Sau bữa tiệc – Yukio Mishima

Chương 2
Câu lạc bộ Kagen

Kazu được một nhân viên trong Nội các cho hay Câu lạc bộ Kazen muốn mượn địa điểm nhà hàng của nàng để làm nơi nhóm họp thường niên. Câu lạc bộ Kagen là một thứ tương tự như Hội ái hữu gồm những vị cựu Đại sứ. Họ cảm thấy cô đơn và tổ chức gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày mùng bảy tháng mười một. Họ không tìm ra địa điểm để nhóm họp lần này và một nhân viên trong Nội Các thương tình họ nên đã bắn lời với Kazu. Ông ta nói:

“Họ là những nhà quý phái nay đã lui khỏi chánh trường. Nhưng trong số đó có một người vẫn còn hoạt động hăng hái, chưa chịu nghỉ. Tôi chắc chị đã nghe nói tới ông ta, đó là ông già Noguchi. Nhà chánh trị nổi tiếng Noguchi đã từng tham chánh nhiều lần trước chiến tranh. Cách đây mấy năm, ông ta đã đắc cử vào Quốc Hội trong liên danh của Đảng Cấp Tiến, nhưng lần tái cử sau đó thì ông ta bị đánh bại.”

Kazu đã được nghe nói về chương trình hoạt động của Câu lạc bộ Kagen trong bữa tiệc tổ chức ở ngoài vườn do một vị bộ trưởng khoản đãi. Vì phải bận tiếp khách nên nàng không nghe được nhiều. Khu vườn hôm đó đã bị xâm chiếm bởi một nhóm người ngoại quốc gồm cả đàn ông lẫn đàn bà. Họ ào tới như một đàn chim, không phải những con chim bé nhỏ dễ thương như mọi khi, nhưng đây là một đàn chim đông đảo, con nào con nấy đều to khổng lồ và có những bộ lông sặc sỡ đủ mọi màu sắc. Đàn chim đó đã sà xuống Setsugoan.

Gần tới ngày mồng bảy tháng mười một, Kazu bắt đầu chuẩn bị chương trình tiếp đón các khách quý thuộc Câu lạc bộ Kagen. Điều quan trọng nhất trong việc đón tiếp những người khách loại này là phải làm sao bày tỏ được sự tôn kính tối đa đối với họ. Những câu nói pha trò tự nhiên hay cử chỉ thông thường, từng làm vui lòng những chánh khách đang nắm quyền hành trong tay, có thể trở nên thất kính đối với niềm tự hào kiêu hãnh của những nhân vật từng nổi danh một thời, nhưng hiện nay đã lui về nghỉ ngơi. Nhiệm vụ chánh của nàng trong việc thù tiếp những ông khách già này là chăm chú ngồi nghe họ nói, và cuối cùng vỗ về họ bằng vài câu nhỏ nhẹ, làm sao cho họ có cảm tưởng rằng sự nổi danh một thời xưa kia, giờ đây lại rực sáng trở lại nơi đây. sau:

Thực đơn của nhà hàng Setsugoan trong bữa tiệc chiều hôm đó như

MÓN CANH
Miso trắng nấu nấm rơm, đậu xanh đãi vỏ

GỎI CÁ
Cá xắt lát mỏng chấm sốt chua ngọt

CÙ LAO
Lẩu cá thập cẩm, nước chấm chua ngọt, ớt ngọt

MÓN CHÁNH
Vịt tìm măng, mì thánh MÓN ĐẶC BIỆT Tôm hấp rượu

CÁ NẤU
Cá chép nấu canh chua

RAU TRỘN
Rau diếp, ngó sen dầu dấm

Dịp này, Kazu bận một chiếc kimono màu tím nhạt với thắt lưng có hình bông cúc, và cài một cánh hoa nhỏ bằng bạc giữa có gắn viên ngọc đen ở ve áo. Món đồ trang sức khiến cho nàng hình như cao thêm lên, uy tín hơn và khiến nhiều người phải chú ý.

Buổi chiều trời thật đẹp và ấm áp. Vào lúc sẩm tối, hai người khách tới trước nhất là ông cựu Tổng trưởng Ngoại giao Yuken Noguchi cùng đi với ông cựu Đại Sứ Nhật tại Đức Hisatomo Tamaki. Noguchi trông có vẻ hơi ốm và không được chải chuốt lắm, khi đi sánh vai với thân hình đồ sộ, bóng bảy của Tamaki. Nhưng cặp mắt ông sáng quắc dưới mái tóc bạc. Chạm phải ánh mắt đó, Kazu hiểu ngay được tại sao ông là người chưa chịu ngồi yên một chỗ.

Bữa tiệc diễn ra vui vẻ thân mật. Nhưng mọi chuyện đều có tánh cách nhắc lại dĩ vãng. Người nói nhiều nhất là Tamaki. Bàn tiệc dọn trong phòng tiếp tân ở nhà khách. Tamaki ngồi tựa người vào cây cột lớn, ở giữa chiếc cửa sổ hình quả chuông và chiếc cửa lùa trang trí tỉ mỉ, với bức họa một đôi công màu sặc sỡ đứng giữa những bông hoa trắng. Phía trong là bức họa phong cảnh vẽ bằng một màu dịu gợi cho người xem sự tò mò phảng phất vẻ quý phái xa xôi của một tỉnh lỵ nào đó.

Tamaki mặc áo dạ hội may ở London; trong chiếc túi nhỏ khoảng ngang thắt lưng có bỏ chiếc đồng hồ quả quýt với sợi dây xích bằng vàng của Kaiser Wilhelm II tặng cho thân phụ ông, cũng là một Đại Sứ tại Đức. Ngay cả dưới thời Hitler, Tamaki cũng luôn luôn mang chiếc đồng hồ này và được coi là một dấu hiệu của riêng ông.

Tamaki là một người tướng mạo phương phi, ăn nói hoạt bát, có những cử chỉ biểu lộ dòng dõi quý phái, và từng tự hào mình là người hiểu biết sự thể ở đời hơn ai hết. Tuy vậy, lúc này ông ta có vẻ lơ là đối với những sự thể xảy ra xung quanh vì còn mải mê đưa tâm trí trở về dĩ vãng với những cuộc tiếp tân có hàng năm sáu trăm hay một ngàn thực khách, với những chùm đèn hàng trăm ngọn sáng như ban ngày.

“Tôi nhớ lại một chuyện xảy ra thiệt là hay. Chuyện này mỗi lần nhắc đến tôi vẫn còn thấy ớn xương sống.” Câu nói mở đầu của Tamaki tự mình khen mình khiến người dù thích nghe kể chuyện tới mấy cũng cảm thấy chán nản. “Hồi đó trong suốt thời gian làm Đại Sứ, tôi chưa bao giờ đi xe điện ngầm ở Berlin, vì thế một hôm ông lãnh sự sứ quán, tên ông ta là Matsuyama, kéo tôi đi một lần cho biết. Chúng tôi đi lên trên một chuyến xe có hai toa, không, hình như ba toa thì phải, tính từ dưới lên phía đầu máy. Lúc chúng tôi lên, trên xe đã khá đông. Tôi chợt ngẩng đầu nhìn xem ai đang đứng trước mình, và tôi giật mình khi thấy người đó chính là Goering!”

Tamaki ngừng kể, đưa mắt quan sát phản ứng của mọi người, nhưng hình như ai cũng đã được nghe câu chuyện này hàng chục lần rồi, nên tất cả vẫn ngồi bình thản. Kazu tán thưởng một cách lơ là. “Lúc đó ông ta là nhân vật quan trọng lắm. Quý vị không ngạc nhiên khi thấy ông ta đi xe điện ngầm sao?”

“Đúng là Goering, con người đầy quyền hành lúc đó. Ông ta mặc đồ thông thường của thợ thuyền, tay quàng qua vai một thiếu nữ trẻ đẹp, lặng lẽ đứng trong xe. Tôi dụi mắt, sợ rằng mình có thể trông lầm, nhưng càng nhìn lại càng thấy đúng là Goering. Không thể nào lầm được, bởi vì địa vị của tôi lúc đó thì thường phải gặp ông ta hầu như mỗi ngày trong các cuộc tiếp dân. Tôi nhìn chăm chú, nhưng ông ta vẫn đứng bất động như một con dơi bị quáng mắt. Thiếu nữ kia thì nhất định phải là loại gái chơi bời, nhưng tiếc là tôi không rành về lãnh vực này lắm nên không dám chắc.”

Sau khi nói một câu tán thưởng, Kazu thêm: “Tại Ngài không chịu tìm hiểu đấy chứ.”

“Trông cô gái thiệt là quyến rũ, nhưng có những dấu hiệu khả nghi, như má đánh phấn không được đều và nhất là son môi. Goering, như quý vị biết, không nhiệt thành lắm với gốc gác lao động của ông ta, đang sờ tai và vuốt lưng cô gái. Tôi nhìn Matsuyama và thấy hai mắt anh ta tròn xoe như muốn lòi ra khỏi đầu. Qua hai trạm nữa thì Goering và cô gái xuống xe. Tôi với Matsuyama vẫn còn thẫn thờ ngồi lại trên tàu. Suốt ngày hôm đó, đầu óc tôi lúc nào cũng bị Georing và cô gái trên xe điện ám ảnh. Chiều hôm sau Goering mở cuộc tiếp tân. Matsuyama và tôi tới dự, nhân dịp này đi lại gần sát ông ta để quan sát cẩn thận. Không còn nghi ngờ gì nữa. Đích thị ông ta chính là người đứng trên xe điện hôm trước.

“Tôi không dằn nổi tánh tò mò nữa. Quên luôn rằng mình đang ở địa vị một Sứ Thần, và khi nhớ ra thì tôi đã lỡ hỏi Goering: “Hôm qua chúng tôi có đi thử xe điện ngầm để có dịp tìm hiểu đời sống hàng ngày của dân chúng. Chúng tôi nhận thấy đó thực là một kinh nghiệm quý báu. Không biết Ngài có bao giờ làm vậy hay không?”

“Nghe xong, Goering cười lớn, nhưng ông ta chỉ trả lời một cách mơ hồ: “Lúc nào chúng tôi cũng ở chung với nhân dân và là một thành phần của nhân dân, vì vậy tôi thấy không cần phải đi xe điện ngầm.” Tamaki kể lại nguyên văn câu trả lời của Goering bằng tiếng Đức, sau đó mới dịch ra tiếng Nhật.

Mặc dầu có vẻ nghiêm trang bề ngoài, nhưng những ông cựu Đại sứ này không có gì chứng tỏ họ là những người làm nghề ngoại giao cả. Họ không mảy may tỏ vẻ chú ý tới những lời nói của người khác. Cựu Đại Sứ tại Tây Ban Nha có vẻ sốt ruột chờ cho Tamaki kể xong câu chuyện để bắt đầu nói câu chuyện của ông, tả lại thời gian ông ta sống ở Cộng Hoà Dominico với tư cách một Đại Sứ tại thủ đô xinh đẹp Santo Domingo. Nào là cuộc đi bộ dọc theo bờ biển dưới bóng dừa, nào là cảnh hoàng hôn với mặt trời đỏ rực trên mặt biển Caribbean, và những cô gái với nước da óng ánh dưới bóng chiều tà… Ông già có vẻ đã ru mình vào trong những cảnh mà ông đang cố gắng mô tả lại. Nhưng với tài hùng biện, Đại Sức Tamaki nói chèn vào và lái đề tài sang câu chuyện ông gặp cô đào chiều bóng Marlene Dietrich, lúc nàng còn trẻ. Đối với Tamaki, nói chuyện về những người đẹp vô danh không có gì thú vị cả. Theo ông, chỉ có chuyện về những người đàn bà nổi tiếng trên thế giới mới xứng đáng làm đề tài cho câu chuyện. Kazu cảm thấy khó chịu, vì trong câu chuyện của họ cứ chêm vào những tiếng ngoại ngữ, và nàng càng cảm thấy bực mình khi họ bắt đầu dùng ngoại ngữ để tán dóc những chuyện tục tĩu. Đã lâu nay khách khứa trong giới ngoại giao không tới nhà hàng, nên hôm nay Kazu tự nhiên thấy bị lôi cuốn vào với những người khách này. Dù sao thì họ cũng là “những nhà quý phái thanh lịch hồi hưu” và mặc dầu bây giờ họ có nghèo chăng nữa, nhưng xưa kia những bàn tay này đã từng biết đến mọi thứ xa xỉ trên đời. Buồn thay khi nhớ tới những ngày huy hoàng đó, lớp bụi vàng son dĩ vãng hình như đã dính chặt mãi mãi vào mười đầu ngón tay của họ.

Nhưng trong số đó chỉ có Yuken Noguchi là khác biệt hẳn. Vẻ mặt ông ta vẫn còn hiện rõ những nét cương nghị của một người đàn ông, và sự tinh anh hầu như không bao giờ mất được. Chỉ thoáng nhìn cung cách, người ta cũng thấy ngay ông là người không hay chú trọng tới vấn đề tình cảm cũng như cách ăn mặc chải chuốt. Cặp lông mày đậm nằm trên đôi mắt sắc và sáng, lúc nào cũng hình như đề cao cảnh giác. Thân mình dong dỏng cao của ông khiến người ta phải chú ý, và hình như có một cái gì không được cân đối. Noguchi thỉnh thoảng cũng mỉm cười, nhưng hình như ông không bị lôi cuốn vào câu chuyện của mọi người, điều này chứng tỏ ông là con người lúc nào cũng giữ một thế thủ kín đáo. Có một điều Kazu không thể không chú ý tới, đó là chiếc cổ áo sơ mi đã sờn, cũ kỹ, đeo lỏng lẻo ở đằng sau gáy.

Tác giả: