Phần 4
CÁCH MẠNG KHOA HỌC
14. Phát hiện ra sự ngu dốt
Giả sử một nông dân Tây Ban Nha chìm trong giấc ngủ dài vào năm 1000, và 500 năm sau đó choàng dậy bởi tiếng huyên náo từ đám thủy thủ của ngài Columbus đang leo lên các con tàu Nina, Pinta và Santa Maria, thì thế giới đối với anh ta có vẻ vẫn quen thuộc như ngày nào. Dẫu có nhiều thay đổi về kĩ thuật, cách cư xử, và những ranh giới chính trị, nhưng anh nông dân ngủ quên Rip Van Winkle thời trung cổ vẫn cảm thấy như ở nhà. Nhưng nếu một thủy thủ của Columbus rơi vào giấc ngủ tương tự và thức dậy với tiếng nhạc chuông iPhone thế kỷ 21, anh ta có thể thấy mình đang ở trong một thế giới kỳ lạ không thể hiểu nổi. “Phải thiên đường đây không?” Anh ta chắc hẳn sẽ tự hỏi mình. “Hay lẽ nào – địa ngục?”
500 năm qua đã chứng kiến một sự tăng trưởng phi thường và chưa từng có tiền lệ trong sức mạnh con người. Năm 1500 có khoảng 500 triệu Homo sapiens trên toàn thế giới. Ngày nay, con số này là 7 tỉ. Tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ được sản xuất bởi loài người trong năm 1500 ước tính vào khoảng 250 tỉ đô-la, với tỉ giá hiện tại. Ngày nay, giá trị một năm sản xuất của con người là gần 60 nghìn tỉ đô-la. Trong năm 1500, loài người tiêu thụ khoảng 13 nghìn tỉ calo năng lượng mỗi ngày. Ngày nay, chúng ta tiêu thụ 1.500 nghìn tỉ calo cho một ngày. (Hãy nhìn lại những con số này – dân số đã tăng gấp 14 lần, sản xuất gấp 240 lần, và tiêu thụ năng lượng gấp 115 lần.)
Giả sử một chiến hạm hiện đại được mang trở lại thời Columbus. Chỉ một vài giây, nó có thể biến những con thuyền Nina, Pinta và Santa Maria thành những mảnh ván bập bềnh trên biển, và sau đó đánh chìm lực lượng hải quân của tất cả những cường quốc thế giới vào thời đó, mà không hề sây sát. Chỉ cần năm con tàu chuyên chở hiện đại là có thể chở được hết số hàng hoá của toàn bộ đội tàu buôn của thế giới thời đó. Một máy vi tính hiện đại có thể dễ dàng lưu trữ từng chữ, từng số trong tất cả sách và kinh chép tay của mỗi thư viện thời trung cổ mà vẫn còn dư dung lượng. Bất kỳ một ngân hàng lớn nào ngày nay cũng giữ nhiều tiền hơn so với số tiền của mọi vương quốc tiền hiện đại trên thế giới cộng lại.
Năm 1500, rất ít thành phố có hơn 100.000 dân. Hầu hết các tòa nhà được xây bằng bùn, gỗ và rơm; một tòa nhà ba tầng đã được coi là một tòa nhà chọc trời. Phố xá là những con đường mòn bẩn thỉu, bụi bặm vào mùa hè và lầy lội vào mùa đông, ngược xuôi dòng người đi bộ, ngựa, dê, gà và một vài chiếc xe kéo. Âm thanh đô thị quen thuộc nhất là tiếng người và động vật, cùng tiếng búa và tiếng cưa. Khi Mặt trời lặn, cả thành phố chìm trong bóng tối, thi thoảng vài ánh nến hoặc ánh đuốc lập lòe trong bóng đêm. Nếu một cư dân thành phố ấy được thấy Tokyo, New York hay Mumbai ngày nay, anh ta sẽ nghĩ gì?
Từ thế kỷ 16 trở về trước, chưa có người nào từng đi vòng quanh Trái đất. Điều này đã thay đổi vào năm 1522, khi đoàn thuyền thám hiểm của Magellan trở về Tây Ban Nha sau một hành trình dài 72.000 km, kéo dài ba năm và tước đi mạng sống của gần như toàn bộ thủy thủ đoàn, gồm cả chính Magellan. Vào năm 1873, Jules Verne đã tưởng tượng chuyện Phileas Fogg, một người Anh giàu có ưa mạo hiểm, có thể đi vòng quanh thế giới chỉ trong 80 ngày. Ngày nay bất cứ ai có mức thu nhập tầm trung cũng có thể đi vòng quanh thế giới một cách an toàn và dễ dàng chỉ trong vòng 48 giờ.
Năm 1500, con người chỉ chôn chân trên bề mặt Trái đất. Họ có thể xây những tòa tháp cao và leo núi, nhưng bầu trời chỉ dành cho chim chóc, thiên sứ và những vị thần. Ngày 20 tháng Bảy năm 1969, con người đặt chân lên Mặt trăng. Đây không chỉ là một thành tựu mang tính lịch sử, mà còn là một dấu ấn của tiến hoá và mang tầm vóc vũ trụ. Trong suốt 4 tỉ năm tiến hoá trước đây, chưa có sinh vật nào ra được khỏi bầu khí quyền của Trái đất, và chắc chắn cũng chưa có sinh vật nào để lại dấu chân hay dấu xúc tu trên Mặt trăng.
Trong phần lớn lịch sử của mình, con người không biết gì về 99,99% những sinh vật trên hành tinh này – cụ thể là những vi sinh vật. Lý do không phải vì chúng ta không bận tâm đến chúng. Mỗi người trong chúng ta đều mang trong mình hàng tỉ sinh vật đơn bào, và chúng không phải là những kẻ ân không ngồi rồi. Chúng là những người bạn tốt nhất của con người nhưng cũng là kẻ thù nguy hiểm nhất. Một số tiêu hoá thức ăn và làm sạch ruột của chúng ta, trong khi một số khác gây đau ốm và bệnh dịch. Thế nhưng, chỉ đến năm 1674, con người mới lần đầu tiên được diện kiến tận mắt một vi sinh vật, khi Anton van Leeuwenhoek liếc qua chiếc kính hiển vi tự chế của ông và giật mình khi thấy cả một thế giới của những sinh vật nhỏ bé lao xao trong một giọt nước. Trong 300 năm sau đó, con người đã làm quen với một số lượng lớn các loài vi sinh vật. Chúng ta đánh bật thành công hầu hết những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất mà chúng gây ra, và chinh phục được vi sinh vật để phục vụ cho y tế và công nghệ. Ngày nay chúng ta điều khiển vi khuẩn để sản xuất thuốc, chế tạo nhiên liệu sinh học và tiêu diệt ký sinh trùng.
Nhưng thời khắc đáng chú ý và quyết định nhất trong 300 năm qua đã đến vào lúc 03:29:43 ngày 16 tháng Bảy năm 1945. Vào chính giây phút đó, các nhà khoa học Mỹ đã cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên tại Alamogordo, bang New Mexico. Từ thời điểm đó trở đi, loài người đã có khả năng không chỉ thay đổi tiến trình lịch sử, mà còn có thể kết thúc nó.
Tiến trình lịch sử dẫn đến vụ thử nghiệm Alamogordo và sự kiện con người đặt chân lên Mặt trăng được biết đến với tư cách là Cách mạng Khoa học. Trong cuộc cách mạng này, loài người đã giành được vô số quyền năng mới thông qua việc tập trung đầu tư nguồn lực vào nghiên cứu khoa học. Đây là một cuộc cách mạng, bởi vì đến khoảng năm 1500, con người trên khắp thế giới vẫn còn hoài nghi về khả năng có được những sức mạnh mới trong lĩnh vực y tế, quân sự và kinh tế của mình. Trong khi chính quyền và các nhà bảo trợ giàu có phân bổ nguồn tài chính cho giáo dục và học thuật với mục đích bảo toàn những năng lực hiện có hơn là phát triển những khả năng mới, thì một nhà cai trị điển hình thời tiền hiện đại sẽ cấp tiền cho linh mục, triết gia và thi sĩ với hy vọng họ sẽ hợp pháp hoá sự cai trị của ông ta và duy trì trật tự xã hội. Ông ta không mong đợi họ sẽ khám phá ra những dược phẩm mới, phát minh ra vũ khí mới hay kích thích tăng trưởng kinh tế.
Trong năm thế kỷ vừa qua, con người ngày càng tin tưởng rằng có thể củng cố năng lực của mình bằng việc đầu tư vào nghiên cứu khoa học. Đây không phải là một niềm tin mù quáng – nó đã nhiều lần được chứng minh bằng thực nghiệm. Càng tìm được nhiều bằng chứng khoa học, người giàu và các chính phủ càng sẵn sàng đầu tư nhiều nguồn lực cho khoa học. Hẳn chúng ta đã không bao giờ có thể đi bộ trên Mặt trăng, điều khiển vi sinh vật và phân chia nguyên tử nếu không có những đầu tư như vậy. Chẳng hạn, chính phủ Mỹ trong nhiều thập kỷ gần đây đã chu cấp hàng tỉ đô-la cho lĩnh vực nghiên cứu vật lý hạt nhân. Kiến thức thu được từ những nghiên cứu biến việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trở thành hiện thực, cung cấp điện giá rẻ cho những ngành công nghiệp ở Mỹ; các ngành này nộp thuế cho chính phủ và chính phủ sử dụng một phần thuế này để tài trợ cho những nghiên cứu xa hơn về vật lý hạt nhân.
Tại sao con người hiện đại ngày càng bộc lộ niềm tin vào khả năng đạt đến những quyền lực mới qua nghiên cứu của mình? Cái gì đúc kết nên mối ràng buộc giữa khoa học, chính trị và kinh tế? Trong chương này, ta sẽ xem xét bản chất độc đáo của khoa học hiện đại để đưa ra một phần câu trả lời. Hai chương tiếp theo xem xét sự thành hình liên minh giữa khoa học, các đế quốc châu Âu và kinh tế học của chủ nghĩa tư bản.
Người ngu muội
Con người đã tìm cách khám phá về vũ trụ ít nhất là từ Cách mạng Nhận thức. Tổ tiên chúng ta đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức hòng khám phá những quy luật chi phối thế giới tự nhiên. Nhưng khoa học hiện đại và tất cả những truyền thống tri thức trước đây có ba điểm khác nhau cản bản:
a. Sẵn sàng thừa nhận mình ngu dốt. Khoa học hiện đại dựa trên huấn thị tiếng Latin ignoramus có nghĩa là “chúng tôi không biết”. Nó giả định rằng chúng ta không biết gì về mọi thứ. Thậm chí nghiêm trọng hơn, nó mặc nhận là những thứ mà chúng ta nghĩ rằng mình biết có thể được chứng minh là sai khi chúng ta có thể thu lượm được nhiều kiến thức hơn. Không có khái niệm, tư tưởng, hay lý thuyết nào là bất khả xâm phạm và vượt ra ngoài thách thức.
b. Trung tâm của sự quan sát và toán học. Khi đã thừa nhận sự ngu dốt, khoa học hiện đại đặt mục tiêu thu lượm kiến thức mới. Nó làm vậy bằng cách thu thập các quan sát, rồi sau đó dùng những công cụ toán học để kết nối các quan sát này thành những lý thuyết toàn diện.
c. Sự thu nhận những sức mạnh mới. Khoa học hiện đại không bằng lòng với việc tạo ra lý thuyết. Nó muốn dùng lý thuyết này để thu nhận những sức mạnh mới, và đặc biệt để phát triển những công nghệ mới.