Tuy nhiên, các cuộc tranh luận lớn của lịch sử vẫn rất quan trọng, bởi ít nhất thế hệ đầu tiên của các vị thần này sẽ được định hình bởi tư tưởng văn hoá của người thiết kế ra họ. Liệu rằng họ sẽ được tạo ra theo hình ảnh của chủ nghĩa tư bản, của Hồi giáo, hay của chủ nghĩa nữ quyền? Câu trả lời cho câu hỏi này có thể đẩy họ đi theo các hướng khác nhau hoàn toàn.
Hầu hết mọi người không muốn nghĩ về nó. Ngay cả lĩnh vực đạo đức sinh học cũng chỉ muốn giải quyết một câu hỏi khác: “Điều này bị cấm để làm gì?” Có thể chấp nhận được khi làm thí nghiệm di truyền trên con người đang sống? Trên bào thai bị phá hủy? Trên tế bào gốc? Liệu có hợp đạo đức khi nhân bản cừu vô tính? Còn tinh tinh? Và con người thì sao? Tất cả đều là những câu hỏi quan trọng, nhưng sẽ thật ngây thơ khi tưởng tượng rằng chúng ta đơn giản có thể nhấn phanh và dừng các dự án khoa học đang nâng cấp Homo sapiens thành một dạng sự sống khác. Bởi những dự án này đều gắn bó chặt chẽ, phức tạp với Dự án Gilgamesh. Hãy hỏi các nhà khoa học vì sao họ nghiên cứu về bộ gen, hoặc cố gắng kết nối bộ não với máy tính, hoặc nỗ lực tạo ra trí não bên trong máy tính. Chín trong số mười lần như vậy, bạn sẽ nhận được cùng một câu trả lời khuôn mẫu rằng: chúng tôi làm điều này để chữa bệnh và cứu sống con người. Kể cả có những tác động của việc tạo ra trí não bên trong máy tính mang kịch tính hơn rất nhiều so với việc chữa bệnh tâm thần, nhưng đây là lý do khuôn mẫu được đưa ra, bởi không ai có thể tranh cãi về điều đó. Đó là lý do khiến Dự án Gilgamesh vẫn là lá cờ đầu của khoa học. Nó được dùng để biện minh cho mọi thứ khoa học đang làm. Tiến sĩ Frankenstein đứng trên vai của Gilgamesh. Vì không thể ngăn chặn Gilgamesh, nên cũng khống thể ngăn chặn Tiến sĩ Frankenstein.
Điều duy nhất chúng ta có thể cố gắng làm là gây ảnh hưởng đến hướng đi mà các nhà khoa học đang chọn. Do chúng ta cũng có thể sớm thiết kế nên những khát vọng của mình, nên có lẽ câu hỏi chúng ta đang thực sự phải đối mặt không phải là “Chúng ta muốn trở thành gì?” mà là “Chúng ta muốn mình muốn gì?” Những ai nếu không hoảng sợ bởi câu hỏi này, thì có lẽ đã chưa suy nghĩ về nó đủ nhiều.
LOÀI ĐỘNG VẬT ĐÃ TRỞ THÀNH CHÚA TRỜI
70.000 năm trước, Homo sapiens vẫn là một loài động vật tầm thường chỉ chú tâm đến công việc của mình ở một góc châu Phi. Trong thiên niên kỷ tiếp theo, nó tự biến mình thành bá chủ của toàn bộ hành tinh và kẻ khủng bố đối với hệ sinh thái. Giờ đây, nó đang đứng bên ranh giới trở thành một vị thần, sẵn sàng để có được không chỉ sự trẻ mãi không già, mà còn cả những khả năng thần thánh của sự sáng tạo và hủy diệt.
Thật không may, cho đến nay đế chế Sapiens trên Trái đất chỉ tạo ra rất ít thứ khiến chúng ta có thể tự hào. Chúng ta đã làm chủ được môi trường xung quanh, gia tăng sản xuất lương thực, xây dựng các thành phố, thành lập các đế quốc và tạo ra mạng lưới thương mại rộng khắp. Nhưng chúng ta có giảm được nỗi đau khổ trên thế giới? Lịch sử đã cho thấy sự gia tăng ồ ạt trong sức mạnh của con người không hẳn đã nâng cao hạnh phúc của từng Sapiens, và thường gây ra đau khổ to lớn cho các loài động vật khác.
Trong vài thập kỷ qua, chúng ta cuối cùng cũng đạt được một số tiến bộ thực sự trong điều kiện sống của con người, với việc giảm đói nghèo, bệnh dịch và chiến tranh. Song, tình hình của các động vật khác đang xấu đi nhanh chóng hơn bao giờ hết, và sự tiến bộ của phần lớn nhân loại lại quá mới mẻ và mong manh để có thể chắc chắn về điều gì.
