Sau bữa tiệc – Yukio Mishima

Lời người dịch

Từ thế kỷ 15, nước Nhật có một loại nghệ thuật sân khấu giống tương tự như hát bội ở Việt Nam. Những đề tài được bộ môn này đưa lên diễn tả trên sân khấu phần nhiều bắt nguồn từ những chuyện cổ tích Nhật.

Nghệ thuật sân khấu này tiếng Nhật gọi là Noh.

Sau đây là quang cảnh của một sân khấu hát Noh.

Những nhân vật chánh đeo mặt nạ, mặc quần áo đặc biệt tượng trưng cho những vai liên hệ tới đề tài diễn tả. Một ban hợp ca đề xướng lên những bài hát được dùng làm âm thanh phụ hoạ cho những lời nói của nhân vật chánh. Ngoài ra còn có tiếng sáo và tiếng trống đệm.

Sau đây là thí dụ về tuồng tích của một tuồng Noh.

Chuyện cổ tích có kể rằng: ngày xưa có một chàng trai thuộc dòng dõi nho phong, thanh lịch. Anh ta yêu một thiếu nữ và nàng đặt điều kiện là anh ta phải tới hầu hạ tại nhà nàng trong chín mươi chín đêm liền, để rồi tới đêm thứ 100 thì nàng sẽ ban tình yêu cho. Anh ta đã kiên nhẫn tới nhà nàng liên tiếp trong 99 đêm liền để rồi sau đó lại ra về không. Tới đêm thứ

100, khi sắp sửa tới lúc được quyền yêu nàng, thì anh ta lại chỉ tới để tự tìm cái chết ngay trước mặt nàng. Tên người con trai đó là Fuka-kusa-no- Shosho và người con gái: Kayoi Komachi.

Trên đây là đoạn chuyện cổ tích, và tuồng Noh chỉ bắt đầu diễn tả từ khúc nối tiếp vào câu chuyện đó như sau:

Khi màn kéo lên, trên sân khấu khán giả thấy một bóng ma đàn bà mặc quần áo đỏ, có hoa sặc sỡ tượng trưng cho gia đình giàu có, đang thơ thẩn hái những hạt đậu. bóng ma đeo mặt nạ đó chính là hồn của Komachi hiện lên. Tiếng sáo và trống dạo đầu rồi ban hợp ca đồng xướng lên những câu hát: “Hỡi nàng con gái kia, nhặt những hạt đậu gì vậy?…”

Sau đó xuất hiện một nhà sư đi qua, nhìn thấy biết nàng là hồn ma hiện về, nên đến hỏi han. Nàng liền thú thật mọi chuyện tiền oan, nghiệp chướng đã lỡ gây ra nên bây giờ mặc dầu chết rồi hồn vẫn còn lẩn quẩn với mối tình chốn dương gian.

Nghe xong, nhà sư liền niệm Phật, tụng kinh và dùng triết lý khuyên giải để đưa hồn người đàn bà bất hạnh về Tây Trúc. Nhờ đó, hồn nàng mới siêu thoát được và không còn hiện về nữa.

Mishima rất thích loại tuồng Noh này, tháng nào cũng đi coi một lần. Và từ đó ông rút ra một quan niệm triết lý về cái Đẹp của nghệ thuật như sau: “Đẹp là cái gì tàn bạo, dũng mãnh để đi tới chỗ tự huỷ hoại.

Theo Mishima, loại văn chương mô tả tâm lý quằn quại đau khổ của con người như văn của Shakespeare chỉ là những món ăn tinh thần của giới trưởng giả “bourgeois”. Loại văn chương đó không thể hiện được cái Đẹp tuyệt đối của sự vật. Cái Đẹp âm thầm, cuối cùng, vĩnh cửu chỉ có thể tìm thấy trong sự bạo động và nhất là trong sự chết. Chính cái Đẹp đó đã được thể hiện trong văn thơ của Thomas Mann với cuốn truyện “Death in Venice” (Bản dịch của Nguyễn Tử Lộc, Trẻ xuất bản) hay Edga Allan Poe trong tập thơ “Con Quạ.”

Năm 1970, Mishima có viết một bài nguyên văn bằng Anh ngữ, đăng trong Đặc san “This is Japan” dưới nhan đề Japan Within (Bề trong Nhật Bản) để diễn tả triết lý về cái Đẹp của sự Chết như sau:

“Nếu những sự bành trướng, kỹ nghệ và tân tiến hoá, với một đời sống xô bồ gần như điên dại của đám dân thành thị là “bộ mặt bề ngoài” của nước Nhật thì tôi tự cảm thấy cần phải cương quyết bảo vệ và tái lập nội dung “Nhật Bản bên trong”. Tuồng Noh chính là một tiêu chuẩn để tạo ra sự thanh tịnh của tâm hồn. Chính vẻ Đẹp của sự thanh tịnh đó đã lôi kéo tôi rời bỏ đời sống xô bồ hời hợt của nước Nhật bề ngoài hiện nay. Một cái xô bồ bề ngoài đã huỷ hoại những giá trị bên trong –và thúc đẩy tôi tạo ra một bộ mặt mới khác cho Nhật Bản. Và chính sự Chết đã nằm dưới cái Đẹp đó. Một ngày nào đó rất có thể, tôi sẽ đi theo sức lôi cuốn của vẻ đẹp này để tìm tới cái chết trong sự huỷ hoại, im lặng.”

Bốn năm sau khi viết câu chuyện này, Mishima đã tự tử theo nghi lễ võ sĩ đạo. Ông sống tất cả 48 năm, kể từ lúc mở mắt chào đời tại Tokyo năm 1925.

VÀI ĐIỀU GHI NHẬN VỀ CUỐN TIỂU THUYẾT “SAU BỮA TIỆC”

Đây là một cuốn tiểu thuyết luận đề tương tự như loại tiểu thuyết luận đề Đoạn Tuyệt của Nhất Linh.

Những luận đề được lồng vào Sau Bữa Tiệc là:

Vấn đề đạo đức: Có ba khuôn mặt điển hình, tượng trưng cho 3 quan niệm đạo đức khác nhau:

Noguchi. Tượng trưng cho quan niệm Đạo Đức Bổn phận theo kiểu Đạo Đức của Kant. Phải tuân theo những nguyên tắc tối thượng, bất di bất dịch của Đạo Đức. Đây là những nguyên tắc phổ quát chi phối mọi hoạt động của con người.

Kazu. Đại diện cho quan niệm đạo đức cởi mở, đạo đức sáng tạo của Bergson. Quan niệm đạo đức này cho rằng phải tuỳ hoàn cảnh mà áp dụng những quy luật đạo đức một cách uyển chuyển, luôn sáng tạo ra những lề luật mới, những cách áp dụng mới.

Nagayama. Đại diện cho khuynh hướng đạo đức cá nhân. Câu châm ngôn phát biểu cho quan niệm đạo đức này như ông ta đã nói với Kazu là “Tôi làm việc tôi làm.”

Vấn đề Chánh trị. Ông đưa ra hai loại chánh khách: loại chánh khách lý tưởng (Noguchi) và loại chánh khách theo chủ nghĩa Hiện thực – Realism (Yamazaki). Mishima chứng minh sự thất bại của các chánh khách lý tưởng và ca tụng cái đẹp của những chánh khách theo thuyết Hiện thực với nỗ lực tạo ra những “phép lạ chánh trị” và chấp nhận đường lối ma giáo của đối thủ. Đã lao mình vào chánh trường thì phải chấp nhận sự phản bội, tàn bạo của đối phương. Chấp nhận không phải để đi theo, nhưng để nỗ lực bằng đường lối chân chánh ngõ hầu lật ngược thế cờ.

Điều đó gọi là những phép lạ chánh trị. Những người chủ trương đường lối đó được gọi là theo Hiện thực chủ nghĩa. Chúng ta thấy Hiện thực có nhiều điểm giống với chủ thuyết Machiavelli nhưng hoàn toàn khác hẳn về căn bản.

Vấn đề Gia đình. Tác giả Sau bữa tiệc chủ trương con người cần có một gia đình. Nhưng nếu vợ chồng lấy nhau mà không hợp tánh tình, quan điểm thì nên ly dị. Theo ông nếu không tìm thấy hạnh phúc khi sống chung với nhau thì “chim nào nên trở về tổ nấy”. Như thế là hay hơn cả. Tiếc rằng trong cuốn tiểu thuyết này, vợ chồng Noguchi không có con, nên vấn đề ly dị dễ dàng. Nhưng nếu trong trường hợp có con, không biết tác giả sẽ giải quyết thế nào cho êm đẹp cả.

Trong khi đang dịch cuốn truyện này, một người bạn có bảo tôi: “Tiểu thuyết đã hết thời. Bây giờ người ta có phương tiện đi du lịch rộng rãi, nên không cần đọc truyện. Cuộc sống thực tế có phần còn sôi động, gay cấn hơn tiểu thuyết.”

Khi đọc xong cuốn truyện của Mishima, chúng tôi thấy tiểu thuyết vẫn là thế giới riêng biệt khác hẳn cuộc sống thực tế. Cuộc sống hàng ngày ví như địa hình, địa vật bên ngoài, và tiểu thuyết là tấm hoạ đồ của địa hình, địa vật đó. Nhiều khi nhờ có bản đồ mà ta tìm ra lối đi bên ngoài. Tiểu thuyết vẫn là một phương tiện suy tư và giáo dục, là một công trình căn bản của truyền thông trong lúc hai phạm vi âm thanh và hình ảnh chỉ là những phương tiện phụ thuộc rút ra từ tiểu thuyết.

Không tin, các bạn cứ thử đọc cuốn truyện này xem.

Saigon, ngày 25 tháng 4 năm 1974
Dịch giả

Chương 1
Biệt thự Setsugoan

Biệt thự Tuyết Tan – Setsugoan – nằm trên khu đồi thuộc quận Koishikawa, ở Tokyo. Ngôi biệt thự này đã may mắn thoát khỏi cảnh tàn phá của chiến tranh. Khu vườn rực rỡ tươi tốt bao quanh rộng một trăm dặm vuông trông giống như kiểu vườn Kobori Enshu. Chiếc cổng chánh của biệt thự hình như đã được đưa từ một ngôi đền nào đó từ Kyoto về đây. Còn nhà khách thì rập theo kiểu ngôi đền cổ Nara và một phòng tiệc theo kiến trúc mới.

Trong thời gian lộn xộn do việc trưng thu tài sản sau chiến tranh gây ra, ngôi biệt thự này đã đổi chủ, chuyển từ tay một kỹ nghệ gia theo trà đạo sang tay một người đàn bà xinh đẹp, nhanh nhẹn. Dưới quyền cai quản của nàng, chẳng bao lâu ngôi biệt thự được biến trở thành một nhà hàng độc đáo.

Bà chủ nhà hàng Setsugoan tên là Kazu Fukuzawa. Kazu là một người đàn bà thân hình mũm mĩm với những nét đơn sơ, chất phác đặc biệt hiện ra rõ rệt, khiến những người có nhiều ý tưởng quanh co khi gặp nàng phải cảm thấy xấu hổ vì những mặc cảm đó của họ. Con người của nàng còn tỏa ra một năng lực mạnh mẽ và lòng nhiệt thành hăng hái mãnh liệt, khiến những người đang có tinh thần bạc nhược đứng trước nàng liền cảm thấy phấn khởi và trở nên mạnh mẽ. Tạo hóa hình như đã kết hợp trong con người của nàng lòng quả cảm của người đàn ông và sức hăng hái nhiệt thành của người đàn bà. Sự kết hợp đó khiến bà Kazu trở thành một con người đặc biệt, không người đàn ông nào theo kịp để trở nên xứng đôi vừa lứa với nàng.

Dáng điệu tự nhiên đầy tin tưởng tạo cho nàng một vẻ đơn sơ, xinh đẹp. Ngay từ lúc còn nhỏ, Kazu đã tỏ ra là một con người cứng cỏi, không bao giờ chịu nhượng bộ ai. Nàng thích yêu hơn là được yêu. Vẻ ngây thơ, chất phác bề ngoài che đậy một sự cương quyết đáng sợ ở bên trong, khiến cho nàng luôn luôn hành động theo đường lối riêng của mình, và những người xung quanh nàng chỉ phụ họa theo sự xếp đặt của đường lối đó.

Tác giả: