Sau cành Viôlét – Ngô Tất Thắng

Sau khi ngồi xuống giường, viên trung tá vươn tay về phía trong gối, lấy ra lọ nước hoa, xức một ít lên mặt tấm ga trải giường. Xong đâu đó, anh rút một vật cồm cộm trong giầy từ hồi tối chập choạng đến giờ ra. Đó là một tờ giấy mỏng và dài (loại giấy Thụy Điển đây) được cuộn chặt. Đặt lên đùi vuốt cho thẳng, anh dốc ngược lọ nước hoa lên mặt tờ giấy, thấm đều. Rồi soi lên ánh đèn, chờ đợi. Vài ba phút sau, mẩu giấy hiện lên dòng chữ bé xíu: “Món hàng con vừa cất rất hên. Ông sui gia mừng lắm, nói con cất tiếp món hàng ổng ưa. Con Hàn bị bệnh nặng. Con phải uống thuốc lỡ mắc dịch. Má 6.21 quận 5.”

Ra vậy. Hai lần ta đi đón không gặp là như thế đó. Còn bây giờ… Căng đấy. Rồng lửa đã vậy, viôlét sẽ tính sao? Mà nghe như động rồi. Có kẻ phản bội chăng? Kẻ nào?… Vừa suy nghĩ mông lung, viên trung tá vừa châm lửa đốt tờ giấy. Ngắm những dòng chữ thân thương, sợi dây duy nhất nối với trung ương đang đen dần thành than kia, anh muốn vồ lấy, cố giữ lấy một mẩu. Chỉ một mẩu thôi… ngọn lửa lụi dần, rồi tắt ngẩm. Mẩu giấy đang chuyển dần từ màu đen của than sang màu trắng của tro, lả tả rơi xuống đáy gạt tán thuốc lá…

Viên trung tá ngả người trên chiếc đệm lò so rồi với tay tắt đèn. Căn phòng vụt tối om. Tên lính gác bên ngoài tưởng viên trung tá đã ngủ say sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt nhọc. Nhưng không, nếu tên lính gác có phép lạ nhìn qua được cửa dày khép kín, hẳn sẽ thấy trong căn phóng tối chốc chốc lại lóe lên ánh lửa hồng của điếu thuốc lá đang cháy. 

Viên trung tá vẫn đang trằn trọc, không hiểu vì sao anh cứ nghĩ mãi về hình ảnh chú bé đánh giầy vừa gặp lúc tối. Chú bé thật gầy yếu, xanh xao. Không hiểu lúc anh buộc phải co chân đá vào thân hình ốm o của chú, có làm chú đau đớn lắm không? Liệu chú có oán trách anh không? Ôi! chú bé đánh giày của thành phố Sài Gòn đang bị chiếm đóng. Thật đáng yêu thương trân trọng chú biết bao. Giữa vòng vây dày đặc của kẻ thù chú đã đem đến cho anh bản chỉ thị của cấp trên. Bản chỉ thị ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho anh soi sáng bước đường hoạt động của anh trong những ngày tới. Viên trung tá chợt mỉm cười trong bóng tối. Phải, hình ảnh chú bé đánh giầy đâu có xa lạ gì với anh. Đó chính là hình ảnh của anh trong những ngày xa xưa, những năm bốn mùa ở thủ đô Hà Nội.

***

Khi theo bọn trẻ cầu bơ cầu bất làm đủ các cái gọi là nghề ở Hà Nội, chú bé ấy lên tám tuổi. Cả tuổi thơ của mình, chú chỉ còn nhớ mẹ chú rất nghèo, chuyên quét chợ cầu Đông kiếm miếng ăn nuôi chú. Chú không có bố. Lên bốn, bị bọn bạn bè lau nhau gọi là thằng con hoang, chú ức lắm, về hỏi mẹ: 

– Bố đâu hở mẹ?

– …

– Bố đâu hở mẹ? – Chú lắc lấy lắc để cánh tay gầy guộc của mẹ, lúc ấy không hiểu vì sao mẹ đã gục mặt xuống ổ rơm, khóc nức nở.

– Bố đâu hở mẹ? – Chú hỏi riết, thầm nghĩ sao mẹ chú hay khóc thế, chả nhẽ lớn như vậy cũng bị người ta trêu trọc hay sao? Chú cũng bị trêu trọc, có khi còn bị đánh nữa, nhưng chú không bao giờ khóc.

Mãi sau mẹ ôm chú vào lòng, xoa mớ tóc rễ tre cứng quèo vì suốt ngày bêu ngoài nắng, nói với giọng của người bị ngạt mũi:

– Bố con đi làm tận Hà nội cơ. Xa lắm.

– Thế sao bố không về với con?

– Bố làm nhiều việc lắm, không về được. Bao giờ con lớn, mẹ con mình đi Hà nội thăm bố. 

Chú lập tức tin ngay và cảm thấy yên lòng. Mẹ nói bao giờ cũng đúng. Thế là mình cũng có bố. Bố lại ở tận Hà Nội cơ, chứ không thèm ở quê như bố chúng nó. Nghe mấy bác đi buôn chuyến nói Hà Nội đẹp lắm, có rất nhiều nhà to, to bằng mấy cái đình đầu làng mới khiếp chứ. Lại có rất nhiều ô tô nữa. Mình mà ra Hà Nội thì tha hồ xem ô tô. Chẳng như ông tài xế cho quan huyện, mỗi lần về làng lại cầm cành gai tre đuổi bọn trẻ, không cho sờ vào ô-tô một tí.

Chú không biết rằng thực sự chú không có bố. Mẹ chú bị gia đình bán cho nhà quan huyện lấy tiền nộp thuế, phải vào làm con ở từ năm mười một mười hai tuổi. Lớn lên, mẹ chú bị con trai quan huyện lừa, có mang rồi sinh ra chú. Vì thế bị đuổi khỏi nhà quan, phải đi làm nghề quét chợ. Còn con trai quan huyện, sau đi làm ở tận Hải phòng… Chú không hề biết điều đó, và dù có nói điều đó ra chăng nữa, chú cũng không tin. Mẹ chú đã nói là đúng. Chú có bố. Bố chú đi làm tận Hà Nội cơ mà. Nếu như lâu lắm rồi bố chú không về thăm chú thì chỉ vì bố bận làm nhiều việc lắm. Thế thôi. Và thế là những lần ra cổng chợ chơi với bọn trẻ để đợi mẹ, chú gân cổ cãi bằng được với mấy đứa bạn đa nghi. Có khi còn nắm chặt bàn tay bé xíu để “bảo vệ” người bố chưa bao giờ biết mặt đang làm tận Hà Nội. 

Ít lâu sau, bỗng chú nghĩ rằng tại sao phải đợi bao giờ mình lớn mới được đi Hà nội tìm bố. Mẹ chán thật, mình đã lớn từng này rồi cơ mà. Mình đã biết trông nhà (thực ra là một cái lều dựng sát vào bụi tre, cửa làm bằng cái nong thủng). Mình lại biết thổi ngô, luộc khoai, lại biết cả đi bẻ gai tre, nhặt lá bánh về đun nữa chứ. Mình lớn rồi. Thôi, mẹ không đi tìm bố, thì mình sẽ đi. Mình sẽ bảo với bố: “Con là thằng Rớt của bố đây. Con đợi mãi mà không thấy bố về, con ra tìm bố đây. Nhưng bố đừng mách mẹ nhé. Mẹ lại khóc đấy.” Bố sẽ công kênh mình lên tận cổ, cho mình đi xem ô-tô. Rồi mình sẽ đưa bố về thăm mẹ, chắc mẹ mừng lắm. 

Đến phiên chợ rằm tháng Giêng năm ấy, chú không đánh đáo với bạn bè ở cổng chợ nữa. Đang tha thẩn ngoài đường cái quan, chú gặp một bà to béo, có dễ bằng ông Phật ngồi nghễu nghện trong đình. Cái bụng bà ấy to đến gớm. Chắc nếu không có dải lụa xanh buộc bên ngoài áo thật chặt thế kia thì nó phải nứt ra như quả dưa bở tháng tám mất. Nhưng không sao, bà ấy tốt bụng lắm. Nhổ đánh toẹt một bãi nước trầu đỏ lòm như máu xuống đường, bà ta đon đả hỏi chuyện chú… Chú rất thích. Từ trước đến nay đã có ai chịu nghe chuyện bố đi Hà Nội với vẻ thông cảm như bà ấy đâu. Vì vậy, chỉ cần vài câu đùa giỡn, chú và bà ta đã đã ngồi trên chiếc xe tay kéo về Hà Nội. Trong suốt chặng đường đi, chú chỉ nghĩ đến lời hứa của bà ta, nghĩ đến Hà Nội, đến bố. Không một lần chú ngoảnh lại đằng sau, nơi phiên chợ đã tan và mẹ chú đang gào khóc như điên dại, hai tay ôm chặt bộ ngực lép kẹp, chạy khắp làng nức nở gọi chú…

Nhưng làm sao có thể tìm cho chú một người bố, một khi thực tình chú chưa bao giờ có bố? Sau khi cất thật sâu nắm tiền còn mới vào giữa mớ tiền bẩn thỉu, nhớp nháp mồ hôi trong cái túi lụa xanh quấn quanh bụng, người đàn bà to béo kia đi mất để mặc chú bơ vơ trong sân một ngôi nhà tường hoa mái ngói…

Trong đêm đầu tiên xa nhà, rúc sâu cái đầu vào bụng con chó cái già đã rụng gần hết lông, chú mới lờ mờ hiểu thế nào là mẹ mìn. Cái tiếng đáng sợ mà các bà già đi chợ thường dọa bọn nhóc tinh nghịch khi bước qua cổng vào chợ, chú mường tượng giống ông Ác đứng ở tường đình. Thế ra, người Ác lại hay ra vẻ tốt bụng…

