muốn nâng đỡ chúng nếu chúng chứng tỏ được là mình xứng đáng.
Những lần cô ghé Battersby, bọn trẻ thôi bị đánh đòn, và bài học dành cho chúng cũng được giảm nhẹ hơn. Cô dễ dàng nhận thấy là chúng phải học quá sức và quá tội nghiệp, nhưng cô vẫn không thể đoán ra nổi toàn bộ những gì mà chúng phải chịu. Ý thức rằng chẳng thể can thiệp gì vào chuyện này, nên cô đã khôn ngoan nhẫn nhịn không hỏi han quá nhiều về chúng. Cô biết là thời gian mà cô có thể làm được gì đó, chính là lúc chúng không còn ở chung nhà với bố mẹ chúng nữa. Và như thế, lúc này, cô không còn để ý đến Joey hay Charlotte, nhưng lại quan tâm nhiều đến Ernest để có thể xác định được những thiên hướng và khả năng của nó.
Lúc này, Ernest đã ở Roughborough được một năm rưỡi, và đã gần tròn mười bốn tuổi rồi, nên cá tính của nó cũng bắt đầu được định hình. Alethea đã lâu không gặp nó, và cô nghĩ rằng nếu cô buộc phải có tác động lên nó thì chẳng có lúc nào thuận tiện hơn lúc này, nên cô quyết tâm đến Roughborough với những lý do sẽ đủ hợp lý đối với Theobald, và cô cũng suy tính cẩn thận hoàn cảnh nào cô có thể trò chuyện riêng tư với Ernest được vài tiếng đồng hồ. Rồi vào một ngày tháng Tám năm 1849, khi Ernest vừa mới bắt đầu học kỳ thứ tư của nó, một chiếc xe ngựa đỗ trước cổng nhà ông Skinner, và Alethea bước xuống, xin cho Ernest được đi ăn tối với cô ở khách sạn Swan. Cô đã viết thư cho Ernest báo rằng cô sẽ đến và tất nhiên nó đang nóng lòng chờ đón cô. Đã lâu rồi không được gặp cô, nên lúc đầu nó khá gượng gạo, nhưng bản tính tuyệt vời của cô đã nhanh chóng kéo nó vào tình thân mật. Ngay khi vừa xin được cho nó ra ngoài, cô liền đưa nó đến cửa hàng bánh kẹo và cho nó mua bất kỳ thứ gì nó thích; ngay lúc đó Ernest nhận ra rằng cô thật khác với những dì Allaby của nó, dù họ cũng rất tốt bụng và ân cần. Các dì của nó rất nghèo, còn Alethea lại quá rủng rỉnh tiền bạc. Làm sao họ có thể sánh bằng với một người mà số dư của cô còn gấp đôi thu nhập của họ?
Khi cảm thấy mình được tôn trọng, Ernest có hàng đống chuyện linh tinh muốn kể, và Alethea khuyến khích nó nói về bất kỳ điều gì nó muốn. Nó luôn sẵn sàng tin tưởng bất kỳ ai đối tốt với nó, phải mất vài năm nó mới có được sự cảnh giác hợp lý trong việc này, và đôi lúc tôi không biết liệu nó đã có đủ sự cảnh giác cần phải có không nữa. Chỉ trong một thời gian ngắn, nó đã xem cô Alethea khác biệt hẳn với cha mẹ nó và những người còn lại, bản năng mách bảo nó rằng cô sẽ là người bảo vệ cho nó. Nó không nhận thức được nhiều rằng việc cô có giúp nó hay không, tùy thuộc vào cách cư xử của nó. Và có lẽ nếu nó biết được điều đó, chưa chắc mọi chuyện đã tốt hơn cho nó đâu.
Nó kể cho Alethea nhiều điều về gia đình và cuộc sống học đường của nó, trải lòng với cô nhiều hơn với cha mẹ nó nữa, nhưng nó chẳng hề nhận ra rằng cô đang moi lấy tin tức từ nó. Cô được nghe nó kể về những buổi tối chủ nhật đầy vui vẻ, và về việc đôi lần nó, Joey và Charlotte cãi nhau, nhưng cô chẳng đứng về phe nào và xem đó như một chuyện thường tình. Ernest, cũng như những đứa trẻ khác, có thể nhại lại tiến sỹ Skinner, và khi đã ấm bụng nhờ bữa tối, và hơi chuyến choáng bởi hai ly rượu sherry, nó biểu diễn cho cô xem vài cử chỉ của tiến sỹ và gọi ông bằng cái tên suồng sã, ‘Sam.’
‘Sam,’ nó nói, ‘là một tên già bịp bợm gớm ghiếc.’ rượu đã khiến nó nói năng huênh hoang, bởi dù gì đi nữa, thì đối với Ngài Ernest, tiến sỹ Skinner vẫn là một thực tế mà nó phải chấp nhận, và trước khi có chút men, thậm chí nó còn khúm núm trước ông ngay khi vừa thấy mặt. Alethea mỉm cười nói, ‘Cô không nên nói gì hết, đúng không?’, ‘Con cho là vậy’ rồi nó tiếp tục. Và cứ thế nó tuôn ra một loạt những lời hợm hĩnh thứ cấp vặt vãnh mà nó vốn bị tiêm nhiễm trong đầu một niềm tin rằng đó là những thứ đúng đắn, và rõ ràng ngay vào cái tuổi choắt này, Ernest đã quá tin vào chính bản thân nó với một niềm tin ngớ ngẩn. Cô Alethea đánh giá nó một cách độ lượng, đúng theo bản chất của cô, cô biết rất rõ tính huênh hoang đến từ đâu, và thấy rằng với những lời lẽ tuôn ra vô tội vạ của nó, thì đã đến lúc không cho nó dùng thêm rượu nữa rồi.
Tuy nhiên, chỉ đến sau buổi tối, Ernest mới hoàn toàn chinh phục được cô của nó. Alethea khám phá ra rằng, nó giống cô, cùng cực kỳ đam mê âm nhạc, và là thể loại nhạc cao nhất. Nó biết, và ngậm miệng ngân nga hay huýt sáo cho cô nghe, đủ mọi tác phẩm của những bậc thầy âm nhạc lừng danh, những bản nhạc mà hầu như không ai nghĩ một đứa trẻ như nó có thể biết được, và rõ ràng đây hoàn toàn là thiên bẩm tính của nó, bởi ở Roughborough, người ta tuyệt đối không khuyến khích âm nhạc. Trong trường, chẳng có học sinh nào đam mê âm nhạc bằng nó. Nó kể với cô rằng nó biết những bản nhạc này từ người đánh đàn ở nhà thờ thánh Michael, nhờ đôi lúc ông đến tập đàn vào những buổi chiều ngày thường. Ernest nghe tiếng đàn vang vọng và băng vào nhà thờ, trốn trong đó rồi mon men lại gần bục đàn. Trong một thời gian, người nghệ sĩ đàn quen dần với sự hiện diện của nó, và cả hai trở thành bạn bè.
Chính điều này khiến Alethea quyết định Ernest đáng để cô bỏ công sức mình ra. ‘Nó thích thể loại nhạc hay nhất,’ cô nghĩ, ‘và nó ghét tiến sỹ Skinner. Thật là một khởi đầu đầy tốt đẹp.’ lúc đưa Ernest về lại trường, cô cho nó một đồng tiền vàng (trước đó nó chỉ mong được cho năm shilling mà thôi,) nhưng cô cảm giác rằng, so với tiền của cô, Ernest là một thứ đáng giá hơn nhiều.
Chương 33
Hôm sau, Alethea lên đường về lại nhà, trong lòng cứ nghĩ mãi về đứa cháu trai và về cách nào để giúp đỡ nó tốt nhất có thể.
Cô thấy rằng để có thể thực sự chăm lo cho Ernest, cô phải dành trọn bản thân mình cho nó; có nghĩa là cô phải rời London trong một thời gian, để sống tại Roughborough, có như vậy cô mới theo sát được nó. Đây là một quyết định lớn bởi cô đã sống ở London suốt mười hai năm nay, và mặc nhiên, cô không thích viễn cảnh sống ở một thị trấn nhỏ miền quê như Roughborough. Nỗ lực quá nhiều như vậy có sáng suốt không? Không phải có nhiều người đã đánh liều với số phận mình hay sao? Liệu ai có thể làm được nhiều điều cho người khác, ngoại trừ việc để lại di chúc cho họ và rồi chết đi? Chẳng phải mỗi người chỉ nên quan tâm đến hạnh phúc của mình, và điều tốt nhất cho thế giới không phải là việc mỗi người biết bận tâm đến việc của mình và để cho người khác tự giải quyết việc của họ hay sao? Cuộc sống không giống như trò đua lừa, trong đó mỗi người cưỡi con lừa của người khác và cố gắng đi chậm hết mức có thể. Và người viết Thánh vịnh thời xưa đã từng xác nhận một kinh nghiệm chung, khi ông tuyên bố rằng chẳng một ai cứu được kẻ khác hay trả được giá chuộc của nó cho Đức Chúa, bởi linh hồn của cả hai đều quá cao giá, và như thế hắn nên để kẻ đó tự lo cho mình mãi mãi.
Cô có tất cả những lý do hoàn hảo này, và còn hơn thế nữa, để bỏ mặc đứa cháu Ernest, nhưng để phản kháng lại chúng, trong cô có một tình yêu của người phụ nữ dành cho con trẻ, và một ước muốn tìm cho ra trong dòng tộc một người trẻ có thể gắn bó với cô, và qua đó, cô có thể gắn bó với chính bản thân mình. Hơn tất cả, cô muốn có một ai đó để truyền lại tài sản của mình, cô sẽ không để chúng lại cho một người mà cô chỉ biết đôi chút, nhưng lại ngẫu nhiên là con cái của anh chị cô, những người mà cô vốn chưa bao giờ thích họ. Cô biết sức mạnh và giá trị của đồng tiền, và cô nhận thức được hằng năm có biết bao người tử tế phải chịu khổ cực và chết đi vì thiếu tiền, cô gần như không muốn để lại gia sản cho ai nếu không tin tưởng được rằng đó là một người ngay thẳng, tử tế, và phần nào túng thiếu. Cô muốn người đó phải dùng của thừa kế đó thật hợp tình hợp lý, và phải cực kỳ hạnh phúc khi nhận số tiền đó; nếu tìm được một ai như thế trong số những đứa cháu của mình thì thật tốt biết bao và thật đáng để cô lao tâm khổ tứ vì việc này, nhưng nếu chẳng có ai trong số đó xứng đáng, thì cô buộc lòng phải tìm một người ngoại tộc làm kẻ thừa kế của mình.