Bằng cách như vậy, Vua Tây Ban Nha đã phung phí niềm tin của nhà đầu tư, đồng thời thương gia Hà Lan đã chiếm được sự tin cậy của họ. Và chính thương gia Hà Lan – chứ không phải nhà nước Hà Lan – đã xây dựng nên Đế chế Hà Lan. Vua Tây Ban Nha tiếp tục cố chu cấp và duy trì những chuyến viễn chinh bằng cách tăng những thứ thuế không được tán đồng và gây bất mãn cho dân chúng. Thương gia Hà Lan tài trợ cho các chuyến viễn chinh bằng nhiều khoản vay, và cũng tìm cách tăng chúng lên bằng cách rao bán cổ phần để những người sở hữu chúng nhận được một phần lợi nhuận của công ty. Những nhà đầu tư thận trọng, vốn sẽ không bao giờ đưa tiền của mình cho Vua Tây Ban Nha và sẽ cân nhắc kĩ trước khi tăng vốn tín dụng cho chính phủ Hà Lan, đã sung sướng đầu tư tài sản vào các công ty cổ phần Hà Lan, trụ cột của đế quốc mới.
Nếu bạn nghĩ rằng một công ty sắp tạo được lợi nhuận lớn, nhưng toàn bộ cổ phần của nó đã được bán hết, bạn có thể mua số cổ phần này từ những người đang sở hữu chúng, có lẽ với một giá cao hơn so với giá gốc. Nếu bạn mua cổ phần và sau đó phát hiện ra công ty này đang lâm vào hoàn cảnh chật vật, bạn có thể cố bán những cổ phần này với một giá thấp hơn. Kết quả của việc buôn bán cổ phần công ty đã dẫn đến sự thành lập thị trường chứng khoán, nơi mua bán cổ phần công ty ở hầu hết các thành phố lớn của châu Âu.
Công ty cổ phần nổi tiếng nhất Hà Lan, công ty Đông Ấn Hà Lan (Vereenigde Oostindische Compagnie), hoặc gọi tắt là VOC, được thành lập và giao đặc quyền vào năm 1602, đúng lúc Hà Lan đã xóa bỏ được ách thống trị của Tây Ban Nha, và tiếng đại bác Tây Ban Nha vẫn có thể nghe thấy cách không xa thành lũy Amsterdam. VOC đã dùng tiền thu được từ việc bán cổ phần để đóng tàu, gửi chúng đến châu Á, và mang về hàng hoá Trung Hoa, Ấn Độ, Indonesia. Họ cũng đầu tư cho các hoạt động quân sự, sử dụng những con tàu của công ty để chống lại đối thủ cạnh tranh và cướp biển. Cuối cùng, VOC đã đầu tư cho công cuộc chinh phục Indonesia.
Indonesia là quần đảo lớn nhất thế giới. Hàng ngàn hòn đảo ở đó đã bị cai trị trong những năm đầu thế kỷ 17 bởi hàng trăm vương quốc, tiểu vương quốc, các vương quốc Hồi giáo và những bộ tộc. Khi các thương gia VOC lần đầu đặt chân đến Indonesia vào năm 1603, mục tiêu của họ tuyệt đối chỉ là thương mại. Tuy nhiên, để bảo đảm lợi ích thương mại của họ và tối đa hoá lợi nhuận của cổ đông, các thương gia VOC bắt đầu đấu tranh chống lại nhà cầm quyền địa phương đã làm thuế quan tăng vọt, cũng như chống lại những đối thủ cạnh tranh từ châu Âu. VOC trang bị cho đội tàu buôn những khẩu đại bác; họ tuyển mộ lính đánh thuê từ châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia; và họ đã xây pháo đài, tiến hành chiến tranh tổng thể và công thành. Hoạt động kinh doanh này nghe có vẻ hơi lạ với chúng ta, nhưng vào đầu thời kỳ hiện đại, việc các công ty tư nhân thuê không chỉ lính tráng, mà cả tướng lĩnh và đố đốc, đại bác và tàu chiến, thậm chí nguyên một đạo quân là rất phổ biến. Cộng đồng quốc tế đón nhận điều này như một điều hiển nhiên, và chẳng ai nhíu mày khi một công ty tư nhân thành lập nên một đế chế.
Hết đảo này đến đảo khác lần lượt rơi vào tay lính đánh thuê của VOC, và phần lớn Indonesia đã trở thành thuộc địa của họ. VOC đã cai trị Indonesia trong gần 200 năm. Cho đến năm 1800, nhà nước Hà Lan đã nhận lấy quyền kiểm soát Indonesia, biến nó trở thành thuộc địa của Đế chế Hà Lan trong 150 năm tiếp sau. Ngày nay, một số người cảnh báo rằng những công ty của thế kỷ 21 đang tích lũy quá nhiều quyền lực. Lịch sử cận đại cho thấy đúng là nếu những doanh nghiệp được phép theo đuổi lợi nhuận mà không bị kiểm soát, họ có thể tiến rất xa.
Trong khi VOC hoạt động ở vùng biển Ấn Độ Dương, thì công ty Tây Ấn Hà Lan (Netherland West Indies), gọi tắt là WIC, lại miệt mài qua lại Đại Tây Dương. Để kiểm soát việc buôn bán trên con sông Hudson huyết mạch, WIC xây dựng một khu định cư, gọi là New Amsterdam trên một hòn đảo ở cửa sông. Thuộc địa này bị thổ dân da đỏ đe dọa, và liên tục bị người Anh tấn công, cuối cùng họ đã chiếm được nó vào năm 1664. Người Anh đã đổi tên vùng đất này thành New York. Những phần còn lại của bức tường thành đã được WIC xây dựng để bảo vệ thuộc địa của nó chống lại thổ dân da đỏ và người Anh, ngày nay được xây trùm lên và trở thành con phố nổi tiếng nhất thế giới -Wall Street.
Vào cuối thế kỷ 17, các cuộc chiến tranh thuộc địa liên miên tốn kém đã khiến người Hà Lan không chỉ đánh mất New York, mà còn cả vị trí đầu tàu tài chính và đế quốc dẫn đầu châu Âu. Vị trí bỏ trống đó được Pháp và Anh tranh giành nhiệt tình. Ban đầu dường như Pháp được xem là có vị thế vững chắc hơn rất nhiều. Pháp lớn hơn Anh, giàu hơn, đông dân hơn, và có quân đội đông hơn và nhiều kinh nghiệm hơn. Tuy nhiên, Anh đã chiến thắng trong việc giành được sự tin tưởng của những hệ thống tài chính, trong khi Pháp đã chứng tỏ họ không đáng tin cậy. Cách ứng xử của người mang vương miện nước Pháp đặc biệt rất tệ hại trong sự kiện được gọi là Bong bóng Mississippi, cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất châu Âu thế kỷ 18. Câu chuyện cũng bắt đầu với một còng ty cổ phần chuyên xây dựng đế chế.
Năm 1717, công ty Mississippi, được thành lập tại Pháp, đã xây dựng một thuộc địa ở vùng thung lũng hạ lưu sông Mississippi, và trong quá trình đó đã thành lập thành phố New Orleans. Để đầu tư cho những kế hoạch đẩy tham vọng của công ty, nhờ có những mối liên hệ tốt với triều đình của Louis XV, họ đã bán cổ phần trên thị trường chứng khoán Paris. John Law, Giám đốc công ty, cũng là Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp. Thêm nữa, nhà vua đã bổ nhiệm ông ta làm Trưởng ban Quản lý tài chính trung ương, một chức vụ gần như tương đương với Bộ trưởng Tài chính ngày nay. Năm 1717, vùng thung lũng hạ lưu sông Mississippi chỉ có rất ít cơ hội làm ăn hấp dẫn bên cạnh đầm lầy và cá sấu, nhưng công ty Mississippi đã cho lan truyền các câu chuyện bịa đặt về sự giàu có và những cơ hội vô biên. Giới quý tộc Pháp, những doanh nhân và thành viên mà khuôn mặt lúc nào cũng nghiêm trang lạnh lùng của giai cấp tư sản thành thị đều rơi vào cái bẫy ảo tưởng này, khiến giá cổ phiếu của công ty Mississippi tăng vọt. Ban đầu, cổ phiếu được chào bán với giá 500 livre một cổ phiếu. Ngày 1 tháng Tám năm 1719, cổ phiếu được mua bán ở mức 2.750 livre. Ngày 30 tháng Tám, giá cổ phiếu là 4.100 livre, và ngày 4 tháng Chín, chúng đã đạt ngưỡng 5.000 livre. Ngày 2 tháng Mười hai, giá cổ phiếu của Mississippi vượt ngưỡng 10.000 livre. Sự phấn chấn quét qua những đường phố Paris. Người ta bán tất cả tài sản của mình, và vay những khoản nợ khổng lồ để mua cổ phiếu Mississippi. Mọi người đều tin rằng họ đã tìm ra con đường dễ dàng để trở nên giàu có.
Ít ngày sau đó, cơn hoảng loạn bắt đầu. Một số nhà đầu cơ nhận ra giá cổ phiếu hoàn toàn phi thực tế và không bền vững. Họ tính toán rằng tốt hơn nên bán khi giá cổ phiếu đã ở đỉnh. Khi nguồn cung cổ phiếu tăng, giá bán chúng sẽ giảm đi. Khi những nhà đầu tư khác thấy giá đi xuống, họ cũng muốn thoát ra thật nhanh. Giá cổ phiếu càng tụt nhanh hơn, bắt đầu lao dốc. Để bình ổn giá, Ngân hàng trung ương Pháp – theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng là John Law – đã mua vào cổ phiếu Mississippi, nhưng Ngân hàng không thể làm như vậy mãi được. Cuối cùng họ cũng hết tiền. Khi điều này xảy ra, Trưởng ban Quản lý tài chính trung ương, vẫn là John Law, ủy quyền in thêm tiền để mua thêm cổ phiếu. Điều này đặt toàn bộ hệ thống tài chính Pháp vào trong một quả bong bóng. Và ngay cả thiên tài trong lĩnh vực tài chính này cũng không thể cứu vãn được thảm họa. Giá cổ phiếu của công ty Mississippi đã giảm từ 10.000 livre xuống 1.000 livre, sau đó sụp đổ hoàn toàn, và những cổ phiếu đó cũng mất nốt giá trị đến đồng xu cuối cùng. Đến khi đó, Ngân hàng trung ương và Kho bạc hoàng gia sở hữu một lượng lớn cổ phiếu vô giá trị, và không có tiền. Phần lớn các nhà đầu tư lớn thì bình an vô sự – họ đã bán tháo kịp thời. Những nhà đầu tư nhỏ mất sạch, và nhiều người đã tự tử.
Bong bóng Mississippi là một trong những sự kiện sụp đổ tài chính khủng khiếp nhất lịch sử. Hệ thống tài chính hoàng gia Pháp không bao giờ hồi phục hoàn toàn sau sự sụp đổ này. Cách thức mà công ty Mississippi dùng ảnh hưởng chính trị của họ để thao túng giá cổ phiếu, và đổ thêm dầu vào lửa gây nên tình trạng điên cuồng mua cổ phiếu, khiến công chúng mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng Pháp và sự hiểu biết về tài chính của Vua Pháp. Louis XV thấy rằng ngày càng khó để vay vốn tín dụng. Điều này đã trở thành một trong những lý do chính khiến thuộc địa Pháp ở nước ngoài rơi vào tay người Anh. Trong khi người Anh có thể vay tiền dễ dàng với lãi suất thấp, thì Pháp gặp nhiều khó khăn khi bảo đảm vay nợ, và phải trả lãi suất cao. Để trả cho những khoản nợ ngày càng tăng của mình, Vua Pháp tiếp tục vay thêm tiền với lãi suất cao hơn và cao hơn nữa. Cuối cùng, năm 1780, Louis XVI, người đã lên ngôi khi ông nội mình qua đời, nhận ra một nửa ngân sách hằng năm của ông ta đã bị giữ lại để dành cho việc trả nợ lãi vay của ông nội mình, và rằng ông ta sắp bị phá sản. Bất đắc dĩ, trong năm 1789, Louis XVI triệu tập Nghị viện (Estates General), vốn không họp suốt một thế kỷ rưỡi nay, để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Thế là Cách mạng Pháp bắt đầu.