‘Chỉ khi nào cậu mới từ bỏ vị trí của mình?
Cậu gọi ai? Có ai đáp lời? Tại sao?
Bao nhiêu lần cậu gọi cha mình?
Và cậu được gì?
Cuộc sống cao quý nhất nào đã tàn lụi nơi đó? Bạn có nghĩ vậy không?
Tại sao lại nghĩ như thế?’
Và nó nhớ hết cả bài thơ đó. Tất nhiên, nó nghĩ rằng cuộc đời của Casabianca đúng là một cuộc đời cao quý nhất bị tàn lụi; nó hoàn toàn chắc chắn như vậy, chẳng bao giờ nó nghĩ được rằng giá trị của bài thơ nằm ở chỗ muốn nói là những người trẻ không thể vì nghe lời cha mẹ mà bắt đầu cuộc sống tự lập tự tại quá sớm được. Thôi rồi, trong đầu nó chỉ có một ý nghĩ là nó sẽ không bao giờ, không bao giờ giống được như Casabianca, và Casabianca hẳn sẽ khinh miệt nó vì điều đó, và nếu có gặp nó cũng chẳng thèm hạ cố nói chuyện với nó. Ngoài Casabianca, trên thuyền chẳng có ai đáng để chú ý cả, cho dù họ cũng bị nổ tung như cậu. Bà Hemans, tác giả bài thơ này, biết tất cả họ, nhưng số phận của họ là bị ngó lơ bỏ mặc. Mà đúng là Casabianca rất đẹp và còn xuất thân từ một gia đình quyền thế nữa chứ, đó chính là điểm khác biệt.
Và cứ thế, cái tâm trí trẻ con của nó mãi vẩn vơ cho đến tận lúc nó không thể gắng gượng được nữa, rồi lại chìm dần vào giấc ngủ vật vờ.
Chương 30
Sáng hôm sau, Theobald và Christina thức dậy, khá mệt mỏi sau một chuyến đi dài, nhưng cực kỳ hạnh phúc, bởi lương tâm thật thoải mái. Từ nay trở về sau, nếu con trai của họ có làm gì không đúng và không thành đạt được như kỳ vọng, thì đó chỉ là lỗi của nó mà thôi. Bậc cha mẹ có thể làm được gì hơn những điều họ đã làm cho Ernest chứ? Câu trả lời là ‘Không’, và nó đã chực sẵn trên môi các bạn đọc cũng như trên môi của chính Theobald và Christina.
Một vài ngày sau, hai vợ chồng rất lấy làm hài lòng khi nhận được lá thư từ đứa con trai như sau.
‘Mẹ yêu quý, con rất khỏe. Tiến sỹ Skinner bảo con làm thơ tiếng Latin về một con ngựa tự do hân hoan trên đồng cỏ bát ngát, mà việc này nhờ cha có dạy nên con biết cách để làm, và con làm khá ổn, nên tiến sỹ đưa con vào lớp bốn của thầy Templer, và con phải bắt đầu học một ngữ pháp Latin mới, khác nhiều, và khó hơn. Con biết cha mẹ mong muốn con học hành đàng hoàng, và con sẽ cố gắng hết sức mình. Cho con gởi lời thăm đến Joey và Charlotte, và đến cha, đứa con yêu dấu luôn mãi của mẹ, ERNEST.’
Chẳng có gì tốt đẹp và đúng đắn hơn thế. Lá thư này dường như nói lên rằng thằng bé thật sự đã biết đổi tính đổi nết. Các cậu học sinh đã tựu trường hết, những bài sát hạch cũng đã qua, và bây giờ một học kỳ mới đã bắt đầu. Ernest nhận ra rằng nỗi sợ bị bắt nạt của nó chỉ là thứ cường điệu mà thôi. Chẳng có ai làm gì khiến nó quá sợ hãi. Nó phải chạy việc vặt khoảng vài tiếng nhất định cho các anh khóa trên, và phải theo phiên ngồi chùi bóng,… V.v, nhưng vậy là quá tuyệt đối với một ngôi trường mang tiếng là hay bắt nạt rồi.
Tuy thế, nếu hỏi xem liệu nó có hạnh phúc, thì câu trả lời là không. Tiến sỹ Skinner quá giống cha nó. Thật sự, Ernest không muốn dính dáng nhiều đến ông, nhưng ông luôn có đó, xuất hiện bất chừng, và hễ ló dạng là ông lại quát nạt về một chuyện gì đó. Có thể nói ông giống như con sư tử trong câu chuyện Ngày chủ nhật của Giám mục Oxford, luôn luôn có thể vọt ra từ bụi rậm và ăn tươi nuốt sống một kẻ nào đó, đúng vào lúc kẻ đó không ngờ nhất. Ông gọi Ernest là một ‘đứa đê tiện trâng tráo’ và nói rằng ông lấy làm lạ vì mặt đất đã không mở ra nuốt chửng nó bởi vì nó đã phát âm Thalia với một chữ i ngắn. ‘Và lại xảy ra điều này đối với ta,’ ông gầm lên, ‘một người cả đời chưa bao giờ phát âm sai.’ Chắc chắn nếu thời nhỏ, ông có phát âm sai vài lần, hẳn ông đã là một người tốt hơn nhiều rồi. Ernest không thể hình dung ra làm sao mà những anh học trong lớp của ông Skinner có thể sống nổi, thế nhưng họ vẫn sống được, thậm chí còn thăng tiến, và lạ thay có vẻ như họ thần tượng ông hoặc tuyên bố là vẫn sẽ thần tượng ông như thế trong đời sau. Đối với Ernest, sống như thế này chẳng khác nào đang ngồi trên miệng núi lửa đang chực phun trào.
Nó theo học lớp của thầy Templer, một người cáu gắt, nhưng không hoàn toàn ác độc, và quay cóp trong giờ của thầy rất dễ. Ernest cứ nghĩ mãi là làm sao mà thầy Templer lại có thể bị qua mặt như thế, bởi nó cho rằng thầy hẳn phải từng quay cóp lúc còn đi học, và bởi nó thấy thầy Temper đã quên mất thời trẻ của mình, nên tự hỏi không biết khi về già nó có bị như vậy không nữa, bởi lâu nay nó vẫn cứ nghĩ rằng mình chẳng thể nào quên đi dù chỉ một phần nhỏ trong ký ức của nó. Rồi còn có bà Jay, một người đôi lúc quá hốt hoảng. Một vài ngày sau buổi khai giảng, có đôi tiếng ồn nho nhỏ nơi sảnh, và bà hộc tốc chạy ra với cặp kính còn cài trên trán, còn dải mũ thì bay chấp chới, rồi bà gọi vào phòng đứa mà Ernest xem là anh hùng của nó, một đứa ‘lừa lọc, đểu cáng, om sòm, giảo hoạt, gây gổ, ồn ào nhất trong trường.’ Nhưng bà vẫn thường có những lời khiến Ernest thấy thích. Nếu tiến sỹ có việc bận ở ngoài, và không có ai đọc kinh, thì bà sẽ bước vào và nói, ‘Các cậu, tối nay được miễn đọc kinh’, và xét chung, thì bà cũng đáng là một người già tốt bụng.
Hầu hết các học sinh đều nhận biết được sự khác nhau giữa ồn ào và nguy hiểm thực sự là gì, nhưng có những đứa bất thường không nhận biết được điều đó, ngoại trừ khi chúng có ý rõ ràng, và như thế chúng cứ mãi như vậy rất lâu trước khi bỏ được cái thói nghênh nghênh tự đại của mình. Ernest thuộc loại thứ hai, và nó thấy rằng bầu không khí của Roughborough quá khó khăn cho nó, nên bất kỳ lúc nào có thể, nó đều sẵn sàng thu mình không để cho người ta thấy và bận tâm đến nó. Nó không thích các môn thể thao còn hơn cả những tiếng ầm ĩ trong lớp học hay trong sảnh đường, bởi nó vẫn là một đứa ốm yếu, chưa đạt đến thể lực trọn vẹn, chậm hơn nhiều năm so với hầu hết những đứa trẻ khác. Điều này có lẽ là do sự ngột ngạt tù túng mà cha nó đã bắt nó ở lỳ với sách vở suốt thuở nhỏ, nhưng tôi nghĩ rằng điều này cũng có liên quan đến chiều hướng trưởng thành chậm về thể lý, được di truyền trong gia đình Pontifex, cũng là một yếu tố cho họ được sống thọ bất thường. Lúc mười ba hay mười bốn tuổi, nó chỉ có da bọc xương, cánh tay thì nhỏ chỉ bằng cổ tay một đứa cùng tuổi, ngực nó nhô ra như ngực rùa, chẳng có chút sức lực hay sức bền nào hết, và nó nhận ra rằng nó luôn là kẻ thua cuộc trong những trận đánh nhau, cho dù để đùa giỡn hay đánh thật, và ngay cả những đứa thấp hơn nó cũng thắng nó. Sự rụt rè bất thường lúc còn nhỏ cứ tăng dần đến một mức độ mà tôi e là có thể biến nó thành một đứa hèn nhát. Và điều này hạn chế khả năng của nó dưới mức mà nó vốn có thể hoặc thực sự có, bởi nếu sự tự tin tăng thêm sức mạnh, thì sự tự ti lại làm giảm đi sức mạnh đó. Một lần nọ, sau khi hết hơi sức và bị đá vào chân gần cả chục lần trong một pha tranh bóng mà nó vô cùng không muốn tham gia, nó hoàn toàn hết hứng thú với bóng đá, và lẩn tránh mọi cuộc chơi theo một cách khiến nó gặp rắc rối với đàn anh, những kẻ không chấp nhận bất kỳ đứa đàn em nào trốn tránh tham gia trò này.
