Theo Phật giáo, hầu hết mọi người xác định hạnh phúc với những cảm giác dễ chịu, trong khi xác định đau khổ với cảm giác khó chịu. Do đó, con người dần gắn tầm quan trọng to lớn cho những gì họ cảm thấy, thèm muốn được trải nghiệm nhiều và nhiều hơn nữa những thú vui, trong khi trốn tránh đau khổ. Bất cứ điều gì chúng ta làm trong đời mình, như gãi chân, hơi thấp thỏm trên ghế, hoặc chiến đấu trong các cuộc chiến tranh thế giới, chúng ta đều đang cố gắng để có được cảm giác dễ chịu.
Theo Phật giáo, vấn đề ở đây là cảm xúc của chúng ta không khác gì những rung động thoáng qua, thay đổi từng giây phút, như những con sóng đại dương. Nếu năm phút trước, tôi cảm thấy vui vẻ và có mục đích, thì bây giờ khi những cảm xúc đã qua đi, tôi có thể cảm thấy buồn và chán nản. Vì vậy, nếu tôi muốn trải nghiệm cảm giác dễ chịu, tỏi phải liên tục theo đuổi nó, trong khi đuổi đi những cảm giác khó chịu. Ngay cả nếu tôi thành công, thì tôi ngay lập tức phải bắt đầu tất cả lại từ đầu, mà không nhận được bất kỳ phần thưởng lâu dài nào cho những rắc rối của tôi.
Có gì quan trọng mà phải theo đuổi những phần thưởng phù du như vậy? Tại sao phải đấu tranh vất vả để đạt được một cái gì đó biến mất gần như ngay khi nó xuất hiện? Theo Phật giáo, gốc rễ của đau khổ không phải là cảm giác đau đớn, không phải là nỗi buồn, cũng không phải do không tìm được ý nghĩa. Thay vào đó, cái gốc thực sự của đau khổ là sự theo đuổi những cảm giác nhất thời không bao giờ kết thúc và vô nghĩa, làm cho chúng ta ở trong một trạng thái liên tục căng thẳng, bồn chồn và bất mãn. Chính bởi cuộc đuổi bắt này, tâm trí sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Ngay cả khi trải qua niềm vui, nó cũng không cảm thấy mãn nguyện, vì nó sợ cảm giác này có thể sớm tan biến, và khao khát rằng cảm giác này mãi ở lại và còn được nhân lên.
Những người được giải thoát khỏi đau khổ không phải khi họ trải nghiệm niềm vui thoáng qua này hay kia, mà là khi họ hiểu được bản chất vô thường của mọi cảm xúc, và ngừng thèm khát chúng. Đây là mục tiêu của những bài thực hành thiền định trong Phật giáo. Trong thiền định, bạn cần phải quán chiếu thật kĩ tâm trí và cơ thể, chứng kiến sự sinh diệt không ngừng của mọi cảm giác, và nhận ra việc theo đuổi chúng vô nghĩa đến mức nào. Khi bạn dưng theo đuổi, tâm trí trở nên rất thoải mái, rõ ràng và hài lòng. Mọi cảm giác cứ sinh rồi diệt – niềm vui, giận dữ, buồn chán, ham muốn – nhưng một khi bạn ngừng khao khát những cảm giác này, bạn có thể chấp nhận chúng như chúng vốn là. Bạn sống trong giây phút hiện tại thay vì mơ mộng về những gì có thể có được.
Sự thanh thản đạt được sâu sắc đến mức những người dành cả cuộc đời theo đuổi điên cuồng những cảm giác dễ chịu khó có thể tưởng tượng ra. Nó giống như một người đàn ông đứng bên bờ biển trong nhiều thập kỷ, ôm ấp những con sóng “tốt” và cố gắng giữ chúng không bị tan biến, trong khi đồng thời đẩy lùi sóng “xấu”, ngăn cản chúng tới gần. Ngày này qua ngày khác, người đàn ông đứng trên bãi biển, tự làm mình phát điên vì hành động vô nghĩa này. Cuối cùng, anh ta ngồi trên bãi cát và cứ để cho những con sóng đến và đi như chúng thích. Thật yên bình làm sao!