Sau nửa năm trời làm thằng nhỏ gánh nước, quét nhà, dọn cứt cho đứa con trai ông chủ trạc tuổi chú, chú bé Rớt ấy trốn đi, nhập bọn với đám trẻ vô thừa nhận lang bạt các ngõ chợ. Ban ngày đi đánh giày, bán báo, bán kem… Ban đêm, sau khi nộp cho cậu chủ số tiền thu được trong ngày, chú lại cùng mấy đứa bạn đi mò các đống rác, rồi ôm nhau ngủ dưới gầm cầu Lơ bơ-lăng[2]. Cho đến một hôm, có một ông chủ (đối với chú bấy giờ, ai đi giầy giôn, mặc đồ Tây, đội mũ phớt đều là ông chủ), sau nhiều lần dõi theo, đã đón chú về nhà. Chú đồng ý theo về hầu hạ vì cuộc sống lang thang đã dạy khôn cho chú, ở đâu mà chẳng được. Miễn có cái đút bụng và có chỗ đặt lưng, dẫu ổ chó cũng còn ấm hơn bãi rác gầm cầu. ([2] Rue Le blance: phố Gầm Cầu)

Nhưng lạ thay, ông bà chủ không bắt chú làm gì cả, lại còn may quần áo đẹp, cắt đi mái tóc đã xù ra như ổ quạ trên chạc cây gạo chân đê của chú. Chú bé Rớt lờ mờ hiểu rằng ông bà chủ đây (chú vẫn chưa quen gọi là ba mẹ và xưng con) không có con, buồn quá nên đón chú về nuôi…

Năm sau, chú được đi học…

Rồi Việt Minh về,… chú không hiểu tại sao ba mẹ chú đóng chặt cánh cổng, bất hợp tác với những người rất tốt ấy. Không những thế, ba mẹ chú còn cấm chú không được đi hội họp, cắm trại với bạn bè cùng lớp…

Rồi quân Pháp quay trở lại. Ba chú là người đầu tiên ra làm việc cho bọn mũi lõ. Tại sao một người tốt như ba lại thế? Trong tâm chí ngây thơ của chú bé Rớt năm xưa, cậu học sinh trường Bưởi với cái tên gọi Hồng Giang ngày nay cứ day dứt mãi một câu hỏi đó. Cậu tìm câu trả lời trong các buổi thảo luận giữa những người bạn cũng giầu nhiệt huyết như mình.

Người bố nuôi của Hồng Giang lặng người khi được ông thanh tra giáo dục báo cho biết cậu con trai đang đi lại với những kẻ đáng ngờ. Đứa con mà ông yêu quí hơn con đẻ kia đã đến tuổi trưởng thành. Ông bắt đầu để ý những việc làm của Hồng Giang. Một lần ông bắt gặp quả tang Hồng Giang đang cất giấu truyền đơn trong tủ quần áo. Ít ngày sau, ông đã nói chuyện với Hồng Giang thật nghiêm chỉnh, như trao đổi với một người lớn tuổi… Một năm sau, với lời giới thiệu của Đức Giám mục Đờ Pu – lê, Hồng Giang được gửi đi Pháp học. Người bố nuôi hiểu rằng ông đã chắp cánh cho Hồng Giang để anh bay cao, bay xa hơn nữa trong bầu trời cách mạng cháy bỏng. Có lòng căm thù giặc sâu sắc, có nhiệt tình cách mạng cháy bỏng đó là những yêu cầu đầu tiên đối với những người làm công tác tình báo… Anh đã thề sẽ chiến đấu cho dân tộc, cho đất nước, cho hết cảnh người no say phè phỡn trong khi hàng vạn trẻ em đói rét mồ côi, sống lang thang khắp đầu đường xó chợ. Và bây giờ, cậu bé Rớt của Hà Nội ngày ấy là trung tá Hồng Giang, trợ lý đặc biệt của thiếu tướng Sơn Hồng, cục trưởng tác chiến quân lực Việt Nam cộng hòa.

Hai mươi năm sau, Hồng Giang vừa buồn rầu vừa thấy tự hào khi nghĩ đến người bố nuôi, người thầy cách mạng đầu tiên của mình. Anh càng hiểu ông cụ hơn khi chính bản thân khoác bộ quân phục Sài Gòn. Bây giờ ông ở đâu? Cái tên cũ được dát vàng đã vĩnh viễn nằm trên tấm mộ chi bằng đá trắng trong nghĩa trang, dưới cây thánh giá tự tay Cha Đờ Pu-lê cắm lên. Hồng Giang chỉ lờ mờ đoán rằng ông đang làm một nhiệm vụ gì đó với một cái tên khác…