Lợi ích của việc sống cho hiện tại là niềm vui, tận hưởng được những vẻ đẹp xung quanh, giúp đỡ mọi người, sống một cách trọn vẹn, tích lũy được nhiều phần thưởng ngay lập tức, trở nên lạc quan, có những mối quan hệ cá nhân tốt và đa dạng, và không sợ hãi.
Mặt trái của quan điểm sống cho hiện tại là quá chủ quan, dễ mắc các bệnh mà có thể phòng tránh được, mất cân bằng cảm xúc, nguy cơ trầm cảm, tự tử cao hơn hoặc các tình trạng rối loạn khác, tư tưởng cam chịu số phận, thiếu kế hoạch, ít cơ hội tiến tới thành công lâu dài.
Tại sao lại đề cao tư tưởng sống cho tương lai?
Những người có quan điểm hướng về tương lai sẽ dễ trở nên thành công hơn là những người tập trung vào các quan điểm về thời gian sống khác. Họ sống với ít kinh nghiệm thực tế nhưng lại thiên về những định hướng kế hoạch trừu tượng hơn. Họ ưu tiên sự thỏa mãn về lâu về dài hơn là những thành tựu ngay trước mắt. Họ phân tích và thường xuyên quan tâm tới những ảnh hưởng của tương lai đến những hành động trong hiện tại. Có trách nhiệm, hiệu quả, và đáng tin cậy là những từ ngữ mà người đó hay sử dụng. Họ có thể làm việc chăm chỉ, tránh xa những cám dỗ, sự sao nhãng, và lãng phí thời gian để tập trung hoàn thành một mục tiêu.
“Thất bại trong việc lập kế hoạch tức là lập kế hoạch cho việc thất bại.”
– Brian Tracy –
Câu trích dẫn này có thể là thần chú của những người có quan điểm hướng về tương lai. Họ có xu hướng lập các kế hoạch tiết kiệm và nghiêm túc quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Họ có thể rất hợp tác hoặc rất cạnh tranh dựa vào những kết quả đạt được cao nhất. Mặt khác, họ gặp khó khăn trong việc tận hưởng những khoảnh khắc mà họ cho rằng đó là sự lãng phí mất mấy phút của cuộc đời. Mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày an nhàn tận hưởng là một ngày lãng phí để làm ra điều gì đó có ích.
So sánh với những người theo chủ nghĩa sống vì hiện tại – hưởng thụ cuộc sống, những người hướng về tương lai biết cách kiểm soát bản thân, kiên định, kiểm soát cái tôi, và tìm kiếm ít cảm giác thỏa mãn hơn. So với những người theo chủ nghĩa sống vì hiện tại – cam chịu số phận thì họ ít bị lệ thuộc vào ma túy, đồ uống có cồn và những chất khác, họ ít bị trầm cảm hơn, tự trọng hơn và nhiều năng lượng hơn.
Những người hướng tới tương lai sống với các hạn chót. Họ thích như vậy, và không thể tưởng tượng về một cách sống nào khác. Họ coi công việc là sức mạnh của mình và họ càng gặt hái được nhiều thành công, họ càng yêu công việc. Họ coi công việc như một cuộc chơi. Đó là lí do vì sao những người có khát vọng về tương lai không bao giờ dừng lại, không bao giờ muốn nghỉ ngơi và thậm chí đạt được thu nhập đến bảy hoặc tám con số, họ vẫn tiếp tục thúc đẩy bản thân nỗ lực tiến về phía trước mà không muốn chậm lại một chút nào. Đối với họ, những mục tiêu tương lai không phải hoàn toàn là về tiền bạc, mà họ nghiện thành tích. Không giống như những người theo chủ nghĩa sống vì hiện tại – hưởng thụ cuộc sống, sống thiên về những cảm nhận cơ thể, những người hướng về tương lai sống thiên về tinh thần. “Cảm xúc gắn liền với hiện tại. Tư duy là hành trang cho tương lai”.
Những người hướng về tương lai là những công dân hạng xuất sắc nhất. Họ thường là người nghiện công việc. Họ tìm kiếm để hòa mình vào dòng chảy cuộc sống. Họ có mục tiêu rõ ràng, sự tập trung cao độ, hầu như không đề cao quá bản thân, và tự kiểm soát cao.
Những người có định hướng tương lai mạnh mẽ thường xuất thân từ những gia đình có nền tảng tài chính và tình cảm vững vàng, hưởng nền giáo dục cao.
Những người có tư tưởng về tương lai siêu thực thường trì hoãn việc thay đổi, bởi vì không có bằng chứng trái chiều nào chống lại niềm tin của họ. Ví dụ, những người có đức tin vào Chúa trời mạnh mẽ sẽ không bao giờ thay đổi quan điểm của họ, bởi vì không ai chứng minh được Chúa không tồn tại. Khi ai đó cố gắng phản đối niềm tin của họ, họ cảm thấy đó là sự xúc phạm và họ sẽ trở nên phòng thủ hơn hoặc đơn giản là bỏ qua cuộc đối thoại đó. Niềm tin vào một đấng tối cao, thiên đàng hoặc cuộc sống sau khi chết mang tới những niềm hi vọng và sự đủ đầy trong tương lai vĩnh hằng. Những người sống với niềm khao khát về tương lai siêu thực cũng chỉ là những người lập kế hoạch chủ động và những người tìm kiếm mục tiêu hoặc nhiều hơn thế một chút so với những người chỉ hướng về tương lai. Tuy nhiên, động lực của hai nhóm người này khác nhau. Trong khi những người hướng về tương lai tìm kiếm thành công dài hạn trong cuộc đời họ, những người theo chủ nghĩa tương lai siêu thực cống hiến trọn vẹn cho những phần thưởng sau khi họ chết.
Lợi ích của việc sống vì hiện tại có thể tạo ra cơ hội cao hơn để đạt tới thành công, nhận thức rõ ràng rằng cuộc đời này là hữu hạn và do đó phải tối ưu hóa các tiềm năng, giảm thiểu sự lãng phí thời gian, tập trung cao độ, rèn luyện kĩ năng phân tích tốt, phòng chống bệnh tật sớm, ổn định kinh tế tốt hơn, trau dồi kĩ năng lập kế hoạch tốt, tự kiểm soát và không quá đề cao bản thân.
Nhược điểm của nhóm người này là quá lo lắng nếu như không đúng hạn chót, có hành động quá khích, nghiện công việc, cảm thấy không trọn vẹn khi những mục tiêu của họ không còn làm họ thỏa mãn sau khi đã đạt được chúng rồi, thiếu sự tự nhiên, và có xu hướng kiểm soát các mối quan hệ.
Những thăng trầm trong quá khứ
Sống với quá khứ luôn luôn bị cho là xấu. Tuy nhiên, sống lại quá khứ từ một thời điểm này đến một thời điểm khác, tập trung vào những kí ức tươi đẹp có thể giúp chúng ta rất nhiều trong hiện tại và cho chúng ta sức mạnh và niềm hi vọng vào một tương lai tươi sáng. Như trong cuốn sách The Time Paradox đã viết, “Cách mà chúng ta nghĩ và cảm thấy hôm nay sẽ ảnh hưởng tới cách chúng ta nhớ về ngày hôm qua.” Những gì chúng ta nghĩ ngày hôm nay cũng sẽ ảnh hưởng tới niềm hi vọng cho ngày mai.
Sống lại quá khứ huy hoàng xem chừng có vẻ tốt hơn ngày hôm nay. Có những dữ liệu được nghiên cứu trong cuốn sách này chứng minh được tuyên bố đó. Nhóm nghiên cứu đã cho những người tham gia xem một đoạn quảng cáo về những điều đáng kinh ngạc có thể nhìn thấy và làm được ở công viên Disneyland, bao gồm cả việc bắt tay thỏ Bugs Bunny. Sau khi đoạn quảng cáo kết thúc, những người tham gia được yêu cầu kể lại những gì họ nhớ được. Mười sáu phần trăm trong số họ đã nhớ rõ ràng về việc bắt tay thỏ Bugs Bunny, mặc dù không hề có thỏ Bugs Bunny ở công viên Disneyland. Đó không phải là nhân vật hoạt hình của hãng Disney mà là của hãng Warner Brothers. Đây không phải là những sự kiện trong quá khứ ảnh hưởng lên chúng ta, mà chính là do thái độ của chúng ta hiện tại.
“Có khả năng tận hưởng lại một quá khứ tươi đẹp là được sống hai lần.”
– Martial –
Nhiều cảm nhận tốt đẹp khi nghĩ về các sự kiện trong quá khứ giúp xây dựng và cải thiện tâm trạng. Tuy nhiên, quá chìm đắm vào quá khứ làm con người ta sao nhãng và không nghĩ đến tương lai của mình. Giữ lại những sự ganh ghét, những sự kiện tiêu cực trong quá khứ bằng việc thường xuyên nghĩ đến và nhắc tới chúng thì đều không tốt cho sức khỏe.
Những khía cạnh tích cực của những người có thái độ sống thiên về quá khứ là những người có ý thức mạnh mẽ về giá trị bản thân, tập trung vào trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, là những người rất nhiệt tình hợp tác, và họ bảo tồn những giá trị truyền thống.
Những khía cạnh tiêu cực của thái độ sống thiên về quá khứ: Họ không thích cạnh tranh, họ sợ những gì mới mẻ và do đó, không có chí tiến thủ. Họ có xu hướng định kiến và độc đoán trước những sự tiến bộ và những con người đi tiên phong. Họ tự tách mình ra khỏi hiện tại và tương lai. Họ cũng có xu hướng cảm thấy vô cùng tội lỗi.
Làm sao để áp dụng các quan điểm về thời gian sống theo cách có lợi cho bản thân Zimbardo và Boyd kết luận trong nghiên cứu của họ rằng đối với những người cảm thấy lạc lõng trong cả quá khứ và tương lai, thì tập trung vào hiện tại luôn luôn là một điểm khởi đầu tốt. Hiện tại là cây cầu kết nối giữa quá khứ tới tương lai. Hiện tại là nơi mà chúng ta trải nghiệm hạnh phúc và cả những thời gian khó khăn nhất.
Hãy thực hành những bài tập giúp bạn hiện diện trong thực tại của mình.
Hãy tìm điều gì có thể ngay lập tức khơi dậy niềm vui thích trong bạn, và hãy thực hiện nó nhiều hơn nếu như bạn cảm thấy bạn đang quá say sưa với các định hướng trong tương lai. Khi bạn bắt đầu cảm thấy quá tải với việc chạy theo các hạn chót, hãy dừng lại và sống chậm lại một chút. Hãy nói với bản thân, “Dừng dừng dừng!” và bắt đầu làm một điều gì đó đưa bạn quay trở về hiện tại ngay lập tức. Hãy thử tìm thứ gì đó mà bạn có thể thầm ao ước xung quanh mình. Hãy tiến lên giành lấy nó.
Hãy quan tâm tới sức khỏe của mình, và nhớ dành thời gian chạy bộ. Hãy giữ mình ở lại với thực tại trong một lát. Làm điều gì đó điên rồ, điều gì bộc phát mà không suy nghĩ tới kết quả ra sao. Nếu bạn cảm thấy mình không thể làm việc đó một mình, hãy đi ra ngoài và gặp gỡ một người bạn có tư tưởng sống vì hiện tại – hưởng thụ cuộc sống.
Hãy nhận biết những suy nghĩ nào làm cho bạn buồn, trầm uất, làm bạn kẹt cứng trong quá khứ và cố gắng nghĩ về chúng ít hơn đi. Khi bạn bắt đầu nghĩ về chúng, hãy lặp lại với bản thân, “Dừng dừng dừng!” Hãy ép cho những luồng suy nghĩ của mình đi vào đúng nơi mà bạn có thể tìm thấy những niềm vui tức thì. Nếu bạn muốn đi đến rạp chiếu phim, ngay khi những suy nghĩ độc hại kéo đến, hãy đi ngay tới rạp chiếu phim. Nếu bạn lâu rồi chưa liên lạc với một người bạn cũ (không phải một người bạn hay than vãn), hãy nói chuyện với người đó ngay lập tức. Hãy thoát ra khỏi cái vòng suy nghĩ tiêu cực. Nếu như bạn cảm thấy bạn đang lún sâu vào thứ quá khứ tiêu cực ấy, hãy tìm một chuyên gia tâm lý giúp bạn xử lý vấn đề này. Hãy làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực trong quá khứ.