Tôi thường nghĩ rằng Giáo hội La Mã đã rất khôn ngoan khi không cho các giáo sỹ kết hôn. Có một sự thực ở anh quốc này là con trai của các mục sư thường xoàng xĩnh và tầm thường. Lý do rất đơn giản, nhưng thường người ta lại không thấy, nên tôi xin phép được nói ra ở đây. Mục sư được xem là con người bận rộn ngày chủ nhật. Vào ngày này, những thứ mà loại người của ngày thường có thể châm chước được, lại là những thứ buộc phải thành toàn trong một mục sư. Hơn nữa, cái giá phải trả cho nghề nghiệp này là một cuộc sống nghiêm ngặt hơn những người khác. Đó là raison d’etre, lẽ sống của một mục sư. Nếu các giáo dân của ông thấy ông sống được như vậy, họ ủng hộ ông, bởi họ nhìn lên ông như là hình mẫu cho cái mà họ cho là một đời sống thánh thiện. Đây là lý do vì sao người ta thường gọi mục sư là vicar, người đại diện, một người mà sự tốt đẹp của ông đại diện cho những người mà ông chịu trách nhiệm. Nhưng gia đình của ông vẫn là một pháo đài cô lập như tất cả mọi người anh khác, và với ông, cũng như với mọi người khác, những áp lực bất thường và không cần thiết trong xã hội sẽ gây nên sự mệt mỏi cho ông. Con cái của ông là thứ yếu ớt nhất trong tầm tay, và gần như ông toàn lấy chúng để xả nỗi bực dọc của mình.
Thêm vào đó, mục sư cũng lại là người rất khó cho phép mình xem xét mọi chuyện một cách nhẹ nhàng. Nghề nghiệp của ông đứng hẳn về một khuynh hướng, và do đó, ông không thể xem xét khuynh hướng đối lập mà không có thành kiến được.
Chúng ta quên mất rằng tất cả mọi mục sư, cũng như những phụ tá của ông đều có thu nhập cố định, tất cả đều là những người được trả tiền để lên tiếng ủng hộ cho Giáo hội, như thể một luật sư được thuê để cãi trắng án cho thân chủ họ vậy. Chúng ta nên lắng nghe họ với tâm thức của một quan tòa, nghĩa là cứ để lửng phán quyết và cân nhắc đầy đủ lý lẽ của luật sư phản biện. Trừ phi chúng ta có được một lẽ gì đó, và được phát biểu nó sao cho kẻ đối lập với chúng ta phải thừa nhận đó là một phản bác hợp lý, còn nếu không, chúng ta hoàn toàn chẳng có quyền gì để tuyên bố rằng chúng ta có chính kiến. Bất hạnh thay, ở vùng đất này, luật là chỉ có một bên nói, và bên còn lại chỉ được phép nghe mà thôi.
Theobald và Christina cũng không ngoại lệ. Khi đến Battersby, họ mang trong mình đầy những khát khao muốn làm tròn bổn phận của họ, và muốn tận hiến chính mình cho vinh quang và danh dự của Thiên Chúa. Nhưng trách nhiệm của Theobald là nhìn nhận vinh quanh và danh dự của Đức Chúa theo quan điểm của một Giáo hội đã tồn tại hơn ba trăm năm, mà chẳng nhìn ra được bất kỳ lý do nào để phải thay đổi dù chỉ một trong những quan điểm của nó.
Tôi hoàn toàn có thể ngờ rằng Theobald chẳng bao giờ hoài nghi về sự khôn ngoan của Giáo hội ngay cả trong những vấn đề nhỏ nhặt. Anh khá nhạy bén đối với những mối nguy có thể xâm hại điều này, và Christina cũng vậy. Như thế có nghĩa là nếu một trong hai người phát giác ra những triệu chứng mới chớm của mối nguy hại, họ sẽ bóp chết ngay từ trong trứng nước, và cũng làm như thế với Ernest, mà có lẽ là làm tốt hơn nữa kia, tôi cho là vậy. Nhưng Theobald tự xem mình, và phần đông cũng xem anh, chắc chắn là một người trung tín đặc biệt, thật vậy, anh được xem như là hiện thân của tất cả những đức hạnh sẽ khiến cho một người nghèo nên đáng trọng và bắt một kẻ giàu cũng phải ngả mũ kính trọng. Rồi theo thời gian, anh và vợ anh đã tin chắc như một điều mặc định rằng không một ai, khi được ở dưới mái nhà của họ mà không cảm thấy biết ơn họ sâu sắc. Con cái của họ, người hầu của họ, các giáo dân của họ, tất cả hẳn đều thật tốt số khi được gắn bó với họ. Không có lối đi hạnh phúc nào ở đời này hay đời sau, ngoại trừ con đường mà chính họ đang nắm giữ; chẳng có người tốt nào mà lại không suy nghĩ giống hệt họ trong mọi chuyện; chẳng có người biết phải trái nào lại mơ tưởng có được phần thưởng vốn dành cho họ, Theobald và Christina.
Và chính điều này khiến cho con cái của họ nhợt nhạt và còi cọc, bởi chúng phải chịu đựng SỰ BỆNH HOẠN ngay chính nơi NHÀ mình. Chúng thiếu thốn, còi cọc, bởi trong đầu chúng chỉ nhồi nhét đầy những thứ sai lầm. Chúng sống theo tự nhiên, nhưng Theobald và Christina thì không. Tại sao lại như thế? Nhưng tại sao họ lại không phải trải qua một cuộc đời khốn khổ. Trên đời này có hai loại người, loại gây nên tội lỗi, và loại bị tội lỗi gây hại, nếu phải chọn một trong hai, thì tốt hơn nên người ta nên chọn làm loại đầu tiên thì hơn.
Chương 27
Tôi sẽ không kể thêm về cuộc đời thuở nhỏ của Ernest, nhân vật chính của chúng ta nữa. Nó đã nỗ lực vượt qua giai đoạn này, và đến năm mười hai tuổi, đã học thuộc làu làu ngữ pháp Latin và Hy Lạp. Nó đã đọc hết những phần hay nhất trong các tác phẩm của Virgil, Horace và Livy, cùng với vô số vở kịch Hy Lạp nữa, đồng thời nó cũng thành thục trong số học, nắm bắt hết bốn quyển sách của Euclid, và tiếng Pháp của nó cũng vừa đủ dùng. Lúc này, Ernest đã đến tuổi phải đến trường, và xét theo trình độ của mình, nó được cho theo học với Tiến sỹ Skinner ở Roughborough.
Theobald đã được biết sơ qua Tiến sỹ Skiner lúc còn ở Cambridge. Đó là một con người ngay từ thuở nhỏ đã luôn đầy say mê và nổi bật trong tất cả mọi lĩnh vực ông tham gia. Ông là một đại thiên tài. Tất cả mọi người đều biết như vậy, tất nhiên, người ta nói rằng ông là một trong số ít người mà từ thiên tài hoàn toàn đúng với ông, và chẳng có gì là cường điệu thổi phồng cả. Chẳng phải là ngay trong năm học đầu tiên, ông đã có được không biết bao nhiêu học bổng hay sao? Chẳng phải ông là Thủ khoa tốt nghiệp, được nhận huy chương danh dự, và còn vô số thứ khác nữa hay sao? Rồi ông còn là một diễn giả tuyệt vời, ở Câu lạc bộ Tranh luận, ông chẳng có đối thủ, và tất nhiên, cũng là trưởng hội này. Còn đạo đức, vốn là điểm yếu của nhiều thiên tài, lại là điều hoàn toàn không thể chê trách được nơi ông. Nhưng, trên tất cả những phẩm chất vĩ đại này, và thậm chí còn ấn tượng hơn cả tài năng thiên phú, chính là điều mà những người viết tiểu sử gọi là ‘sự háo hức hồn nhiên như một đứa trẻ’ của ông, và người ta có thể cảm nhận được nó qua thái độ nghiêm túc của ông ngay cả khi ông nói về những chuyện nhỏ nhặt. Và chẳng cần nói cũng biết, tư tưởng chính trị của ông thiên về phái Tự do.
Ngoại hình của tiến sỹ Skinner không gây cảm tình cho lắm. Ông cao vừa vừa, béo mập, với đôi mắt xám sắc lạnh tóe lửa dưới cặp lông mày rậm và gây sợ hãi cho bất kỳ ai đến gần. Mạnh mẽ bên ngoài, nhưng ông sẽ hoàn toàn yếu đuối, nếu người ta biết được điểm yếu của ông. Lúc còn trẻ, mái tóc ông màu đỏ, nhưng sau khi tốt nghiệp, ông mắc phải bệnh viêm não, dẫn đến hói đầu, và lúc bình phục, ông mang một bộ tóc giả, nhưng màu của nó lại đỏ hơn nhiều so với màu tóc tự nhiên. Ông chẳng bao giờ vứt bộ tóc giả đó đi, và nó cứ phai màu dần, cho đến khi ông được bốn mươi tuổi. Thì nó chẳng còn chút gì là màu đỏ nữa, mà đã hóa sang màu đà mất rồi.
Khi tiến sỹ Skinner còn rất trẻ, chưa quá hai mươi lăm tuổi, chức vụ hiệu trưởng trường Ngữ pháp Roughborough bị trống chỗ, và người ta chẳng chút lưỡng lự bổ nhiệm ngay ông vào vị trí này. Kết quả nói lên tất cả. Các học sinh của ông, khi vào bất kỳ Đại học nào cũng đều thể hiện được nét riêng của mình. Ông nhào nặn đầu óc họ theo khuôn mẫu của chính ông, và đóng vào họ một dấu không thể phai mờ ngay cả trong đời sau. Một người xuất thân từ Roughborough, dù thế nào đi chăng nữa, chắc chắn sẽ luôn cho người khác cảm tưởng rằng họ là một Kitô hữu sốt sắng kính sợ Thiên Chúa và là một người theo phái Tự do, nếu không cũng là phái Cấp tiến. Tất nhiên, một vài cậu bé không thể cảm nhận được cho đúng vẻ đẹp và sự cao quý nơi bản tính của ngài Skinner. Hỡi ôi, trường nào cũng có những đứa như vậy. Những cậu bé đó cảm thấy thật nặng nề khi ở dưới quyền của ông. Ông chống lại chúng, và chúng chống đối ông suốt thời gian còn ở trong trường. Chúng không những không thích ông, mà đúng hơn, chúng ghét tất cả những gì mà ông đại diện cho, và suốt đời, chúng ghét tất cả những gì nhắc nhớ đến ông. Tuy nhiên, chỉ có một thiểu số như vậy, còn toàn trường rõ ràng đều mang lấy tinh thần Skinner của ông.
Tôi đã từng được vinh dự chơi cờ với con người vĩ đại này. Hôm đó nhằm dịp Giáng Sinh, và tôi ghé xuống Roughborough vài ngày để thăm Alethea có chút việc. Ông thật tử tế khi chú ý đến tôi, bởi tôi chỉ mới chớm nổi trong nghề văn, một chớm nhỏ bé vô cùng mà thôi.
Thật sự là trong khoảng thời gian đó, tôi có viết nhiều bài hay, nhưng gần như chỉ hoàn toàn trong phạm vi kịch nghệ, và cũng chỉ là những vở kịch trào phúng và châm biếm. Tôi đã viết rất nhiều trong thể loại này, toàn những kiểu chơi chữ và những bài hát khôi hài, nhờ đó cũng có được thành công tương đối, nhưng tác phẩm tốt nhất của tôi là một nghiên cứu về lịch sử anh quốc trong thời kỳ Kháng cách, trong đó tôi có nhắc đến Cranmer, ngài Thomas More, Henry Đệ Bát, Catherine thành Arragon, và Thomas Cromwell (thời trẻ ông nổi tiếng hơn với cái tên Malleus Monachorum), và tôi đã thể hiện bài đó rất sinh động. Tôi cũng có chuyển thể truyện ‘hành hương’ thành vở kịch câm diễn vào dịp Giáng Sinh, và dàn dựng một cảnh quan trọng về hội Chợ Phù hoa, với ngài Độ lượng, Con quỷ, Kitô hữu, Nhân từ, và hy vọng là những nhân vật chính. Dàn nhạc trong vở kịch đó chơi những bản nhạc nổi tiếng nhất của handel, nhưng có biến đổi nhiều, nhất là phần hòa âm. Ngài Độ lượng là một người rất mập mạp với cái mũi đỏ, mang một chiếc áo gilê rộng, cùng áo sơ mi có diềm lớn ngay phía trước. Hy vọng được tôi họa lên đầy tinh nghịch hết mức có thể, với trang phục của một thanh niên sang trọng thời đó, ngậm điếu xì gà phì phèo mãi trên miệng. Kitô hữu không mặc gì nổi bật, thật sự thì người ta đồn rằng bộ áo mà giám đốc nhà hát vốn chuẩn bị cho nhân vật này bị chê là không phù hợp, ngay cả ngài lord Chamberlain cũng nói vậy, nhưng chuyện này không thành vấn đề.