Sau cành Viôlét – Ngô Tất Thắng

Không còn cách nào khác, viên sĩ quan hơi nhún vai, im lặng rút tập giấy trong ngực. Vẫn đứng im, viên sĩ quan hơi cong tay đưa giấy tờ ra phía trước mặt gã mặt nhợt. Người lái xe đờ người trước tay lái định lao xe ra cứu cấp trên, nhưng gã kia đã gục gạc mũi súng đe dọa. Mặc dù đưa giấy tờ ra phía trước, viên trung tá vẫn đứng im tại chỗ, nét mặt có vẻ khuất phục, mắt nhìn chằm chằm vào mặt gã kia. Gã bước lên một bước, đưa tay trái ra đón lấy tập giấy. Nhưng tay gã vừa kề, đủ nhận ra đó là một xấp báo cũ đã gập lại, thì nhanh như cắt, viên trung tá ném thẳng tập giấy vào mặt gã, tung chân đá trúng cổ tay mang súng. Thuận đà, viên sĩ quan đó quay người nửa vòng, lấy chân phải làm trụ, tung gót trái thẳng giữa ngực gã kia, quay tiếp nửa vòng nữa, rồi nửa vòng nữa. Ba tiếng “ực, ực, ực” liên tiếp phát ra, gần như đồng thời với tiếng khẩu côn rơi xuống mặt đường, nghe tiếng khô khốc. Gã nọ lảo đảo giật lùi, rồi ngã ngửa ra mặt đường, mắt trợn ngược, bọt máu trào ra từ hai lỗ mũi, từ hai bên mép chảy rỉ rỉ xuống cổ. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng mấy tích tắc, làm viên thượng sĩ lái xe nín thở, rồi lè lưỡi, thở phào.

– Trời, anh hai sử tam phi cước thiệt số dách!

Không để ý đến lời tán tụng đó, viên trung tá lại đứng im, quát khẽ:

– Đứng lên!

Gã đàn ông mặt nhợt nhỏm dậy, rồi lại lảo đảo gục xuống, ôm ngực ho khù khụ, máu mũi máu miệng lại trào ra. Không quay lại viên sĩ quan khoát tay viên thượng sĩ lái xe nhảy ào xuống, chạy lại xốc nách gã trung niên. Cố ngẩng cái đầu giờ đây nặng chình chịch chỉ chực gục xuống gã, mở to đôi mắt lờ đờ, vằn đỏ những tia máu giận dữ bất lực. Viên sĩ quan khẽ nhếch mép, hỏi giọng không thay đổi:

– Tên?

– Thưa ngài…thưa… tôi nhầm.

– Tên?

– Tôi là… gã ngừng một lát như để lấy sức – Tôi là… mà… Ngài không có quyền thẩm vấn tôi.

– Tên? – Viên sĩ quan gằn giọng, cả người hơi trùng xuống, rung nhẹ khẩu oan-te bên hông. Tiếng quát như nhát dao cuối cùng chém xuống một cây khô sắp đứt. Gã kia quỳ xuống, van xin bằng một giọng Bắc lơ lớ đôi chút tiếng miền trong.

– Lạy ngài… xin ngài tha tội chết. Các của con đây ạ.

Vừa nói, gã vừa run rẩy rút trong túi bên trái ra một tấm giấy bọc plát–tích trong suốt, đưa lên. Viên sĩ quan cầm lấy, liếc qua. Dường như chưa tin, viên sĩ quan lại nhìn kỹ khuôn mặt méo mó nhăn nhúm thấm đầy máu đang sụp dưới đường kia. Không thể nhầm được. Chính hắn đây. Cái thằng bạn năm xưa cùng lớp ở trường Bưởi…

Không nén được thói quen, viên trung tá nhún vai lạnh lùng, nói giọng khinh miệt:

– May mà vào tay tao đấy, con ạ. Thôi – viên trung tá quăng mạnh tấm các do chính tay ngài tổng trưởng chiêu hồi kí vào mặt gã – cút đi nơi khác mà kiếm ăn. Đừng có dàn mặt tao nữa nghe.

– Dạ, đội ơn ngài.

Gã vồ lấy tấm các đầu cúi rạp sát chỗ những giọt máu vừa nhểu xuống, đang thẫm lại dưới ánh đèn, trông không khác bãi nước trầu một bà nào đó đi qua vừa nhổ xuống. Viên trung tá, bước lên xe đóng sập cửa lại..

Gã mặt nhợt cố ngẩng đầu lên nhìn theo. Chiếc xe đã rú ga lao vút đi, khói xăng chưa cháy hết tỏa ra đen kịt. Khi lăn mình vào chiếc cáng cảnh sát vừa mang tới, gã còn kịp tỉnh táo mà cay đắng cho thân phận cáo vuốt râu hùm. Đây là lần đầu tiên gã bị một trận đòn nhừ tử. Mà sao nó “chơi” mình dữ thế. Phải gẫy đến ba cái xương sườn là ít. Trời, ôi đau… cha tổ… gã lịm đi.

***

Thằng Hải chạy ào vào nhà như một cơn gió lốc. Mặt nó tươi roi rói. Ông Hai chỉ vừa kịp đứng dậy thì nó đã đút hộp gỗ đánh giầy vào dưới gầm giường, nhẩy lên ôm chầm lấy cổ bố làm ông Hai loạng choạng lùi lại mấy bước sát tới giá sách. 

– Úy trời, chú ấy đá ngon quá – Thằng Hải nó liến thoắng rồi lùi ra xa bố, bắt chước điệu bộ của viên trung tá. Vừa lúc ông Hai cầm cuốn sách giơ ra thế là nó vung chân đá ngay vào cổ tay ông. Cuốn sách rơi soạt xuống nền nhà. Cái chân thằng Hải nhỏ xíu lại phải dơ cao nên vừa quay lại định đá tiếp bằng gót thì mất đà, ngã úp bụng xuống sàn gỗ. Ông Hai đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì cũng bật cười, xoa xoa chỗ cổ tay bị đau:

– Nhóc con cũng đòi đá với đấm.

Thằng Hải đứng bật dậy, nhăn nhó xoa trán, nghĩ bụng trông thế mà đá được cũng khó quá trời. Rồi nó lại cười, kể cho ông Hai nghe chuyện về xô xát xẩy ra vừa rồi. Nó nói luyên thuyên vung chân vung tay diễn tả, cứ huỳnh huỵch không để bố nó chen vào một câu. Nhìn đứa con, ông Hai biết nó đã làm tròn công việc. Ông vui quá. Thế là nó đã lớn, đã khôn, nó đã giúp được người của ta một việc rồi. Tuy ông không giở viên giấy ra xem nội dung, xong hẳn công việc quan trọng lắm. Thế mà nó làm được. Cũng bõ công hơn chục năm trời gà trống nuôi con trong cảnh trên đe dưới búa này.

Ông Hai ra cài lại cửa. Đóng một thanh chốt gỗ ngang, ông lại dướn người cài chốt sắt phía trên. Ông ngắm nghía cái chốt xoa xoa tay vẻ rất yên tâm. Bây giờ, ông mới quay vào giường kéo thằng Hải ngồi gọn trong lòng. Ông vò tóc nó, nắn nắn hai bả vai nó. Lớn rồi đây. Nhỏ nhưng chắc lắm. Ông cúi người xuống sát tai nó, hỏi nhỏ:

– Thế con đưa rồi chứ?

– Dạ, con đưa rồi.

– Có đúng như bố con mình nghĩ không?

– Con đợi lâu quá. Chú ấy không biết con. Nó nói lanh lảnh. Ông Hai vội vàng bịt chặt lấy mồm nó:

– Khẽ chứ, con.

Thằng Hải thì thào kể lại đầu đuôi, chốc chốc cao hứng, nó lại nói tướng lên, làm ông Hai thỉnh thoảng lại phải bịt chặt lấy mồm.

Chợt ông kéo ngửa đầu thằng Hải lên, nhìn thẳng vào mặt nó.

– Con có sợ không?

– Không. Sợ gì hả bố?

– Thế nếu bị bắt thì sao?

– Thì con cắn răng lại. Đau quá thì con chửi.

– Được, biết vậy. Thôi, bây giờ con đi ngủ đi cho bố làm việc. Ông Hai vừa quay ra thì thằng Hải nhổm dậy, nói:

– Tí nữa thì con quên. Bố ơi! Chú ấy đưa cho con cái này.

Thằng Hải lục trong hòm đánh giầy, đưa cho ông Hai cành hoa viôlét. Ông Hai định trách con “Sao con không nói ngay cho bố biết” nhưng sực nhớ lại lời anh Tư “Chiều mai, cửa hiệu PX đường Nguyễn Tri Phương” ông lại thôi. Ông giục con lên giường đi ngủ rồi mang cành hoa viôlét ra phía sau nhà, cất dấu thật kỹ lưỡng. Lúc này ông không biết rằng cành hoa viôlét là ám hiệu báo cho cấp trên biết địch đang triển khai quân sự chuẩn bị một chiến dịch mới. Nhưng niềm vui trong lòng ông bừng lên âm ỉ như những con sóng đêm đang vỗ nhẹ bên bờ sông Thị Nghè. 

CHƯƠNG BA: VIÊN SỸ QUAN

Chiếc xe Jeep phóng bạt mạng trên đường. Chưa đến giờ giới nghiêm, nhưng đường phố đã vắng hẳn. Một vài người còn sót lại cứ cúi mặt đi sát vệ đường. Chỉ còn lính Mỹ, những chủ nhân thực sự của dải đất miền nam này, tay đút túi, miệng phì phèo điếu Peo meo hay Xa lem, đi vơ vẩn giải khuây. Thỉnh thoảng, bóng một đội tuần tra, vũ khí Mỹ đầy người, đột ngột ló ra từ một hẻm nào đó, bước lộp cộp trên đường, rồi lại mất hút trong bóng đêm nhầy nhụa nhạc Rốc với những sắc màu lòe loẹt của một thành phố bị chiếm đóng.

Chiếc xe đứng lại trước một ngôi nhà hai tầng. Không đợi còi hiệu, người lính gác đã ra mở cổng. Hai cánh cửa sắt rít lên ken két, rồi mở toang. Tiếng bánh xe nghiến lên lớp sỏi xào xạo trong đêm vắng lặng. Viên trung tá quay sang viên thượng sĩ lái xe, hỏi nhỏ trong tiếng cười:

– Thế nào? Có thăm Thanh Thủy một lát chớ?

– Dạ, thưa trung tá – Viên thượng sĩ ngần ngừ – Nhưng… 

– Lại đôn chớ bộ. Đây, cầm lấy. Nhớ nể mặt bọn Mẽo một chút nghe. Sáng mai đợi tôi chỗ cũ.

– Cám ơn ngài – Viên thượng sĩ mắt sáng lên khi nhìn thấy mấy tờ đô la đỏ, dấu hiệu của quân đội chiếm đóng Mỹ. Đợi cho cấp trên đi khuất trong vùng tối của ngôi nhà, anh ta mới dấn nhẹ ga, từ từ lái đi. 

Vừa cởi áo đưa cho tên lính hầu, viên trung tá vừa hỏi:

– Từ tối tới giờ có ai hỏi tôi không?

– Dạ, chỉ có ngài Uyliam nào đó, hình như là chủ công ty thép Hoa-kỳ vừa gọi điện đến hỏi ngài đi đâu và gửi lời chào ngài. 

– A, ngài Uyliam đã về rồi sao? – Viên trung tá reo lên vẻ mừng rỡ – Mai tôi phải tới thăm ông ta mới được. Rồi còn tình hình an ninh?

– Thưa trung tá, mọi việc đều ổn cả. Tôi đã lịnh cho tụi nó canh phòng cẩn mật.

Như để chứng thực cho lời nói của tên lính hầu, khi ánh đèn phòng khách vừa bật sáng, viên trung tá đã thấy một tên lính cầm ngang khẩu AR. 15 đứng như tượng gỗ cạnh cửa thông ra cầu thang lên gác.

– Tốt!

Viên trung tá nói một câu gỏn lọn, rồi đi thẳng lên cầu thang. Đến chỗ ngoặt, anh ta còn ngoái đầu dặn với xuống tên lính hầu:

– Mang lên phòng cho tôi một phin đậm nghe.

– Rõ, thưa ngài! – Tên lính hầu đứng nghiêm rập gót giầy, hô to. Con mèo tam thể đang lim dim ngủ trên nắp chiếc radio – quay đĩa, giật mình lao vội qua trước mặt tên lính bảo vệ, biến vào gầm cầu thang. Tên lính bảo vệ hoảng hốt nghiêng người lấy tay trái che mặt, lầu bầu:

– Đ. mẹ, làm ông buốt cả tim. Đồ mèo cộng sản.

***

Viên trung tá để nguyên cả giầy thay bộ quân phục bằng bộ quần áo ngủ màu xanh lơ, rút khẩu oan-te trong bao ra đút xuống dưới gối. Tên lính hầu khẽ đẩy cánh cửa khép hờ bước vào, im lặng đặt phin cà phê đang nhỏ những giọt đầu tiên lên bàn, rồi đi ra, khép chặt cửa lại. Từ bên ngoài, gã hỏi vọng vào:

– Thưa trung tá, đêm nay ngài có tiếp ai không ạ?

– Không. Trừ lệnh triệu tập!

– Rõ, thưa trung tá. Chúc ngài ngủ ngon.

Tiếng chân bước xa dần. Viên trung tá liếc nhìn đồng hồ, rồi ra cài chốt cửa nối liền với sợi dây báo động đặc biệt. Anh ta lại đi bên cửa sổ, cúi nhìn ra bên ngoài. Đêm Sài gòn vùng quận một này mới yên ắng làm sao. Tiếng con dế mèn góc vườn vẳng đến cứ to dần, to dần. Có lẽ phải đổ đến sáu chai nước nó mới chịu chui lên mặt đất. Cái đầu nó phải lên nước bóng loáng như gỗ mun. Đôi cánh và bộ giò của nó thì phải biết. Bất giác viên trung tá mỉm cười, tựa đầu vào khung cửa sổ. Những bóng lá đung đưa trong vườn như gợi nhớ những bàn chân đất chạy nhẩy trên những con đường của Thủ đô Hà Nội cổ kính. Và hương dạ lan ngan ngát dăng đầy không gian như biến đổi trở thành mùi thơm nồng thắm của hoa sữa bay lừng đường phố những ngày Hà Nội lập đông. Ôi! Hà Nội thân thương của ta! Biết bao giờ ta được trở lại hôn trên những viên gạch cổ kính của Người.

Chợt viên trung tá lắc đầu như để xua đuổi những ký ức xa xưa. Anh đóng chặt cửa sổ, kéo rèm che thật cẩn thận.