Có rất nhiều cơ hội lớn hơn để thành công nếu bạn tập trung vào những gì bạn muốn và đương đầu với các thử thách khi chúng thực sự xảy ra. Những điều tiêu cực sẽ làm bạn xuống tinh thần tới mức mà bạn chẳng còn muốn làm bất kể điều gì nữa. Điều tệ nhất có thể xảy ra khi bạn phải đối mặt với một vấn đề là gì? Đó là thất bại. Tuy nhiên, tôi đảm bảo bạn sẽ không thất bại, với điều kiện là bạn không thử làm gì hết.
“Đừng lo lắng về tương lai. Hoặc nếu có lo lắng thì hãy nhớ rằng nó cũng chẳng có tác dụng gì, vì việc đó cũng giống như là bạn đang cố gắng giải một phương trình đại số bằng cách nhai kẹo cao su vậy.”
– Baz Luhrman –
Bài thực hành cho chương này
1. Hôm nay tôi xác định được ba điều mà lúc đầu tôi đã tưởng là bất khả thi nhưng tôi lại muốn có/cảm nhận/đạt được:
…………………………………………………………………
2. Hôm nay, tôi viết ra ba mục tiêu mà tôi muốn đạt được:
…………………………………………………………………
3. Các mục tiêu này cụ thể là:
…………………………………………………………………
Tôi muốn đạt được điều gì, khi nào tôi muốn đạt được điều đó, tôi muốn đạt được điều đó ở đâu, tại sao tôi lại muốn đạt được điều đó, tôi muốn chia sẻ điều đó với ai?…
Chương 4
LỜI PHÊ BÌNH KHÔN KHÉO
“Trước khi bạn định chê bai một ai, hãy nhớ xỏ chân mình vào đôi giày của họ rồi chạy đi một dặm. Theo cách đó, bạn vừa tránh xa được nó một dặm lại vừa lấy luôn được đôi giày.”1
– Khuyết danh –
1 Đây là cách nói chơi chữ và hài hước, trong tiếng Anh, xỏ chân vào giày của ai và đi một dặm còn có nghĩa là đặt mình vào hoàn cảnh của người đó để thấu hiểu họ.
Tôi thấy câu trích dẫn này thật sự hài hước và đáng để chia sẻ với tư cách là câu giới thiệu cho chương này. Nó thích hợp để làm dịu bớt sự căng thẳng của chủ đề này. Không nghi ngờ gì nữa, nỗi sợ hãi bị phán xét là một trong những nguyên nhân chính khiến mọi người không dám khám phá những tiềm năng rộng lớn của bản thân mình. “Liệu tôi sai thì sao? Liệu ai đó sẽ chỉ ra rằng tôi đã sai? Liệu ai đó giỏi hơn tôi thì sao? Liệu tôi có bị mọi người cười nhạo?” Và những ý nghĩ tương tự.
Nỗi sợ bị phán xét và sự phán xét nhìn chung là một trong những yếu tố chính giải thích lý do tại sao mọi người lại kìm nén những khả năng của bản thân. Có một thiên tài được giấu kín ở bên trong, nhưng lại không được phát huy để không bị biến thành trò cười. Tôi nhận thấy rằng, việc hiểu được tâm lý phán xét này đến từ đâu và làm sao để kiểm soát nó rất quan trọng và nên được thảo luận ở đây.
Cuộc sống thường nhật của chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi nỗi ám ảnh về việc người khác nghĩ thế nào. Ngược lại, chúng ta cũng có xu hướng phán xét người khác. Nó giống như một vòng tròn phán xét không có hồi kết. Đôi khi chúng ta không thực sự cố ý phán xét ai đó. Chúng ta không có ý định làm tổn thương ai, chúng ta chỉ đơn giản nghĩ rằng mình hiểu biết nhiều hơn – giác quan thứ sáu, trực giác mách bảo vậy. Khả năng suy nghĩ và phán xét khiến chúng ta trở thành đặc biệt nhất trong tất cả các sinh vật trên hành tinh này.
