Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Khi “chúng nó” trở thành “chúng ta”

Các đế quốc đã và đang đóng vai trò quyết định trong việc hợp nhất nhiều nền văn hoá nhỏ thành một vài nền văn hoá lớn. Tư tưởng, con người, hàng hoá và công nghệ dễ dàng lan truyền trong biên giới của một đế quốc hơn là trong một khu vực bị phân mảnh chính trị. Thường thì chính đế quốc đã truyền bá một cách có chủ ý tư tưởng, thể chế, phong tục và các quy chuẩn. Lý do thứ nhất là để làm cho cuộc sống của họ dễ dàng hơn. Rất khó cai trị một đế quốc mà trong đó mỗi khu vực nhỏ lại có bộ luật riêng, chữ viết riêng, ngôn ngữ riêng, và tiền tệ riêng. Chuẩn hoá là một món hời cho các hoàng đế.

Lý do thứ hai và cũng quan trọng không kém đằng sau việc tại sao các đế quốc lại tích cực truyền bá nền văn hoá chung là để đạt được tính hợp pháp. Ít nhất kể từ thời của Cyrus và Tần Thủy Hoàng, những đế quốc đã biện minh rằng hành động của mình – dù là xây dựng đường sá, hay xung đột đổ máu – là điều không thể không làm để truyền bá một nền văn hoá cao cấp hơn, có lợi cho những người bị chinh phục còn hơn cả những kẻ đi chinh phục.

Cái lợi này đôi khi rất rõ ràng, như: thực thi pháp luật, quy hoạch đô thị, tiêu chuẩn hoá các đơn vị trọng lượng và đo lường; nhưng đôi khi đáng ngờ, như: thuế vụ, quân dịch, sự tôn sùng hoàng đế. Nhưng hầu hết tầng lớp ưu tú của đế quốc lại thực lòng tin rằng họ đang làm việc vì lợi ích chung của tất cả thần dân đế quốc. Tầng lớp cầm quyền của Trung Hoa đã đối xử với những dân tộc láng giềng và thần dân ở nước ngoài của họ như những người man rợ đáng thương, những người mà Đế chế Trung Hoa có trách nhiệm mang đến cho họ những lợi ích của văn hoá. Thiên mệnh ban cho hoàng đế khả năng không chỉ để khai thác thế giới, mà còn để giáo dục con người. Người La Mã cũng vậy, đã biện minh cho sự đô hộ của mình, rằng họ đã đem lại cho những người man rợ hòa bình, công lý và sự cải tiến. Người German hoang dã, người Gaul vẽ mình đã sống trong dơ dáy và ngu muội, cho đến khi người La Mã đến, thuần hoá họ bằng pháp luật, tắm rửa họ trong những nhà tắm công cộng, và mở mang cho họ bằng triết học. Đế chế Maurya vào thế kỷ 3 TCN đã nhận sứ mệnh của mình là truyền bá lời dạy của Phật cho thế giới vô minh. Những khalip Hồi giáo tiếp nhận một nhiệm vụ thiêng liêng là truyền bá sự soi rạng của đấng Tiên tri một cách hòa bình nhất nếu có thể, và bằng gươm đao nếu cần thiết. Đế quốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tuyên bố rằng, họ tìm kiếm ở Đông Ấn và châu Mỹ không phải sự giàu có mà là những người cải đạo sang niềm tin chân chính. Mặt trời không bao giờ lặn đối với sứ mạng của Anh trong việc truyền bá phúc âm song sinh của chủ nghĩa tự do và thương mại tự do. Người Liên Xô thấy có trách nhiệm phải tạo điều kiện thuận lợi cho bước đi không thể lay chuyển của lịch sử từ chủ nghĩa tư bản lên chính quyền của giai cấp vô sản. Nhiều người Mỹ ngày nay vẫn tin rằng chính phủ của họ có bổn phận đạo đức cấp thiết là mang những lợi ích về dân chủ và quyền con người đến những nước thuộc Thế giới Thứ ba, ngay cả khi những lợi ích này được phân phối bằng tên lửa hành trình và máy bay tiêm kích phản lực siêu thanh F-16.

