Tư duy phản biện – Zoe McKey

Có một bí quyết về những hạn chót. Nếu bạn cho mình một ngày để hoàn thành một dự án, áp lực thiếu thời gian sẽ buộc bạn phải tập trung cao độ vào công việc. Bạn thực chất không thể có thời gian để lang thang vơ vẩn, tìm những thứ làm trì trệ hoạt động của mình.

Hãy thử nghiệm phương pháp này. Hãy đảm nhận một nhiệm vụ rồi cho bản thân mình đúng một ngày để hoàn thành nó. Hãy nghiêm khắc và không gian lận. Hãy coi nó như một công việc của cả cuộc đời bạn hay một dự án sống còn. Khi thực hiện, hãy lưu ý lại những điểm cần tập trung, những hành động nào giúp bạn nhiều nhất để hoàn thành, khi nào bạn sáng tạo tốt nhất, v.v… Thử tạo ra một công việc như vậy có thể giúp bạn thu được những thông tin giá trị về bản thân. Bạn làm việc dưới áp lực như thế nào, đâu là điểm mạnh của bạn, những công cụ nào giúp bạn, điều gì khiến bạn phân tâm. Thực hành nó ngày một thường xuyên hơn sẽ giúp bạn phát triển thói quen làm việc nhanh và hiệu quả hơn khi có hạn chót.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có hẳn một tháng để hoàn thành một công việc hay những người chỉ được phép làm trong hai ngày cùng đạt được kết quả như nhau. Công việc của những người có ít thời gian hơn tập trung vào nhiều hành động thực tiễn và có giải pháp định hướng hơn. Bởi vì thời gian quá gấp, họ buộc phải tập trung vào những phần trực tiếp giúp hoàn thành công việc đó.

Quy luật Pareto và Định luật Parkinson có thể là một ý tưởng nền tảng giúp bạn có nhiều thời gian rảnh hơn, và tạo ra cho bạn những cơ hội lựa chọn:

  1. Giới hạn các công việc của bạn vào những việc quan trọng để giảm thời gian làm việc. (Quy luật Pareto)
  2. Giảm thời gian làm việc để giới hạn các công việc và tập trung vào những việc quan trọng. (Định luật Parkinson)

Hãy xác định một vài công việc quan trọng có thể tạo ra giá trị lớn nhất cho mục tiêu của mình, sau đó hãy lên kế hoạch thực hiện với hạn chót thật ngắn và cụ thể.

Hãy nhớ nhắc nhở bản thân kiểm tra năng suất hằng ngày. Đó là một trong số những điều hay nhất mà tôi đã rút ra được từ cuốn The 4-Hour Workweek. Tôi cài đặt ba mốc thời gian nhắc việc (tất nhiên là không kể báo thức buổi sáng và nhắc giờ đi ngủ) trong Ứng dụng Nhắc việc của điện thoại. Một cái vào lúc 10 giờ sáng, một cái lúc 3 giờ chiều, và một cái lúc 5 giờ chiều, nhắc nhở tôi cùng một nội dung: “Tôi có đang làm việc hiệu quả không?

Những gì tôi đang làm bây giờ có quan trọng không?” Tôi khuyến khích bạn hãy thử xem sao. Đôi khi tôi cũng ăn gian một chút bằng việc lượn lờ trên một số trang web. Khi điện thoại của tôi kêu ‘ting ting’, giống như đang nhìn chằm chằm vào tôi với một cái cau mày, tôi có cảm giác như mình là một đứa trẻ vừa bị bắt quả tang, tôi tắt trình duyệt web và quay lại với công việc của mình. Các kết quả thấy được quan trọng hơn nhiều so với hành động vô tội vạ.

Bạn cũng có thể đặt ra một vài quy tắc để tiết kiệm thời gian cho chính mình. Biến các cuộc đối thoại hằng ngày thành hành động ngay lập tức. Hãy giới hạn việc đọc và trả lời email của bạn một lần mỗi ngày, hoặc thậm chí một lần mỗi tuần nếu có thể. Hãy đặt chế độ trả lời tự động cho người gửi biết bạn sẽ chỉ kiểm tra email một lần một ngày hoặc một tuần. Hãy sử dụng trang rescuetime.com để xem bạn dành bao nhiêu thời gian cho các công việc khác nhau, và chặn những trang web làm bạn sao nhãng trong khi đang làm việc.

Nếu như bạn đang là nhân viên cho một công ty, tình trạng mất thời gian vào những việc vô nghĩa xảy ra đôi khi không phải do lỗi của bạn. Nhưng không may là, đa số các tổ chức không khích lệ người lao động sử dụng thời gian hiệu quả – trừ khi họ được trả lương theo công việc được hoàn thành. Lương trả theo giờ là điều tệ nhất. Kiểu làm việc này lại có xu hướng kích thích người lao động kết thúc công việc càng lâu càng tốt để được trả lương cao hơn với ít nỗ lực hơn. Thời gian bị lãng phí bởi vì có quá nhiều thời gian. Kể cả khi bạn đã được tuyển dụng, bạn cũng không nên lãng phí thời gian như vậy. Hãy thông minh hơn.

Hãy hoàn thành công việc của công ty càng nhanh càng tốt, rồi nghỉ ngơi. Sau đó, hãy làm việc và nghiên cứu những dự án riêng của mình. Như là tôi đã đề cập ở chương trước, sự hiểu biết và làm việc chăm chỉ luôn dẫn tới thành công. Vào thời điểm kết thúc một ngày làm việc, hãy kiểm tra lại những gì bạn đã làm vào buổi sáng, hoàn thành và gửi nó đi. (Trừ khi bạn có những hạn chót phải hoàn thành sớm hơn.) Bằng cách này, nơi bạn làm việc sẽ không coi bạn là vô dụng, bạn đã làm tốt công việc của mình.

Tuy nhiên, nếu như bạn cảm thấy có một cơ hội để thỏa thuận một lịch làm việc linh hoạt, hoặc được trả lương dựa vào kết quả bạn tạo ra thay vì thời gian (lãng phí) ở công ty, thì hãy làm như vậy. Hãy làm công việc của mình thật nhanh gọn và chuyên nghiệp, và sau đó tận dụng thời gian rảnh rỗi còn lại để làm những thứ khác.

Nếu bạn có thời gian rảnh, đừng quên rằng bạn tích lũy được nó không phải để ngồi cả ngày dài xem ti vi. Bạn có được nó với mục đích cuối cùng là để giải phóng nhiều câu hỏi “W” trong cuộc đời mình.

Bài thực hành cho chương này

1. Mười ý tưởng bất kì của tôi ngày hôm nay là:

…………………………………………………………………

2. Ba hành động chính hôm nay giúp tôi lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi và cảm thấy mình làm việc hiệu quả:

…………………………………………………………………

3. Nếu chỉ có một điều duy nhất tôi có thể hoàn thành trong thời gian rảnh của mình thì đó nên là điều gì?

…………………………………………………………………

Chương 3

ƯỚC MƠ CHO ĐÁNG ƯỚC MƠ

“Hầu hết những điều mà chúng ta nghĩ là bất khả thi trong cuộc đời đều bắt nguồn từ việc chúng ta chưa bao giờ thử sức với chúng. Nên hãy cứ theo đuổi mọi giấc mơ và cơ hội trước khi bạn phán xét nó.”
– Khuyết danh –

Tôi luôn luôn cảm thấy kinh ngạc trước những ngôn từ và biết bao tầng ý nghĩa chúng hàm chứa. Ví dụ, nếu chúng ta nhìn vào từ “bất khả thi” (impossible), nó mang ý nghĩa tiêu cực. Nó có nghĩa là điều gì đó sẽ không bao giờ xảy ra. Nếu chúng ta nhìn vào những chữ cái này theo một góc độ khác, tạo ra một khoảng cách chữ và một dấu lược, từ này có thể biến đổi thành “I’m possible”, tức là tôi có thể, và mang ý nghĩa hoàn toàn ngược lại.

Cũng rất đơn giản để thay đổi tư duy của bạn từ “không” thành “có”. Hãy nhớ rằng, thành công đến từ những điều có thể, thất bại đến từ những điều không thể.

Không quan trọng là bạn chỉ có một giấc mơ nhỏ nhoi hay một giấc mơ chấn động thế giới, điên rồ và không thể tưởng tượng nổi – không có gì là bất khả thi, đó chỉ đơn giản là sự thiếu tập trung, thụ động và tự mặc định rằng điều bất khả thi tồn tại.

