Tư duy phản biện – Zoe McKey

Hiện tại ràng buộc quá khứ và tương lai bằng một sự tiếp nối cân bằng và có ý nghĩa tốt đẹp. Nếu như bạn có khả năng nhìn nhận thời gian của mình một cách tối ưu và chiếu vào nó một luồng sáng tích cực, đó là một tín hiệu tốt để dẫn dắt tâm trí và cảm xúc của bạn đến với cảm giác hạnh phúc mà không phải chịu đựng sự đau khổ bởi những hối hận, phẫn nộ và tội lỗi.

Mỗi tình huống nhất định trong cuộc sống đòi hỏi bạn lựa chọn một quan điểm về thời gian phù hợp với nó. Điều đó có nghĩa là trong một giai đoạn nhất định, một quan điểm về thời gian sống này có thể sẽ nổi bật hơn những cái còn lại. Ví dụ, khi bạn gặp phải thách thức trong công việc hay phải hoàn thành một hạn chót, hãy tập trung vào quan điểm hướng về tương lai. Khi bạn đã hoàn thành nó rồi, thì hãy vui mừng và tận hưởng những giây phút hiện tại. Khi bạn gặp những người bạn cũ và gia đình, hãy thoải mái chìm đắm vào những kí ức vui vẻ đầy hoài niệm trong quá khứ.

Mỗi một quan điểm về thời gian sống đều có ý nghĩa riêng của nó, và quá khứ, hiện tại và tương lai giống như một sự tiếp nối giúp cho cuộc sống trọn vẹn và có ý nghĩa. Hãy sử dụng chúng một cách thông minh sao cho có lợi nhất cho bạn.

Bài thực hành cho chương này

1. Tôi là một người sống vì những định hướng tương lai. Hôm nay tôi đã làm những hoạt động để giữ mình sống trong giây phút của hiện tại:

…………………………………………………………………

2. Tôi là một người sống thiên về quá khứ.

Hôm nay tôi đã làm những việc để giữ mình sống trong giây phút của hiện tại:

…………………………………………………………………

3. Tôi là một người sống cho hiện tại.

a. Hôm nay tôi đã có những bước tiến để định hướng tốt hơn cho tương lai của mình:

…………………………………………………………………

b. Hôm nay tôi đã có những bước tiến để suy nghĩ tích cực hơn về quá khứ của mình:

…………………………………………………………………

Chương 6

RA QUYẾT ĐỊNH SÁNG SUỐT

“Bạn tự lựa chọn quyết định số phận của chính mình chứ không phải hoàn cảnh của bạn quyết định nó.”
– Anthony Robbins –

Hầu hết cuộc sống của chúng ta là một đường thẳng nối tiếp của các quyết định. Một vài quyết định thì dễ dàng nhưng cũng có trường hợp phải khó khăn hơn để đưa ra quyết định. Chúng ta buộc phải ra một số quyết định khá thường xuyên đến mức chúng trở thành thói quen, mà ta còn không cần nhận thức về hành động ấy. Giống như là chúng ta ở trên một chiếc máy bay lái tự động.

Bạn đã bao giờ rời khỏi nơi làm việc và trở về nhà nhưng lại không hình dung lại được con đường về nhà? Bạn cũng không thể tìm lại những khoảnh khắc bạn gặp trên quãng đường. Tại sao? Đó là bởi vì bạn đã đi trên con đường đó quá nhiều lần. Tuy nhiên, con đường quen thuộc ấy là một chuỗi nhưng quyết định được đưa ra bởi nhận thức não bộ. Rẽ phải ở đây thay vì rẽ trái, tránh viên đá thứ ba sau góc đó, v.v…

Có nhiều quyết định không dễ dàng chút nào, nhưng chúng hẳn nhiên cũng không khó, giống như việc mặc gì, ăn gì, xem gì khi đi tới rạp phim, v.v…

Có một số hình thức khác của quyết định.

Những loại quyết định khó khăn, hủy thỏa thuận, quyết định kinh doanh, lựa chọn về một nhóm nào đó, các vấn đề gia đình,… ồ bạn thân mến, danh sách này rất dài. Những quyết định này, thường thường cần trực giác thật sự nhạy bén, kể cả khi bạn không nên lờ đi những gì bên trong bạn mách bảo. Để ra được một quyết định đúng đắn cần có một số kiến thức nhất định, dựa vào sự xem xét các mối quan tâm khác nhau, điều này không dễ, đặc biệt nếu như bạn bị giới hạn về thời gian.