Tư tưởng vấn hoá được các đế quốc truyền bá hiếm khi là sản phẩm sáng tạo độc quyền của giai cấp ưu tú thống trị. Vì tầm nhìn đế quốc có xu hướng phổ quát và toàn diện, nên giới ưu tú của đế quốc rất dễ chấp nhận những tư tưởng, tiêu chuẩn và truyền thống từ bất cứ nơi nào họ tìm thấy chúng, hơn là bám víu vào một truyền thống thủ cựu duy nhất. Trong khi một số hoàng đế tìm cách thanh lọc nền văn hoá của họ và trở về với những gì họ xem là cội nguồn của mình, thì phần nhiều các đế quốc này đã sản sinh ra các nền văn minh lai ghép, hấp thụ rất nhiều từ những dân tộc bị trị của mình. Nền văn hoá vương triều của La Mã có phần Hy Lạp gần bằng phần La Mã. văn hoá vương triều Abbasid có một phần Ba Tư, một phần Hy Lạp và một phần Ả-rập. Văn hoá vương triều Mông Cổ là một sự bắt chước mù quáng văn hoá Trung Hoa. Tại đế quốc Mỹ, tổng thống Mỹ có dòng máu Kenya, vừa ăn pizza Ý vừa xem bộ phim yêu thích của mình, một thiên sử thi nước Anh về những cuộc nổi dậy của người Ả-rập chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng cái nồi văn hoá thập cẩm này không làm cho quá trình trình đồng hoá văn hoá trở nên dễ dàng hơn đối với những dân tộc bại trận. Văn minh đế quốc có thể đã hấp thụ vô số đóng góp từ rất nhiều dân tộc bị chinh phục, nhưng kết quả lai ghép đó vẫn xa lạ với đại đa số. Quá trình đồng hoá thường đau đớn và bi kịch. Không dễ gì để từ bỏ một truyền thống bản địa đã quen thuộc, được nâng niu, và cũng thật khó khăn, thật căng thẳng để hiểu và tiếp nhận một văn hoá mới. Tệ hơn nữa, ngay cả khi dân tộc bị trị đã thành công trong việc tiếp nhận nền văn hoá đế quốc, thì cũng có thể mất tới hàng thập kỷ, nếu không nói là hàng thế kỷ, họ mới được tầng lớp ưu tú của mẫu quốc chấp nhận là một phần của “chúng ta”. Các thế hệ sinh ra trong khoảng thời gian giữa cuộc chinh phục và sự chấp nhận này bị bỏ rơi trong hoang vu giá lạnh. Họ đã đánh mất văn hoá bản địa yêu quý của mình, song lại không được chia phần ngang bằng như vậy trong thế giới đế quốc. Ngược lại, nền văn hoá mà họ đã quy thuận vẫn tiếp tục xem họ như là lớp người man rợ.

Hãy tưởng tượng một người Iberia dòng dõi, sống ở thời điểm một thế kỷ sau khi Numantia sụp đổ. Ông nói phương ngữ Celtic với cha mẹ mình, nhưng lại tiếp nhận một thứ tiếng Latin hoàn hảo, chỉ pha tạp một chút bản xứ, bởi ông cần tiếng Latin để điều hành công việc buôn bán và giao thiệp với chính quyền. Ông chiều theo sở thích của vợ, mua cho bà trang sức chạm trổ cầu kỳ, nhưng vẫn hơi xấu hổ vì giống như những phụ nữ địa phương khác, vợ mình vẫn còn cái tàn dư của thị hiếu Celtic – ông muốn vợ mình phục sức theo lối thanh cao như các bà vợ thống đốc La Mã. Ông ăn vận áo tunic La Mã, và nhờ sự nghiệp buôn bán gia súc thành công mà một phần không nhỏ là trông vào tài nghệ xử lý những rối rắm trong luật thương mại phức tạp của La Mã, ông đã có thể xây dựng một biệt thự kiểu La Mã. Thế nhưng, dù ông có thể đọc thuộc lòng tập III cuốn Georgics của Virgil, người La Mã vẫn đối xử với ông như kẻ nửa man rợ. Ông thất vọng nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ có được một cái ghế trong chính phủ, hay một chỗ ngồi thật tốt trong nhà hát.