Nếu như “điều bất khả thi” thực sự tồn tại, chúng ta sẽ không có những con người như Albert Einstein, Neil Armstrong hoặc Barack Obama. Họ đều đã thực hiện được những điều mà từ hàng thập kỉ và hàng thế kỉ trước bị cho là bất khả thi.

Tuy nhiên, có những huyền thoại khác đang sống giữa chúng ta, họ chứng minh rằng bất khả thi chỉ là lời ngụy biện không chỉ một mà tới ba lần, người đã leo tới đỉnh vinh quang của ba sự nghiệp lừng lẫy nhất trong thế kỉ 21: vận động viên, diễn viên và chính trị gia. Ông đã làm được tất cả những điều ấy với tư cách là một diễn giả nói tiếng Anh không phải người bản xứ (có lẽ vì vậy ông ấy đã truyền cảm hứng rất nhiều cho tôi). Con người đó chính là Arnold Schwarzenegger.

Tôi vừa đọc cuốn sách gần đây của ông, Total Recall (tạm dịch: Hồi ký cuộc đời), và tôi phải nói rằng, nếu như bạn cần một thần tượng hay một người truyền cảm hứng với những tư tưởng vĩ đại, ông ấy chính là sự lựa chọn phù hợp. Ông là người đầy tham vọng phi thường, và đằng sau những tham vọng đó là những thành tựu đồ sộ. Có nhiều người không thích ông ấy bởi sự nghiệp chính trị của ông cũng phải thừa nhận rằng những thành tựu trong rèn luyện thể hình và diễn xuất của ông thật sự hoàn hảo. (Có thể là trừ một vài bộ phim rất tệ như là Jingle All The Way – Cuộc chiến Giáng sinh.) Nhưng sau tất cả, ông ấy là một ngôi sao lớn. Ông ấy là Giấc mơ Mỹ!

Khi tôi cảm thấy thực sự buồn bã và thất vọng, và mọi thứ dường như đều bất khả thi, tôi lấy cuốn sách đó ra khỏi giá sách, đọc một vài trang và giống như thủy thủ Popeye1 sau khi ăn rau chân vịt, tôi lại được nạp đầy năng lượng lạc quan và quay trở lại công việc.

1 Popeye, thủy thủ Popeye, lần đầu xuất hiện trong bộ truyện tranh Thimble Theatre phát hành năm 1929, đến năm 1933 được dựng phim hoạt hình ngắn chiếu rạp. Năm 2002, tạp chí TV Guide bình chọn Popeye đứng thứ 20 trong “50 nhân vật hoạt hình vĩ đại nhất mọi thời đại”.

Nếu bạn không biết nhiều về quá khứ của Arnold, tôi xin phép tóm lược lại trong một vài dòng sau đây. Ông được sinh ra ở Áo, trong thế hệ những con người bắt đầu lớn lên và mất mát trong Chiến tranh thế giới thứ II. Cha mẹ ông, đặc biệt là cha ông, thấm nhuần tư tưởng về đạo đức lao động và lối sống kỉ luật cho ông. Phong cách của người Đức. Kỉ luật về cả tinh thần lẫn thể chất và các bài rèn luyện đã được áp dụng ngay từ khi Arnold và những người anh em ruột của ông còn nhỏ. Ông đã phải thực hiện các bài tập đứng lên – ngồi xuống trước khi được ăn sáng, làm việc nhà, và chơi bóng đá vào buổi chiều – rất nghiêm khắc. Ông và những người anh em của mình phải đến thăm những ngôi làng khác và đến xem các buổi biểu diễn rất thường xuyên, sau đó phải viết những bài tiểu luận dài nộp cho cha mình. Cha của ông phê bình và chỉnh sửa những bài tiểu luận này rất nghiêm. Nếu những đứa trẻ muốn một thứ gì, chúng phải làm việc để đạt được nó. Chính điều đó đã xây dựng trong Arnold một ý chí phấn đấu mạnh mẽ, ban đầu là để đạt được các thành tựu được cha mình đánh giá cao, và còn để chiến thắng nhiều hơn nữa trong cuộc đời ông sau này.

Tác giả: