Trên thực tế, độc thần giáo, như nó đã diễn ra trong lịch sử, là chiếc kính vạn hoa của những di sản độc thần giáo, nhị nguyên, đa thần giáo và tín ngưỡng vật linh, cùng núp bóng dưới một chiếc ô độc thần. Người Ki-tô giáo bình thường tin tưởng vào Thiên Chúa trong độc thần giáo, nhưng cũng tin vào Ác quỷ theo thuyết nhị nguyên, vào các vị thánh của thuyết đa thần, và các bóng ma của tín ngưỡng vật linh. Các học giả tôn giáo đặt tên cho sự kết hợp đồng thời này của các ý tưởng từ nhiều thuyết khác nhau, thậm chí là đối nghịch nhau, và sự kết hợp của các nghi lễ và thực hành có nguồn gốc khác nhau. Nó được gọi là chủ nghĩa hỗn tạp. Trên thực tế, thuyết hỗn tạp có lẽ là thứ tôn giáo vĩ đại duy nhất trên thế giới.
Quy luật tự nhiên
Tất cả các tôn giáo mà chúng ta đã thảo luận cho đến nay đều chia sẻ một đặc điểm quan trọng: chúng đều tập trung đức tin vào thần linh và thực thể siêu nhiên khác. Điều này có vẻ hiển nhiên đối với người phương Tây, chủ yếu quen thuộc với độc thần giáo và đa thần giáo. Tuy nhiên, trên thực tế, lịch sử tôn giáo của thế giới không chỉ gói gọn vào lịch sử của thần linh. Trong thiên niên kỷ 1 TCN, các tôn giáo hoàn toàn mới bắt đầu lan rộng khắp Á-Phi. Những kẻ mới đến, chẳng hạn như Jaina giáo và Phật giáo ở Ấn Độ, Đạo giáo và Nho giáo ở Trung Hoa, và chủ nghĩa khắc kỷ, chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa hưởng lạc ở Địa Trung Hải, được đặc trưng bởi sự coi thường thần linh.
Những tín ngưỡng này cho rằng trật tự siêu nhiên chi phối thế giới là sản phẩm của các quy luật tự nhiên chứ không phải ý chí và ý tưởng của thần linh. Một số tôn giáo tuân theo quy luật tự nhiên vẫn tiếp tục tán thành sự tồn tại của các vị thần, nhưng thần linh của họ là đối tượng của quy luật tự nhiên không khác gì so với con người, động vật và thực vật. Các thần linh này có vị trí riêng trong hệ sinh thái giống như voi và nhím cũng có nơi dành cho chúng, và không thể thay đổi các quy luật tự nhiên cũng giống như voi. Một ví dụ điển hình là Phật giáo, tôn giáo quan trọng nhất trong các tôn giáo thuận theo quy luật tự nhiên cổ xưa, và giờ vẫn là một trong những tín ngưỡng lớn.
Nhân vật trung tâm của Phật giáo không phải là một vị thần mà là một con người, Siddhartha Gautama (Tất-đạt-đa Cồ-đàm). Theo truyền thống Phật giáo, Gautama là người thừa kế của một vương quốc nhỏ thuộc Himalaya, vào khoảng năm 500 TCN. Vị hoàng tử trẻ đã bị ảnh hưởng sâu sắc trước các bằng chứng khổ đau xung quanh mình. Ông thấy rằng đàn ông và đàn bà, trẻ em và người già, tất cả họ đều đau khổ không chỉ do thiên tai bất chợt như chiến tranh và dịch bệnh, mà còn do sự lo lắng, thất vọng và bất mãn, mọi thứ dường như là một phần không thể tách rời của cuộc sống con người. Con người theo đuổi sự giàu có và quyền lực, tiếp nhận kiến thức và tài sản, sinh con trai và con gái, xây dựng nhà và cung điện. Tuy nhiên, dù có được điều gì, họ cũng không bao giờ thỏa mãn. Những người sống trong đói nghèo mơ ước được giàu có. Những người có một triệu muốn hai triệu. Những người có hai triệu lại muốn mười triệu. Ngay cả những người giàu có và nổi tiếng vẫn hiếm khi hài lòng. Họ cũng bị ám ảnh bởi những mối quan tâm và sự lo lắng không ngừng, cho đến khi bệnh tật, tuổi già và cái chết đưa đến một kết thúc cay đắng với họ. Mọi thứ mà ta đã tích lũy biến mất như làn khói. Cuộc sống là một cuộc chạy đua vô nghĩa. Nhưng làm thế nào để thoát khỏi điều đó?
