Ngày nào cũng vậy, cứ đến lúc ông khệ nệ khiêng chồng cửa gỗ xếp ra ngoài, chuẩn bị đóng quán thì thẳng Hải mới về. Nếu hôm nào có chuyện vui thì nó bô lô ba la từ đầu hẻm, nghe sướng bụng. Có hôm nó về, mặt ỉu xìu như bánh đa nhúng nước, cậy răng chẳng hấm hứ lấy một câu. Cứ thế cho đến lúc chui vào màn, nằm thu lu trong lòng bố nó, nó mới khóc tấm tức kể cho bố nghe chuyện xẩy ra ban ngày. Cái giọng Bắc non nớt thoảng pha chút tiếng trong này cứ nức lên, to hơn tiếng róc rách của con nước Thị Nghè vỗ mãi vào mấy cái cột nhà phía sau, làm mấy lần ông Hai phải xiết chặt đầu nó vào bộ ngực lép kẹp của mình… Nhưng dù vui hay buồn, ngày nào nó cũng về vào lúc xâm xẩm tối, lúc chị Năm sinh tố loẹt quẹt đẩy chiếc xe chở đầy mía, trái cây ra đầu hẻm.
Không biết có phải đã thành quen vậy không mà chiều nay ông Hai cứ thấp thỏm đợi nó. Lúc lúc ông lại kẹp cây viết chì đánh dấu trang sách dọc dở, bước ra cửa ngóng. Quyển này ông ham đọc đến mức nhiều khi quên cả khách hàng, lúc này ông cũng thấy rời rạc, tẻ nhạt làm sao. Ông bồn chồn, hết ra ngõ trước lại quay sau. Dòng Thị Nghè đen như mực trôi lờ đờ, bốc lên mùi khăn khẳn đến khó chịu. Ông nhớ lại mọi việc xẩy ra hồi sớm, mới hồi sớm chớ có lâu la gì. Vậy mà nhịp điệu cuộc sống của ông, của thằng Hải đảo lộn hẳn. Không biết nó có việc gì không? Thời buổi này “cẩn tắc vô áy náy” nghe con. Cái đồng hồ treo tường cũ mèm của ông nội thằng Hải để lại đang ngân nga tiếng chuông báo bẩy giờ. Tiếng chuông sao mà khó chịu, sao mà day dứt đến thế. Buổi sớm ấy…
***
Buổi sáng. Ông Hai đang ngồi đọc sách. Cái hẻm tăm tối và ẩm ướt chưa một lần được mặt trời ngó ngàng đến. Bóng nắng chạy qua đôi chút buổi trưa không rọi vào trong các gian lều, chỉ đủ làm bốc lên làn hơi nước nặng mùi. Vì thế, ông Hai phải kẹp sát kính vào sống mũi, ngồi thập thò xế cửa cho đủ sáng. Bỗng có một giọng nói hách dịch, phần nào hơi cố ý:
– Chu cha, tiệm này nhiều sách quá ta. Cái hẻm thối tha này cũng có người đọc sách sao?
Ông Hai ngẩng lên. Đó là giọng của một người lính không quân, dáng người to bè, mặt đen, kiếng mắt gọng đại bự đen xì, ngay cả bộ ria con kiến cũng mầu ấy, trông thật dễ sợ. Người lính dậm dậm đôi ủng da vào bậc cửa bằng hai mảnh gỗ thông ghép, đi thẳng vào trong. Ông Hai đứng dậy đi theo, đôi vai so lại thủ thế. Có trời biết bọn đeo phù hiệu thêu cánh chim và lưỡi kiếm này hoạnh họe những gì. Người lính vẫn chăm chú nhìn giá sách, hỏi trống không:
– Có “Mùa thu lá bay” của Quỳnh Dao không?
– Rất tiếc, thưa ông. Cuốn đó vừa hết.
– Vậy thơ Nguyên Sa?
– Cũng vậy, thưa ông – Ông Hai trả lời, hơi ngờ ngợ. Giọng nói quen quen, mà… mà lại đúng in mật khẩu. Ông đi vòng vào trong quầy, ngắm kĩ. Không, ông không quen người lính dù này. Hay lộ rồi, bọn mật vụ cải trang… Người lính huýt gió vài đoạn trong bài “Tôi đưa em sang sông” rồi hỏi nhỏ:
– Vậy chớ “Cách mạng và đạo đức”, ông cũng không có sao
Vừa nói người lính vừa xoay xoay mặt chiếc đồng hồ Mô-va-đô.
Ông Hai giật thót mình, không dám mừng. Trời, người của cấp trên đây rồi sao? Trông đợi mãi. Nhưng có phải người lính đó đã trông thấy cuốn sách của ông? Ông giả bộ xếp lại mấy gáy sách cho ngay ngắn, liếc nhìn mấy cuốn đang đọc dở. Không phải. Vậy là đúng rồi.
– Thưa ông, sách đó chỉ còn một cuốn. Bản quán không bán, nhưng có biếu.
– Cho coi trang cuối – Người lính nói, mắt nhìn quanh. Mấy cô nữ sinh thấy cảnh quát tháo đã lảng hết. Gian nhà vắng teo.
– Tôi để trong buồng. Mời ông – ông Hai bước tới cửa buồng, khẽ lui ra, nghiêng người:
Người lính bước vào, ông Hai bước theo liền, khép ngay cánh cửa đóng sơ sài bằng gỗ thông. Người lính quay đi bỏ kiếng, tháo bộ ria (thì ra đó là bộ ria giả) rút trong túi ngực một chiếc khăn mùi xoa lau mặt. Anh ta quay lại, cười khe khẽ:
– Bác Hai không nhận ra tôi sao?
– Trời, thằng Tư – Ông Hai lao đến ôm chầm lấy người lính, rồi lui lại một bước nhìn kĩ. Đúng rồi, thằng Tư. Ông xúc động, hỏi dồn dập bằng một giọng run dẩy:
– Mày còn sống sao? Mày ở đâu về? Sao mày biết tao ở đây?
– Chuyện dài lắm bác ạ. Tôi chỉ được phép ngồi với bác năm phút nữa thôi. – Người lính có tên là Tư nhìn đăm đăm ra sông, nói nhanh – Liên lạc bị bắt. Hòm thư chết có mật vụ theo dõi. Trên yêu cầu bác bằng bất cứ giá nào cũng phải chuyển lệnh này cho người của ta. Và không được phép sơ suất một chút gì làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ đó. Bác hiểu rồi chứ?
– Được! Ông Hai đáp gọn lỏn.
– Người đó là một viện trung tá đã sấp xỉ bốn mươi, ngồi trong vũ trường “Đêm mầu hồng” từ bốn giờ đến năm giờ chiều, tay trái cầm bông viôlét. Nhưng tuyệt đối bác không được bước vào cửa. Ngày hẹn là hôm qua, nhưng liên lạc bị bắt… Thế nào người của ta chiều nay cũng đến, nhưng đề phòng bọn an ninh bám đuôi. Chưa biết liên lạc có khai báo gì không?
– Được! Ông Hai gật gù, vẻ sốt ruột.
– Đây là cái cần đưa – Người lính bỏ mũ, cậy phía trong đường viền cong, lấy ra một cuộn giấy viền tròn, to gần bằng ruột chiếc bút bi Bic. Anh trao cho ông Hai, rồi dặn kĩ thêm – Bác phải đợi phía ngoài cho người của ta đi ra, lúc nào thuận tiện nhất thì đưa. Đưa thế nào thì tùy bác. Ám hiệu là…
– Được! Ông Hai chăm chú nghe, rồi cúi xuống moi hộp gỗ đựng đồ lề đánh giầy của thằng Hải mở ra đút viên giấy vào phía trong.
– Chiều mai, bác đến tìm tôi chếch phía trái cửa hiệu P.X. đường Nguyễn Tri Phương, hồi năm giờ. Thế cháu Hải đâu?
Ông Hai chưa kịp trả lời thì đã nghe một tiếng trẻ con vui vẻ hét lên từ phía trên đầu:
– Cháu đây, chú Tư.
Một chú bé chừng mười hai tuổi nhưng người ốm nhách, nước da xanh mét, đôi mắt lanh lợi lồm cồm bò từ trên xà nhà xuống.
Anh Tư nhìn ông Hai. Ông Hai im lặng, lắc đầu. Cả hai không ngờ câu chuyện đã lọt vào tai một người thứ ba, dù đó là thằng Hải, một cậu bé đánh giầy đã giết được hai tên Mỹ say rượu.
Vốn thông minh, chú bé hiểu ngay vì sao có sự im lặng đột ngột ấy. Chú nói nhỏ, vẻ thanh minh:
– Cháu không cố ý. Cháu đang xem con mèo trắng rình con chuột trên ấy. Hay lắm chứ. Cứ như mấy anh biệt động phục lính Mỹ ấy.
Anh Tư bật cười vì sự so sánh ngây thơ nhưng phần nào đúng đắn ấy. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong anh: tại sao không dùng thằng Hải cho bảo đảm? Đằng nào thì nó cũng nghe rồi. Trong khi đó thằng Hải vẫn hết nhìn chú Tư lại nhìn cái hòm gỗ, gia tài đơn sơ nhưng vô cùng thân thiết của nó. Nó lại hỏi:
– Trời này chú bận bộ đồ đi trận thế kia mà không bức à? Chú giết được mấy thằng Mẽo rồi? Bao giờ cho cháu đi theo chú.
– Hải, sao cứ nói oang oang thế con? – Ông Hai nói nghiêm khắc nhưng vẫn đượm vẻ âu yếm.
– Hải này – Anh Tư tiếp lời ông Hai – Cháu ra ngoài kia ngó chừng cho chú nghe. Bữa nào rảnh chú cháu mình đi oánh một trận rồi thỏa sức tâm tình.
– Dạ, vâng – Nó đáp, tiếng Bắc bị pha trộn nghe vẫn rõ.
Còn lại hai người, anh Tư ghé sát tai ông Hai thì thầm. Không nghe thấy gì ngoài tiếng chít chít hoảng hốt của con chuột đang vùng vẫy trong móng sắc của con mèo trên xà…
***
Nếu không kể đến những chiếc xe nhà binh Mỹ thỉnh thoảng lại rú máy chạy điên cuồng trên các đường phố chở đầy bọn em-pi, bọn quét chợ thì Sài gòn vẫn náo nhiệt bình thường. Không có vẻ gì là một thành phố đang ở trong tình trạng chiến tranh, mà chỉ mới đây thôi, một khách sạn chứa đầy sĩ quan Mỹ bị nổ tung và hơn chục chiếc máy bay bị đặc công cộng sản phá hủy ngay trong phi trường Tân Sơn Nhất. Các sơ-nách-ba, Lavơlyba, nhà tắm hơi, khách sạn, vũ trường xếch xi, chợ giời… theo bước đội quân viễn chinh mọc lên như nấm. Có đôn (đô-la), đôn đỏ của lính cũng tạm, đôn xanh chánh hiệu càng tốt, miễn vỗ túi cứ đầy căng thì muốn làm gì cũng được. Cả một xã hội náo nhiệt, quay cuồng xung quanh vòng quay và sức hút của đồng tiền ngoại quốc. Trên những con đường rộng bóng loáng nước sau trận mưa chiều rất thường ập đến ở xứ này, những Hon-đa, Su-du-ki, Hác lây, Brigetston… chạy ngoằn ngoèo, chen lấn, chèn ép trước mũi những Ga-đi-ắc, Pơ-giô, Mác-xe-đét, Toyota. Người và xe, xe và người ồn ào chạy đua trong dòng thác sống gấp…
Trong vũ trường “Đêm mầu hồng” lúc chiều tối này, các nữ chiêu đãi viên môi tô đỏ loét, váy ngắn cũn cỡn lượn đi lượn lại. Một viên trung tá ngồi lẫn trong góc phòng mờ mờ ánh đèn, trên mặt bàn đá trước mặt bầy đầy những li cà phê dở dang. Bên cạnh, một chiếc ghế trống không được kéo lấp ló như chờ ai đó. Một cành viôlét nằm kín đáo gần mép bàn, bên cạnh chai uýt-xki chưa mở nút. Khói thuốc lá bay mù mịt. Hình như viên sĩ quan này đang đợi ai. Mặc dù lúc nào khói thuốc cũng phủ mờ trước mặt người ta có thể nhận ngay ra đó là một người cao lớn và khá điển trai. Với chiếc mũ kê-pi đội hơi lệch, hờ hững trên mái tóc uốn sóng to lượn, với bộ quân phục là thẳng li, có thể nói đó là mẫu người điển hình, thời thượng, người hùng trong sự lựa chọn của các cô gái Sài gòn…
Một ả chiêu đãi viên đến bên cạnh, ngồi lên thành ghế của viên sỹ quan. Ả choàng tay qua vai anh ta, vuốt ve mấy bông mai bạc trên ve áo, hỏi giọng nũng nịu:
– Có lẽ ngài buồn?
