Một số hệ thống điều hòa không khí được đặt ở 25°c. Những hệ thống khác lại được đặt ở 20°c. Hệ thống điều hòa hạnh phúc của con người cũng khác biệt giữa mọi người. Trên thang điểm từ 1 đến 10, một số người được sinh ra với hệ thống sinh hoá vui vẻ cho phép tâm trạng của họ có thể lên xuống giữa 6 và 10, ổn định theo thời gian ở 8. Một người như thế khá hạnh phúc ngay cả khi sống trong một thành phố lớn xa lạ, mất sạch tiền trong một vụ mua bán chứng khoán thua lỗ, và được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Những người khác bị nguyền rủa bởi một nền tảng hoá sinh ảm đạm, lên xuống giữa 3-7 và ổn định ở 5. Một người không hạnh phúc như vậy vẫn cảm thấy chán nản, dù cho anh ta được hưởng sự hỗ trợ từ một cộng đồng chặt chẽ, thắng hàng triệu đô-la xổ số và khỏe mạnh như một vận động viên Olympic. Thật vậy, ngay cả khi người bạn ảm đạm của chúng ta có thắng 30 triệu đô-la vào buổi sáng, phát hiện ra liệu pháp chữa trị cả bệnh AIDS và ung thư vào buổi trưa, giải quyết xong vấn đề hòa bình giữa Israel và Palestine vào chiều hôm đó, và rồi vào buổi tối đoàn tụ với người con đã mất tích từ rất lâu – anh ta vẫn không thể trải qua bất cứ điều gì vượt quá mức độ hạnh phúc 7. Não của anh ta chỉ đơn giản là không được xây dựng cho sự vui sướng quá mức, cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra.
Hãy suy nghĩ về một khoảnh khắc của gia đình và bạn bè. Bạn biết một số người luôn tương đối vui vẻ, bất kể chuyện gì xảy ra. Và cũng có những người luôn bất mãn, cho dù có bất kỳ loại quà tặng nào mà thế giới này đặt dưới chân họ. Chúng ta có xu hướng tin rằng nếu chúng ta có thể thay đổi nơi làm việc của mình, kết hôn, viết xong một cuốn tiểu thuyết, mua chiếc xe mới hoặc trả hết tiền nhà, chúng ta sẽ ở trên đỉnh của thế giới. Tuy nhiên, khi chúng ta có được những gì mình mong muốn, chúng ta dường như lại không thấy hạnh phúc hơn. Mua xe hơi và viết tiểu thuyết không thay đổi nền tảng sinh hoá của chúng ta. Chúng có thể khiến cho mức độ sinh hoá thay đổi đột ngột trong một khoảnh khắc thoáng qua, nhưng nó sẽ sớm trở lại điểm mốc của mình.
Làm thế nào điều này có thể cân bằng với những phát hiện về tâm lý và xã hội học được nêu trên, ví dụ xét trung bình thì liệu người đã lập gia đình có hạnh phúc hơn người độc thân? Đầu tiên, các phát hiện này mang tính tương quan – đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả có thể đối nghịch với những gì mà một số nhà nghiên cứu đã giả định. Đúng là người đã lập gia đình thì hạnh phúc hơn người độc thân và ly dị, nhưng điều đó không nhất thiết cho thấy hôn nhân tạo ra hạnh phúc. Có thể hạnh phúc sinh ra hôn nhân. Hay đúng hơn, đó là các chất serotonin, dopamine và oxytocin giúp gây dựng và duy trì một cuộc hôn nhân. Những người được sinh ra với một mức độ hoá sinh vui vẻ nhìn chung thường hạnh phúc và mãn nguyện. Những người như vậy sẽ là người vợ hoặc chồng hấp dẫn hơn, và do đó họ có cơ hội kết hôn cao hơn. Họ cũng ít có khả năng ly hôn, bởi sống với một người bạn đời hạnh phúc và mãn nguyện sẽ dễ hơn là sống với một người luôn chán nản và không hài lòng. Do đó, đúng là xét trung bình thì người đã lập gia đình sẽ hạnh phúc hơn người độc thân, nhưng một phụ nữ độc thân dễ bị buồn chán vì bản chất hoá sinh của chính cô sẽ làm cô không nhất thiết trở nên hạnh phúc hơn nếu gắn bó với một người chồng.