Tại sao? Bởi vì bạn không đủ giàu có để suy nghĩ ở cấp độ cá nhân. Những quyết định khó khăn đa số đều liên quan tới người khác. Nó không phải vấn đề bạn mặc áo xanh hay áo xám nữa. Mà bạn cũng không thể chậm trễ hơn được. Để tồn tại được trong thời đại bây giờ, bạn phải ra quyết định đúng đắn thật nhanh và đừng trì hoãn đến năm sau.

Để đạt đến trình độ ra quyết định này đòi hỏi mỗi cá nhân phải tư duy có hệ thống. Mỗi người có thể phát triển kỹ năng ra quyết định của riêng mình với những tham số và cách thức nhanh chóng. Tại sao lại phải bận tâm trong khi đã có rất nhiều hệ thống hướng dẫn ra quyết định đã được phát triển, thử nghiệm và chứng minh hiệu quả?

Tôi đã tìm được một mẫu hướng dẫn ra quyết định cực kì thực tiễn, nhanh chóng, và áp dụng rộng rãi để giới thiệu trong chương này. Mẫu này có thể được áp dụng vào những quyết định như việc tìm bạn đời đến những vấn đề gia đình, hoặc các buổi tranh luận nhóm trong kinh doanh. Đây được gọi là Six Thinking HatsTM (tạm dịch: Sáu chiếc mũ tư duy) được phát triển bởi giáo sư Edward de Bono. Điểm mấu chốt của kĩ thuật này là để giúp bạn tiếp cận đến những vấn đề từ những quan điểm khác nhau, sử dụng phép ẩn dụ tượng trưng về sáu chiếc mũ.

Khi sử dụng cách tiếp cận này, bạn sẽ có khả năng khám khá ra và kết hợp được những ưu điểm của sáu loại quan điểm khác nhau thường gặp nhất mà mọi người hay sử dụng. Những quan điểm này đi từ lạc quan đến bi quan, tích cực, hợp lý, đến những quan điểm về cảm xúc trực giác.

Sáu chiếc mũ tượng trưng có sáu màu khác nhau, và mỗi chiếc đều yêu cầu một kiểu phân tích độc nhất. Sáu chiếc mũ ấy cụ thể như sau:

  1. Chiếc mũ màu trắng tượng trưng cho thông tin. Chỉ tập trung vào những thông tin có giá trị xác thực. Hãy chắc chắn rằng không xây dựng nên cả một câu chuyện dài xung quanh những yếu tố có thực. Hãy tìm kiếm và ghi chép lại những lỗ hổng trong kiến thức. Hãy tìm kiếm những xu hướng dựa vào những thông tin xác thực, chứ không phải nhảy bổ vào một kết luận cụ thể nào đó.
  2. Chiếc mũ màu vàng tượng trưng cho tư duy tích cực. Khi “đội chiếc mũ màu vàng” bạn nên lạc quan như mặt trời. Hãy cân nhắc tất cả các khía cạnh có tính xây dựng liên quan đến quyết định của bạn. Tập trung vào các kết quả lạc quan trong khi xây dựng sự tự tin, và nâng cao đạo đức nghề nghiệp hoặc những động lực chung.
  3. Chiếc mũ màu đỏ tượng trưng cho cảm xúc. Chúng ta đều là con người, cho nên những hành vi của chúng ta không phải chỉ được tạo ra bởi những suy nghĩ thô sơ, và còn bởi những phản ứng cảm xúc, sự xét đoán, nghi ngờ và trực giác. Việc cân nhắc những cảm xúc có thể nảy sinh sau một quyết định cũng sẽ giúp bạn chuẩn bị cách tốt nhất để xử lý nó. Cảm xúc không nên được trộn lẫn với bất kì dữ liệu khách quan nào. Nó nên được xử lý một cách độc lập.
  4. Chiếc mũ màu đen tượng trưng cho sự phán xét. Diễn giải này nghe có vẻ như là một điềm xấu, nhưng thật sự không phải như vậy. Mỗi một quyết định lớn đều có những điểm yếu riêng. Nó có thể có khiếm khuyết, tạo ra thách thức và tiềm ẩn những rủi ro mà bạn nên dự trù. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, có thể nói như vậy. Hãy đề phòng những mối đe dọa, tỉnh táo phòng tránh không phải là xấu – đó chỉ là suy nghĩ một cách thực tế.
  5. Chiếc mũ màu xanh lá tượng trưng cho sáng tạo. Đó là chiếc mũ nơi mà những người có quan điểm sống vì tương lai có thể phát triển và thành công. Ở đây, bạn nên suy nghĩ trừu tượng một chút, suy nghĩ đến các kết thúc khác nhau của một tình huống, và sẵn sàng đối mặt với những ý kiến chống đối hoặc khiêu khích có thể xảy ra.
  6. Chiếc mũ màu xanh dương tượng trưng cho tầm nhìn. Đây là nơi bạn sẽ nhìn lại toàn bộ quá trình nhận thức của mình. Nhìn lại những ý tưởng và những vấn đề được tìm thấy trong khi “đội những chiếc mũ khác”, và xác định đâu là nơi chúng cần sửa chữa, cải tiến hay mở rộng.