Ý tưởng này xa lạ với văn hoá tự do hiện đại tới mức, khi phong trào Thời đại Mới ở Tây phương bắt gặp những hiểu biết của thế giới Phật giáo, họ diễn giải chúng thành các thuật ngữ tự do, do đó làm lẫn lộn mọi khái niệm. Những nhóm Thời đại Mới thường lập luận rằng: “Hạnh phúc không phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài. Nó chỉ phụ thuộc vào những gì chúng ta cảm thấy bên trong. Mọi người nên ngừng theo đuổi những thành tựu bên ngoài như sự giàu có và địa vị, và kết nối với cảm xúc bên trong của mình”. Hoặc ngắn gọn hơn: “Hạnh phúc bắt đầu từ bên trong”. Đây chính xác là những gì các nhà sinh học luôn tâm niệm, nhưng ít nhiều đối lập với những gì Phật đã nói.
Phật đồng ý với sinh học hiện đại và các phong trào Thời đại Mới rằng hạnh phúc độc lập với các điều kiện bên ngoài. Tuy nhiên, cái nhìn sâu sắc, quan trọng hơn là hạnh phúc thật sự cũng độc lập với những cảm giác bên trong của chúng ta. Thật vậy, chúng ta càng gắn nhiều ý nghĩa cho các cảm giác của mình, chúng ta càng khao khát chúng và chúng ta lại càng đau khổ. Lời khuyên của Phật là không chỉ ngừng theo đuổi những thành tựu bên ngoài, mà còn ngừng theo đuổi những cảm giác nội tâm.
Tóm lại, những câu hỏi về hạnh phúc chủ quan xác định hạnh phúc bằng cảm xúc chủ quan của chúng ta, và xác định việc theo đuổi hạnh phúc bằng sự theo đuổi trạng thái cảm xúc đặc biệt. Ngược lại, đối với nhiều triết lý và tôn giáo truyền thống, như Phật giáo, chìa khoá của hạnh phúc là biết rõ về bản thân mình – để hiểu mình là ai, hoặc mình thực sự là gì. Hầu hết mọi người sai lầm khi đánh đồng bản thân với những cảm giác, suy nghĩ, điều thích và không thích của họ. Khi họ cảm thấy tức giận, họ nghĩ, “Tôi tức giận. Đây là sự tức giận của tôi”. Do đó, họ dành phần lớn cuộc sống của mình để trốn tránh một số loại cảm xúc và theo đuổi những cảm xúc khác. Họ không bao giờ nhận ra rằng họ không phải là những cảm xúc của họ, và rằng việc theo đuổi không ngừng của những cảm xúc đặc biệt này chỉ khiến họ kẹt trong đau khổ.
Nếu đúng như vậy, thì toàn bộ hiểu biết của chúng ta về lịch sử của hạnh phúc có thể đã bị lạc hướng. Có lẽ việc những kỳ vọng của người dân có được đáp ứng, hay liệu họ có được tận hưởng những cảm giác dễ chịu hay không, chẳng phải quá quan trọng. Câu hỏi chính là liệu mọi người có thực sự biết rõ về bản thân mình hay không. Chúng ta có bằng chứng nào về việc con người ngày nay hiểu được sự thật này tốt hơn so với người săn bắt hái lượm cổ đại hoặc những người nông dân trung cổ?
Các học giả mới chỉ bắt đầu nghiên cứu lịch sử của hạnh phúc một vài năm trước đây, chúng ta vẫn đang xây dựng những giả thuyết ban đầu và tìm kiếm các phương pháp nghiên cứu thích hợp. vẫn còn là quá sớm để nghe theo những kết luận cứng nhắc và kết thúc một cuộc tranh luận hầu như chưa bắt đầu. Điều quan trọng là cần biết được càng nhiều cách tiếp cận khác nhau càng tốt và đặt ra những câu hỏi đúng.
Hầu hết sách lịch sử tập trung vào những ý tưởng của các nhà tư tưởng vĩ đại, sự dũng cảm của các chiến binh, sự từ tâm của các vị thánh và sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Những cuốn sách đó có nhiều điều để nói về sự đan xen và tháo gỡ các cấu trúc xã hội, về sự thăng trầm của các triều đại, về sự khám phá và lan tỏa của những công nghệ. Tuy nhiên, chúng không hề để cập tới cách mà tất cả những điều này ảnh hưởng đến hạnh phúc và đau khổ của mỗi cá nhân. Đây là khiếm khuyết lớn nhất trong sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử. Tốt hơn là chúng ta nên bắt đầu bổ sung những kiến thức này.
20. Cái kết của Homo sapiens
Cuốn sách này bắt đầu bằng việc trình bày lịch sử như là giai đoạn tiếp theo trong sự liên tục từ vật lý, tới hoá học, rồi sinh học. Sapiens đang chịu các tác động vật lý, phản ứng hoá học và quá trình chọn lọc tự nhiên như nhau vốn chi phối tất cả các loài sinh vật. Chọn lọc tự nhiên có thể đã cung cấp cho Homo sapiens một sân chơi lớn hơn nhiều so với những gì nó đã trao cho bất cứ sinh vật nào khác, nhưng sân chơi này vẫn có giới hạn của nó. Qua đó thể hiện rằng, cho dù những nỗ lực và thành tích của con người có lớn tới đâu chăng nữa, Sapiens cũng không có khả năng đột phá những giới hạn xác định về mặt sinh học của họ.
Nhưng vào buổi bình minh của thế kỷ 21, điều này không còn đúng nữa: Homo sapiens đang vượt qua những giới hạn này. Hiện họ đang bắt đầu phá vỡ các quy luật của chọn lọc tự nhiên, thay thế chúng bằng các quy luật thiết kế thông minh.
Trong gần 4 tỉ năm, mọi sinh vật trên hành tinh đều tiến hoá dưới ảnh hưởng của chọn lọc tự nhiên. Không một loài sinh vật nào được thiết kế bởi một thực thể sáng tạo thông minh. Ví dụ, hươu cao cổ có được chiếc cổ dài nhờ vào sự cạnh tranh giữa các con hươu cao cổ cổ xưa, chứ không phải là ý tưởng bất chợt của một thực thể siêu thông minh. Giống hươu này có cái cổ rất dài, nên có thể tiếp cận nhiều thức ăn hơn, và kết quả là sinh ra được nhiều con cháu hơn hơn so với những con có cổ ngắn. Không một ai, và chắc chắn không phải là loài hươu cao cổ, nói rằng: “Một chiếc cổ dài sẽ cho phép hươu cao cổ nhai được nhiều lá trên ngọn cây. Hãy kéo nó dài thêm”, vẻ đẹp của học thuyết Darwin là nó không cần phải giả định về một người thiết kế thông minh để giải thích lý do hươu cao cổ có chiếc cổ dài.
Trong hàng tỉ năm, thiết kế thông minh thậm chí không phải là một lựa chọn, bởi không có thứ trí tuệ nào có thể thiết kế nên mọi thứ. Cho đến gần đây, vi sinh vật là những sinh vật duy nhất tồn tại trên Trái đất, có các khả năng vô cùng tuyệt vời. Một vi sinh vật thuộc loài này có thể kết hợp các mã di truyền từ một loài hoàn toàn khác vào tế bào của nó, do đó có được khả năng mới, chẳng hạn như khả năng kháng thuốc kháng sinh. Song, theo những gì mà chúng ta biết, các vi sinh vật không có ý thức, không có mục tiêu trong cuộc sống, và không có khả năng lập kế hoạch trước.
Ở một giai đoạn nào đó, một số sinh vật như hươu cao cổ, cá heo, tinh tinh và Neanderthal phát triển ý thức và khả năng lập kế hoạch trước. Nhưng thậm chí, nếu một Neanderthal mơ đến những con gà béo và chậm chạp đến mức mỗi khi đói anh ta chỉ cần vung tay là bắt được, anh ta không có cách nào để biến giấc mơ đó thành hiện thực. Anh ta buộc phải đi săn các loài chim đã được chọn lọc tự nhiên.