Ở tuổi 29, Gautama đã trốn khỏi cung điện vào giữa đêm, bỏ lại đằng sau gia đình và tài sản. Ông ra đi như một người vô gia cư lang thang khắp miền Bắc Ấn Độ, tìm kiếm lối thoát khỏi khổ đau. Ông đã đến thăm các đạo tràng và quỳ dưới chân những bậc đạo sư đầy kinh nghiệm, nhưng vẫn chưa được giải thoát hoàn toàn – vẫn luôn tồn tại một số điều còn mắc mớ. Ông không nản lòng. Ông quyết tâm tự tìm hiểu nỗi khổ đau cho đến khi tìm thấy một phương pháp giải thoát hoàn toàn. Ông đã trải qua sáu năm thiền định về bản chất, về các nguyên nhân và phương pháp chữa trị cho nỗi thống khổ của kiếp người. Cuối cùng, ông đã nhận ra rằng đau khổ không phải bởi rủi ro, bởi bất công xã hội, hay bởi ý tưởng bất chợt của thần linh. Thay vào đó, đau khổ chính là do các hình mẫu hành vi trong tâm trí của chính mình.
Khám phá sâu sắc của Gautama là khi tâm trải nghiệm bất cứ điều gì, nó thường phản ứng với tham ái, mà tham ái luôn kéo theo sự bất mãn. Khi tâm trải nghiệm một cái gì đó khó chịu, nó khao khát thoát khỏi các day dứt và bực dọc. Khi tâm trải nghiệm một cái gì đó dễ chịu, nó khao khát rằng niềm vui sẽ vẫn duy trì và tăng thêm. Do đó, tâm luôn không hài lòng và bồn chồn. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi gặp những điều khó chịu, chẳng hạn như cơn đau. Chừng nào nỗi đau vẫn còn tiếp tục, chúng ta vẫn sẽ bất mãn và làm tất cả những gì có thể để tránh nó. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta trải nghiệm những điều thú vị, chúng ta cũng chẳng bao giờ bằng lòng. Hoặc chúng ta lo sợ rằng niềm vui có thể biến mất, hoặc chúng ta hy vọng rằng nó sẽ táng thêm. Nhiều người vẫn hằng mong tìm kiếm tình yêu nhưng hiếm khi hài lòng khi họ tìm thấy nó. Một số trở nên lo lắng rằng người tình của họ sẽ bỏ đi; những người khác cảm thấy rằng họ đã an phận quá dễ dãi, và đáng lẽ họ có thể tìm thấy một ai đấy tốt hơn. Và tất cả chúng ta đều biết mọi người cố gắng để đạt được cả hai.
Những vị thần vĩ đại có thể mang mưa tới cho chúng ta, các tổ chức xã hội có thể cung cấp công lý và hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt, và những lần tình cờ may mắn có thể biến chúng ta thành triệu phú, nhưng tất cả chúng đều không thể thay đổi các hình mẫu tư duy cơ bản của chúng ta. Do đó, ngay cả các vị vua vĩ đại nhất cũng phải cam chịu sống trong cảm giác lo lắng, không ngừng chạy trốn nỗi buồn và đau khổ, mãi mãi đuổi theo những thú vui lớn hơn.
Gautama thấy rằng có một cách để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này. Nếu khi tâm trải nghiệm một cái gì đó dễ chịu hay khó chịu, tâm chỉ đơn giản thấu hiểu sự vật như nó vốn vậy, thì sẽ khống có đau khổ. Nếu bạn gặp nỗi buồn mà không mong nỗi buồn biến mất, bạn tiếp tục cảm thấy nỗi buồn nhưng bạn không đau khổ vì nó nữa. Nỗi buồn thực sự cũng có nhiều giá trị. Nếu bạn từng trải qua niềm vui mà không muốn rằng niềm vui kéo dài và nhân lên nữa, bạn vẫn tiếp tục cảm thấy niềm vui mà không mất đi sự bình an trong tâm hồn.
Nhưng làm thế nào để bạn khiến tâm trí chấp nhận mọi thứ như chúng vốn là, mà không hề có sự thèm muốn nào khác? Làm sao chúng ta chấp nhận nỗi buồn như nỗi buồn, niềm vui như niềm vui, nỗi đau chỉ là nỗi đau? Gautama phát triển một tập hợp kĩ thuật thiền định nhằm huấn luyện tâm trí trải nghiệm thực tế như nó vốn vậy, mà không hề thèm muốn. Những bài tập này huấn luyện tâm trí tập trung tất cả
Sự chú ý của nó vào câu hỏi: “Tôi đang trải nghiệm điều gì vào lúc này?” hơn là vào “Tôi mong muốn được trải nghiệm gì?” Khó mà đạt được trạng thái tâm trí này, nhưng không phải là không thể.
Gautama đặt những kĩ thuật thiền định này trong một bộ quy tắc đạo đức, để khiến mọi người tập trung vào trải nghiệm thực tế, tránh rơi vào những thèm muốn và hoang tưởng. Ông hướng dẫn đệ tử tránh sát sinh, không tà dâm và không trộm cắp, do những hành vi đó chắc chắn sẽ thổi bùng ngọn lửa tham ái (với quyền lực, niềm vui nhục dục, hoặc sự giàu có). Khi ngọn lửa được dập tắt, tham ái được thay thế bởi một trạng thái mãn nguyện hoàn hảo và thanh thản, được gọi là niết bàn (nghĩa đen của từ đó là “dập lửa”). Những người đã đạt tới niết bàn sẽ được giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau. Họ trải nghiệm thực tế một cách hết sức rõ ràng, thoát khỏi những hoang tưởng và ảo mộng. Mặc dù họ rất có thể sẽ vẫn gặp phải khó chịu và đau đớn, nhưng những trải nghiệm như vậy không làm họ đau khổ. Một người không thèm muốn thì sẽ không phải chịu đau khổ.
Theo truyền thống Phật giáo, Gautama tự mình chứng được niết bàn và đã được giải thoát khỏi đau khổ. Từ đó về sau ông được gọi là “Phật”, có nghĩa là “Người giác ngộ”. Đức Phật dành phần còn lại của cuộc đời mình để giải thích những khám phá của ông cho người khác để mọi người có thể được giải thoát khỏi đau khổ. Ông tóm gọn những lời dạy của mình trong một quy luật duy nhất: đau khổ phát sinh từ tham ái; cách duy nhất để giải thoát hoàn toàn khỏi đau khổ là giải thoát hoàn toàn khỏi tham ái; và cách duy nhất để được giải thoát khỏi tham ái là huân tập tâm trí trải nghiệm thực tế như nó là.
Quy luật này, gọi là Pháp, được các Phật tử coi như một định luật tự nhiên phổ quát. Vấn đề “đau khổ phát sinh từ tham ái” luôn tồn tại và có ở khắp mọi nơi là đúng, cũng giống như trong vật lý hiện đại, E luôn luôn bằng mc². Phật tử là những người tin vào quy luật này và biến nó thành điểm tựa trong tất cả các hoạt động của họ. Mặt khác, niềm tin vào thần linh có tầm quan trọng thứ yếu đối với họ. Nguyên tắc đầu tiên của độc thần giáo là: “Đấng tối cao luôn hiện hữu. Vậy Ngài muốn những gì từ con?” Nguyên tắc đầu tiên của Phật giáo là “Đau khổ luôn tồn tại. Làm thế nào để tôi thoát khỏi nó?”
Phật giáo không phủ nhận sự tồn tại của thần linh – họ được mô tả như các thực thể quyền năng, có thể đem đến những cơn mưa và chiến thắng – nhưng họ không có ảnh hưởng gì tới quy luật rằng đau khổ phát sinh từ tham ái. Nếu tâm trí của một người thoát khỏi tất cả tham ái, không thần linh nào có thể làm cho anh ta đau khổ. Ngược lại, một khi tham ái phát sinh trong tâm trí của một người, tất cả thần linh trong vũ trụ cũng không thể cứu anh ta khỏi đau khổ.