Các nhà thiên văn học dự đoán rằng những lần cắt ngang tiếp theo của Sao Kim sẽ xảy ra vào năm 1761 và năm 1769. Vì vậy, những đoàn thám hiểm đã từ châu Âu tỏa đi khắp thế giới để quan sát hiện tượng này từ càng nhiều điểm cách xa nhau càng tốt. Năm 1761, các nhà khoa học đã quan sát hiện tượng cắt ngang của Sao Kim từ Siberia, Bắc Mỹ, Madagascar và Nam Phi. Khi năm 1769 đến gần, cộng đồng khoa học châu Âu đã hết sức nỗ lực để gửi các nhà khoa học đi thật xa như tới miền Bắc Canada, và California (lúc đó còn là một vùng đất hoang dã). Hội khoa học Hoàng gia London về Cải thiện Kiến thức Tự nhiên đã kết luận rằng như thế vẫn chưa đủ. Để có được những kết quả chính xác nhất, bắt buộc phải gửi một nhà thiên văn học đến tận Tây Nam Thái Bình Dương.
Hội khoa học Hoàng gia đã quyết định cử một nhà thiên văn học xuất sắc, Charles Green đến Tahiti mà không quản công sức hay tiền bạc. Nhưng khi đã tài trợ cho một chuyến thám hiểm tốn kém như vậy, thật vô nghĩa nếu chỉ sử dụng nó để làm một việc duy nhất là quan sát thiên văn. Do đó, đồng hành với Charles Green là một đội tám nhà khoa học khác, từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu, đứng đầu là hai nhà thực vật học Joseph Banks và Daniel Solander. Nhóm nghiên cứu cũng gồm các họa sĩ có nhiệm vụ vẽ lại những vùng đất, các loài thực vật, động vật và những tộc người mới, mà họ chắc chắn sẽ bắt gặp. Được trang bị những thiết bị khoa học tân tiến nhất mà các ngân hàng và Hội khoa học Hoàng gia có thể mua được, đoàn thám hiểm đã lên đường dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng James Cook, một nhà hàng hải lão luyện đồng thời là một nhà địa lý học và dân tộc học tài năng.
Đoàn thám hiểm rời Anh năm 1768, quan sát hiện tượng cắt ngang của Sao Kim từ Tahiti vào năm 1769, thảm dò một số quần đảo ở Thái Bình Dương, đến thăm Australia và New Zealand, và trở về Anh vào năm 1771. Chuyến đi mang về một lượng rất lớn dữ liệu thiên văn, địa lý, khí tượng, thực vật, động vật và nhân học. Những khám phá này đã đóng góp rất lớn vào một số ngành học, thổi bùng óc tưởng tượng của người châu Âu trước những câu chuyện kỳ diệu của vùng Nam Thái Bình Dương, và truyền cảm hứng cho những thế hệ các nhà tự nhiên học và thiên văn học tương lai.
Một trong những lĩnh vực được hưởng lợi từ cuộc thám hiểm của Cook là y học. Vào thời đó, những con tàu giương buồm ra khơi hướng đến những bờ biển xa xôi, dù biết trước hơn một nửa thủy thủ đoàn sẽ chết dọc đường. Sự báo ứng không đến từ những người bản xứ giận dữ, những tàu chiến đối phương, hay nhớ nhà, mà tư căn bệnh bí ẩn gọi là scurvy. Những người mắc bệnh này uể oải và chán nản, nướu răng và những mô tế bào mềm khác bị chảy máu. Khi bệnh tiến triển, răng sẽ bị rụng, lở loét xuất hiện và họ bị sốt cao, vàng da, chân tay mất kiểm soát. Giai đoạn giữa thế kỷ 16 và 18, bệnh scurvy ước tính đã cướp đi sinh mạng của khoảng hai triệu thủy thủ. Không ai biết nguyên nhân của căn bệnh này, và bất chấp mọi nỗ lực điều trị, những thủy thủ tiếp tục chết hàng loạt. Bước ngoặt đến vào năm 1747, khi một bác sĩ người Anh, James Lind, tiến hành một thí nghiệm có kiểm chứng đối với những thủy thủ đã nhiễm bệnh. Ông phân chia họ ra thành nhiều nhóm, và áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau cho mỗi nhóm. Một trong những nhóm thí nghiệm đã được cho ăn những loại trái cây trong họ cam quýt (citrus), một phương pháp dân gian phổ biến để trị bệnh scurvy. Những bệnh nhân trong nhóm này đã hồi phục nhanh chóng. Lind không biết những trái cây họ cam quýt có chứa thứ gì mà cơ thể thủy thủ đang thiếu, nhưng giờ đây chúng ta biết rằng đó là vitamin C. Một thực đơn thông thường trên tàu tại thời đó đặc biệt thiếu những loại thực phẩm giàu tinh chất thiết yếu này. Trên những hải trình dài ngày, thủy thủ thường sống bằng bánh quy và thịt bò khô, và hầu như không ăn trái cây hay rau.
Những thí nghiệm của Lind không thuyết phục được Hải quân Hoàng gia, nhưng thuyết phục được James Cook. Ông kiên quyết chứng minh vị bác sĩ này đã đúng. Ông cho chất lên tàu một lượng lớn bắp cải muối chua (sauerkraut), ra lệnh cho thủy thủ đoàn ăn thật nhiều trái cây tươi và rau quả mỗi khi đoàn thám hiểm có dịp ghé vào bờ. Cook đã không mất một thủy thủ nào vì bệnh scurvy. Trong hàng thập kỷ sau đó, mọi lực lượng hải quân trên thế giới đều học theo chế độ ăn uống trên biển của Cook, nên đã cứu được vô số sinh mạng của thủy thủ và hành khách.
Tuy nhiên, chuyến thám hiểm của Cook đã đem lại một kết quả khác, kém tốt đẹp hơn nhiều. Cook không chỉ là một nhà hàng hải và địa lý lão luyện, mà còn là một sĩ quan hải quân. Hội khoa học Hoàng gia đã tài trợ phần lớn chi phí của chuyến thám hiểm, nhưng con tàu lại được Hải quân Hoàng gia cấp cho. Họ cũng phái một đoàn gồm 85 thủy thủ và lính thủy đánh bộ với khí tài đầy đủ, trang bị pháo binh, súng trường, thuốc súng và những loại vũ khí khác cho con tàu. Phần lớn những thông tin thu thập được trong chuyến thám hiểm, đặc biệt là những dữ liệu về thiên văn, địa lý, khí tượng và nhân học – rõ ràng đã đem lại nhiều giá trị về mặt chính trị và quân sự. Việc tìm ra một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh scurvy cũng góp phần rất lớn vào sự kiểm soát của Anh đối với những vùng biển trên thế giới, và vào năng lực gửi quân đội sang những khu vực ở bên kia thế giới. Cook đã tuyên bố chủ quyền cho Anh ở rất nhiều quần đảo và vùng đất do ông “tìm ra,” đáng chú ý nhất là châu Úc. Chuyến thám hiểm của Cook đã đặt nền móng cho sự chiếm đóng của Anh ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương; cho sự chinh phục châu Úc, Tasmania, và New Zealand; cho sự định cư của hàng triệu người châu Âu trên những thuộc địa mới; và cho sự hủy diệt văn hoá bản địa và hầu hết dân cư bản địa.
Trong thế kỷ tiếp theo chuyến thám hiểm này, hầu hết những vùng đất màu mỡ nhất của châu Úc và New Zealand đã bị những người định cư từ châu Âu tước khỏi tay những cư dân trước đây. Dân số cư dân bản địa giảm đến 90%, và những người sống sót đã phải chịu một chế độ đàn áp chủng tộc hà khắc. Đối với những thổ dân châu Úc và bộ tộc Maoris ở New Zealand, đoàn thám hiểm của Cook là sự khởi đầu cho một thảm họa mà họ không bao giờ khắc phục được.
Một số phận còn thê thảm hơn đã giáng xuống những người bản địa của đảo Tasmania. Sau khi đã tồn tại 10.000 năm trong sự cô lập tuyệt đối, họ đã hoàn toàn bị xóa sổ cho đến người đàn ông, đàn bà và trẻ em cuối cùng, chỉ trong vòng một thế kỷ kể từ khi đoàn thám hiểm của Cook đến đây. Những người định cư châu Ấu ban đầu đưa họ ra khỏi những khu vực giàu có nhất của hòn đảo, và sau đó, vẫn còn thèm muốn cả những vùng hoang dã còn lại, đã săn lùng, giết hại họ một cách có hệ thống. Một số ít người sống sót đã bị lùa vào trại tập trung để cải đạo, nơi những người truyền giáo, dù đầu óc đẩy những thiện ý nhưng đặc biệt không chút cởi mở, đã cố gắng truyền giáo cho họ để họ sống theo lối sống hiện đại. Những người Tasmania sống sót đã được dạy đọc và viết, theo đạo Ki-tô và học những “kĩ năng sản xuất” như dệt may và trồng trọt. Nhưng họ đã từ chối học. Họ trở nên u buồn hơn, thôi không sinh con, không còn quan tâm đến cuộc sống nữa, và cuối cùng đã chọn con đường duy nhất để thoát khỏi thế giới hiện đại của khoa học và tiến bộ – cái chết.
Chao ôi, khoa học và sự tiến bộ vẫn còn theo đuổi họ sang tận thế giới bên kia. Thi thể của những người Tasmania cuối cùng đã bị những nhà nhân học và người phụ trách bảo tàng thu giữ nhân danh khoa học. Chúng đã bị mổ xẻ, cân đo, và phân tích để phục vụ cho nghiên cứu. Những chiếc sọ và bộ xương sau đó được trưng bày trong những viện bảo tàng và những bộ sưu tập nhân chủng học. Chỉ đến năm 1976, viện bảo tàng Tasmania mới từ bỏ và cho chôn cất hài cốt của bà Truganini, người bản địa Tasmania cuối cùng, đã chết từ 100 năm trước đó. Hội phẫu thuật Hoàng gia Anh đã giữ những mẫu da và tóc của bà cho đến năm 2002.
Có phải hải trình của Cook là một chuyến thám hiểm khoa học được lực lượng quân sự hộ tống, hay là đó là một đoàn thám hiểm quân sự với vài nhà khoa học đi theo? Câu hỏi đó giống như việc hỏi bình xăng của bạn đẩy một nửa, hay vơi một nửa. Cả hai đều đúng. Cách mạng Khoa học và chủ nghĩa đế quốc hiện đại là không thể tách rời. Những người như Thuyền trưởng James Cook và nhà thực vật học Joseph Banks đều khó có thể tách khoa học khỏi đế quốc. Người phụ nữ kém may mắn Truganini cũng vậy.
Tại sao lại là châu Âu?
Chuyện những người từ một đảo lớn ở phía bắc Đại Tây Dương đã chinh phục một đảo lớn ở phía nam châu Úc là một trong những sự kiện còn kỳ lạ hơn của lịch sử. Không lâu trước chuyến thám hiểm của Cook, quần đảo Anh và Tây Âu nói chung chỉ là những vùng ao tù nước đọng xa xôi của thế giới Địa Trung Hải. Những điều quan trọng hiếm khi xảy ra ở đó. Ngay cả Đế chế La Mã – đế chế châu Âu quan trọng duy nhất ở thời kỳ tiền hiện đại – cũng chỉ trở nên giàu có nhờ những lãnh thổ thuộc địa ở Bắc Phi, Balkan, và Trung Đông. Còn những lãnh thổ miền Tây Âu của La Mã là một vùng Viễn Tây hoang dã, có đóng góp rất ít ngoại trừ khoáng sản và nô lệ. Vùng Bắc Âu thì quá hẻo lánh và hoang dã, đến mức nó không bõ công để chinh phục.
Chỉ đến cuối thế kỷ 13, châu Âu mới trở thành một khu vực sôi động với nhiều sự phát triển về quân sự, chính trị, kinh tế và văn hoá quan trọng. Giữa năm 1300 và 1750, Tây Âu đã lấy được đà và trở thành ông chủ của “Thế giới Bên ngoài,” gồm hai lục địa của châu Mỹ và các đại dương. Tuy nhiên, ngay cả khi đó châu Âu vẫn không sánh được với những cường quốc ở châu Á. Châu Âu chinh phục thành công châu Mỹ và đạt được uy thế trên biển, chủ yếu là do những cường quốc châu Á ít thể hiện sự quan tâm đến chúng. Thời kỳ đầu kỷ nguyên hiện đại là thời hoàng kim của Đế chế Ottoman ở Địa Trung Hải, Đế chế Safavid thuộc Ba Tư, Đế chế Mughal ở Ấn Độ, nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Hoa. Những đế chế này đã mở rộng lãnh thổ một cách đáng kể và có được mức tăng trưởng dân số và kinh tế chưa từng có. Năm 1775, châu Á chiếm 80% quy mô kinh tế thế giới. Chỉ hai nền kinh tế của Ấn Độ và Trung Hoa đã chiếm tới hai phần ba sản lượng toàn cầu. Trong khi đó, châu Âu là một “người lùn” về kinh tế.