Với tất cả những ngông cuồng phóng túng của mình, chắc chắn tôi phải thấy thật tội lỗi khi ngồi chơi cờ, một việc tôi vốn rất ghét, với tiến sỹ Skinner người Roughborough vĩ đại, nhà sử học Hy Lạp và chủ bút tờ Demosthenes. Hơn nữa, tiến sỹ Skinner là một trong những người tự hào về khả năng có thể khiến cho người ta thấy an bình ngay lập tức, và như thế, tôi cứ ngồi nép vào thành ghế suốt buổi tối đó.
Nhưng tôi vốn luôn là người dễ dàng tạo được sự nể trọng nơi những ngài hiệu trưởng.
Ván cờ kéo dài khá lâu, và đến chín giờ rưỡi, giờ ăn nhẹ, chúng tôi chỉ còn mỗi người vài con cờ. Giọng trong vắt của bà Skinner vang lên ‘Ông định dùng gì đây, tiến sỹ Skinner?’ một lúc lâu, ông chẳng trả lời, nhưng cuối cùng, với một giọng gần như nghiêm trọng quá mức, ông nói ‘Không,’ rồi tiếp ‘Không gì cả.’
Tuy nhiên, gần như ngay lúc đó, tôi có một cảm nhận như thể mình đang gần ngày tận thế hơn bao giờ hết. Gian phòng dường như tối hơn, hòa cùng với khuôn mặt u ám của tiến sỹ Skinner, một khuôn mặt đang chực nói gì đó. Nét mặt ông càng khó đăm đăm, và gian phòng như càng tối tăm hơn nữa. ‘Khoan,’ một lúc sau, ông mới nói, và tôi thấy dù sao đi nữa thì như thế cũng đã chấm dứt một tình trạng chờ đợi vốn nhanh chóng khiến người ta không thể chịu đựng nổi. ‘Khoan, có lẽ bây giờ tôi cần một ly nước lạnh, và vài mẩu bánh mỳ kèm bơ.’
Tiếng ‘bơ’ của ông xuống thấp đến nỗi thành một tiếng thì thầm khó có thể nghe cho rõ; rồi cuối câu, ông thở hắt ra như thể được giải thoát, và bây giờ mọi thứ đều đã ổn.
Sau mười phút im lặng đến nghiêm trọng, ván cờ của chúng tôi cũng kết thúc. Tiến sỹ nhanh nhẹn bật dậy và ngồi vào bàn ăn. Ông vừa nói với giọng vui vẻ, ‘Bà Skinner, cái thứ là lạ này là gì thế’, vừa nhìn món đồ ăn được bọc trong một lớp khoai tây.
‘Chúng là hàu, ông Skinner ạ’
‘Cho tôi một ít, và cho cả anh Overton nữa.’ rồi ông dùng hết dĩa hàu thơm ngon của mình, thêm một vỏ hàu chứa thịt bê băm được rán vàng, vài bánh táo, và một khoanh to bánh mỳ kẹp pho mát. Một mẩu bánh mỳ với bơ nghĩa là chừng đó đấy.
Khăn trải bàn được dọn ra kèm với những chiếc cốc và muỗng trà, một hai trái chanh và một bình nước nóng. Con người vĩ đại của chúng ta bắt đầu thoải mái, khuôn mặt ông sáng lên.
‘Và giờ là đồ uống gì đây?’ ông nói với giọng quyền uy. ‘Brandy và nước ư? Không. Nên là gin và nước. Gin tốt hơn cho sức khỏe.’ rồi rượu gin được dọn lên, và được pha rất cẩn thận, nóng và đặc.
