Ý tưởng về việc tạo sự cân bằng trong cơ thể và tâm trí chính là tham vọng lớn nhất của Schwarzenegger. “Bạn phải tạo nên một cơ thể khỏe mạnh nhất cùng với một tâm trí lành mạnh nhất”, ông nói trong cuốn sách của mình. “Hãy đọc Plato! Người Hy Lạp đã khởi xướng Thế Vận Hội, nhưng họ đồng thời cũng mang đến cho chúng ta nền triết học vĩ đại, và bạn phải quan tâm đến cả hai.”
Khi đọc một bài báo về Reg Park, nhà sáng lập Mr. Olympia (cuộc thi quốc tế cho các vận động viên thể hình nam chuyên nghiệp), Arnold đã xác định được con đường mình phải đi. Đó là con đường đến nước Mỹ và hành trình thỏa mãn tham vọng chinh phục thể hình. Ông đã vô tình đọc được bài báo đó, sau quá trình tìm kiếm các cơ hội không biết mệt mỏi. Cuối cùng, thì cơ hội cũng tìm đến ông. Giống như là tôi đã nói ở chương trước đó – trong hầu hết các trường hợp, cơ hội không đến với bạn dưới dạng một email đề nghị bạn làm giám đốc điều hành, mà là dưới hình thức một ý tưởng. Nếu bạn nắm bắt nó, với nỗ lực làm việc chăm chỉ, kiến thức, tài năng và may mắn, bạn có thể trở nên giống như Arnold. Tuy nhiên, để trở thành Arnold, bạn cũng phải đánh đổi cuộc đời mình cho bốn yếu tố trên. Bạn phải sống trọn vẹn với chúng.
Nếu bạn cảm thấy bạn sở hữu một ý tưởng có thể thay đổi cuộc đời mình và nó thật sự có ý nghĩa, thì hãy thực hiện nó đi! Đừng lo sợ rằng ý tưởng đó là kì quặc hay e ngại nó sẽ tạo ra một cuộc cách mạng thay đổi mọi thứ.
Cũng đừng e sợ phải thử nghiệm điều gì đó mới mẻ.
“Hãy nhớ rằng, kẻ nghiệp dư đóng một con tàu gỗ. Các thợ chuyên nghiệp thì tạo nên con tàu Titanic.”
– Khuyết danh –
Đừng thu nhỏ giấc mơ! Trong thực tế, nhắm đến những mục tiêu lớn hơn lại có ít rủi ro hơn là những mực tiêu tầm thường. Có rất nhiều sự cạnh tranh lớn hơn ở khu vực ở giữa. Tim Ferriss nói trong cuốn sách The 4-Hour Workweek rằng làm những việc không thực tế còn dễ dàng hơn là làm những việc thực tế. Trên đỉnh cao danh vọng vẫn còn nhiều chỗ trống dành cho bạn.
Bạn có cho rằng mình không thể đạt được những điều vĩ đại? Có tới 99% mọi người trên thế giới nghĩ như vậy. Cho nên những người nhắm đến mục tiêu bình thường lại phải tham gia vào cuộc cạnh tranh ở mức độ khốc liệt nhất. Bạn đặt mục tiêu lớn, bạn được cung cấp một liều adrenaline tức thì1 cần thiết cho sự kiên trì để đạt được mục tiêu ấy. Những mục tiêu thông thường, nói theo cách khác, không gây kích thích. Chúng không giúp bạn có đủ năng lượng nhiều như những mục tiêu vĩ đại, cho nên không sớm thì muộn bạn cũng sẽ từ bỏ nó.
1 Một loại hormone có tác dụng trên thần kinh giao cảm, được cơ thể sản sinh ra khi bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú, làm cho nhịp tim của bạn đập nhanh hơn.
“Đừng tìm nơi lao xao. Hãy đến nơi vắng vẻ. Dù có khó khăn đến đâu, đó cũng là nơi bạn thuộc về mà không cần phải bon chen với đời.”
– Arnold Schwarzenegger –
Arnold đã có một tầm nhìn rất rõ ràng ngay trước mắt mình. Ông biết rõ mình muốn trở thành Mr. Olympia, ông biết mình muốn chuyển đến Mỹ, California. Ông cũng biết rõ mình sẽ phá kỉ lục nâng tạ. Tầm nhìn của ông rõ ràng đến mức ông có thể cảm nhận được nó sẽ xảy ra. Ông không có Phương án B, không có phương án thay thế; ông phải như thế hoặc là không gì hết.
Bản thân tôi cũng khá mâu thuẫn khi phải dùng đến Phương án B. Một mặt, tôi thấy rằng đó là một cứu cánh an toàn, nếu như Phương án A không khả thi, thế giới này không sụp đổ bởi vì bạn vẫn còn có Phương án B, và C. Thay vì rơi vào thất vọng, bạn chỉ cần chọn phương án dự phòng. Điều này không có nghĩa là cách tiếp cận theo chiều hướng khác của Phương án B thì không hiệu quả như phương án A. Cụ thể là, nếu bạn không hề dự trù Phương án B, giống như Arnold, mà tập trung toàn bộ những gì mình có thể, tất cả năng lượng, thời gian, trí tuệ, tinh thần cho mục tiêu số một của mình, thì cơ hội thất bại cũng thấp hơn, bởi vì đây là cuộc chơi một mất một còn của bạn. Nếu bạn có nhiều lựa chọn hơn, đồng nghĩa bạn sẽ sử dụng Phương án A chỉ với một nửa sức của mình, thì khả năng thất bại lại dễ xảy ra hơn.
Theo quan điểm của tôi, có nhiều kế hoạch khác nhau giống như việc cho mình những “phép thử”. Bạn cứ thực hiện nó, không có áp lực nào cả. Nó có thể thành công, nhưng cũng vì bạn chỉ thử sức mà thôi, nên cũng có thể thất bại.
Tại sao lại phải chịu đựng nỗi đau thất bại nếu như không xảy ra hậu quả gì to tát chứ? Điều này cũng không có nghĩa là chỉ có duy nhất một kế hoạch thì tốt hơn. Nó còn phụ thuộc vào tính cách của bạn nữa.
Nếu như bạn thích một cuộc sống dễ dự đoán, một môi trường ổn định, hướng tới sự bình yên và không có nhiều kịch tính, vậy quá hoàn hảo. Trong trường hợp này, bạn nên có cả một loạt các phương án đặt tên theo cả bảng chữ cái. Nó sẽ cho bạn sự an toàn, những lựa chọn, và tất nhiên là cả thành công trong tầm tay – bởi thực tế là, chắc chắn một trong số những phương án đó sẽ thành công.
Tuy nhiên, nếu như bạn thuộc tuýp người năng động quyết đoán, giàu tham vọng với những ước mơ lớn, ham muốn chứng tỏ bản thân và chỉ có một mục tiêu duy nhất, mục tiêu mơ ước chiếm trọn sự tập trung của bạn, Định luật Parkinson cũng có thể áp dụng được ở đây. Bạn càng có ít sự lựa chọn, bạn càng dễ tập trung vào cái mình đã lựa chọn. Có lẽ bạn sẽ không thể hạnh phúc và hài lòng với bất cứ điều gì ngoại trừ Phương án A. Hãy thực hiện nó, dành tất cả cho nó. Bạn không phải đến để cạnh tranh, mà đến để giành chiến thắng! Hãy nói với bản thân, “Tôi xứng đáng với danh hiệu đó, tôi giành được nó, đến biển cả cũng rẽ đôi ra để tôi bước tới. Đừng cản bước, tôi đang hoàn thành sứ mệnh của mình. Hãy tránh sang một bên và trao cho tôi chiếc cúp chiến thắng.”
“Việc bạn là ai không phải nguyên nhân kéo lùi bạn, mà chính là người bạn nghĩ rằng mình sẽ không thể trở thành được. Nên hãy bắt đầu học cách tin tưởng vào chính bản thân mình!”
– Khuyết danh –
Điều quan trọng nhất mà Arnold, Tony Robbins, Brian Tracy, và những ngôi sao hàng đầu khác nhấn mạnh là hãy viết ra những mục tiêu.
Đầu tiên, viết ra những ý tưởng của bạn lên giấy. Nhưng đó mới chỉ là một nửa công việc thôi. Khi bạn có một ý tưởng về điều bạn muốn, hãy làm cho những ý tưởng này trở nên thật cụ thể. Theo cách này, chúng sẽ trở thành “máu thịt” của bạn, hầu hết là những mục tiêu có thể đạt được, chứ không phải những ý nghĩ vu vơ trong đầu. Nếu bạn làm điều này và biết rõ cái gì, khi nào, thế nào, ở đâu và với ai, bạn sẽ không phải loay hoay với câu hỏi làm thế nào để thực hiện. Bạn có sẵn một con đường để đi rồi.
Hãy hình dung nó giống như Google Maps. Giờ bạn mở ứng dụng đó lên. Bản đồ hiển thị những con đường màu xám. Đích đến của bạn ở đâu đó. Có thể bạn sẽ tìm nó bằng cách nhìn vào những con đường màu xám giống nhau ấy, rồi đoán xem đâu là con đường đúng. Có thể bạn sẽ bỏ lỡ một khúc cua, bạn đi vào đường một chiều, bạn phải quay trở lại, bạn lạc lối và có thể không bao giờ tìm được đích đến của mình nữa. Tuy nhiên, nếu bạn viết rõ địa chỉ đích đến của mình vào Google Maps, nó sẽ dẫn bạn đi con đường ngắn và nhanh nhất, nó sẽ hiển thị một màu xanh dương để dẫn bạn đi. Đó là sự khác biệt lớn giữa việc có những mục tiêu rõ ràng và mơ hồ.
Điều tồi tệ nhất bạn có thể làm…
Nếu bạn muốn đánh bại những điều bất khả thi, có một thói quen bạn nên từ bỏ thật nhanh. Đó là sự lo lắng.
“Nếu bạn không thể ngừng lo lắng, hãy nhớ rằng lo lắng cũng không giúp ích gì cho bạn. Hôm nay sẽ trở thành ngày mai của nỗi lo về ngày hôm qua. Bạn lo lắng rằng mình sẽ chết ư, kể cả khi bạn lo lắng thì rồi bạn cũng chết trong một ngày nào đó, vậy tại sao phải lo lắng?”
– Khuyết danh –
Trong hầu hết thời gian, khi bạn bước từng bước để đấu tranh với những điều bất khả thi, bạn sẽ gặp phải những chướng ngại vật. Đó có thể là bạn bè hoặc gia đình của bạn, họ sẽ hỏi bạn những câu về độ tỉnh táo hay sự nghiêm túc của bạn khi có ý định thực hiện ý tưởng. “Cậu có thực sự chắc chắn về điều này không đấy? Thật điên rồ. Tôi sẽ không bao giờ làm điều này đâu. Điều đó là không thể.” Đó không phải là lỗi của họ, họ có ý tốt. Những người không bao giờ dám đối diện với những thử thách lớn trong cuộc đời sẽ không thể hiểu được mục tiêu của bạn. Tất cả những vấn đề và trở ngại là những gì họ có thể nhìn thấy: “Liệu có gì đó không ổn thì sao?”
Trong cuốn sách Total Recall, Arnold chia sẻ một vài câu chuyện cá nhân. Có những người, không chỉ hoài nghi và lo lắng, còn muốn thuyết phục rằng ông không nên tiến hành những gì ông dự định làm. Cách ông phản ứng trước những điều này cũng rất đáng học hỏi. Ông nói với những người này rằng ông không hề quan tâm đến những bất ổn trong kế hoạch của mình. Ông chỉ muốn đi ngay lập tức vào vấn đề rồi suy nghĩ tìm giải pháp, không phải vào lúc mà vấn đề thậm chí còn chưa xuất hiện.
Thật ra rất dễ để quyết định khi bạn không biết gì nhiều về các vấn đề của nó. Lờ đi những vấn đề tiêu cực cũng là một hạnh phúc bởi vì bạn không phải suy nghĩ quá nhiều về nó. Nếu như bạn có quá nhiều thông tin về những trở ngại và mối nguy hiểm có thể xảy ra, bạn có thể không thực hiện điều ấy nữa. “Biết quá nhiều cũng không hẳn tốt,” ông nói. Ông ấy kể lại một giáo viên môn kinh tế học tại trường đại học, người có hai bằng tiến sĩ và có lẽ là biết tất tần tật về kinh tế, thì hiện tại vẫn chỉ lái một chiếc Volkswagen Beetle mà thôi.