Ngoài ra, hầu hết các nhà sinh học không phải là những kẻ cuồng tín. Họ cho rằng hạnh phúc được xác định chủ yếu bằng cơ chế sinh hoá, nhưng họ cũng đồng ý rằng các yếu tố tâm lý và xã hội học cũng có chỗ đứng của chúng. Hệ thống điều hòa về mặt tinh thần của chúng ta có một chút tự do di chuyển trong giới hạn được xác định trước. Gần như không thể vượt quá giới hạn trên và dưới của tình cảm, nhưng kết hôn và ly dị có thể có tác động giữa hai thái cực đó. Một người sinh ra với mức hạnh phúc trung bình ở mức 5 sẽ không bao giờ nhảy điên cuồng trên đường phố. Tuy nhiên, một cuộc hôn nhân hạnh phúc có thể khiến anh ta tận hưởng hạnh phúc mức 7 trong một khoảng thời gian dài, và tránh được sự chán nản của mức 3.
Nếu chúng ta chấp nhận cách tiếp cận sinh học về hạnh phúc, thì lịch sử hoá ra chỉ có tầm quan trọng thứ yếu, vì hầu hết các sự kiện lịch sử đều không tác động lên nền tảng sinh hoá của chúng ta. Lịch sử có thể thay đổi kích thích bên ngoài làm serotonin tiết ra, nhưng nó không làm thay đổi kết quả nồng độ serotonin, và do đó nó không thể làm mọi người hạnh phúc hơn.
So sánh một nông dân Pháp thời trung cổ với một chủ ngân hàng ở Paris hiện đại. Người nông dân sống trong một túp lều bằng bùn lạnh lẽo nhìn ra chuồng lợn gần đó, trong khi người chủ ngân hàng trở về nhà là một căn hộ áp mái lộng lẫy với tất cả các cải tiến công nghệ mới nhất và nhìn ra đại lộ Champs-Elysées. Về mặt trực quan, chúng ta mong chờ người chủ ngân hàng sẽ hạnh phúc hơn người nông dân. Tuy nhiên, túp lều đầy bùn đất, căn hộ áp mái và đại lộ Champs-Elysées không thực sự xác định tâm trạng của chúng ta. Chất serotonin mới thực sự làm điều này. Khi người nông dân trung cổ hoàn thành việc xây dựng túp lều bằng bùn của mình, tế bào thần kinh não tiết ra serotonin, đưa nó lên đến mức X. Trong khi vào năm 2013, người chủ ngân hàng thực hiện việc thanh toán lần chót với căn hộ áp mái tuyệt vời của mình, tế bào thần kinh não bộ tiết ra một lượng tương tự của serotonin, đưa nó lên đến mức độ tương tự, X. Không hề có sự khác biệt với bộ não khi cho rằng căn hộ áp mái thoải mái hơn nhiều so với túp lều. Điều duy nhất quan trọng là tại thời điểm đó, mức serotonin đều là X. Do đó, người chủ ngân hàng sẽ không hề mảy may hạnh phúc hơn người cụ kị của mình, một nông dân nghèo thời trung cổ.
Điều này không chỉ đúng trong cuộc sống riêng tư, mà còn trong các sự kiện tập thể lớn. Lấy ví dụ như Cách mạng Pháp. Các nhà cách mạng đang rất bận rộn: họ xử tử vua, chia đất cho nông dân, tuyên bố các quyền con người, xóa bỏ đặc quyền quý tộc và tiến hành chiến tranh chống lại toàn bộ châu Âu. Song, không ai trong họ thay đổi được sinh hoá của người Pháp. Do đó, bất kể tất cả các biến động chính trị, xã hội, tư tưởng và kinh tế do cách mạng mang lại, tác động của nó đối với hạnh phúc của người Pháp vẫn rất nhỏ bé. Những người giành được một nền tảng sinh hoá vui vẻ trong cuộc xổ số di truyền đều được ghi nhận là hạnh phúc như nhau trước và sau cách mạng. Những người có một nền tảng hoá sinh ảm đạm phàn nàn về Robespierre và Napoleon với sự cay đắng cũng như những gì họ phàn nàn trước đó về Louis XVI và Marie Antoinette.
Nếu vậy, Cách mạng Pháp có gì tốt đẹp? Nếu mọi người không trở nên hạnh phúc hơn, vậy mục đích của tất cả những hỗn loạn, sợ hãi, máu và chiến tranh đó là gì? Các nhà sinh học sẽ không bao giờ xông vào phá ngục Bastille. Mọi người nghĩ rằng cuộc cách mạng chính trị này hay cải cách xã hội kia sẽ khiến họ hạnh phúc, nhưng những đặc tính hoá sinh của họ đã lừa dối họ hết lần này tới lần khác.
Chỉ duy nhất một sự phát triển lịch sử mới có ý nghĩa thực sự. Ngày nay, khi cuối cùng chúng ta cũng nhận ra rằng chìa khoá hạnh phúc nằm trong tay hệ thống sinh hoá của mình, chúng ta có thể ngừng lãng phí thời gian của mình vào các cải cách chính trị và xã hội, vào những nỗ lực lật đổ chính phủ và ý thức hệ, và tập trung vào điều duy nhất có thể làm cho chúng ta hạnh phúc thật sự: thao túng hệ thống sinh hoá của mình. Nếu chúng ta đầu tư hàng tỉ đô-la để hiểu bản chất hoá học trong não bộ và phát triển các phương pháp điều trị thích hợp, chúng ta có thể làm cho mọi người hạnh phúc hơn bao giờ hết mà không cần đến các cuộc cách mạng. Ví dụ chất prozac không làm thay đổi cơ chế hoạt động, nhưng bằng cách gia tăng nồng độ serotonin, nó khiến người ta thoát khỏi chứng trầm cảm.
Không gì có thể nắm bắt được lập luận sinh học tốt hơn câu khẩu hiệu Thời đại Mới nổi tiếng: “Hạnh phúc bắt đầu từ bên trong”. Tiền bạc, địa vị xã hội, phẫu thuật thẩm mĩ, những ngôi nhà đẹp, các vị trí quyền lực – không điều gì trong số này sẽ mang lại cho bạn hạnh phúc. Hạnh phúc lâu dài chỉ đến từ serotonin, dopamine và oxytocin.
Trong cuốn tiểu thuyết về tương lai u tối của Aldous Huxley mang tên Brave New World (Thế giới mới dũng cảm), xuất bản năm 1932 trong giai đoạn đỉnh cao của Đại suy thoái, hạnh phúc là giá trị tối cao, và các loại thuốc tâm thần thay thế cho cảnh sát và lá phiếu chính là nền tảng chính trị. Mỗi ngày, mỗi người dùng một liều “soma”, một loại thuốc tổng hợp khiến mọi người đều hạnh phúc mà không làm tổn hại đến năng suất và hiệu quả của họ. Quốc gia Thế giới chi phối toàn bộ thế giới, không bao giờ bị đe dọa bởi các cuộc chiến tranh, các cuộc cách mạng, đình cống hay biểu tình, vì mọi người đều vô cùng mãn nguyện với những điều kiện hiện tại của họ, cho dù chúng là gì đi nữa. Tầm nhìn tương lai của Huxley còn đáng âu lo hơn nhiều so với tác phẩm 1984 của George Orwell. Thế giới của Huxley có vẻ quái dị với hầu hết độc giả, nhưng thật khó để giải thích tại sao. Mọi người lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc – vậy điều này có gì là sai lầm?
Ý nghĩa cuộc sống
Thế giới chao đảo của Huxley dựa trên giả định sinh học rằng hạnh phúc tương đương với khoái cảm. Được hạnh phúc chính xác là trải nghiệm về cảm giác cơ thể dễ chịu. Do hệ thống sinh hoá của chúng ta hạn chế số lượng và thời gian của cảm giác đó, cách duy nhất để làm cho mọi người trải nghiệm một mức độ hạnh phúc cao hơn trong một thời gian dài là thao túng hệ thống sinh hoá của họ.