Như thế, xét toàn bộ mọi sự, tôi không có khuynh hướng khắt khe với ông như cha tôi đã làm. Nếu đánh giá ông theo một chuẩn mực quá cao đẹp, thì ông chẳng là gì cả. Nhưng nếu đánh giá ông theo chuẩn mực trung bình, thì chẳng thấy được nhiều thiếu sót nơi ông. Tôi đã nói ra hết đây những điều tôi đã nói qua trong những chương trước, và tôi sẽ không phá vỡ mạch truyện của mình để lặp lại nữa. Tôi nên tiếp tục câu chuyện và không cần điều chỉnh những phán xét mà có lẽ các bạn đã hoặc sẽ vội vàng hấp tấp quy cho không chỉ riêng ông Pontifex, mà còn cho Theobald và Christina nữa.
Còn bây giờ, tôi xin tiếp tục câu chuyện của mình.
Chương 20
Đứa con mới sinh đã mở mắt cho Theobald thấy một thứ mà từ trước đến nay anh chỉ thấy mờ mờ. Anh đã không biết một đứa trẻ sơ sinh sẽ gây phiền toái đến mức nào. Những đứa trẻ đột ngột đến với thế giới này, và làm rối tung mọi thứ lên thật khủng khiếp; tại sao chúng không thể rón rén đi vào cuộc sống chúng ta và gây ít chấn động cho gia đình hơn chứ? Mà vợ anh vẫn chưa hồi phục sau thai kỳ, trong vài tháng tới, cô ấy sẽ chẳng làm được việc gì; rồi nó còn gây nên một phiền toái quá thể nữa là buộc anh phải lạm nhiều đến khoản để dành dự phòng cho gia đình của mình. Bây giờ anh đã có gia đình, và càng phải thắt lưng buộc bụng hơn, thế nhưng đứa trẻ mới sinh đã phá hỏng hết dự định của anh. Có lẽ các nhà lý luận sẽ nói rằng họ thích sự hiện hữu của đứa con bởi nó là tiếp nối cho đặc tính của cha nó, nhưng chúng ta đều sẽ thấy những người nói như vậy là những kẻ chẳng có con cái. Những người cha trong gia đình thực sự mới hiểu rõ điều này hơn nhiều.
Khoảng mười hai tháng sau khi sinh Ernest, thêm một đứa trẻ nữa ra đời, lại là một bé trai, được rửa tội đặt tên là Joseph, rồi chưa đến một năm sau, Christina lại sinh thêm một bé gái, lấy tên Charlotte. Vài tháng trước khi sinh đứa con thứ ba, cô đã ghé thăm anh John ở London, và khi biết mình có mang, cô liền đến viếng triển lãm của học viện hoàng gia để xem những bức chân dung hình mẫu các phụ nữ đẹp, bởi cô nghĩ rằng đứa bé lần này sẽ là một bé gái. Alethea đã cảnh báo cô đừng làm như vậy, nhưng cô không chịu nghe, và rồi đứa trẻ mới sinh rõ ràng không được đẹp cho lắm, dù tôi không biết việc này có phải do những bức chân dung kia không nữa.
Theobald chưa bao giờ thích trẻ con. Anh tránh xa chúng ngay khi có thể, và chúng cũng vậy. Ôi thôi, anh tự hỏi mình rằng tại sao lũ trẻ không được sinh ra trong tình trạng đã trưởng thành cho rồi? Nếu Christina có thể sinh ra vài mục sư đã trưởng thành và được đứng trong hàng giáo sỹ, mang quan điểm quân bình, nhưng có hơi thiên về phái Phúc âm, có thu nhập thoải mái và giống hệt Theobald về mọi phương diện, nếu được như vậy thì chẳng phải hợp lý hơn ư? Hoặc tại sao người ta không thể mua những đứa trẻ đã được làm sẵn trong một cửa hàng với đủ loại lứa tuổi và giới tính, thay vì phải tạo ra chúng ở nhà và cứ mãi bắt đầu từ bước đầu tiên với chúng, dù như thế có vẻ sẽ tốt hơn, nhưng mà Theobald không thích như vậy. Cảm nhận của anh giống hệt như lúc anh bị buộc phải đến cưới Christina, nghĩa là anh phải tỏ ra dễ thương trong một thời gian dài, và cứ lặp lại như vậy mãi. Trong việc kết hôn, anh đã bị ép buộc phải tỏ ra như vậy; nhưng thời thế đã thay đổi, và nếu bây giờ có điều gì không vừa lòng, anh có thể tìm đủ lý lẽ xác đáng để tỏ rõ nó ra.
Mọi chuyện có lẽ sẽ tốt hơn nếu thời trẻ Theobald đã dám phản kháng hơn với cha mình; nhưng sự thật là anh đã không làm như vậy, nên anh càng có lý do để hy vọng những đứa con sẽ tuân phục anh tuyệt đối. Anh có thể tin tưởng vào sự tốt đẹp của chính mình. Anh đã cho rằng (và Christina cũng vậy), anh sẽ khoan dung hơn cha mình; và anh cũng cho rằng (và một lần nữa Christina cũng vậy) nếu có gì đó không ổn là do anh quá khoan dung mà thôi; anh phải chống lại tính này, bởi nhiệm vụ lớn nhất của bậc cha mẹ là dạy cho con cái biết vâng lời họ trong tất cả mọi việc.
Cách đây không lâu anh đã đọc về một nhà du hành phương Đông, khi ông khám phá một vùng xa xôi đâu đó tại Ả rập và Tiểu á, đã gặp được một cộng đoàn nhỏ các Kitô hữu rất mực siêng năng, điềm đạm, dũng cảm và khỏe mạnh, thì ra đó là con cháu của Jonadab, dòng dõi Rechad[14]. Rồi một thời gian sau đó, ở Battersby, có hai người đàn ông mặc âu phục, nhưng lại nói tiếng anh với giọng bập bẹ, và màu da chỉ rõ họ là người phương Đông; họ tự giới thiệu là hậu duệ của nhóm người vừa kể trên, và đến đây xin tiền gây quỹ hòng cải đạo cho những đồng bào của mình qua nhánh Kitô giáo thuộc anh giáo. Nhưng thực ra, họ là những kẻ mạo danh, bởi khi Theobald cho họ 1 bảng, và Christina rút tiền túi cho thêm 5 shilling nữa, thì họ ghé ngay quán rượu ở ngôi làng bên cạnh mà chè chén; dù vậy điều này vẫn không làm mất giá trị câu chuyện của nhà du hành phương Đông nọ. Rồi Theobald còn được nghe biết về dân Roma, những người mà đối với họ sự cao quý phải gắn liền với uy quyền tốt đẹp của người chủ gia đình trên mọi thành viên trong gia đình đó. Một vài người Roma đã giết cả con cái họ, điều này đã đi quá xa rồi, nhưng mà dân Roma thời đó chưa theo đạo, nên chẳng biết được phải trái về lẽ này cho lắm.
Những điều vừa nói ở trên, đã gây nên một niềm tin trong Theobald, và như thế cũng là trong Christina, rằng trách nhiệm của họ là phải rèn luyện con cái theo con đường đúng đắn mà chúng phải theo, và phải làm việc đó ngay từ trong trứng nước. Phải canh chừng những dấu hiệu ban đầu của sự bướng bỉnh, và phải triệt tận gốc trước khi chúng lớn thêm lên. Có thể nói một cách hình tượng rằng, Theobald đã giữ lấy con rắn vô cảm này và nâng niu nó trong lòng mình.
Trước khi Ernest biết bò, Theobald đã tập cho nó quỳ; trước khi nó biết nói, anh đã tập cho nó bập bẹ kinh lạy Cha và kinh Thú mình. Tôi thật chẳng hiểu làm sao lại có thể tập cho trẻ con những thứ như thế sớm đến vậy? Nếu Ernest lơ là, hay đãng trí, thì với anh đó là thứ cỏ dại sẽ lớn lên nhanh chóng, trừ khi bị nhổ đi ngay lập tức, và cách duy nhất để loại bỏ chúng là dùng đến roi vọt, hoặc nhốt trong tủ chè, hoặc tước đi một vài niềm vui nho nhỏ của tuổi thơ. Trước lúc lên ba, Ernest đã biết đọc, và viết tàm tạm. Trước lúc lên bốn, nó đã được học tiếng Latin, và có thể làm được phép cộng.
Còn riêng về Ernest bé bỏng, tự bản tính nó điềm đạm, rất quý chị vú nuôi, thích chơi với mèo con và chó con, cũng như tất cả thứ gì tử tế với nó, có nghĩa là cho nó được phép yêu mến chúng. Nó cũng yêu mẹ vô cùng, nhưng với cha thì khác, về sau nó đã nói với tôi rằng nó chẳng có cảm giác gì với cha ngoài sợ hãi và tránh né. Christina không khuyên can việc Theobald áp đặt những bài học nghiêm khắc lên đứa trẻ, và cũng không ngăn cản những trận đòn, thứ vốn được xem là cần thiết vào thời đó. Thật sự là mỗi khi Theobald vắng nhà, việc dạy bảo Ernest được giao cho cô, và cô buồn rầu thấy ra rằng khắt khe là việc duy nhất phải làm, và cô làm việc đó hiệu quả không kém gì Theobald, nhưng cô trìu mến với đứa trẻ, điều mà Theobald không có, và phải rất lâu về sau cô mới có thể khiến cho đứa con trai đầu này quên đi hết những tình cảm dành cho cô. Nhưng dù gì cô cũng đã rất cố gắng yêu thương nó.
Chương 21
Thật lạ lùng! Christina tin rằng cô quá đỗi yêu mến Ernest, và rõ ràng là cô yêu nó nhiều hơn bất kỳ đứa con nào khác. Vấn đề của cô là cô cứ giữ ý tưởng rằng chưa có bậc cha mẹ nào biết bỏ mình và tận tâm đối với hạnh phúc của con cái cho bằng cô và Theobald. Cô chắc rằng tương lai của Ernest sẽ rất đỗi xán lạn. Và như thế càng cần phải nghiêm khắc hơn nữa, để ngay từ đầu giữ được sao cho không vết nhơ tội lỗi nào vấy bẩn tâm hồn trong sạch của nó. Cô không thể để mình mơ tưởng viển vông theo kiểu các bà mẹ Do Thái thời trước khi Đấng Messia đến, bởi Ngài đã đến rồi, nhưng đã hơn ngàn năm trôi qua, và, cô nghĩ, chắc chắn không lâu sau năm 1866, lúc Ernest vừa đến tuổi trưởng thành, thì sẽ cần xuất hiện một Elijah mới để báo trước cho Đấng sắp đến. Chúa làm chứng cho cô rằng chưa bao giờ cô nguôi đi ý nghĩ được tử đạo cùng Theobald, và cô còn mong muốn điều này cho con trai mình nữa, nếu như điều đó cần thiết để phụng sự Đấng Cứu Thế. Ôi thôi, không! Nếu Chúa bảo cô hãy hiến tế đứa con trai đầu lòng của mình, như Ngài đã nói với Abraham, thì cô sẽ đưa nó lên đồi Pigbury và hạ ngọn…, không, cô không thể làm vậy, cô sẽ không làm nếu không nhất thiết phải là chính tay cô, có lẽ sẽ có một ai khác làm việc đó.
Không phải ngẫu nhiên mà Ernest được rửa tội bằng nước sông Jordan. Cô không chủ tâm việc đó, Theobald cũng vậy. Cả hai đã không cố tạo ra việc này. Khi nước từ dòng sông thiêng muốn đến với đứa trẻ được hiến thánh, thì nó sẽ tìm đường từ Palestine xa xôi băng qua bao vùng đất và vùng biển để đến được cửa nhà đứa trẻ đó. Sao nào, đó là một phép lạ! Đúng vậy! Đúng như vậy! Giờ đây cô đã thấy được toàn bộ chuyện này. Dòng sông Jordan đã cất công đến tận nhà cô. Thật phi lý khi nói đó không phải là một phép lạ. Không phép lạ nào xảy đến mà không nhờ vào phương tiện nào đó; tín hữu và kẻ ngoại đạo chỉ khác nhau ở chỗ nhìn ra phép lạ hay không. Người Do Thái đã không nhìn ra phép lạ, ngay cả trong biến cố phục sinh cho Lazaro và trong việc hóa bánh cho năm ngàn người ăn. Gia đình anh John có thể không nhìn ra phép lạ trong dòng nước Jordan này. Bản chất của phép lạ không phải nơi việc bỏ qua những phương tiện đó, mà cốt ở chỗ hướng những phương tiện đó đến kết cục cao đẹp và cùng lúc đó phải chấp nhận nhiều trở ngại xảy đến; và chẳng ai nhận ra được rằng ngài Jones hẳn đã không đem dòng nước đó về nếu như không được Chúa linh hướng. Cô sẽ nói điều này với Theobald, và cho anh thấy được phép lạ này lúc… Nhưng có lẽ tốt hơn là không nên. Với những vấn đề như thế này, phụ nữ nhìn thấu hơn và chính xác hơn đàn ông. Chẳng phải người duy nhất được đón nhận hầu như hoàn toàn sự viên mãn của Thiên Chúa chính là Đức mẹ, một người phụ nữ, hay sao? Nhưng tại sao cô lại không cất giữ dòng nước đã dùng để rửa tội cho Ernest? Không nên, không bao giờ nên đổ nó đi, nhưng mà chuyện đã như vậy rồi. Tuy nhiên, có thể điều này cũng là để hướng đến điều tốt đẹp nhất mà thôi; có thể vợ chồng cô sẽ bị cám dỗ nhiều để giữ nước đó lại, và có thể nó sẽ trở thành mối nguy hại cho linh hồn họ, thậm chí họ sẽ trở nên kiêu ngạo, một tội mà cô ghê tởm nhất trên đời.