Người ta có thể ngạc nhiên về ông, hoặc làm gì cũng được ngoại trừ thấy thương hại ông. Ông chẳng phải là hiệu trưởng trường Roughborough hay sao? Có bao giờ ông nợ tiền ai hay không? Ông đã lấy của ai, đã làm nhục ai, hay đã chiếm đoạt của ai bao giờ chưa? Đã có ai từng xì xào bàn tán về đức hạnh của ông hay chưa? Nếu như ông giàu có chính là nhờ một thứ đáng trọng nhất, kiến thức văn chương của ông. Trên tất cả các tác phẩm học thuật tuyệt vời của ông, quyển ‘Suy ngẫm về Tông thư và Đặc tính của thánh Giuđa’ đã đặt ông vào hàng những thần học gia nổi tiếng nhất anh quốc; toàn bộ đều cho rằng ai đã mua quyển sách này rồi thì chẳng cần phải suy gẫm lại vấn đề đó làm gì nữa, thật sự những ai cố tìm tòi thêm điều gì trong đó chỉ khiến mình mệt thêm mà thôi. Chỉ riêng tác phẩm này đã đem lại cho ông 5.000 bảng, và có lẽ trước lúc ông chết, khoản lợi nhuận này sẽ còn tăng gấp đôi. Một người đã làm được tất cả những việc trên, và chỉ muốn một mẩu bánh với bơ, người đó phải có quyền đòi hỏi những thứ cao sang hơn cho hợp với địa vị của người đó. Và khi nghe lời ông nói, người ta phải biết tìm cho ra cái mà ông gọi là ‘ý nghĩa sâu xa và ẩn giấu.’ Những ai biết tìm hiểu cho được cái ý sâu xa đó ngay cả trong những lời rõ ràng nhất của ông, sẽ chẳng mất phần thưởng của họ đâu. Họ sẽ phải hiểu cho được rằng ‘bánh mỳ và bơ’ theo đúng ý của tiến sỹ Skinner nghĩa là hàu kẹp thịt băm và bánh táo, còn nước phải hiểu là rượu gin nóng.
Nhưng gạt vấn đề tiền bạc sang một bên, chính những tác phẩm của ông đã làm cho tên tuổi ông sống mãi trong nền văn học. Có lẽ Gallio đã nghĩ rằng tên tuổi của mình sẽ nổi tiếng nhờ vào những bài luận về lịch sử tự nhiên mà ông đã biên tập, và chúng ta cũng đã tìm thấy nơi nhà ông ở Seneca những thứ, mà theo những gì chúng ta biết, chứa đựng một luận thuyết trọn vẹn về sự tiến hóa; nhưng những bài luận đó đã biến mất hết và tên tuổi của Gallio mãi mãi không phai mờ bởi một lý do có thể nói là điều cuối cùng ông dám nghĩ tới, và cũng là lý do cuối cùng có thể đem ra bợ đỡ cho sự phù phiếm của mình. Người muôn đời sau còn nhắc đến tên ông là bởi ông đã chẳng chịu quan tâm đến sự việc quan trọng nhất có liên hệ với đời ông (tôi mong rằng những người tìm kiếm sự bất hủ sẽ khắc cốt ghi tâm lấy bài học này, và đừng có huyên thuyên về những bước tiến quan trọng nữa).Và như thế, nếu tiến sỹ Skinner có trở nên bất hủ, thì có thể là bởi những nguyên do khác xa những gì mà ông đã thích thú tưởng tượng ra.
Liệu có thể mong một người như thế nhận ra được rằng thực sự thì ông ta chỉ kiếm tiền bằng cách làm băng hoại tuổi trẻ hay không? Nghĩa là cái nghề hái ra tiền của ông chỉ là việc làm cho những thứ tệ hại trông đẹp hơn trong mắt của những người quá trẻ và thiếu kinh nghiệm để có thể phát giác ra được thủ thuật của ông. Nghĩa là với những người mà ông tuyên bố dạy cho họ những điểm lý lẽ quan trọng, ông lại giấu đi với họ những thứ có thể cho họ quyền được tin tưởng vào những người nói lên sự thật. Nghĩa là ông chỉ là một kẻ hăng hái nửa nạc nửa mỡ với khuôn mặt tái xám cáu gắt và giọng nói lúng búng vốn chỉ có thể hù dọa được những kẻ yếu bóng vía, nhưng nếu ông cứ lỳ lợm như thế, thì ai có thể chạm được đến điểm yếu chí mạng của ông. Và nghĩa là quyển ‘Suy niệm về thánh Giuđa’ của ông chỉ là thứ trống rỗng không kiến thức, và sẽ bị xỉ vả thậm tệ nếu nhiều người không tin nó được viết một cách ngay chính.
Nếu như bà Skinner nghĩ rằng đáng để phải kéo ông xuống đúng chỗ của mình, thì có lẽ bà đã làm như thế, nhưng bà phải tất bật với đống việc nhà, và trông chừng con cái xem chúng đã ăn đủ chưa, mà nếu chúng đau yếu thì bà càng phải bận tâm hơn nữa, đó mới là cái bà quan tâm nhiều.
Chương 28
Ernest đã nghe được nhiều chuyện kinh khủng về tính khí của ông Skinner, và cả chuyện ma cũ bắt nạt ma mới ở Roughborough. Lúc này nó đã quá khổ rồi, và thấy thật khó chịu nổi nếu như những gánh nặng mới lại đè thêm trên nó. Nó không khóc vì phải xa nhà, nhưng tôi sợ là nó đã khóc khi gần đến Roughborough. Theobald và Christina cùng đi với nó trên chiếc xe nhà; ở Roughborough không có xe lửa, và từ đó đến Battersby chỉ có bốn mươi dặm, nên xe ngựa là thuận tiện nhất.
Khi thấy nó khóc, mẹ nó âu yếm và dỗ dành. Cô bảo là cô biết nó sẽ thấy buồn lắm vì phải xa rời gia đình hạnh phúc mà bước vào giữa đời, dù cho người ta sẽ rất tốt với nó, nhưng chẳng bao giờ tốt bằng bố mẹ yêu dấu của nó được, và nếu nó hiểu được, thì mẹ nó mới là người khốn khổ hơn, vì sự chia lìa này khiến cô đau lòng hơn là nó,… V.v, và Ernest, khi được mẹ bảo rằng nó chỉ khóc vì phải xa nhà, đã hoàn toàn tin như thế và chẳng bận tâm thêm về nguyên nhân thực sự khiến nó buồn là gì nữa. Khi cả ba đến Roughborough, nó đã định thần lại, rồi trong thời gian họ đến nhà tiến sỹ Skinner, nó đã dịu đi nhiều. Họ dùng bữa trưa với tiến sỹ và vợ ông, rồi bà Skinner đưa Christina xem qua các phòng ngủ, và chỉ cho cô thấy nơi ở mới dành cho đứa con yêu dấu của cô.
Không biết đàn ông nghĩ gì về những nghiên cứu về đàn ông, nhưng phụ nữ thì thực sự tin vào những nghiên cứu cao đẹp nhất về phụ nữ, và Christina đang quá mải mê để ý bà Skinner đến nỗi không chú tâm được vào điều gì khác nữa; tôi dám nói rằng, bà Skinner cũng vậy, đang khá tập trung để học hỏi những nét của cô. Christina đã thật sự bị lôi cuốn với những hiểu biết mới lạ, bởi cô tìm thấy trong đó (và tất cả chúng ta hẳn cũng vậy) một điều gì đó về bản chất của sự pha tạp; còn về phần bà Skinner, tôi hình dung rằng bà đã gặp quá nhiều người như Christina và giờ đây trong cô, bà tái hiện lại những hình ảnh đó; tôi tin rằng quan điểm riêng của bà có gì đó giống với câu châm ngôn của một hiệu trưởng lừng danh đã tuyên bố rằng tất cả mọi bậc cha mẹ đều là kẻ ngốc, đặc biệt là các bà mẹ, tuy vậy, bà vẫn tươi cười và dịu dàng, còn Christina thì hăm hở đón lấy chúng thật nhiệt tình như thể chúng chỉ dành riêng cho cô và chẳng có bà mẹ nào đáng được ưu ái như cô bây giờ vậy.
Trong lúc đó, Theobald và Ernest đang ở cùng tiến sỹ Skinner trong thư viện, nơi những cậu bé được sát hạch còn người lớn thì trách mắng hay phạt chúng. Nếu những bức tường trong căn phòng này biết nói, chắc hẳn chúng sẽ không từ chối làm chứng về một sự độc ác thất thường và ngu ngốc vốn hay xảy ra trong đó đâu!
Như mọi ngôi nhà khác, nhà của ngài tiến sỹ cũng có một mùi đặc trưng riêng. Trong nhà này chủ yếu là mùi da thuộc từ Nga, nhưng cũng có mùi như một cửa hàng hóa chất. Mùi này phát xuất từ khu thí nghiệm nhỏ nằm ở góc phòng. Có được khu thí nghiệm này cộng với việc dùng tràn lan vài từ lõm bõm như ‘carbonate,’ ‘hyposulphite,’ ‘phosphate,’ và ‘ái lực,’ là đã đủ để thuyết phục những kẻ hoài nghi nhất rằng tiến sỹ Skinner có một kiến thức uyên thâm về hóa học.