– Phải!
– Xin ngài trung tá chớ phật ý kẻo em buồn. Hẳn ngài đang đợi…
– Mèo!
– Dạ, có em bên ngài đó.
Trước lời gợi ý quá sỗ sàng của cô ả, viên sĩ quan đành phải cười gượng gạo, rồi dúi vào tay ả một tờ xanh. Ả mừng quýnh, cười tít mắt. Trước khi bỏ đi, ả còn “thanh-kiu” luôn miệng và từ cách đó mấy bàn, ả gửi với sang một cái hôn gió. Việc một nữ chiêu đãi viên vòi tiền khách đàn ông là chuyện thường tình. Nhưng trong cử chỉ kiểu cách, hơi sỗ sàng đến giả tạo của cô ả có điều gì đó không bình thường. Viên sĩ quan từ từ nâng ly cà phê lên miệng, kín đáo quan sát. Mấy cặp thanh niên hip-pi tuổi mới lớn, tóc phủ kín gáy, đang nhún nhầy quay cuồng giữa phòng. Không phải. Một viên tư sản gầy đét như mắm đang huyên thuyên điều gì đó bên cạnh một mụ béo phì, khắp người đầy vàng: hoa tai, dây chuyền, nhẫn, đồng hồ… ba tên sĩ quan dù “anh cả đỏ” ngồi nốc rượu quanh một chiếc bàn gần đó, vẻ phớt đời. Chắc vừa đi đánh trận đâu đó về đây, thành ra những chiếc mũ đỏ không còn vẻ nhâng nháo như mọi ngày. Từ cách tu rượu ừng ực, dáng ngồi cho đến cái nhìn lờ đờ vừa thèm khát, vừa khinh bỉ bọn vũ nữ, và cả ánh mắt ghen tức với hai vợ chồng tư sản giầu sụ (chắc bằng cách áp-phe) ngồi xế đó, tất cả đều toát lên vẻ chán chường, thảm hại. Viên trung tá khẽ nhếch mép, hạ nhẹ chiếc li xuống bàn. Khi rút chiếc khăn mùi xoa thoang thoảng một loại nước hoa ô-đờ-cô-lô-nhơ thấm quanh miệng, chợt viên trung tá khẽ rùng mình, bản năng nghề nghiệp đã thầm mách bảo anh ta rằng: “Nó” kia kìa. Nó là một người đàn ông trung niên, nước da trắng nhợt bệnh hoạn, mái tóc để mai lưỡi rìu rất đúng mốt đang ngồi bên hai chiêu đãi, đùa nghịch (hình như ả chiêu đãi lúc nẫy). Không giảm bớt tốc độ hoạt động của hai bàn tay trắng muốt giẫy nẩy theo điệu nhạc Rốc chát chúa, nó vẫn thỉnh thoảng đánh mắt về phía trung tá. Có vẻ nó rất yên tâm, bởi viên trung tá chưa có biểu hiện gì hay biết về sự có mặt của nó.