Vấn đề là trong hầu hết thời gian, sự tự tin mù quáng của chúng ta vào trực giác cá nhân lớn hơn rất nhiều so với khả năng thực sự của nó. Một vài phán xét của chúng ta thì lại thiếu chính xác. Cách tiếp cận một vấn đề chỉ dựa vào hiểu biết cá nhân mà thiếu sự khiêm tốn đối với hiểu biết của người khác có thể thay đổi hoàn toàn tính chất sự việc.
“Người biết tất cả các câu trả lời thì thường không hiểu gì về câu hỏi.”
– Nancy Willard –
Những thông tin trong chương này không nhằm hạ thấp giá trị của bạn hay khiến bạn mất hoàn toàn sự tự tin vào những phê bình của mình. Trong một số trường hợp, bạn có thể tin tưởng trọn vẹn vào trực giác của mình mà không giải thích được là tại sao. Những lý thuyết và các bài thực hành sau, giống như một bệ đỡ, sẽ giúp bạn hiểu và tránh được những sai lầm trong việc phê bình người khác.
Làm sao để chúng ta phê bình chính xác hơn và hiểu đúng về sự phê bình?
Nicholas Epley, trong cuốn sách, Mindwise: How We Understand What Others Think, Believe, Feel, and Want (tạm dịch: Tư duy thông thái: Làm sao để hiểu được những gì người khác suy nghĩ, tin tưởng, cảm nhận và mong muốn), nói về việc làm sao để hiểu rõ về suy nghĩ của người khác hơn bằng cách thấu hiểu nhiều hơn.
Hãy nghĩ đến một tình huống khi bạn không có đủ thông tin thực tế và kiến thức, nhưng bạn buộc phải chọn một thời điểm nào đó trong một chủ đề nhất định. Bạn xây dựng một câu chuyện dựa trên những kiến thức của mình và đưa ra kèm theo những phê bình. Có thể bạn đang xem một bộ phim. Khi bộ phim đã chiếu được một nửa thì có ai đó đến tắt nó đi và yêu cầu bạn dự đoán phần kết phim. Xin đừng lấy bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Nicholas Sparks ra làm ví dụ ở đây, vì bạn có thể dự đoán được kết phim chỉ sau năm phút đầu tiên. Dựa vào những gì bạn xem từ đầu đến thời điểm bị ngắt quãng, bạn đã xây dựng nên kịch bản kết thúc của bộ phim.
Trong cuộc đời thực, chúng ta cũng làm tương tự như vậy với mọi người. Chúng ta biết một vài điều về họ dựa trên những kinh nghiệm cá nhân của chính mình hoặc những gì người khác kể lại. Dựa vào những mẩu thông tin mơ hồ đó, chúng ta cố gắng đọc được suy nghĩ của người khác để giải thích tại sao họ lại hành động như vậy, tất nhiên, để tuyên án họ trong phán quyết của bạn. Chúng ta có thể hoàn toàn sai về họ. Chúng ta đâu có nhìn được bức tranh tổng thể.
Có lẽ, trong ví dụ về bộ phim, chúng ta ngừng xem giữa chừng, và trong năm phút tiếp theo lại có diễn biến quan trọng được khám phá và làm thay đổi toàn bộ quan điểm về một người nào đó, giống như trong Harry Potter. Tất cả chúng ta đều ghét giáo sư Snape vì đối xử tệ với Harry. Chúng ta không ngừng ghét ông ta cho đến tận tập cuối cùng. Tôi không có ý định tiết lộ lý do cho những ai không phải là người hâm mộ say mê bộ truyện về cậu bé Potter giống như tôi đâu.
Chúng ta sống trong một “thực tế ngây thơ”, Eplay nói. Trực giác mách bảo chúng ta nhìn nhận về thế giới là đúng như nó vẫn vậy. Chúng ta có thể hiểu sai về thế giới xung quanh vì nó chỉ xuất phát từ quan điểm cá nhân. Bộ não của những ảo giác khiến chúng ta tin vào những gì chúng ta nhìn nhận thế giới là đúng sự thật. Đồng thời, chúng ta cũng kết luận rằng cách nhìn của những người xung quanh là khác với mình. Điều này dẫn chúng ta đến một phán quyết chắc chắn rằng phải có một người ở đây đã sai (hoặc là thiên vị, thiếu hiểu biết, bất hợp lý, hoặc ngốc nghếch). Chúng ta không hiểu về bộ não của mình như vẫn lầm tưởng và điều đó khiến chúng ta cho rằng trí tuệ của mình vượt trội hơn người khác.
Bạn có một xu hướng thường thấy là cho rằng trí tuệ của người khác kém tinh tế hơn của bạn. “Chỉ khi đích thân tôi nhúng tay vào thì mọi thứ mới tốt đẹp hơn được” là một kiểu suy nghĩ như vậy.
Tuy nhiên, các phán xét và suy đoán này có chính xác hơn không nếu bạn được trang bị nhiều kiến thức hơn?
Daniel Kahneman, tác giả của cuốn sách Thinking Fast and Slow (tạm dịch: Tư duy nhanh và chậm), đã chứng minh qua nghiên cứu của mình rằng, những người thường được coi là chuyên gia trong một số lĩnh vực nhất định lại tỏ ra nghèo khả năng phán đoán và thường không đáng tin cậy bằng những người có ít thông tin nhất. Tại sao? Đó là tại vì những người có quá nhiều kiến thức cũng đồng thời ảo tưởng khá lớn về kĩ năng của mình. Giống như là Nicholas Epsey đã chỉ ra, họ trở nên tự tin thái quá vào trí thông minh ưu việt của mình.
Khi nào thì sự phê bình phản ánh đúng hiểu biết thực tế?
Kahneman kết luận rằng những kiến thức tầm thường và nông cạn về một tình huống có vẻ dễ đoán, hay kể cả những kiến thức chuyên sâu về một tình huống khó lường thì đều không đáng tin cậy. Những hiểu biết uyên bác, những kinh nghiệm thực tế dày dặn có được trong những tình huống ổn định, nơi mà đã có những quy luật nhất định có thể coi là đúng đắn. Khi bạn tranh luận dựa vào trực giác của một ai đó (hoặc của chính bạn), đầu tiên hãy nhớ cân nhắc liệu có một cơ hội nào để học hỏi và tìm kiếm đủ thông tin về chủ đề đó chưa – thậm chí là trong một tình huống thông thường.
Đây là lí do tại sao tôi không bao giờ tin tưởng vào các nhà khí tượng học 100%. Họ có rất nhiều kiến thức về các điều kiện thời tiết và dự báo nhiều hơn tôi, chắc chắn, nhưng thế giới tự nhiên thay đổi nhanh đến mức dường như không thể dự báo thời tiết luôn chính xác được. Khi tôi nhìn thấy bên ngoài trời u ám, tôi mang dự phòng một chiếc áo mưa loại nhỏ trong túi của mình. Nhưng theo một cách khác, tôi sẽ không bao giờ dám tự dự báo, cho nên tôi vẫn phải dựa vào dự báo thời tiết nhiều hơn. Nếu tôi thấy báo rằng ngoài trời sẽ là 15oC, có thể hơi lạnh, tôi sẽ mang theo một chiếc áo khoác.
Điều này dẫn chúng ta tới một câu hỏi khác về độ đáng tin cậy trong chính những đánh giá khách quan của chúng ta, rằng thông tin sẽ được truyền tải thế nào. Ví dụ, nếu dự báo thời tiết nói nhiệt độ sẽ là 15 độ và trời lạnh thì tôi sẽ mặc áo khoác. Tuy nhiên, nếu như họ nói rằng nhiệt độ là 15 độ, thời tiết đẹp và ấm áp, thì tôi có thể mặc quần áo cộc đi ra ngoài. Thay vào đó, nếu tôi chuẩn bị tinh thần từ trước là trời lạnh, tôi sẽ cảm thấy lạnh. Còn nếu tôi mong rằng trời ấm áp, tôi cũng sẽ cảm thấy ấm áp. Một lần nữa, chúng ta đang nói về cùng một nền nhiệt độ.