Hành vi của những loài động vật xã hội khác được xác định phần lớn bởi các gen của chúng. ADN không phải là một nhà độc tài. Hành vi của động vật cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường và đặc điểm cá nhân. Tuy nhiên, trong một môi trường nhất định, động vật cùng loài sẽ có xu hướng cư xử giống nhau. Những thay đổi lớn trong hành vi xã hội không thể xảy ra một cách thông thường nếu không có đột biến gen. Ví dụ, tinh tinh thường có khuynh hướng di truyền để sống trong các nhóm phân tầng được điều hành bởi một con đực alpha. Một loài rất gần với tinh tinh là tinh tinh lùn thường sống trong các nhóm bình đẳng hơn bị chi phối bởi con cái. Những tinh tinh cái nhìn chung không thể học được các bài học từ họ hàng thân thiết là tinh tinh lùn để thiết lập một cuộc cách mạng nữ quyền. Tinh tinh đực không thể tụ tập trong một hội đồng lập hiến để bãi bỏ ngôi vị của con đực alpha, và tuyên bố rằng từ giờ trở đi tất cả tinh tinh phải được đối xử bình đẳng. Những thay đổi lớn như vậy trong hành vi sẽ chỉ xảy ra nếu có gì đó thay đổi trong ADN của tinh tinh.
Với các lý do tương tự, con người cổ xưa đã không tiến hành cuộc cách mạng nào. Theo những gì chúng ta biết, các thay đổi trong mô hình xã hội, sự phát minh ra công nghệ mới, sự định cư trong các môi trường sống xa lạ là kết quả của đột biến gen và áp lực môi trường nhiều hơn là từ các phát kiến văn hoá. Thế nên phải mất hàng trăm ngàn năm để con người thực hiện các bước trên. 2 triệu năm trước đây, các đột biến gen dẫn đến sự xuất hiện của một loài người mới gọi là Homo erectus. Sự xuất hiện ấy đi kèm với việc phát triển một công nghệ chế tác công cụ đá mới, giờ đây đã được công nhận là một đặc điểm xác định của loài này. Và khi Homo erectus không tiếp tục có những biến đổi gen, công cụ bằng đá của họ vẫn chẳng thay đổi trong gần 2 triệu năm!
Ngược lại, kể từ Cách mạng Nhận thức, Sapiens đã có thể thay đổi hành vi của họ một cách nhanh chóng, truyền lại hành vi mới cho các thế hệ tương lai mà không cần bất kỳ sự thay đổi di truyền hoặc môi trường nào. Ví dụ, hãy xem xét sự xuất hiện lặp đi lặp lại của giới tinh hoa không có con cái, chẳng hạn các tăng lữ ở một số tôn giáo và thái giám Trung Hoa. Sự tồn tại của giới tinh hoa này đi ngược lại với các nguyên tắc cơ bản nhất của chọn lọc tự nhiên, kể từ khi các thành viên chủ đạo của xã hội tự nguyện từ bỏ việc sinh con. Trong khi đó, các tinh tinh đực alpha sử dụng quyền lực của mình để quan hệ tình dục với càng nhiều con cái càng tốt – và do vậy con đực đầu đàn có thể truyền giống với một tỉ lệ lớn cho thế hệ sau của nó – còn các con đực alpha có tín ngưỡng thì nhịn hoàn toàn quan hệ tình dục và có con. Sự kiêng khem này không phát sinh từ điều kiện môi trường đặc biệt như sự khan hiếm thực phẩm hoặc mong muốn của bạn tình tiềm năng. Nó cũng không phải là kết quả của một số đột biến gen kỳ quặc.
Nói cách khác, trong khi các mô hình hành vi của con người cổ xưa vẫn cố định trong hàng chục ngàn năm, thì Sapiens đã có thể biến đổi cấu trúc xã hội của mình, bản chất của mối quan hệ giữa các cá nhân, hoạt động kinh tế và một loạt các hành vi khác chỉ trong vòng một hoặc hai thập kỷ. Hãy xem xét một cư dân Berlin, sinh năm 1900 và sống đến 100 tuổi. Bà đã trải qua thời thơ ấu trong Đế chế Hohenzollern của Wilhelm II; trưởng thành trong thời Cộng hòa Weimar, Đức quốc xã và Đông Đức cộng sản; và bà đã chết như một công dân của một nước Đức dân chủ và thống nhất. Bà đã xoay xở để trở thành một phần của năm hệ thống chính trị xã hội rất khác nhau, mặc dù ADN của bà không hề thay đổi.
Đây là chìa khoá để Sapiens thành công. Trong trận chiến một chọi một, một Neanderthal có lẽ sẽ đánh bại một Sapiens. Nhưng trong một xung đột hàng trăm người, các Neanderthal sẽ không có cơ hội. Neanderthal có thể chia sẻ thông tin về nơi ở của sư tử, nhưng có lẽ họ không thể nói và sửa lại những câu chuyện về các thần linh của bộ lạc. Nếu không có khả năng sáng tác truyện hư cấu, Neanderthal không thể hợp tác hiệu quả với số lượng lớn, cũng không thể biến đổi hành vi xã hội của mình trước những thách thức luôn thay đổi.
Dù chúng ta không thể đi sâu vào tâm trí của Neanderthal để hiểu họ nghĩ gì, nhưng chúng ta có bằng chứng gián tiếp về các giới hạn nhận thức của họ so với các đối thủ Sapiens. Các nhà khảo cổ học khi khai quật địa điểm Sapiens sinh sống có tuổi 30.000 năm ở trung tâm châu Âu, đôi khi thấy có vỏ sò đến từ các bờ biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Trong mọi trường hợp, những vỏ sò đó đã đi vào sâu trong lục địa thông qua thương mại đường dài giữa các nhóm Sapiens khác nhau. Trong khi tại các địa điểm Neanderthal sinh sống, không có bằng chứng nào về hoạt động thương mại như thế. Mỗi nhóm còn sản xuất các công cụ riêng của mình từ các nguyên liệu địa phương.
Một ví dụ khác đến từ Nam Thái Bình Dương. Các bầy Sapiens sống trên đảo New Ireland, phía bắc New Guinea, sử dụng một loại thủy tinh lấy từ núi lửa gọi là đá vỏ chai để chế tác các công cụ đặc biệt cứng và sắc. Tuy nhiên, New Ireland không có trầm tích tự nhiên của đá vỏ chai. Các xem xét trong phòng thí nghiệm cho thấy rằng người cổ đại đã sử dụng loại đá được lấy từ các mỏ đá ở New Britain, một hòn đảo cách đó 400 km. Một số cư dân của những hòn đảo này phải là người đi biển lành nghề, trao đổi hàng hoá từ đảo này sang đảo khác với khoảng cách khá xa.
Thương mại dường như là một hoạt động rất thực dụng, không cần tới nền tảng tưởng tượng. Song thực tế là không có động vật nào khác ngoài Sapiens tham gia vào thương mại, và mọi mạng lưới thương mại của Sapiens mà chúng ta có bằng chứng chi tiết đều dựa trên những hư cấu. Thương mại không thể tồn tại mà không có sự tin tưởng, và rất khó khăn để tin tưởng người lạ. Mạng lưới thương mại toàn cầu ngày nay được dựa trên sự tin tưởng của chúng ta vào các thực thể hư cấu như đô-la, Ngân hàng Dự trữ Liên bang, và các nhãn hiệu khởi thủy của các tập đoàn. Khi hai người xa lạ trong xã hội bộ lạc muốn trao đổi, họ thường sẽ thiết lập sự tin tưởng bằng cách kêu gọi một vị thần, tổ tiên thần thoại hay vật tổ chung.
Nếu Sapiens cổ đại tin vào những điều tưởng tượng này để trao đổi vỏ sò và đá vỏ chai, thì có lý do để cho rằng họ cũng có thể đã trao đổi thông tin, do đó tạo ra một mạng lưới kiến thức dày đặc và rộng hơn nhiều so với những gì mà Neanderthal và một số nhóm người cổ đại khác có được.
Kĩ thuật cung cấp một minh họa cho những khác biệt này. Neanderthal thường đi săn một mình hoặc thành các nhóm nhỏ. Trái lại, Sapiens lại phát triển các kĩ thuật dựa trên sự hợp tác giữa hàng chục cá nhân, và thậm chí có thể giữa các nhóm khác nhau. Một phương pháp đặc biệt hiệu quả là bao vây toàn bộ một bầy thú, chẳng hạn như ngựa hoang, rồi dồn chúng vào một hẻm núi hẹp, nơi có thể dễ dàng giết chúng hàng loạt. Nếu kế hoạch suôn sẻ, các nhóm có thể thu hoạch hàng tấn thịt, mỡ và da thú chỉ trong một buổi chiều với nỗ lực tập thể, và tiêu thụ đống thực phẩm này trực tiếp trong một cái lò lớn, hoặc phơi khô, xông khói, hoặc (ở vùng Bắc cực) ướp đông chúng để sử dụng về sau. Giới khảo cổ học đã phát hiện ra các địa điểm mà hằng năm toàn bộ đàn bò được xẻ thịt theo những cách như vậy. Thậm chí một số nơi còn dựng lên các hàng rào và chướng ngại vật, tạo ra những cái bẫy nhân tạo và bãi giết mổ.
Chúng ta có thể giả định rằng Neanderthal đã không hài lòng khi nhìn thấy các vùng đất săn bắt truyền thống của họ bị biến thành những lò mổ do Sapiens kiểm soát. Tuy nhiên, nếu bạo lực nổ ra giữa hai loài, thì số phận của Neanderthal không hơn những con ngựa hoang. 50 Neanderthal phối hợp trong các mô hình truyền thống và tĩnh tại không thể địch nổi 500 Sapiens linh hoạt và sáng tạo. Và thậm chí nếu Sapiens thua ở trận đầu tiên, họ có thể nhanh chóng tạo ra chiến thuật mới giúp mình giành chiến thắng trong lần tiếp theo.
Điều gì xảy ra trong Cách mạng Nhận thức?
Khả năng mới:
- Khả năng truyền tải một lượng lớn thông tin về thế giới xung quanh của Homo sapiens.
- Khả năng truyền tải một lượng lớn thông tin về các mối quan hệ xã hội của Sapiens.
- Khả năng truyền tải thông tin về những điều không thực sự tồn tại, chẳng hạn các thần linh bộ tộc, các dân tộc, các công ty trách nhiệm hữu hạn, và nhân quyền.
Hệ quả lâu dài:
- Lập kế hoạch và thực hiện các hành động phức tạp, chẳng hạn như tránh sư tử và săn bò rừng.
- Các nhóm ngày một lớn hơn và đoàn kết hơn, có thể lên tới 150 thành viên.
- a. Hợp tác giữa rất nhiều người xa lạ.
b. Đổi mới nhanh chóng hành vi xã hội.
Lịch sử và sinh học
Sự vô cùng đa dạng của những thực tế tưởng tượng mà Sapiens đã sáng tạo ra, và sự đa dạng kéo theo của các mô hình hành vi, là thành phần chính của những gì chúng ta gọi là “văn hoá”. Sau khi xuất hiện, các nền văn hoá không bao giờ ngừng thay đổi và phát triển, và chúng ta gọi những thay đổi không thể ngăn cản được là “lịch sử”.
Theo đó, Cách mạng Nhận thức là thời điểm mà lịch sử tuyên bố nó độc lập với sinh học. Cho đến khi xảy ra Cách mạng Nhận thức, hành động của loài người đều thuộc về lĩnh vực sinh học, hoặc nếu bạn thích hơn, thì đó là thời tiền sử (tôi có xu hướng tránh thuật ngữ “thời tiền sử”, vì nó mang ý nghĩa sai lầm rằng kể cả trước Cách mạng Nhận thức, con người đã có phạm trù của riêng mình). Từ Cách mạng Nhận thức trở đi, câu chuyện lịch sử thay thế cho lý thuyết sinh học là phương tiện chủ yếu của chúng ta trong việc giải thích sự phát triển của Homo sapiens. Để hiểu được sự nổi lên của Ki-tô giáo hay Cách mạng Pháp, chúng ta không thể chỉ tìm hiểu sự tương tác của các gen, hoóc-môn và sinh vật. Còn cần phải tập trung vào sự tương tác của các ý tưởng, hình ảnh và cả tưởng tượng nữa.