Hơn nữa, bất kể những điều đáng ngạc nhiên mà con người có khả năng làm được, chúng ta vẫn không chắc về các mục tiêu của mình và dường như chúng ta đang bất mãn hơn bao giờ hết. Chúng ta đã tiến lên từ những chiếc xuồng đi sông, đến thuyền có mái chèo, đến tàu hơi nước, đến tàu con thoi – nhưng không ai biết chúng ta sẽ đi tới đâu. Chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhưng gần như không biết làm gì với tất cả sức mạnh đó. Tệ hơn nữa, con người dường như vô trách nhiệm hơn bao giờ hết. Chúng ta chỉ làm bạn với những vị thần tự tạo ra và các định luật vật lý, mà chẳng đếm xỉa đến điều gì khác. Hậu quả là chúng ta đang gây nên sự hủy hoại thảm khốc cho các loài động vật anh em và hệ sinh thái xung quanh, khi tìm kiếm thêm chút thoải mái và vui sướng hơn cho riêng mình, nhưng chẳng bao giờ tìm thấy sự hài lòng.
Liệu có điều gì nguy hiểm hơn những vị thần bất mãn và vô trách nhiệm, họ không biết mình thực sự muốn gì?
* * *
[1] Nguyên văn: fertile, có khả năng sinh sản. (BT)
[2] Cụm từ gốc “Banana Republic”: Thuật ngữ khoa học chính trị chỉ một quốc gia có nền chính trị bất ổn, kinh tế lệ thuộc vào bên ngoài. Khái niệm này được đặt ra lần đầu năm 1904 trong tác phẩm của nhà văn Mỹ O’ Henry (theo Tạp chí Economist).
[3] Từ trang này trở đi, khi nói đến ngôn ngữ Sapiens, tôi hàm ý về khả năng ngôn ngữ sơ khai của các loài người chứ không phải về phương ngữ cụ thể. Tiếng Anh, tiếng Hindi và tiếng Hán là những sự đa dạng trong ngôn ngữ Sapiens. Hiển nhiên, kể cả trong giai đoạn Cách mạng Nhận thức, các nhóm Sapiens khác biệt vẫn có những phương ngữ khác nhau. (TG)
[4] Chỉ các hạt cấu thành nên nguyên tử, cùng các hạt được giải phóng trong những phản ứng hạt nhân hay phản ứng phân rã. (BT)
[5] “Chân trời của các khả năng” nghĩa là toàn bộ hệ thống niềm tin, thực hành và trải nghiệm, được mở ra trước một xã hội cụ thể, với các giới hạn sinh thái, công nghệ và văn hoá nhất định. Mỗi xã hội và mỗi cá nhân thường khai thác chỉ một phần nhỏ trong chần trời của các khả năng của họ. (TG)
[6] Vẫn còn tranh luận về chuyện không phải tất cả 18 bộ xương Danube cổ đại đều chết vì bạo lực, căn cứ những dấu vết để lại trên đó. Một số chỉ bị thương. Tuy nhiên, đây có thể là những cái chết do chấn thương phần mềm, ngang bằng với cái chết do chiến tranh. (TG)
[7] Nguyên văn: tree-huggers, thuật ngữ chỉ những người hoạt động vì môi trường. (BT)
[8] Nền văn minh định cư phát triển ở khu vực hiện thuộc Israel, Jordan, Lebanon và Syria. (BT)
[9] Faust là tác phẩm của Goethe (Đức), có nhân vật chính cùng tên, người đã kỷ hợp đồng bán rẻ linh hồn cho quỷ để thỏa mãn khát vọng. (BT)
[10] Nội dung một bài hát đồng dao của Mỹ. (BT)
[11] Còn gọi là trường phái khắc kỷ. (BT)
[12] Thậm chí sau khi tiếng Akkad trở thành ngôn ngữ nói, tiếng Sumer vẫn giữ vai trò là ngôn ngữ hành chính và chữ viết. Một số bộ lạc vẫn sử dụng tiếng Sumer. (TG).
[13] Kiểu hành hình phân biệt chủng tộc dành cho người da đen, không cần xét xử. (BT)
[14] Thuế thập phân: một phần mười sản phẩm hằng năm của một trang trại, được dùng để trả thuế ủng hộ giáo sĩ và nhà thờ. (BT)
[15] Một điển tích Kinh Thánh. (BT)
[16] Nguyên văn: memetics, là cách gọi của R. Dawkins để chỉ một đơn vị thông tin truyền trong óc trong quá trình truyền văn hoá giữa các thế hệ. (BT)
[17] Cộng đồng gắn bó là một nhóm người biết rõ nhau và dựa vào nhau để sống. (BT)
[18] Nghịch lý là, dù các nghiên cứu tâm lý về chủ quan dựa trên khả năng của con người, thì để chẩn đoán hạnh phúc của họ một cách chính xác, lý do chủ yêu của việc trị liệu tâm lý là mọi người không thực sự tự biết mình, và đôi khi họ cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp để tự giải phóng các hành vi tự hủy hoại. (TG)
[19] Nguyên văn: locked-in syndrome. (ND)