Xác thịt về đâu – Samuel Butler

Chương 25

Ba hay bốn năm sau khi hạ sinh Charlotte, Christina lại chuẩn bị trở dạ thêm lần nữa. Từ lúc kết hôn, cô cứ yếu luôn, và có linh cảm rằng lần ở cữ này, cô sẽ không qua khỏi. Vì thế, cô viết lá thư sau đây, và theo những gì cô viết, thì lá thư sẽ được trao cho Ernest lúc nó được mười sáu tuổi. Nhưng cô vẫn còn sống, còn đứa trẻ chưa sinh lại chết. Và nhiều năm sau vào đám tang của mẹ, Ernest mới được nhận lá thư này. Người ta tìm thấy nó giữa đống giấy tờ mà Christina đã sắp xếp cẩn thận nhiều lần, và triện thư đã bị mở ra rồi. Tôi nghĩ điều này là bởi Christina đã đọc nó và nghĩ rằng lá thư này quá giá trị, không thể bỏ đi được, cho dù thời điểm cô vốn định cho nó đã qua đi rồi. Lá thư như sau:

‘BATTERSBY, ngày mười lăm tháng Ba, năm 1841.

Hai con trai thân yêu của mẹ. Khi lá thư này đến tay các con, thì các con có còn nhớ đến người mẹ đã mất từ lúc các con còn rất nhỏ hay không? (mà ta sợ rằng các con hầu như đã quên ta rồi.) Ernest, con sẽ nhớ mẹ hơn, bởi lúc đó con đã được hơn năm tuổi, và nhiều, thật nhiều lần, mẹ đã dạy con những lời kinh, những bài thánh ca, những phép tính, và kể chuyện cho con nghe nữa, rồi còn thêm những buổi tối chủ nhật hạnh phúc của mẹ con mình, chắc hẳn chúng sẽ không biến mất khỏi tâm trí con đâu. Về phần con, Joey, dù lúc đó, con chỉ mới bốn tuổi, nhưng có lẽ trong con vẫn còn nhớ được chút gì đó. Các con rất yêu dấu của mẹ, vì người mẹ yêu thương các con hết tình, và vì hạnh phúc riêng của các con về sau, hãy chú tâm và hãy cố nhớ, cũng như hãy đọc đi đọc lại những lời cuối cùng mẹ có thể nói với các con đây. Khi nghĩ đến chuyện bỏ lại các con mà ra đi, có hai việc khiến mẹ đau lòng, một là nỗi buồn của cha các con (bởi các con yêu quý của mẹ, các con sẽ chỉ nhớ mẹ một lúc rồi sớm quên nỗi đau mất mát này thôi), hai là hạnh phúc lâu dài của các con. Mẹ biết nỗi buồn của cha các con sẽ đến mức nào và kéo dài bao lâu, và mẹ biết rằng cha sẽ xem các con là niềm an ủi duy nhất cho ông nơi dương thế này. Các con biết (bởi mẹ chắc chắn là các con biết) ông đã tận tụy dành hết cuộc đời mình cho các con và dạy dỗ các con, cũng như đã lao tâm vất vả để hướng các con đến những gì đúng đắn và tốt đẹp. Ôi, hãy chắc chắn rằng các con LÀ nguồn an ủi cho cha mình. Hãy để cha thấy các con biết vâng lời, trìu mến, và biết chú tâm đến những mong muốn của cha, sống ngay chính, biết bỏ mình, và siêng năng; đừng để cha các con phải hổ thẹn hay đau lòng vì những lỗi phạm và những lời rồ dại của các con, các con nợ cha mình món nợ ân tình, và bổn phận trước hết của các con là phải chăm lo cho ông được hạnh phúc.

Các con đều mang cùng một cái họ, và dòng họ đó không được bị người ta làm nhục, cha và ông nội của các con đã chứng tỏ được rằng họ xứng đáng với tên gọi Pontifex; tư cách đáng trọng và hành động đúng đắn của các con trong đời phụ thuộc chính nơi các con, nhưng còn một điều quan trọng hơn tư cách và cư xử thế gian tột bậc, và những thứ này chẳng là gì khi so với nó, chính là hạnh phúc bất diệt của các con, và các con phải tự lo lấy điều này cho mình. Các con biết bổn phận của mình, nhưng cạm bẫy và cám dỗ bủa đầy lối con đi, và càng tiến gần đến tuổi trưởng thành, các con càng cảm nhận điều này mạnh mẽ hơn. Với sự giúp sức của Chúa, và với lời hứa của Chúa, cũng như với tâm hồn khiêm hạ, các con sẽ đứng vững trước mọi điều, nhưng nếu ngừng tìm kiếm Chúa, và dựa vào chính mình, hoặc giả các con tự tin thái quá, hay chỉ nghe theo lời khuyên và gương mẫu của vô vàn người quanh con, thì các con sẽ, và chắc chắn sẽ, phải sa ngã và thất bại. Ôi, ‘chỉ có Chúa là chân thật, còn tất cả con người đều giả dối.’ Chúa nói rằng con không thể vừa thờ phượng Ngài vừa thờ Tiền bạc. Chúa đã nói rằng cửa hẹp mới dẫn đến sự sống đời đời. Có nhiều người tìm cách để mở rộng cánh cửa đó; họ sẽ nói với con rằng những hành động nuông chiều bản thân chỉ là một lỗi có thể bỏ qua được, rằng những sự chiều theo thế gian này kia có thể được tha thứ và thậm chí còn là việc phải làm. KHÔNG THỂ như thế được. Bởi cả trăm lần, Chúa đã nói với các con như thế. Hãy nhìn vào Kinh Thánh và xem thử có đúng như vậy hay không, và nếu không thì sao, ôi thôi, ‘đừng có ương ương dở dở,’ nếu Chúa là Đức Chúa thì con hãy theo Ngài, chỉ cần mạnh mẽ và dũng cảm, và Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi con. Hãy nhớ, trong Kinh Thánh không có, dù chỉ một, luật riêng cho người giàu hay người nghèo, cho kẻ có học hay kẻ vô học. Đối với TẤT CẢ mọi người, chỉ có một điều cần thiết. TẤT CẢ đều phải sống cho Chúa và cho tha nhân, chứ không phải cho riêng mình. TẤT CẢ trước hết phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa và Sự công chính của Ngài- phải TỪ BỎ CHÍNH MÌNH, sống trong sạch, giản dị, và nhân đức theo đúng nghĩa đầy đủ nhất và rộng nhất của những từ đó. Tất cả phải ‘quên đi tất cả những thứ sau lưng, và hướng đến phía trước, để đoạt lấy phần thưởng cao quý mà Thiên Chúa đã gọi mời.

Và mẹ chỉ nói thêm hai điều nữa mà thôi. Trong đời, các con hãy sống thành thật với nhau, hãy yêu thương nhau với tình máu mủ, hãy củng cố, trông chừng và động viên lẫn nhau, và đừng chống đối nhau, hãy làm sao để thấy nhau như một người bạn trung thành và đáng tin cậy cho đến tận giờ phút cuối cùng. Và, các con ơi, hãy ân cần và chăm lo cho em gái của các con, không có mẹ, em sẽ cần gấp đôi tình thương, sự ân cần và chỗ dựa nơi các con. Mẹ chắc rằng em con sẽ tìm kiếm những điều đó, và sẽ yêu thương các con, cũng như cố gắng để làm các con được vui lòng, hãy cam đoan rằng các con không khiến em phải buồn, và hãy nhớ rằng nếu cha con mất đi, mà em chưa kết hôn thì nó còn cần sự che chở của các con hơn nữa. Mẹ đặc biệt gởi gắm em cho các con. Ôi! Ba đứa con yêu dấu của mẹ, hãy sống thật tâm với nhau, với cha con, và với Chúa. Hầu Ngài có thể hướng dẫn và chúc phúc cho các con đến một thế giới tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn.

Mẹ và các con sẽ còn được gặp lại nhau trên Thiên đàng.

Mẹ yêu dấu vô cùng của các con,

CHRISTINA PONTIFEX.’

Sau khi tìm hiểu, tôi thỏa mãn với những gì tôi vừa khám phá ra là hầu hết các bà mẹ viết những lá thư như thế này sau kỳ ở cữ, và một nửa trong số đó, giữ chúng lại, hệt như những gì Christina đã làm.

Chương 26

Lá thư trong chương trước đã cho thấy sự lo lắng của Christina đối với hạnh phúc thiên đàng hơn là hạnh phúc dương thế của các con mình. Người ta có thể nghĩ rằng trong thời gian này, cô đã gieo đủ hạt giống tôn giáo vào lòng các con, nhưng về sau cô vẫn còn gieo thêm nhiều nữa. Dường như đối với tôi, những ai sống hạnh phúc trong đời này là những người tốt hơn và đáng yêu hơn, và như thế vào ngày Phục Sinh và Phán xét, gần như họ sẽ được xét là đáng được hưởng phúc Thiên đàng. Có lẽ Christina có một tiềm thức lờ mờ về việc này, và nó lý giải tại sao cô quá bận lòng đến hạnh phúc lúc còn sống của Theobald, hoặc cũng có thể cô lo cho đời này của Theobald bởi tin chắc rằng hạnh phúc vĩnh cửu của anh là một chuyện tất nhiên rồi, nên việc còn lại chỉ là lo cho hạnh phúc đời này của anh mà thôi. Anh phải được ‘thấy các con vâng lời, trìu mến, biết chú tâm đến những mong muốn của anh, biết từ bỏ chính mình và siêng năng’ thật đúng là một dãy tất cả những tính tốt quá thuận lợi cho một bậc cha mẹ; anh không bao giờ phải bị xấu hổ bởi những lời rồ dại của những đứa con ‘nợ anh một món nợ phải biết ơn’, và ‘trách nhiệm trên hết của chúng là chăm lo cho hạnh phúc của anh.’ Quả đúng là tấm lòng bà mẹ! Phần lớn sự bận lòng này là lo sao cho những đứa con không có những mong muốn và cảm giác cho riêng chúng, những thứ có thể gây nên nhiều vấn đề khó khăn, dù là trong tưởng tượng hay hiện thực. Và tự do ý chí theo cô nghĩ chỉ là phần nền của toàn bộ những ngỗ nghịch mà đứa con có thể gây nên, nhưng cho dù như thế, có một điểm mà chúng ta có thể nhận thấy được, là Christina đã nhận thức được đầy đủ rõ ràng về những trách nhiệm của con trẻ đối với cha mẹ, và cảm thấy rằng hoàn thiện được toàn bộ trách nhiệm đó là một điều quá khó khăn, nên cô rất hoài nghi không biết Ernest và Joey sẽ làm được đến mức nào nữa. Rõ ràng, cô có một chút ánh mắt ngờ vực dành cho chúng. Nhưng với Theobald thì hoàn toàn không; cô tin rằng anh sẽ tận tụy suốt đời cho con cái. Thật đúng là những lời vô vị, chẳng nói cũng biết rồi.

Tôi hỏi các bạn, hãy xem một đứa trẻ chỉ mới hơn năm tuổi, được nuôi dạy trong một môi trường toàn kinh nguyện, thánh ca, các phép toán và những buổi tối chủ nhật hạnh phúc, chưa nói đến những roi vọt hằng ngày, mà Christina vốn chẳng nhắc đến lời nào, chỉ vì những kinh nguyện thánh ca vừa kể trên, liệu một đứa trẻ như thế có thể phát triển lành mạnh hay sung mãn dù cho mẹ của nó chắc chắn yêu nó hết mực theo cách riêng của mình và thỉnh thoảng có kể chuyện cho nó nghe, hay không? Các bạn đọc chẳng lẽ lại không thấy được rằng cơn thịnh nộ của Chúa đang chuẩn bị giáng xuống đầu nó, một đứa trẻ được nuôi dạy theo cái kiểu như trong lá thư tôi vừa nêu ra đó hay sao?

Tác giả: