Ở La Mã hay Trung Hoa cổ đại cũng vậy, hầu hết tướng lĩnh và triết gia đều không nghĩ rằng họ có bổn phận phát triển những vũ khí mới. Phát minh quân sự quan trọng nhất trong lịch sử Trung Hoa là thuốc súng. Tuy nhiên, theo những gì ta được biết, thuốc súng là phát minh ngẫu nhiên của các nhà giả kim Đạo giáo trong quá trình tìm thuốc trường sinh bất lão. Hành trình sau này của thuốc súng lại còn đáng nói hơn. Người ta hẳn cho rằng các nhà giả kim Đạo giáo đã có thể biến Trung Hoa trở thành bá chủ thế giới. Nhưng trên thực tế, người Trung Hoa đã sử dụng hợp chất mới chủ yếu chỉ để làm pháo đốt! Ngay cả khi nhà Tống sụp đổ trước cuộc xâm lăng của Mông Cổ, không có hoàng đế nào nghĩ ra một dự án Manhattan của thời trung cổ để cứu đế chế bằng cách phát minh ra một thứ vũ khí chết người. Chỉ đến thế kỷ 13 – khoảng 600 năm sau khi phát minh ra thuốc súng – đại bác mới trở thành yếu tố then chốt trên các chiến trường Á-Phi. Tại sao phải chờ lâu đến vậy, tiềm năng giết người của loại chất nổ này mới được ứng dụng trong quân sự? Vì nó xuất hiện vào thời điểm mà không có vị quân vương, nhà nghiên cứu, hay nhà buôn nào cho rằng kĩ thuật quân sự mới có thể cứu hay làm giàu cho họ.
Tình hình đã bắt đầu thay đổi trong thế kỷ 13 và 16, nhưng phải mất thêm 200 năm thì các vị vua chúa mới quan tâm đến việc tài trợ cho nghiên cứu và phát triển những loại vũ khí mới. Hậu cần và chiến lược tiếp tục có tác động lớn hơn nhiều đến kết quả của chiến tranh so với công nghệ. Bộ máy quân sự của Napoleon, từng nghiền nát quân đội của những cường quốc châu Âu tại trận Austerlitz (1805), được trang bị loại vũ khí tương tự từ thời Louis XVT. Ngay cả Napoleon, dù là pháo thủ, song không mấy quan tâm đến những loại vũ khí mới, cho dù các nhà khoa học và nhà sáng chế đã cố gắng thuyết phục ông đầu tư phát triển máy bay, tàu ngầm và tên lửa.
Khoa học, công nghệ và kĩ thuật quân sự chỉ gắn bó với nhau khi có sự ra đời của hệ thống tư bản chủ nghĩa và Cách mạng Công nghiệp. Nhưng một khi quan hệ này đã được thiết lập, nó nhanh chóng biến đổi toàn thế giới.
Mô hình lý tưởng của sự tiến bộ
Trước khi có Cách mạng Khoa học, phần lớn các nền văn hoá của nhân loại đều không tin vào sự tiến bộ. Họ nghĩ rằng thời hoàng kim đã là chuyện của quá khứ, và rằng thế giới đang trì trệ, nếu không nói là trở nên xấu đi. Phải bấu víu vào kho trí tuệ uyên thâm xa xưa đó thì may chăng mới có thể mang thời hoàng kim xa xưa trở lại, và tài khéo léo của con người có thể cải thiện được khía cạnh này hay khía cạnh kia của đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, liệu trí tuệ của con người có vượt qua được những vấn đề cơ bản của thế giới hay không lại được xem là việc bất khả thi. Nếu ngay cả Muhammad, Jesus, Phật và Khổng Tử – những người biết mọi thứ cần biết – đã không thể xóa bỏ nạn đói, bệnh tật, nghèo khổ và chiến tranh khỏi thế giới này, thì mong gì chúng ta có thể làm được?
Nhiều tín ngưỡng tin rằng, ngày nào đó một đấng cứu thế sẽ xuất hiện và chấm dứt tất cả các cuộc chiến tranh, nạn đói và thậm chí cả cái chết. Còn ý niệm cho rằng loài người có thể làm được như thế bằng việc khám phá tri thức mới và phát minh ra những công cụ mới là điều lố bịch hơn cả lố bịch – đó là sự ngông cuồng. Câu chuyện tháp Babel, câu chuyện Icarus, câu chuyện Golem và vô số huyền thoại khác đã dạy cho con người rằng bất kỷ nỗ lực nào nhằm vượt qua giới hạn con người chắc chắn sẽ dẫn đến những thất vọng và thảm họa.
Khi văn hoá hiện đại thừa nhận có rất nhiều thứ quan trọng mà con người vẫn chưa biết đến, và khi việc thừa nhận sự ngu dốt đó kết hợp nhuần nhuyễn với ý tưởng cho rằng các khám phá khoa học có thể mang lại cho chúng ta những sức mạnh mới, người ta bắt đầu ngờ rằng cuối cùng tiến bộ thực sự có thể xảy ra. Khi khoa học bắt đầu giải quyết lần lượt hết nan để này đến nan đề kia, nhiều người đã bị thuyết phục rằng con người có thể giải quyết được mọi vấn đề bằng cách tiếp thu và áp dụng kiến thức mới. Nghèo nàn, bệnh tật, chiến tranh, đói khát, già nua và thậm chí cái chết đều không phải là định mệnh không thể tránh khỏi của loài người. Chúng đơn giản chỉ là kết quả của sự mông muội của chúng ta mà thôi.
Một ví dụ nổi tiếng là sét. Nhiều nền văn hoá cho rằng sét là cái búa của một vị thần đang nổi giận dùng để trừng phạt những kẻ tội lỗi. Vào giữa thế kỷ 18, một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất lịch sử khoa học, Benjamin Franklin đã thả diều giữa một cơn bão sét để thử nghiệm giả thuyết cho rằng sét đơn giản là một dòng điện. Những quan sát thực nghiệm của Franklin, cộng với kiến thức của ông về bản chất của năng lượng điện, cho phép ông phát minh ra cột thu lôi và tước bỏ vũ khí của những vị thần.
Nghèo đói là một ví dụ điển hình khác. Nhiều nền văn hoá đã xem nghèo đói là một phần không thể thoái thác của thế giới không hoàn hảo này. Theo Tân Ước, ngay trước khi bị đóng đinh, một phụ nữ đã xức cho Chúa Jesus thứ dầu quý trị giá 300 denarii. Môn đệ của Jesus mắng cô về tội lãng phí số tiền lớn đến thế thay vì đem cho người nghèo, nhưng Jesus bênh vực cô, nói rằng “Ngươi sẽ luôn có người nghèo bên cạnh và ngươi có thể giúp đỡ họ bất cứ lúc nào ngươi muốn. Còn ta, ngươi không phải lúc nào cũng có ta” (Mark 14:7). Ngày nay, ngày càng có ít người, nhất là người Ki-tô giáo, đồng ý với Chúa Jesus về vấn đề này. Nghèo đói ngày càng được xem như là một vấn đề kĩ thuật phải được can thiệp. Ngày nay, thông thường ai cũng biết là các chính sách dựa trên những tìm tòi mới nhất trong nông học, kinh tế học, y học và xã hội học có thể loại bỏ đói nghèo.
Và quả thực, nhiều nơi trên thế giới đã thoát khỏi các hình thái tồi tệ nhất của nghèo đói. Trong lịch sử, nhiều xã hội đã điêu đứng vì hai loại đói nghèo: nghèo xã hội tước đi của một số người cơ hội mà những người khác vẫn được hưởng chúng; và nghèo sinh học đặt đời sống của các cá nhân trước nguy cơ thiếu thức ăn và chỗ ở. Có lẽ nghèo xã hội không bao giờ có thể loại trừ được, nhưng ở nhiều nước trên thế giới, nghèo sinh học chỉ còn là chuyện quá khứ.
Cho đến gần đây, hầu hết mọi người còn loanh quanh rất gần với đường ranh giới của cái nghèo sinh học, nếu ở dưới đường đó, một người sẽ thiếu nhiệt lượng cần thiết để duy trì sự sống lâu dài. Thậm chí những tính toán sai lầm hay biến cố nhỏ cũng có thể dễ dàng đẩy người ta xuống dưới đường đó, lâm vào tình trạng chết đói. Thiên tai và thảm họa do con người gây ra thường đẩy toàn bộ dân chúng xuống vực thẳm, gây ra cái chết của hàng triệu người. Ngày nay hầu hết dân chúng trên thế giới có một tấm lưới an toàn giăng ra bên dưới họ. Mỗi cá nhân được bảo vệ khỏi rủi ro cá nhân bằng bảo hiểm, an sinh xã hội do nhà nước tài trợ, và bằng rất nhiều tổ chức phi chính phủ địa phương và quốc tế. Khi tai họa giáng xuống toàn bộ một khu vực nào đó, những nỗ lực cứu trợ toàn cầu thường thành công trong việc ngăn chặn điều tồi tệ nhất. Con người vẫn phải chịu rất nhiều suy thoái, sự sỉ nhục, và các loại bệnh tật liên quan đến đói nghèo, nhưng ở hầu hết các quốc gia không ai phải chịu cảnh chết đói. Thực tế, trong các xã hội, nhiều người đang có nguy cơ tử vong vì bệnh béo phì hơn là vì đói ăn.
Dự án Gilgamesh
Trong tất cả những vấn đề có vẻ như không thể giải quyết được của loài người, có một vấn đề vẫn dễ gây tranh cãi, thú vị và quan trọng nhất: vấn đề về cái chết. Mới đây, trước kỷ nguyên hiện đại, hầu hết các tôn giáo và tư tưởng đã mặc nhiên xem cái chết là định mệnh an bài của chúng ta. Hơn nữa, hầu hết các tín ngưỡng đều biến cái chết thành cội nguồn lẽ sống chính. Hãy thử hình dung về một Hồi giáo, Ki-tô giáo, hay tín ngưỡng Ai Cập cổ đại trong một thế giới không có cái chết. Các đức tin này đều dạy con người rằng, họ phải chấp nhận cái chết và đặt hy vọng vào thế giới bên kia, hơn là tìm cách chiến thắng cái chết và sống bất tử trên Trái đất. Những bộ óc xuất chúng nhất đã bận rộn tìm kiếm ý nghĩa cho cái chết chứ không phải cố gắng để thoát khỏi nó.
Đó là chủ đề của câu chuyện cổ xưa nhất còn lưu truyền đến chúng ta ngày nay – huyền thoại Gilgamesh của người Sumer cổ. Người anh hùng của Sumer là con người mạnh mẽ nhất và có khả năng nhất trên thế giới: Vua Gilgamesh của thành Uruk, người bách chiến bách thắng. Một ngày, Enkidu người bạn thân nhất của Gilgamesh qua đời. Gilgamesh ngồi bên xác chết, quan sát nó trong nhiều ngày, rồi bỗng nhìn thấy một con dòi rơi ra từ lỗ mũi của người bạn. Khoảnh khắc ấy, một nỗi kinh hoàng khủng khiếp đeo đẳng Gilgamesh và ông quyết tâm sẽ không bao giờ để mình chết. Bằng cách nào đó, ông sẽ tìm cách đánh bại cái chết. Gilgamesh sau đó đã thực hiện một hành trình đi đến tận cùng vũ trụ, giết những con sư tử, chiến đấu với những người bọ cạp, và tìm đường đến thế giới bên kia. Ở đó, ông đập tan những người khổng lồ bằng đá của Urshanabi và người chèo thuyền trên con sông tử thần, và đã gặp Utnapishtim, người sống sót cuối cùng của trận đại hồng thủy. Tuy nhiên, Gilgamesh đã thất bại trong mưu cầu của mình. Ông trở về nhà tay không, không thoát được cái chết, nhưng lại có sự giác ngộ mới. Gilgamesh đã học được rằng, khi Thượng đế tạo ra con người, họ đã xác lập cái chết như một định mệnh không thể tránh khỏi, và phải học cách sống chung với nó.