Cho xe chạy bứt lên một đoạn, Hồng Giang chợt trông thấy chiếc xe Pơ-giô đỗ gần một đồn cảnh sát. Trời ơi! Tại sao ở đâu anh cũng thấy bóng dáng của ả đại úy thiên nga. Chột dạ, anh cho xe chạy chậm lại. Phải chăng Hoài Phương đã phát hiện ra hành động của anh và đang báo cho cảnh sát? Không phải. Ả vẫn đang gục mặt xuống vành tay lái, lọt thỏm trong chiếc xe sang trọng. Ả cố ý tránh mặt đây. Thây kệ. Sẽ xử trí sau. Hồng Giang ấn mạnh chân ga, làm gã mặt trắng không chú ý bị xô mạnh người ra phía trước, đập đầu vào khung kính chắn gió. Đưa nó ra một quãng nào đấy, cho một nhát rồi quẳng xuống sông, thế là hết chuyện. Đang tính toán như vậy, Hồng Giang phát hiện ra có một chiếc Honđa theo riết đằng sau. Một tên cảnh sát gò lưng trên đó, mắt chăm chú nhìn chiếc xe của anh. Hừ, lại còn cái đuôi này nữa. Phải cắt ngay thôi. Anh cho xe chạy ở tốc độ cao nhất. Qua kính chiếu hậu, anh biết chiếc xe kia cũng rú ga bám theo. Đang phóng nhanh, anh đạp phanh, quặt mạnh tay lái rẽ vào một đường nhỏ, rồi lại phóng tiếp. Chỉ một lát, Hồng Giang lại thấy chiếc Honđa kia bám đằng sau. Qua ba lần cắt không được, anh buộc phải đi đến một quyết định. Vẫn giữ chắc tay lái, anh liếc sang gã mặt trắng. Gã vẫn khom khom ngồi đấy, mặt đờ đẫn. Đấy, thằng bạn năm xưa đấy, thằng đã từng ngồi chung một lớp với anh ở trường Bưởi đấy. Sau khi đi làm nhiệm vụ của mình, anh không biết gì về thằng đó nữa. Chỉ loáng thoáng nghe sau này nó cũng vào phục vụ trong quân đội…Đúng là phải đưa vào lửa, phải đứng bên cái chết mới biết đâu là vàng, đâu là thau…
Anh đạp phanh. Chiếc xe đang đà lao dừng lại đột ngột, bánh xe lết cháy mặt đường nhựa, đuôi xe như bị văng bổng lên khỏi mặt đường. Gã mặt trắng bị hất tung nửa thân trên ra phía trước. Ngay lập tức, Hồng Giang chặt mạnh cạnh bàn tay vào gáy gã. Cả người gã giật mạnh lên một cái rồi nằm im. Trông dáng gục đầu vào tay cầm, người mềm xuống, những người nhìn vào xe chắc nghĩ đó là kẻ say. Không kêu được tiếng nào nữa chứ? Nằm đó mà suy nghĩ về kiếp của tên phản bội. Hồng Giang nghĩ thầm. Anh cho xe rẽ vào một cái hẻm tối và dừng lại. Mặc cho gã mặt trắng đổ vật xuống sàn xe, Hồng Giang nhẩy xuống, rút khẩu Oan-te ra chờ đợi. Thằng Hải cũng nhẩy xuống theo. Nó chăm chú nhìn ra đầu hẻm, nơi chú sĩ quan của nó lăm lăm khẩu súng. Người nó hơi dướn ra phía trước, thẳng căng. Đứng bên cạnh người cao lớn vững trãi kia, nó thấy mình nhỏ bé không tưởng nổi. Nó đứng lên trên tảng gạch đổ của một ngôi nhà nào đó, tay nắm chặt nửa viên gạch mà chính nó cũng không nhớ đã nhặt lúc nào, chờ đợi.
Hồng Giang và chú bé không phải đợi lâu. Tiếng máy nổ nghe rõ dần, rồi chiếc xe của viên cảnh sát dừng ngay tại đầu hẻm. Viên cảnh sát một chân vẫn đạp phanh, một chân chống xuống đất, quay cả người nghiêng ngó có ý tìm tòi. Đứng trong vùng tối thẫm của con hẻm nhìn ra, thằng Hải nghi hoặc: ai như…khi ngồi trên xe, vì chăm chú dí súng vào lưng gã mặt trắng canh chừng, nó không nhìn lại được đằng sau. Vì vậy nó không biết gì cuộc chạy trốn cũng như khi chờ đợi phút quyết định này. Giờ đây, nó đã nhìn rõ viên cảnh sát kia.
Hồng Giang từ từ nâng súng trong khi chiếc Honđa quẹo tay lái vào phía hẻm. Đột ngột, thằng Hải lao đến đẩy mạnh tay súng của anh về phía tường:
– Ấy! Đừng chú…người…người của ta đó mà…
Sợ chú sĩ quan bắn chết chú Tư, nó la to, líu cả lưỡi. Phản ứng theo bản năng, anh dùng tay trái gạt nó ngã sấp xuống mặt đường đá, cả người nép sát vào một bên. Trấn tĩnh lại, anh bảo nhỏ thằng Hải:
– Người của ta hả? Sao không nói? Đi, ra bảo chú ấy tắt đèn đi vào đây.
Nhưng không cần thiết nữa. Người cảnh sát đã dừng xe phía trong con hẻm, đang chậm chạp đi vào. Khi ấy, thằng Hải mới nhớ đến khẩu côn nó mới tước của gã mặt trắng. Đâu rồi nhỉ? Thôi chết! Lúc nhảy xuống xe, vì không quen cầm nó đã quẳng lại ghế sau xe và kiếm một hòn gạch, hòn đá gì đó. Thứ này nó quen dùng hơn. Nó quay lại định vào xe tìm nhưng bỗng bủn rủn chân tay. Gã mặt trắng hồi tỉnh từ lúc nào, đã cầm được khẩu côn nó vứt lại và đang ngắm thẳng vào thân hình to lớn của chú sĩ quan giỏi võ. Vòng tròn thép đầu nòng bắt ánh đèn loe lóe trắng. Mồm nó há hốc, kêu nhưng không thành tiếng. Nó chỉ kịp dồn hết sức lực vào cánh tay, ném mạnh hòn gạch cầm tay thẳng vào cái đốm trắng mờ mờ trong bóng tối Trong khoảng không gian vắng lặng dài và hẹp, tiếng gạch đập vào trán hay sọ gì đó nghe khô khốc. Gần như đồng thời, tiếng súng vang lên, rạch một đường lửa ngần xé rách màn đêm.
Hồng Giang quay ngoắt lại. Chú bé đánh giầy đã gục xuống. Gã kia cũng gập người xuống thành cửa xe, tay phải buông thõng.
***
Theo sự chỉ dẫn của anh Tư chiếc xe Jeep từ từ chui qua cổng lớn một biệt thự hai tầng, đi sâu vào trong, vòng ra sân sau. Hồng Giang tắt máy, mở cửa xe định dìu chú bé vào nhà. Tư đưa tay cản lại và nói nhỏ:
– Anh Hai vô nhà trước nghen. Cầm chắc anh Chín đang ở trong đó. Nhìn qua cánh cổng tui biết.
Thì ra theo quy ước từ trước, khi nào có liên lạc từ R. về thì trên lưới rào kẽm gai đầu cổng sắt lại treo mấy giỏ phong lan tai trâu (nếu có động, địch phục ,thì treo giỏ phi điệp). Khi vào trong, cho là một thói thường của những gia đình có máu mặt bây giờ, Hồng Giang không để ý đến ba giỏ tai trâu đang khẽ đung đưa như mời chào. Đối với Tư, không hiểu sao anh lại cho rằng lần này không phải chỉ là liên lạc bình thường, mà dứt khoát phải là anh Chín. Tình hình biến động thế này, chắc anh ấy không chịu ở cứ đâu.
Quả nhiên, khi vào trong nhà, Hồng Giang đã thấy một người đàn ông có dáng người như một tư sản cỡ trung lưu, đeo kính trắng đang ngồi xem báo. Anh dừng lại nơi ngưỡng cửa, người cứ dướn mãi về phía trước, ngập ngừng nửa muốn chạy lại, nửa sợ nhầm. Đến khi người kia ngẩng lên thì Hồng Giang không kìm được nữa. Anh nhẩy bổ lại, ôm chặt người đó, thốt ra tiếng kêu khe khẽ như được nhân lên từ sâu thẳm tấm lòng:
– Trời ơi, anh Vũ đấy ư?
Tay nắm tay, người bên người mà vẫn chưa dám tin là thật. Hai người im lặng, không nói thêm được tiếng nào nữa. Mười năm trôi qua, bây giờ họ mới lại gặp nhau. Đối với Hồng Giang, đây là lần đầu tiên anh gặp trực tiếp cấp trên của Cục tình báo. Đây là Đảng, đây là miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đây là Hà nội, đây là tất cả những thân thiết nhất của anh. Anh linh cảm rằng, anh Vũ vào mang nhiều tin mới cũng như chỉ thị mới. Thế mà không hiểu vì đâu anh lại hỏi một câu, sau này cứ buồn cười mãi:
– Hà nội bây giờ còn nhiều hoa sữa không anh?
– Nhiều chứ. Càng nhiều hơn trước là đằng khác. Nói riêng cho cậu biết, cách đây một tuần, mình còn đi dạo trên vườn hoa Thống Nhất đấy nhé – Chừng như nhớ ra Hồng Giang ở trong này quá lâu rồi, anh giải thích – Khu hồ Bẩy mẫu cũ cạnh Kim liên ấy mà. Đẹp lắm…
Anh Vũ nói rất nhiều, nhưng Hồng Giang chỉ nghe đến đó. Tai anh ù đi vì xúc động. Anh nghe bằng tai, bằng mắt, bằng hơi thở, bằng cả trí tưởng tượng của nỗi nhớ mười mấy năm chưa một lần trở lại Thủ đô. Háo hức như một đứa trẻ nhỏ, anh quên hết mọi việc xảy ra. Chỉ nghe cồn cào một nỗi nhớ. Hương hoa sữa trên đường Ha–Le (Halais) và phố Ri-ki-ê (Riquier) – anh chưa biết đã đổi tên thành phố Nguyễn Du. Ráng đỏ như lửa trên mặt hồ Tây buổi chiều tà. Và khung cửa sổ đã sứt mẻ vì những lưỡi dao của bọn học trò, nơi từ đó anh nhìn qua những quả soan khô chiếu thẳng tới đường Cổ ngư, mơ mộng sau một tiết học… Nghe nói gần ngôi trường cũ của anh, có một ngôi nhà nhỏ. Tại đây, Bác Hồ của anh đang ở. Trong những trận chiến đấu căng thẳng một mất một còn này, nếu có bị sao thì anh chỉ ân hận một điều. Ấy là chưa một lần được gặp Người, được kính thăm sức khỏe của Người. Vì hoàn cảnh hoạt động, lâu lắm rồi, anh không được ngắm ảnh Bác. Anh không có một tấm nào mang theo bên mình. Giá có một tấm…không, giá được ngắm ảnh Bác một chút thôi, chỉ một chút thôi…
Vũ lặng yên ngắm thái dương Hồng Giang. Trong mái tóc chải mượt và bóng lộn vì sáp ấy, anh thoáng thấy hai ba sợi tóc bạc. Căng thẳng quá mà. Một năm sống trong lòng địch, chỉ sống không thôi với tấm lòng nguyên vẹn cũng dài bằng mười năm sống trong vùng tự do. Huống chi cậu ấy không phải chỉ sống, mà còn chiến đấu. Cả một tuổi trẻ tươi đẹp nhất, cậu ấy đã giành cho nhiệm vụ không tên, không một lần nêu danh trên đài trên báo. Ngắm mãi mấy sợi tóc bạc và nếp nhăn tuổi tác trên đuôi mắt của bạn, anh chợt nảy ra một mơ ước. Sau này, khi Tổ quốc đã thống nhất, cuộc chiến đấu của các anh đã được phép nói rộng ra, anh sẽ cố học làm nhà văn. Phải làm nhà văn để viết về những công việc, những con người như thế này. Phải để những đứa trẻ lớn lên chỉ biết chiến tranh và tội ác qua những trang sách giáo khoa văn- sử hiểu được cha ông chúng nó đã sống và chiến đấu như thế đấy. Để chúng nó biết yêu sâu sắc. Để chúng biết làm những người lính dũng cảm…
Hồng Giang chợt nhớ ra công việc đang chờ đợi. Anh mỉm cười thật tươi, cố giấu đi hai giọt nước mắt còn đọng ở khóe mắt đang to dần. Anh lúng túng, và thay cho chùi nước mắt, anh lại nhún vai. Cả hai người cùng cười phá lên vì cử chỉ ấy. Hồng Giang bắt đầu báo cáo. Sau khi nghe tất cả xong, Vũ hỏi:
– Có chắc chắn đêm nay lấy được Viôlét không?
– Tôi xin hứa! – Hồng Giang trả lời chắc nịch.
– Còn tên phản bội, cậu cứ để nó đấy cho tôi. Bạn học cũ phải không. Nó nguyên là một cán bộ quân báo khu 7 bị mất chất. Trung ương chỉ lo nó phát hiện ra cậu. Thôi thế cũng xong. Còn việc chúng điều cậu đi, trung ương đã biết. Chị Sáu về thay cậu đã gặp chưa?
– Chưa.
– Lạ nhỉ. Theo báo cáo thì đồng chí ấy đã về Sài gòn rồi cơ mà. Cậu còn nhớ mật khẩu phương án hai “Gió đổi chiều” đấy chứ?
– Vâng… “Mùa này Viôlét nở rộ trên những đồng cỏ…”
– Nếu không gặp được, cậu cứ đi nhé. À, mà suýt nữa quên. Thay mặt trung ương, tôi xin trao cho đại úy Hồng Giang sĩ quan Cục tình báo Quân đội nhân dân Việt Nam huân chương chiến công hạng nhất vì thành tích lấy được bí mật kế hoạch Rồng lửa- Vũ đứng thẳng người nghiêm trang nói.
– Vì nhân dân phục vụ! – Hồng Giang đứng nghiêm, ưỡn ngực nói nhỏ nhưng dõng dạc. Giọng anh run run vì xúc động.
– Thứ hai, xét những thành tích phục vụ, chiểu theo điều lệnh cán bộ của Quân đội nhân dân Việt Nam, xét yêu cầu công tác mới, nay quyết định trao quân hàm thiếu tá cho sĩ quan tình báo Hồng Giang, – Vũ nói chậm rãi, đúng nhịp điệu, như thể anh đang đọc quyết định trước một đạo quân lớn. Nói xong, anh lặng lẽ rút trong túi ngực, nơi cồm cồm hình một khẩu súng ngắn, lấy ra một tấm ảnh Bác, khổ nhỏ thường thấy ở trang đầu quyển lịch miền Bắc.