Việc xây dựng và duy trì nên một đế quốc thường bắt buộc phải tàn sát nhẫn tâm một lượng lớn dân cư và đàn áp tàn bạo đối với toàn bộ những người còn sống sót. “Bộ dụng cụ đế quốc tiêu chuẩn” này bao gồm chiến tranh, sự nô dịch hoá, trục xuất và diệt chủng. Khi người La Mã chiếm Scotland năm 83, họ đã gặp sự kháng cự mãnh liệt từ những bộ lạc Caledonia bản địa, và phản ứng lại bằng cách tiêu diệt vùng đất này. Đáp lại đề nghị hòa bình của La Mã, thủ lĩnh Calgacus gọi người La Mã là “những kẻ côn đồ cuồng bạo của thế giới”, và nói rằng “đi cướp bóc, sát hại và ăn cắp mà họ lại khoác cái tên giả dối là đế quốc; họ tạo một sa mạc và gọi nó là hòa bình”.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng những đế quốc không để lại điều gì có giá trị. Tô đen tất cả các đế quốc và chối bỏ toàn bộ di sản của đế quốc chính là vứt bỏ hầu hết văn hoá loài người. Giới tinh hoa đế quốc dùng lợi nhuận từ những cuộc chinh phục để đầu tư không chỉ cho quân đội và pháo đài, mà cho cả triết học, nghệ thuật, công lý và cả việc thiện nguyện. Một phần quan trọng trong sự tồn tại của những thành tựu văn hoá nhân loại là nhờ vào sự bóc lột các bộ phận dân chúng bị chinh phục. Lợi nhuận và sự giàu có do chủ nghĩa đế quốc La Mã đem lại đã mang đến cho Cicero, Seneca, và St Augustine sự thảnh thơi, sung túc để suy nghĩ và viết lách. Taj Mahal không thể được xây dựng nếu không có của cải tích lũy được từ việc Mughal bóc lột thần dân Ấn Độ của mình; và lợi nhuận của Đế chế Habsburg đến từ sự cai trị của nó đối với những tỉnh thành nói các thứ tiếng Slav, Hungary và Rumani, đã biến thành tiền lương trả cho Haydn, và tiền đặt hàng Mozart soạn nhạc. Không có nhà văn Caledonia nào bảo tồn được những bài diễn thuyết của Calgacus để lưu truyền cho hậu thế. Chúng ta biết đến nó là nhờ sử gia Tacitus của La Mã. Trong thực tế, có thể chính Tacitus đã viết ra nó. Hầu hết những học giả ngày nay đồng ý rằng Tacitus không chỉ thêu dệt nên bài diễn thuyết này, mà còn bịa đặt ra nhân vật Calgacus, thủ lĩnh của những người Caledonia với vai trò một người phát ngôn cho những gì ông và tầng lớp thượng lưu khác của La Mã nghĩ về đất nước của chính họ.
Thậm chí nếu chúng ta nhìn ra bên ngoài văn hoá của tầng lớp ưu tú và nền mĩ thuật cao siêu để tập trung vào thế giới của những con người bình dân, chúng ta cũng tìm thấy các di sản đế quốc trong phần lớn những nền văn hoá hiện đại. Ngày nay, hầu hết chúng ta nói chuyện, suy nghĩ và ước mơ bằng những ngôn ngữ của đế quốc vốn được áp chế cho ông bà của chúng ta bằng lưỡi lê. Hầu hết người Đông Á nói và mơ bằng thứ ngôn ngữ của Đế quốc Hán. Bất kể nguồn gốc xuất thân của họ là ở đâu, gần như tất cả cư dân hai vùng lục địa châu Mỹ, từ bán đảo Barrow của Alaska đến eo biển Magellan của Chile, đều giao tiếp bằng một trong bốn ngôn ngữ đế quốc: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp hoặc Anh. Người Ai Cập ngày nay nói tiếng Ả-rập, mặc nhận họ là người Ả-rập, và một lòng một dạ ủng hộ Đế chế Ả-rập, vốn chinh phạt Ai Cập trong thế kỷ 7, và dùng quả đấm thép nhiều lần nghiền nát những cuộc nổi dậy không ngừng nổ ra chống lại sự cai trị của nó. Có khoảng 10 triệu người Zulu ở Nam Phi vẫn nhớ lại thời đại Zulu vinh quang trong thế kỷ 19, dẫu hầu hết trong số họ đều được sinh ra từ những bộ tộc từng chiến đấu chống lại chính Đế chế Zulu, và chỉ được sáp nhập vào nó sau những chiến dịch quân sự đẫm máu.
Tất cả cũng chỉ vì muốn tốt cho bạn
Đế quốc đầu tiên mà chúng ta có thông tin xác thực về nó là Đế chế Akkad của Sargon Đại đế (khoảng năm 2250 TCN). Sargon khởi đầu sự nghiệp của mình với vai trò là vua của Kish, một thành bang nhỏ bé ở vùng Lưỡng Hà. Trong vòng vài thập kỷ, ông đã thành công trong việc chinh phục không chỉ tất cả những thành bang khác trong vùng này, mà cả những khu vực lãnh thổ lớn bên ngoài khu vực trung tâm của Lưỡng Hà. Sargon khoe rằng ông đã chinh phục toàn thế giới. Trên thực tế, vùng cai quản của ông trải dài từ Vịnh Ba Tư đến biển Địa Trung Hải, và bao gồm hầu hết hai quốc gia Iraq và Syria ngày nay, cùng với một vài lát cắt của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.
Đế chế Akkad không duy trì được lâu sau cái chết của người sáng lập ra nó, nhưng Sargon đã để lại tấm hoàng bào mà hiếm khi không có người tranh giành. Trong khoảng 1.700 năm tiếp sau, vua của Assyria, Babylon và Hittite đã lấy Sargon làm hình mẫu, khoe khoang rằng họ cũng đã chinh phục toàn bộ thế giới. Sau đó, khoảng năm 550 TCN, Cyrus Đại đế của Đế chế Ba Tư xuất hiện và với một sự khoe khoang còn hùng tráng hơn thế.
Vua Assyria cứ vẫn là Vua Assyria. Ngay cả khi họ tuyên bố đã thống trị toàn bộ thế giới, thì rõ ràng họ làm điều đó vì sự vinh hiển cho Assyria, và họ không hối tiếc về điều này. Mặt khác, Vua Cyrus tuyên bố không chỉ đơn thuần là thống lĩnh toàn thể thế giới, mà làm như vậy vì lợi ích của toàn thể nhân dân. “Chúng ta chinh phục các người vì lợi ích của chính các người”, người Ba Tư đã nói như vậy. Vua Cyrus muốn các dân tộc mà ông cai trị yêu mến ông và mặc nhận rằng họ may mắn được là chư hầu của Đế chế Ba Tư. Ví dụ nổi tiếng nhất về những nỗ lực đầy sáng kiến của Cyrus để giành được sự tán thành của một quốc gia sống dưới sự cai trị của ông, là cho phép người Do Thái đang lưu vong ở thành Babylon được hồi hương về Judaea và xây lại Ngôi đền của họ. Ông còn đề nghị hỗ trợ họ về tài chính. Cyrus đã không xem mình như một vị vua Ba Tư cai trị người Do Thái mà xem mình là vua của người Do Thái và do đó chịu trách nhiệm về đời sống an sinh của họ.
Giả định về việc cai trị toàn thế giới nhắm đến lợi ích cho toàn bộ thần dân trên đây là một giả định gây sửng sốt. Quá trình tiến hoá đã làm cho Homo sapiens, giống như các động vật xã hội thuộc lớp có vú khác, trở thành một sinh vật có tư tưởng bài ngoại. Theo bản năng, Sapiens chia loài người thành hai phần, “chúng ta” và “chúng nó”. Chúng ta là những người giống như bạn và tôi, cùng chia sẻ ngôn ngữ, tôn giáo và phong tục. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với nhau, nhưng không có trách nhiệm đối với chúng nó. Chúng ta luôn luôn khác biệt với chúng nó, và chẳng nợ chúng nó điều gì cả. Chúng ta không muốn nhìn thấy bất kĩ một ai trong số chúng nó có mặt trên lãnh thổ của chúng ta và cũng không mảy may quan tâm về những gì xảy ra trong lãnh thổ của chúng nó. Chúng nó thậm chí không phải là con người. Trong ngôn ngữ của người Dinka ở Sudan, “Dinka” chỉ đơn giản là “con người”. Những đối tượng nào không phải Dinka thì không phải là người. Kẻ thù không đội trời chung của dân tộc Dinka là dân tộc Nuer. Từ “Nuer” có nghĩa là gì trong ngôn ngữ Nuer? Nó có nghĩa là “con người nguyên bản”. Cách xa các sa mạc Sudan hàng ngàn cây số, trong những vùng đất băng giá của Alaska và phía đông bắc Siberia là nơi sinh sống của dân tộc Yupik. Từ “Yupik” có nghĩa là gì trong ngôn ngữ Yupik? Nó có nghĩa là “con người thực sự”.
Ngược lại với sự độc đoán về mặt sắc tộc này, hệ tư tưởng đế quốc từ thời Cyrus trở đi đã có xu hướng bao trùm và bao hàm tất cả. Dù vẫn thường nhấn mạnh đến những khác biệt về chủng tộc và văn hoá giữa tầng lớp cai trị và bị trị, nhưng nó cũng vẫn thừa nhận sự thống nhất cơ bản của toàn thế giới, sự tồn tại của một bộ nguyên tắc duy nhất chi phối mọi địa điểm và thời gian, cũng như trách nhiệm chung của tất cả loài người. Loài người được xem là một gia đình lớn: những đặc quyền của cha mẹ gắn liền với trách nhiệm phải lo cho phúc lợi của con cái mình.
Tầm nhìn đế quốc mới này đã truyền từ Cyrus và người Ba Tư sang cho Alexander Đại đế, và từ ông lại truyền tới các vua Hy Lạp thời cổ, hoàng đế La Mã, khalip Hồi giáo, vua Ấn Độ, và cuối cùng, đến các nguyên thủ Liên Xô và tổng thống Mỹ. Tầm nhìn đế quốc ôn hòa này đã biện minh cho sự tồn tại của những đế quốc, và vô hiệu hoá không chỉ những nỗ lực của các dân tộc bị trị nổi loạn, mà cả những nỗ lực của những dân tộc độc lập chống lại sự bành trướng của đế quốc.
Những tầm nhìn đế quốc tương tự đã phát triển một cách độc lập với mô hình của Đế chế Ba Tư ở những khu vực khác của thế giới, đặc biệt là ở Trung Mỹ, vùng núi Andes Nam Mỹ, và Trung Hoa. Theo lý thuyết chính trị truyền thống Trung Hoa, Trời (Tian) là nguồn cội của tất cả những quyền lực hợp pháp trên mặt đất. Trời chọn ra cá nhân hay gia đình xứng đáng nhất và ban cho họ “Thiên mệnh”. Cá nhân hay gia đình này, sau đó cai trị tất cả “Thiên hạ” (Tianxia) vì lợi ích của toàn bộ nhân dân của nó. Như vậy, một quyền lực hợp pháp – theo định nghĩa – là quyền lực phổ quát. Nếu một người cai trị thiếu Thiên mệnh, thì tức là người ấy thiếu tính hợp pháp để cai trị dù chỉ là một thành phố đơn lẻ. Nếu một người cai trị có được Thiên mệnh, thì người ấy có bổn phận phải truyền bá công lý và sự hòa hợp ra toàn thế giới. Thiên mệnh không thể được trao cho nhiều ứng viên thiên tử cùng một lúc, và kết quả là không thể hợp pháp hoá sự tồn tại của nhiều hơn một quốc gia độc lập.
Hoàng đế đầu tiên của Đế chế Trung Hoa thống nhất là Tần Thủy Hoàng đã kiêu hãnh tuyên bố: “khắp sáu hướng [của vũ trụ], tất cả mọi thứ đều thuộc về hoàng đế… bất cứ nơi đâu có dấu chân người thì không ai trong số đó không trở thành thần dân [của hoàng đế]… sự tử tế của người còn được ban xuống tận những con bò và con ngựa. Không một ai là không hưởng lợi. Mỗi người đều an toàn dưới mái nhà mình”. Trong tư tưởng chính trị và những kí ức lịch sử của Trung Hoa, các thời kỳ đế quốc do đó được xem là những thời đại hoàng kim của trật tự và công lý. Trái ngược với quan điểm của phương Tây hiện đại xem một thế giới công bằng là một thế giới gồm các quốc gia dân tộc riêng biệt, ở Trung Hoa các thời kỳ phân mảnh chính trị bị xem là thời đại đen tối của hỗn loạn và bất công. Nhận thức này đã có ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử Trung Hoa. Mỗi lần một đế quốc sụp đổ, học thuyết chính trị chi phối cao nhất kêu gọi các cường quốc không tách thành các công quốc độc lập nhỏ bé, mà hãy cố gắng hợp nhất lại. Sớm hay muộn, những nỗ lực này cũng thành công.