Quy trình tương tự cũng xảy ra ở Đế chế Ả-rập. Khi được thành lập vào khoảng giữa thế kỷ 7, Đế chế này được xây dựng dựa trên một chia cắt sắc bén giữa những tầng lớp ưu tú Ả-rập-Hồi giáo cầm quyền và các dân tộc bị trị Ai Cập, Syria, Iran và những người Berber không phải Ả-rập cũng chẳng phải Hồi giáo. Nhiều người trong số thần dân của đế chế dần chấp nhận đức tin của Hồi giáo, ngôn ngữ Ả-rập, và một nền văn hoá lai tạp của đế chế. Tầng lớp ưu tú Ả-rập cũ nhìn những thành viên mới này với thái độ thù địch sâu sắc, vì sợ đánh mất vị thế độc nhất và bản sắc của họ. Những người mới cải đạo bất mãn lớn tiếng đòi phần chia công bằng trong Đế chế và trong thế giới Hồi giáo. Cuối cùng họ cũng có được điều họ muốn. Những người Ai Cập, Syria và vùng Lưỡng Hà ngày càng được nhìn nhận là “người Ả-rập”. Đổi lại, người Ả-rập dù là “chính tông” từ bán đảo Ả-rập hay Ả-rập mới được “đúc” ra từ Ai Cập và Syria ngày càng bị áp đảo bởi nhiều người Hồi giáo phi Ả-rập, đặc biệt là những người Iran, Thổ Nhĩ Kĩ và Berber. Sự thành công lớn của công trình Đế chế Ả-rập chính là văn hoá đế chế mà nó tạo ra, được nhiều người phi Ả-rập chấp nhận một cách cuồng nhiệt, tiếp tục duy trì nó, phát triển và truyền bá nó ngay cả sau khi đế chế nguyên thuỷ sụp đổ, và người Ả-rập với tư cách nhóm sắc tộc bị mất quyền thống trị của mình.
Ở Trung Hoa, thành công của công trình đế chế thậm chí còn trọn vẹn hơn. Trong hơn 2.000 năm, một mớ hỗn độn các nhóm sắc tộc và văn hoá, đầu tiên bị gọi là “man rợ” đã hợp nhất thành công thành nền văn hoá Đế chế Trung Hoa, và trở thành người Hoa gốc Hán (đặt như vậy do đế chế Hán cai trị Trung Hoa từ năm 206 TCN đến năm 220). Thành tựu cơ bản của Đế chế Trung Hoa là nó vẫn còn sống khỏe mạnh và hoạt động tích cực, thế nhưng thật khó để xem nó như một đế chế, ngoại trừ ở những vùng biên như Tây Tạng và Tân Cương. Hơn 90% dân số Trung Hoa đã tự xem mình và cả những người khác cũng xem họ là người Hán.
Chúng ta có thể hiểu được quá trình giải phóng thuộc địa của vài thập kỷ gần đây theo một cách tương tự. Trong thời hiện đại, người châu Âu chinh phục nhiều nơi trên thế giới dưới vỏ bọc truyền bá văn hoá siêu việt của phương Tây. Họ đã rất thành công khi hàng tỉ người dần dần chấp nhận những phần quan trọng của văn hoá đó. Người Ấn Độ, châu Phi, Ả-rập, Trung Hoa và Maori đã học tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha. Họ bắt đầu tin vào nhân quyền, vào những nguyên tắc về quyền tự quyết, và họ đã tiếp nhận những hệ tư tưởng phương Tây như là chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa bình đẳng giới và chủ nghĩa dân tộc.