Cuối thế kỷ 19, nhiều người Ấn Độ có giáo dục được dạy cùng chương trình học như những chủ nhân người Anh của họ. Có một giai thoại nổi tiếng kể về một người Ấn Độ giàu tham vọng, thành thạo những phức tạp của ngôn ngữ Anh, đã học khiêu vũ phương Tây, rồi thậm chí sau này còn biết ăn bằng dao và dĩa. Được trang bị cách cư xử mới, ông đã đến Anh, học luật tại Đại học College London, trở thành luật sư có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, người thanh niên luật học ăn vận com lê cà vạt này đã bị ném khỏi một chuyến tàu tại vùng thuộc địa Anh ở Nam Phi, vì kiên quyết đòi ngồi toa hạng nhất thay vì hạng ba dành cho người “da màu” như ông. Ông là Mohandas Karamchand Gandhi.

Trong một số trường hợp, các quá trình tiếp biến văn hoá và đồng hoá cuối cùng phá vỡ những rào cản giữa người mới đến và tầng lớp ưu tú cũ. Những người bị chinh phục không còn xem đế quốc như một hệ thống chiếm đóng xa lạ nữa, còn những người đi chinh phục cũng xem những người bị trị là bình đẳng với họ. Cả người cai trị lẫn người bị trị đều cùng xem “chúng nó” như là “chúng ta”. Cuối cùng, tất cả những thần dân của Rome, sau nhiều thế kỷ bị đế quốc cai trị, đều đã được công nhận tư cách công dân La Mã. Những người không phải cư dân La Mã nổi lên chiếm vị trí hàng đầu trong số các sĩ quan thuộc các quân đoàn La Mã, và được bổ nhiệm vào Thượng viện. Năm 48, Hoàng đế Claudius nhận vào Thượng viện một vài quý tộc xứ Gaul, những người mà trong một bài phát hiểu, ông đã nhận xét, “phong tục, văn hoá, và các cuộc hôn phối đã hòa nhập với chúng ta”. Những thượng nghị sĩ tự cao phản đối việc đưa những kẻ thù cũ vào trung tâm của hệ thống chính trị La Mã. Claudius nhắc nhở họ về một sự thật phiền toái. Hầu hết gia đình của chính các nghị sĩ thành Rome cũng là hậu duệ của những bộ tộc người Ý từng chống lại Rome, và sau này được công nhận quyền công dân La Mã. Quả thực, Hoàng đế cũng nhắc nhở họ rằng gia đình ông thuộc dòng dõi Sabine.

Vào thế kỷ 2, Rome nằm dưới sự cai quản của một loạt các hoàng đế gốc Iberia, trong mạch máu của họ chảy ít nhất một vài giọt máu Iberia bản địa. Các triều đại Trajan, Hadrian, Antoninius Pius và Marcus Aurelius thường được cho là tạo thành thời kỳ hoàng kim của đế chế. Sau đó, tất cả các con đập sắc tộc đã được hạ xuống. Hoàng đế Septimius Severus (193-211) là con cháu của một gia đình gốc Punic từ Libya. Algebalus (218-222) là người Syria. Hoàng đế Philip (244-249) được biết đến với danh xưng thân mật là “Philip Ả-rập”. Những công dân mới của đế chế tiếp nhận văn hoá vương triều La Mã một cách hăng say, đến nỗi trong nhiều thế kỷ và ngay cả hàng nghìn năm sau khi đế quốc tự sụp đổ, họ vẫn tiếp tục nói ngôn ngữ của đế chế, tin vào Thiên Chúa của Ki-tô giáo mà đế chế đã tiếp nhận từ một trong những tỉnh Cận Đông (Levant), và sống theo pháp luật của đế chế.