Nó cũng vô dụng và yếu ớt rõ ràng trong môn cricket hệt như trong bóng đá vậy, cho dù đã cố hết sức, nó cũng chẳng thể ném được một trái banh hay một viên đá. Bởi thế, mọi người sớm thấy rõ rằng, thằng Pontifex là một đứa vụng về, công tử, dù chưa đủ để phải hành hạ nó, nhưng cũng chẳng đáng được đánh giá cao. Tuy vậy, nó cũng không thực sự bị hắt hủi, bởi nó vẫn được cho là một đứa có nội tâm thẳng thắn, không bao giờ thù ai, làm nó vui lòng rất dễ, và nó cũng vô cùng hào phóng cho dù chỉ có một ít tiền mà thôi, hơn nữa, nó cũng chẳng ưa gì bài vở hệt như với các môn thể thao vậy, và xét chung, thì nó có khuynh hướng thiên về thói xấu vừa phải hơn là đạo đức quá đáng.
Những tố chất này sẽ giữ cho một đứa học trò không bị các bạn học đánh giá quá tệ, nhưng Ernest lại suy nghĩ bi quan hơn thế nhiều, và nó ghét cũng như khinh miệt chính bản thân mình bởi sự hèn nhát của nó. Nó không thích những đứa mà nó nghĩ là giống nó. Những kẻ nó ngưỡng mộ đều khỏe mạnh và cường tráng, chúng càng ít giống nó thì nó càng thần tượng chúng nhiều hơn. Và tất cả những chuyện này khiến nó vô cùng bất hạnh, bởi chẳng bao giờ nó nghĩ được rằng, cái thiên hướng bản năng khiến nó tách biệt với các môn thể thao mà nó đã không hòa nhập được, còn hợp lý hơn cái lý lẽ thúc đẩy nó chơi những môn thể thao đó. Dù thế, hầu như nó vẫn hành động theo thiên hướng của mình, hơn là theo lý lẽ. Sapiens suam si sapientiam norit. Nếu biết được sự khôn ngoan của mình, đó là kẻ thượng trí.
Chương 31
Chẳng bao lâu sau, Ernest hoàn toàn mất điểm với các thầy giáo. Hiện giờ, nó đang tận hưởng sự tự do chưa từng có. Bàn tay và đôi mắt sắc lạnh của Theobald không còn áp đặt trên lối đi, giường ngủ, và cũng đã hết dò xét tất cả mọi cách sống của nó, còn chuyện bị phạt bằng việc chép lại những dòng thơ của Virgil hiện giờ chẳng là gì so với những trận đòn tàn bạo lúc trước của cha nó. Thật sự thì việc viết lại những dòng này vẫn thường đỡ hơn là học chúng. Đối với bản tính của Ernest, tiếng Latin và Hy Lạp chẳng khiến nó thấy thoải mái chút nào, dù cho đã từng bị bắt nhồi nhét chúng trong một thời gian nhất định. Bản chất cứng đơ của những tử ngữ này tự nó chẳng bao giờ được dung hòa vào cuộc sống dù là theo cách giả tạo với một hệ thống khen thưởng cho những học sinh siêng năng chăm chỉ học chúng đi chăng nữa. Người ta không phạt nó vì lười nhác học chúng, nhưng cũng chẳng phần thưởng tốt đẹp nào có thể dụ cho nó chịu khó chuyên cần trong môn này cả.