Vòng tuần hoàn đế quốc
Giai đoạn | Rome | Hồi giáo | Những đế quốc châu Âu |
Một nhóm nhỏ hình thành ra một đế quốc lớn | Những người La Mã hình thành Đế chế La Mã | Những người Ả-rập hình thành Đế chế Hồi giáo Ả-rập | Những người châu Âu hình thành những đế chế châu Âu |
Một nền văn hoá đế quốc được rèn đúc | Văn hoá Hy Lạp – La Mã | Văn hoá Ả-rập – Hồi giáo | Văn hoá phương Tây |
Văn hoá đế quốc được những dân tộc bị trị chấp nhận | Những dân tộc bị trị chấp nhận tiếng Latin, luật pháp, tư tưởng chính trị La Mã… | Những dân tộc bị trị chấp nhận tiếng Ả-rập, Hồi giáo… | Những dân tộc bị trị chấp nhận tiếng tiếng Anh và tiếng Pháp, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân tộc, nhân quyền,… |
Những dân tộc bị trị đòi hỏi địa vị bình đẳng nhân danh những giá trị đế quốc chung. | Những người Illyria, Gaul và Punic đòi địa vị bình đẳng nhân danh những giá trị La Mã chung. | Những người Ai Cập, Iran và Berber đòi địa vị bình đẳng nhân danh những giá trị Hồi giáo chung. | Những người Ấn Độ, Trung Hoa, và châu Phi đòi địa vị bình đẳng nhân danh những giá trị chung của phương Tây như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa xã hội và nhân quyền. |
Những người sáng lập ra đế quốc đánh mất địa vị thống trị của họ. | Người La Mã không còn tồn tại như một nhóm sắc tộc độc nhất vô nhị nữa. Quyền kiểm soát đế quốc đã chuyển sang một nhóm ưu tú đa sắc tộc mới. | Người Ả-rập đánh mất quyền kiểm soát thế giới Hồi giáo, ủng hộ giới ưu tú Hồi giáo đa sắc tộc. | Người châu Âu đánh mất quyền kiểm soát toàn cầu, ủng hộ giới ưu tú đa sắc tộc, cam kết một cách rộng rãi với những giá trị, và cách thức suy nghĩ phương Tây. |
Văn hoá đế quốc tiếp tục hưng thịnh và phát triển. | Những người Illyria, Gaul và Punic tiếp tục phát triển văn hóa La Mã mà họ đã chấp nhận. | Những người Ai Cập, Iran và Berber tiếp tục phát triển văn hóa Hồi giáo mà họ đã chấp nhận. | Những người Ấn Độ, Trung Quốc và châu Phi tiếp tục phát triển văn hóa phương Tây mà họ đã chấp nhận. |
Trong suốt thế kỷ 20, những nhóm cư dân địa phương sau khi tiếp nhận các giá trị phương Tây đã tuyên bố đòi bình đẳng với những kẻ châu Âu đi chinh phục, nhân danh những giá trị này. Nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân đã được tiến hành dưới những biểu ngữ của quyền tự quyết, chủ nghĩa xã hội và nhân quyền, tất cả đều là những di sản phương Tây. Cũng như người Ai Cập, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận và thích ứng với văn hoá đế quốc mà họ thừa hưởng từ người chinh phục gốc Ả-rập, vì vậy người Ấn Độ, châu Phi và Trung Hoa ngày nay cũng thế, đều đã chấp nhận rất nhiều văn hoá đế quốc của những ông chủ đế quốc phương Tây trước đây của mình, trong khi tìm cách biến đổi nó theo những nhu cầu và truyền thống của họ.
Những người tốt và kẻ xấu trong lịch sử
Người ta rất muốn chia lịch sử gọn gàng thành những người tốt và kẻ xấu, trong đó tất cả các đế quốc đều nằm trong số kẻ xấu. Hầu hết mọi đế quốc đã được hình thành bằng máu, và duy trì quyền lực của họ bằng áp bức và chiến tranh. Thế nhưng hầu hết những nền văn hoá ngày nay đều dựa trên những di sản của đế quốc. Nếu đế quốc theo định nghĩa là xấu, điều đó nói gì về chúng ta?
Có những trường phái tư tưởng và phong trào chính trị tìm cách xóa bỏ văn hoá con người của chủ nghĩa đế quốc, để lại đằng sau những gì họ tuyên bố là một nền văn minh đích thực, tinh khiết, không bị ô uế bởi tội lỗi. Những tư tưởng này, nếu đánh giá khoan dung nhất thì quá ngây thơ, còn nếu đánh giá nghiêm khắc nhất thì đóng vai trò như một kiểu làm đẹp giả tạo cho chủ nghĩa dân tộc thô thiển, đầy định kiến. Có lẽ bạn có thể cho rằng một vài trong vô số nền văn hoá nổi lên ở buổi bình minh của lịch sử được ghi chép là tinh khiết, không tội lỗi, và không bị pha trộn với những xã hội khác. Nhưng không có nền văn hoá nào từ buổi bình minh đó có thể minh chứng cho tuyên bố này, cũng không có nền vãn hoá nào như vậy còn tồn tại trên Trái đất. Tất cả những nền văn hoá của con người chí ít đều là một phần di sản của đế quốc và những nền văn minh đế quốc, và không cuộc giải phẫu học thuật hay chính trị nào có thể cắt bỏ đi những di sản đế quốc mà không giết chết bệnh nhân.
Hãy suy nghĩ, chẳng hạn, về những quan hệ yêu-ghét giữa Cộng hòa Ấn Độ độc lập ngày nay và Ấn Độ thời kỳ bị Anh cai trị. Cuộc chinh phục và chiếm đóng Ấn Độ của Anh đã làm thiệt mạng hàng triệu người Ấn Độ, và là nguyên nhân của sự khổ nhục và bóc lột liên miên hàng trăm triệu người khác. Thế nhưng, nhiều người Ấn Độ đã chấp nhận, với say mê của những người “đổi đạo”, về những lý tưởng phương Tây như quyền tự quyết và những quyền con người, và đã rất thất vọng khi người Anh từ chối thực hiện những giá trị mà chính họ đã tuyên bố, không cấp cho người bản xứ Ấn Độ quyền bình đẳng như người dân nước Anh hay nền độc lập.
Một chính phủ Hindu theo chủ nghĩa dân tộc đã đổi tên cả thành phố và nhà ga, nhưng không có ý định phá bỏ một tòa nhà tráng lệ như vậy, dẫu nó là do những kẻ áp bức nước ngoài xây dựng.
Tuy nhiên, nhà nước Ấn Độ hiện đại là một đứa con của Đế quốc Anh. Người Anh đã giết hại, gây thương tích, và ngược đãi những cư dân của tiểu lục địa này, nhưng họ cũng đã thống nhất một tác phẩm nghệ thuật gây hoang mang gồm các vương quốc, lãnh địa, bộ tộc mâu thuẫn nhau, tạo ra một ý thức dân tộc chung và một đất nước ít nhiều đã hoạt động như một đơn vị chính trị duy nhất. Họ đã đặt nền móng cho hệ thống tư pháp Ấn Độ, đã tạo ra cơ cấu hành chính, và đã xây dựng mạng lưới đường sắt vốn rất quan trọng cho sự hợp nhất kinh tế của nó. Nhà nước Ấn Độ độc lập đã tiếp nhận nền dân chủ phương Tây trong sự hiện thân của Anh, như hình thức chính quyền của mình. Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chung của tiểu lục địa này, một ngôn ngữ trung lập mà người bản ngữ nói tiếng Hindu, Tamil và Malayalam có thể dùng để giao tiếp. Người Ấn Độ đam mê chơi cricket và uống trà, cả trò chơi lẫn thứ đồ uống này đều là những di sản Anh. Nền canh tác trà thương mại không tồn tại ở Ấn Độ cho đến giữa thế kỷ 20, khi nó được Công ty Đông Ấn của Anh đưa vào Ấn Độ. Những quỷ ngài người Anh kênh kiệu đã truyền bá tập quán uống trà khắp tiểu lục địa.
Có bao nhiêu người Ấn Độ ngày nay muốn mở một cuộc bỏ phiếu để gạt bỏ nền dân chủ, tiếng Anh, mạng lưới đường sắt, hệ thống pháp luật, cricket và trà khỏi đất nước họ vì chúng là di sản của đế quốc? Và nếu họ đã làm thế, chẳng phải hành động kêu gọi một cuộc bỏ phiếu chính là minh chứng cho món nợ của họ với những ông chủ cũ của mình?