Việc xây dựng trường học và bệnh viện đã bị lãng quên, thay vào đó, lưu vực sông Congo đầy những mỏ khai thác và đốn điền, chủ yếu do công chức Bỉ điều hành, họ bóc lột tàn nhẫn dân địa phương. Đặc biệt khét tiếng là ngành công nghiệp cao su. Cao su đã nhanh chóng trở thành một ngành công nghiệp chủ lực, và xuất khẩu cao su là nguồn thu quan trọng nhất của Congo. Những dân làng người Phi bị yêu cầu phải thu hoạch nhiều cao su hơn nữa. Những ai không đạt đủ chỉ tiêu quy định đã bị trừng phạt tàn nhẫn cho sự “lười biếng” của họ. Cánh tay của họ bị chặt bỏ, và đôi khi toàn bộ dân làng bị tàn sát. Theo ước tính khiêm tốn nhất, từ năm 1885 đến 1908, việc theo đuổi tăng trưởng và lợi nhuận này đã cướp đi mạng sống của 6 triệu người (ít nhất 20% dân số Congo). Theo một vài ước tính khác, con số này lên tới 10 triệu người.
Sau năm 1908, và đặc biệt là sau năm 1945, sự tham lam của các chủ tư bản đã phần nào được kiểm chế, ít nhất là do sự sợ hãi trước chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng vẫn còn tràn lan. Chiếc bánh kinh tế của năm 2014 lớn hơn rất nhiều so với chiếc bánh của năm 1500, nhưng nó được phân phối rất không đồng đều, khiến nhiều nông dân châu Phi và người lao động Indonesia sau một ngày làm việc vất vả trở về nhà với lượng thức ăn ít hơn so với tổ tiên của họ cách đây 500 năm. Rất giống Cách mạng Nông nghiệp, sự tăng trưởng của kinh tế hiện đại có thể trở thành một trò lừa đảo khổng lồ. Loài người và kinh tế toàn cầu có thể vẫn tiếp tục phát triển, nhưng rất nhiều cá nhân lại có thể sống trong nghèo đói.
Chủ nghĩa tư bản có hai câu trả lời cho sự chỉ trích này. Thứ nhất, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một thế giới mà chỉ có nhà tư bản mới đủ khả năng để điều hành nó. Từng có một nỗ lực nhằm quản lý thế giới theo cách khác, nhưng kết cục thì lại tệ hơn rất nhiều xét trên mọi phương diện, khiến không ai còn bụng dạ nào để thử lại lần nữa. Vào năm 8500 TCN, một người có thể nhỏ những giọt nước mắt cay đắng về Cách mạng Nông nghiệp, nhưng đã quá muộn để từ bỏ nông nghiệp. Tương tự như vậy, chúng ta có thể không thích chủ nghĩa tư bản, nhưng chúng ta không thể sống thiếu nó.
Câu trả lời thứ hai là chúng ta chỉ cần kiên nhẫn hơn – thiên đường đang cận kể, như lời hứa hẹn của các nhà tư bản. Đúng vậy, đã có những sai lầm, chẳng hạn như việc buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, và sự bóc lột giai cấp công nhân châu Âu. Nhưng chúng ta đã học được một bài học, và nếu chúng ta chỉ cần chờ đợi lâu hơn một chút, để cho chiếc bánh lớn hơn một chút nữa, mọi người sẽ nhận được một miếng bánh ngon hơn. Việc phân chia chiến lợi phẩm không bao giờ công bằng, nhưng sẽ có đủ để thỏa mãn nhu cầu của mỗi người, phụ nữ và trẻ em – ngay cả ở đất nước Congo.
Quả thực, một số dấu hiệu tích cực đã xuất hiện. Chí ít là khi chúng ta sử dụng những tiêu chuẩn vật chất thuần túy – như tuổi thọ, tỉ lệ tử vong ở trẻ em, và lượng calo thu nhận được – mức sống tiêu chuẩn của một người bình thường trong năm 2013 cao hơn đáng kể so với năm 1913, mặc dù dân số tăng trưởng theo cấp số nhân.
Tuy nhiên, liệu chiếc bánh kinh tế có thể to ra vô hạn? Mỗi chiếc bánh đều đòi hỏi nguyên liệu và năng lượng. Những nhà tiên tri về ngày tận thế báo động rằng sớm hay muộn Homo sapiens sẽ làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu và năng lượng của hành tinh Trái đất. Rồi điều gì sẽ xảy ra sau đó?
17. Những bánh xe công nghiệp
Nền kinh tế hiện đại phát triển nhờ sự tin tưởng của chúng ta về tương lai và ý nguyện của các nhà tư bản sẵn sàng tái đầu tư lợi nhuận vào sản xuất. Nhưng điều đó chưa đủ. Tăng trưởng kinh tế cũng đòi hỏi năng lượng và nguyên vật liệu, mà chúng lại là hữu hạn. Nếu như nguồn năng lượng và nguyên liệu này cạn kiệt, toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ.
Nhưng bằng chứng từ quá khứ để chứng minh chúng là hữu hạn chỉ đúng về mặt lý thuyết. Một cách phản trực giác, trong quá trình con người sử dụng năng lượng và nguyên vật liệu tăng lên chóng mặt trong vài thế kỷ qua, sản lượng sẵn có để chúng ta có thể khai thác thực sự cũng tăng lên. Bất cứ khi nào có nguồn năng lượng hay nguyên liệu nào bị thiếu hụt, đe dọa làm chậm tăng trưởng kinh tế, thì các khoản đầu tư lại được đổ vào nghiên cứu khoa học và công nghệ. Hoạt động này không chỉ luôn đem lại các phương thức khai thác tài nguyên hiệu quả, mà còn tạo ra nguồn năng lượng và nguyên vật liệu hoàn toàn mới.
Hãy xem xét ngành công nghiệp xe hơi. Hơn 300 năm qua, nhân loại đã sản xuất hàng tỉ phương tiện giao thông, từ xe đẩy, xe cút kít, cho tới xe lửa, xe hơi, máy bay phản lực siêu âm và tàu con thoi. Người ta có thể nghĩ rằng nỗ lực phi thường như vậy sẽ làm cạn kiệt các nguồn năng lượng và nguyên vật liệu sẵn có để sản xuất, và hôm nay chúng ta sẽ phải sử dụng nốt phần cuối cùng. Tuy nhiên, thực tế ngược lại. Năm 1700, nếu như ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu dựa quá nhiều vào gỗ và sắt, thì ngày nay nó đã sử dụng những loại vật liệu mới được phát triển như nhựa, cao su, nhôm và titan mà tổ tiên chúng ta chưa hề biết tới trước đây. Năm 1700, nếu như lực kéo được tạo ra chủ yếu bằng sức mạnh cơ bắp của động vật và con người, thì ngày nay máy móc của các hãng Toyota và Boeing được trang bị sức mạnh của động cơ đốt trong và năng lượng hạt nhân. Một cuộc cách mạng tương tự như vậy đã quét qua hầu như mọi lĩnh vực khác của nền công nghiệp. Chúng ta gọi đó là Cách mạng Công nghiệp.
Hàng ngàn năm trước Cách mạng Công nghiệp, con người đã biết cách sử dụng nhiều nguồn năng lượng đa dạng. Họ đốt gỗ để nấu chảy sắt, sưởi ấm ngôi nhà và nướng bánh. Tàu thuyền khai thác năng lượng gió để di chuyển, và cối xay thì sử dụng dòng chảy của sông để xay ngũ cốc. Tuy nhiên, tất cả những nguồn năng lượng đó đều có vấn đề và có giới hạn rõ ràng. Cây cối không sẵn có khắp mọi nơi, gió không phải lúc nào cũng thổi, và sức nước chỉ hữu ích nếu bạn sống gần một con sông.
Một vấn đề lớn hơn là mọi người không biết làm thế nào để chuyển đổi từ dạng năng lượng này thành dạng năng lượng khác. Họ có thể khai thác sự chuyển động của gió và nước để làm tàu thuyền di chuyển và quay cối xay, nhưng không thể đun nóng nước hoặc nấu chảy sắt. Ngược lại, họ không thể sử dụng nhiệt lượng được sản sinh bằng cách đốt gỗ để làm quay cối xay. Con người chỉ có một cỗ máy có khả năng chuyển đổi năng lượng, đó chính là cơ thể. Trong quá trình trao đổi chất tự nhiên, những cơ quan của con người và các loài động vật khác đốt nhiên liệu hữu cơ được gọi là thức ăn và biến năng lượng thành sự vận động của cơ bắp. Đàn ông, đàn bà, con vật có thể tiêu thụ ngũ cốc và thịt, đốt cháy lượng đường và chất béo trong cơ thể, sử dụng năng lượng đó để kéo xe hoặc kéo cày.
Vì cơ thể người và động vật là thiết bị chuyển đổi năng lượng duy nhất sẵn có, sức mạnh cơ bắp chính là chìa khoá cho gần như mọi hoạt động của con người. Cơ bắp của con người giúp sản xuất xe cộ và xây dựng nhà cửa, cơ bắp của bò dùng để kéo cày ngoài ruộng, và cơ bắp của ngựa để vận chuyển hàng hoá. Năng lượng để cung cấp cho cỗ máy cơ bắp hữu cơ cuối cùng đều đến từ một nguồn duy nhất – thực vật. Đến lượt mình, thực vật hấp thụ năng lượng từ mặt trời. Thông qua quá trình quang hợp, cây xanh nhận được năng lượng Mặt trời và tổng hợp nó thành các hợp chất hữu cơ. Hầu như mọi thứ con người đã làm trong suốt chiều dài lịch sử đều được thúc đẩy bởi nguồn năng lượng Mặt trời do thực vật thu được, và chuyển đổi thành năng lượng cơ bắp.
Do đó, lịch sử nhân loại bị chi phối bởi hai chu kỳ chính: những chu kỳ sinh trưởng của thực vật và những chu kỳ thay đổi của năng lượng Mặt trời (ngày và đêm, mùa hè và mùa đông). Khi ánh sáng Mặt trời khan hiếm và khi đồng lúa còn xanh, con người có rất ít năng lượng. Các vựa thóc trống rỗng, người thu thuế nhàn rỗi, quân lính thấy khó khăn khi di chuyển và chiến đấu, còn nhà vua có xu hướng duy trì hòa bình. Khi Mặt trời chiếu sáng rực rỡ và lúa mì chín, nông dân thu hoạch cây trồng và đổ đầy kho thóc. Người thu thuế vội vã đến lấy phần của mình. Binh sĩ gồng cơ bắp và mài sắc thanh kiếm. Nhà vua thì triệu tập hội đồng và lên kế hoạch cho các chiến dịch tiếp theo của mình. Mọi người đều được thúc đẩy bởi năng lượng Mặt trời – thứ được tiếp nhận và cất trữ trong lúa mì, gạo và khoai tây.
Bí mật trong nhà bếp
Trong suốt những thiên niên kỷ dài, ngày này qua ngày khác, con người giáp mặt với phát minh quan trọng nhất trong lịch sử sản xuất năng lượng mà không để ý đến nó. Nó đập vào mắt họ mỗi khi có một bà nội trợ hay người hầu lấy ấm đun nước pha trà, hoặc đặt một nồi đầy khoai tây trên bếp. Khi nước sôi, nắp ấm nước hoặc nồi nảy lên. Nhiệt năng đã được biến đổi thành động năng. Nhưng việc nắp nồi nảy lên lại gây ra chút phiền toái, đặc biệt là nếu bạn để quên nồi trên bếp và để nước sôi quá lâu. Không ai nhìn thấy tiềm năng thực sự của nó.
Một bước đột phá không hoàn chỉnh trong việc chuyển nhiệt năng thành động năng là việc phát minh ra thuốc súng ở Trung Hoa vào thế kỷ 9. Lúc đầu, ý tưởng sử dụng thuốc súng để đẩy đạn đi nghe kỳ cục đến mức trong nhiều thế kỷ, thuốc súng được sử dụng chủ yếu để sản xuất bom lửa. Nhưng cuối cùng – có lẽ sau khi một chuyên gia về bom đặt thuốc súng vào trong cối giã rồi thế nào lại khiến cho cái chày bắn ra với một lực mạnh – thì những khẩu súng đã xuất đầu lộ diện. Đã gần 600 năm trôi qua kể từ khi thuốc súng được phát minh cho đến lúc đại bác được đưa vào sử dụng.