Tôi sẽ vận dụng kĩ thuật Sáu chiếc mũ tư duyTM vào thực tế như thế nào?

Chủ đề “chiếc mũ” đã được đưa ra. Điều tạo nên sự khác biệt trong toàn bộ quá trình ra quyết định chính là trật tự chúng ta sử dụng những chiếc mũ tư duy này. De Bono đã phát triển thành công những mẫu trình tự lý tưởng để sử dụng những chiếc mũ này. Hãy xem xét ví dụ sau:

Một công ty may mặc nhận được thông tin xu hướng màu sắc của năm sau sẽ là màu xanh lá. Câu hỏi đặt ra là có nên đi theo xu thế hay không. Họ biết rằng hầu hết các đối thủ cạnh tranh sẽ ưu tiên trang phục màu xanh lá tràn ngập trong bộ sưu tập của mình. Có nên cùng lựa chọn màu xanh lá không, hay là tạo ra sự khác biệt bằng cách sử dụng màu xanh dương là màu chủ đạo trong bộ sưu tập, vốn vẫn đang rất hiệu quả?

Phương pháp 1

Giám đốc điều hành, giám đốc sáng tạo, các nhà thiết kế và các nhân viên khác đã họp nhau lại và đồng ý tổ chức một buổi họp tìm ý tưởng với chiếc mũ XANH DƯƠNG và đồng thuận về cách tổ chức buổi họp. Họ cũng xác định mục tiêu của buổi thảo luận như “Làm sao để thiết kế một bộ sưu tập với chi phí hợp lý phù hợp với thị hiếu nhất, mang lại nhiều lợi nhuận nhất? Nếu đã quyết định chọn tông màu xanh lá thì có nên dùng màu xanh lá nhạt không?

Khi họ đã lập ra các quy tắc xong, họ chuyển sang chiếc mũ ĐỎ và thảo luận các yếu tố chủ quan và mang tính cảm xúc của câu hỏi. Họ đổi vai trò từ những người bán hàng sang khách hàng, và thu thập lại các ý tưởng về lý do tại sao họ, với tư cách là người tiêu dùng, lại chọn những bộ quần áo màu xanh lá cây thay vì màu xanh dương và ngược lại. Tất cả mọi người đều nói lên quan điểm chủ quan của mình về vấn đề. Một vài ý kiến đồng ý rằng xu hướng hiện nay rất tuyệt vời. Một vài ý kiến khác cho rằng khách hàng nhận thức rõ về lựa chọn của họ và biết rằng màu xanh dương không bao giờ hết mốt, trong khi xanh lá cây là xu hướng theo mùa.

Khi đã hoàn thành xong phần biểu đạt các ý kiến cá nhân họ chuyển sang chiếc mũ màu VÀNG, tập hợp lại nhiều nhất có thể các khía cạnh tích cực của cả hai luồng ý kiến. Mỗi một ý kiến lựa chọn màu xanh lá cây có thể là những yếu tố về xu hướng, những người yêu thiên nhiên, những người có nước da màu kem hoặc sẫm hơn thích mặc màu xanh lá, v.v… Đối với màu xanh dương thì nó giống như là màu cổ điển mà những người tinh tế hay mặc. Đó cũng là màu của kinh doanh, cho nên những doanh nhân giàu có thường chọn làm trang phục công sở thường mặc. Xanh dương chắc chắn phối được với nhiều màu sắc khác hơn là xanh lá cây, v.v…

Tác giả: