Điều này giải thích tại sao nhiều nền văn hoá đã kết luận rằng kiếm nhiều tiền là tội lỗi. Như Jesus đã nói, “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn kẻ giàu đặt chân vào vương quốc của Chúa” (Matthew 19:24). Nếu chiếc bánh là y nguyên, và tôi có một miếng bánh lớn, thì tôi hẳn phải lấy phần của một người nào khác. Người giàu đã bị buộc phải ăn năn sám hối cho hành vi độc ác của họ, bằng cách đem của cải dư thừa đi làm từ thiện.
Nếu chiếc bánh toàn cầu giữ nguyên kích thước thì sẽ không có chỗ cho việc vay tín dụng. Tín dụng là sự chênh lệch giữa chiếc bánh ngày nay và chiếc bánh ngày mai. Nếu chiếc bánh trước sau không đổi, tại sao lại phải vay tín dụng? Nó sẽ là một việc liều lĩnh không chấp nhận được, trừ phi bạn tin rằng người thợ làm bánh hoặc nhà vua hỏi vay tiền của bạn có thể lấy cắp một lát bánh từ đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, thật khó để có thể vay mượn trong thế giới thời kỳ tiền hiện đại, và khi bạn nhận được một khoản vay như thế, nó thường là khoản vay nhỏ, ngắn hạn, chịu lãi suất cao. Do đó, những người khởi nghiệp thấy thật khó để mở những tiệm bánh mới, và các vị vua vĩ đại muốn xây cung điện hay phát động chiến tranh, không có lựa chọn nào khác để tăng nguồn tài chính cần thiết ngoài cách tăng các loại thuế.
Việc này vẫn ổn với các vị vua (miễn là thần dân của họ vẫn dễ bảo như cũ), nhưng với một người hầu gái làm việc ở phòng rửa bát, đang có một ý tưởng lớn là mở một tiệm bánh mì và muốn vươn lên trong xã hội, nói chung chỉ có thể mơ đến sự giàu có trong khi cọ rửa sàn nhà bếp của hoàng gia.
Đây chính là tình huống đôi bên cùng thua thiệt. Vì nguồn tín dụng bị hạn chế, người dân gặp khó khăn khi tìm vốn cho hoạt động thương nghiệp mới. Vì có rất ít hoạt động thương nghiệp mới, kinh tế sẽ không tăng trưởng. Vì kinh tế không tăng trưởng, người ta cho rằng nó sẽ không bao giờ tăng trưởng, và những người có vốn cũng thận trọng trong việc cho vay tín dụng. Dự báo về sự đình trệ đã tự ứng nghiệm thành sự thật.
Miếng bánh đang lớn dần
Thế rồi Cách mạng Khoa học và ý tưởng về sự tiến bộ đã xuất hiện. Ý tưởng về sự tiến bộ được xây dựng dựa trên quan niệm, nếu chúng ta thừa nhận sự ngu dốt của mình và đầu tư các nguồn lực vào nghiên cứu, thì mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. Ý tưởng này đã sớm được chuyển thành những thuật ngữ kinh tế. Bất cứ ai tin tưởng vào sự tiến bộ đều tin rằng những phát kiến địa lý, phát minh khoa học kĩ thuật và phát triển về mặt tổ chức có thể làm tăng tổng sản lượng hàng hoá, hoạt động thương mại và sự giàu có của con người. Những tuyến đường thương mại mới ở Đại Tây Dương có thể phát triển mạnh mẽ mà không làm hỏng những tuyến đường cũ ở Ấn Độ Dương. Các loại hàng hoá mới có thể được sản xuất mà không làm giảm sản lượng của các hàng hoá cũ. Ví dụ, một người có thể mở một tiệm bánh mới chuyên bán bánh sô-cô-la và bánh sừng bò mà không làm cho những tiệm bánh chuyên bán bánh mì bị phá sản. Mọi người chỉ đơn giản là phát triển những khẩu vị mới và ăn nhiều hơn. Tôi có thể giàu có mà không làm bạn nghèo; tôi có thể ăn đến béo phì và không có chuyện bạn phải chết đói. Toàn bộ chiếc bánh toàn cầu có thể nở ra.
Trong hơn 500 năm qua, ý tưởng về sự tiến bộ đã thuyết phục con người đặt ngày càng nhiều niềm tin vào tương lai. Sự tin tưởng này đã tạo ra nguồn tín dụng; tín dụng đã mang lại sự tăng trưởng kinh tế thực sự; và sự tăng trưởng củng cố niềm tin vào tương lai, mở đường cho càng nhiều lượng tín dụng thêm nữa. Quá trình đó không diễn ra trong phút chốc – nền kinh tế hoạt động giống một tàu siêu tốc lượn lên lượn xuống hơn là một quả bóng bay. Nhưng về lâu dài, khi những chỗ gập ghềnh được san phẳng, chiều hướng tổng thể là cực kỳ rõ nét. Ngày nay, có quá nhiều lượng tín dụng trên thế giới để chính phủ, các tập đoàn kinh tế và các hộ kinh doanh cá thể có thể dễ dàng nhận được những khoản vay lớn, dài hạn với lãi suất thấp vượt xa thu nhập hiện tại.
Niềm tin vào việc chiếc bánh toàn cầu đang nở ra cuối cùng đã dẫn đến sự thay đổi to lớn. Năm 1776, nhà kinh tế học người Scotland, Adam Smith đã xuất bản cuốn Của cải của các dân tộc (The Wealth of Nations), đây có lẽ là bản tuyên ngôn kinh tế học quan trọng nhất mọi thời đại. Trong chương 8 của tập 1, Smith đã đưa ra lập luận mới lạ sau đây: khi một chủ đất, một người thợ dệt, hoặc một người thợ đóng giày có được lợi nhuận nhiều hơn nhu cầu mà anh ta cần để nuôi gia đình, anh ta sẽ dùng phần thặng dư để thuê thêm người giúp việc làm tăng thêm lợi nhuận của mình. Càng nhiều lợi nhuận, càng có thể thuê nhiều người giúp việc hơn. Suy ra sự gia tăng lợi nhuận của những cá nhân khởi nghiệp sẽ là cơ sở cho việc gia tăng sự giàu có và thịnh vượng của tập thể.
Bạn có thể không coi đây là một ý tưởng đột phá, vì tất cả chúng ta đang sống trong một thế giới tư bản đã tiếp nhận lập luận của Smith như một điều hiển nhiên. Chúng ta nghe các biến thể của chủ đề này trong những tin tức hằng ngày. Tuy nhiên, tuyên bố của Smith cho rằng ham muốn vị kỷ mạnh mẽ của loài người muốn tăng lợi nhuận cá nhân là cơ sở cho sự giàu có của tập thể, chính là một trong những ý tưởng đột phá nhất trong lịch sử loài người – đột phá không chỉ từ viễn kiến kinh tế, mà còn cả từ viễn kiến đạo đức và chính trị. Thực tế, Smith nói rằng tham lam thì tốt, và bằng cách trở nên giàu có hơn, tôi đã đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, không chỉ cho riêng bản thân mình. Vị kỷ chính là vị tha.
Smith đã dạy mọi người suy nghĩ về nền kinh tế như là một “tình huống đôi bên cùng có lợi”, trong đó lợi nhuận của tôi cũng là lợi nhuận của bạn. Không chỉ mỗi người chúng ta đều có thể thưởng thức một phần to hơn của chiếc bánh, mà phần bánh tăng thêm của bạn phụ thuộc vào phần bánh tăng thêm của tôi. Nếu tôi nghèo, bạn cũng sẽ nghèo, vì tôi không thể mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Nếu tôi giàu, bạn cũng sẽ giàu, vì bạn có thể bán cho tôi thứ gì đó. Smith phủ nhận mâu thuẫn truyền thống giữa sự giàu có và đạo đức, và mở ra những cánh cửa thiên đường cho những người giàu có. Giàu có nghĩa là đạo đức. Trong câu chuyện của Smith, mọi người trở nên giàu có không phải bằng việc bóc lột những người xung quanh mà bằng cách làm tăng kích thước của toàn bộ chiếc bánh. Và khi chiếc bánh to lên, mọi người đều hưởng lợi. Theo như thế, người giàu là những người hữu ích nhất và rộng lượng nhất trong xã hội, vì họ đã quay các bánh xe tăng trưởng phục vụ lợi ích của mọi người.
Tuy nhiên, tất cả điều này còn phụ thuộc vào việc liệu người giàu có sử dụng lợi nhuận của họ để mở nhà máy mới và thuê nhân công mới hay không, thay vì lãng phí chúng vào những hoạt động phi sản xuất. Do đó, Smith nhắc đi nhắc lại câu châm ngôn rằng, “Khi lợi nhuận tăng, người chủ đất hoặc người thợ dệt sẽ thuê thêm người giúp việc”, chứ không phải là, “Khi lợi nhuận tăng, ông già Keo kiệt sẽ cất tiền trong một két sắt, và chỉ lấy ra khi cần đếm chúng”. Một phần chủ yếu của kinh tế chủ nghĩa tư bản hiện đại là sự xuất hiện của một nguyên tắc đạo đức mới, theo đó lợi nhuận phải được tái đầu tư vào sản xuất. Quá trình này đem lại lợi nhuận mới, thứ mà một lần nữa lại được tái đầu tư vào sản xuất, mang lại lợi nhuận nhiều hơn, và cứ thế… đến vô tận. Những khoản đầu tư có thể được biểu hiện bằng nhiều cách: mở rộng nhà máy, tiến hành nghiên cứu khoa học, phát triển những sản phẩm mới. Tuy nhiên, tất cả những khoản đầu tư này, theo cách nào đó, phải làm tăng sản lượng và chuyển thành lợi nhuận lớn hơn. Trong tín ngưỡng tư bản mới, điều răn thứ nhất và thiêng liêng nhất là: “Lợi nhuận của sản xuất phải được tái đầu tư vào sự gia tăng sản xuất”.
Điều đó giải thích tại sao lý thuyết kinh tế về tiền bạc được gọi là “chủ nghĩa tư bản”. Chủ nghĩa tư bản phân biệt giữa “tư bản” với “của cải” đơn thuần. Tư bản bao gồm tiền bạc, hàng hoá và những nguồn lực được đầu tư vào sản xuất. Mặt khác, của cải thì được chôn xuống đất, hoặc bị lãng phí vào những hoạt động phi sản xuất. Một vị Pharaoh đổ nhiều nguồn lực vào một kim tự tháp phi sản xuất không phải là một nhà tư bản. Một tên cướp biển đã cướp một hạm đội châu báu của Tây Ban Nha và chôn một thùng đầy tiền vàng lấp lánh trên bãi biển của hòn đảo Caribe nào đó không phải là một nhà tư bản. Nhưng một người thợ máy làm việc chăm chỉ, đầu tư một phần thu nhập của mình vào thị trường chứng khoán, chính là một nhà tư bản.
Quan niệm cho rằng “Lợi nhuận của sản xuất phải được tái đầu tư vào sự gia tăng sản xuất” nghe có vẻ bình thường. Tuy nhiên, trong lịch sử nó lại xa lạ với hầu hết mọi người. Trong thời kỳ tiền hiện đại, ít nhiều người ta đã tin rằng quy mô sản xuất gần như bất biến. Vì vậy, tại sao phải tái đầu tư lợi nhuận của bạn, nếu quy mô sản xuất sẽ không tăng lên nhiều, bất kể bạn có làm gì đi nữa? Vì vậy, những quý tộc thời trung cổ chỉ biết đi theo những quy chuẩn của sự hào phóng và tiêu dùng xa xỉ. Họ dành lợi tức của mình cho những cuộc cưỡi ngựa đấu thương, yến tiệc, dinh thự và chiến tranh, vào các tổ chức từ thiện và những nhà thờ đồ sộ. Một số ít đã thử tái đầu tư lợi tức bằng việc tăng sản lượng nông nghiệp trên đất của họ, trồng những loại lúa mì tốt hơn, hay tìm kiếm những thị trường mới.