Và còn nữa, tại sao người Trung Hoa, Ấn Độ, Hồi giáo và Tây Ban Nha thuộc những nền văn hoá rất khác nhau, đã thất bại trong việc thỏa thuận về nhiều thứ – lại cùng chia sẻ niềm tin vào vàng? Tại sao không xảy ra chuyện người Tây Ban Nha tin vào vàng, trong khi người Hồi giáo tin vào lúa mạch, người Ấn Độ tin vào những đồng tiền vỏ ốc, và người Trung Hoa tin vào những súc lụa? Các nhà kinh tế học đã có sẵn câu trả lời. Một khi thương mại liên kết hai khu vực, những lực cung và cầu sẽ có xu hướng cân bằng giá cả của những loại hàng hoá có thể vận chuyển được. Để hiểu được tại sao, hãy xem xét một tình huống giả định. Giả sử rằng, khi giao thương thường xuyên được mở ra giữa Ấn Độ và Địa Trung Hải, người Ấn Độ không quan tâm đến vàng, và vì vậy vàng gần như không có giá trị. Nhưng ở Địa Trung Hải, vàng là một biểu tượng của địa vị xã hội cao được thèm muốn, vì vậy giá trị của nó rất lớn. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Những nhà buôn qua lại giữa Ấn Độ và vùng Địa Trung Hải sẽ nhận ra sự chênh lệch trong giá trị của vàng ở hai nơi này. Để thu lợi, họ sẽ mua vàng với giá rẻ mạt ở Ấn Độ và bán nó với giá cắt cổ ở Địa Trung Hải. Kết quả là, nhu cầu về vàng ở Ấn Độ sẽ tâng vùn vụt, cũng như giá trị của nó. Cùng lúc đó, Địa Trung Hải trải qua cơn lốc vàng tràn vào xứ này, kết quả là giá vàng sẽ bị giảm xuống. Trong một thời gian ngắn, giá vàng ở Ấn Độ và Địa Trung Hải sẽ khá tương đương nhau. Chỉ cần người Địa Trung Hải tin vào vàng cũng đủ để người Ấn Độ bắt đầu tin vào nó. Thậm chí nếu người Ấn Độ vẫn không sử dụng vàng trong thực tế, thì việc người Địa Trung Hải muốn vàng cũng đủ để người Ấn Độ coi trọng nó.
Tương tự, nếu một người khác tin tưởng vào tiền vỏ ốc hay đồng đô-la hay dữ liệu điện tử, thì cũng đủ để củng cố niềm tin của chúng ta đối với chúng, kể cả người đó có bị chúng ta căm ghét, coi thường hay nhạo báng. Những người không thể đồng thuận về tín ngưỡng, vẫn có thể đồng thuận về tiền, bởi trong khi tôn giáo đòi hỏi chúng ta phải tin vào thứ gì đó, thì tiền lại đòi hỏi chúng ta phải tin rằng những người khác tin vào thứ gì đó.
Trong hàng ngàn năm, các triết gia, nhà tư tưởng và nhà tiên tri đã bôi nhọ đồng tiền và gọi nó là cội rễ của mọi điều xấu xa. Dù thế nào đi nữa, tiền vẫn là đỉnh cao của lòng khoan dung của loài người. Tiền có cái nhìn cởi mở hơn so với ngôn ngữ, luật pháp quốc gia, mật mã văn hoá, tín ngưỡng và các thói quen xã hội. Tiền là hệ thống niềm tin duy nhất được con người tạo ra, có thể là cầu nối cho hầu hết các khoảng cách về văn hoá, và nó không phân biệt đối xử dựa trên nền tảng tôn giáo, giới tính, chủng tộc, tuổi tác hay khuynh hướng tình dục. Nhờ có tiền, những người không biết nhau và không tin tưởng vào nhau vẫn có thể hợp tác hiệu quả.
Cái giá của tiền
Tiền được dựa trên hai nguyên tắc phổ biến sau:
a. Sự hoán đổi rộng rãi: với tiền trong vai trò một nhà giả kim, bạn có thể biến đất đai thành lòng trung thành, công lý thành sức khỏe, và bạo lực thành kiến thức.
b. Sự tin tưởng rộng rãi: với tiền trong vai trò một người trung gian, bất kỳ hai người nào cũng có thể hợp tác trong bất cứ dự án nào.
Những nguyên tắc này đã làm cho hàng triệu người xa lạ có thể hợp tác hiệu quả trong buôn bán và sản xuất công nghiệp. Nhưng những nguyên tắc có vẻ ôn hòa này cũng có những mặt khuất của chúng. Khi mọi thứ đều có thể hoán đổi được, và khi niềm tin dựa vào những đồng tiền kim loại và tiền vỏ ốc vô danh, nó sẽ bào mòn những truyền thống địa phương, những mối quan hệ thân tình và giá trị con người, thay vào đó là những định luật lạnh lùng của cung và cầu.
Các cộng đồng và gia tộc loài người đã luôn được dựa trên niềm tin vào những thứ “vô giá” như danh dự, lòng trung thành, đạo đức và tình yêu. Những thứ này nằm bên ngoài phạm vi của thị trường và chúng không nên bị mang ra mua bán lấy tiền. Ngay cả nếu thị trường có chào ta một mức giá tốt, thì có một số điều ta cũng không nên làm. Cha mẹ không được bán con cái làm nô lệ; một tín đồ mộ đạo không được mắc tội trọng; một hiệp sĩ trung thành không được phản bội lãnh chúa của mình; và đất đai do tổ tiên để lại không được bán cho người ngoài.
Tiền luôn cố gắng để vượt qua được những ranh giới này, giống như nước rỉ qua những vết nứt của một con đập ngăn nước. Cha mẹ buộc phải bán vài đứa con đi làm nô lệ để lấy tiền mua thức ăn cho những đứa con khác. Những tín đồ mộ đạo đã giết người, ăn cắp và gian dối – và sau đó dùng chiến lợi phẩm của mình để mua lấy sự tha thứ của nhà thờ. Những hiệp sĩ đầy tham vọng bán đấu giá lòng trung thành của họ cho ai trả giá cao nhất, và mua lòng trung thành của những người đi theo mình bằng tiền mặt. Những mảnh đất của tổ tiên để lại được bán cho những người xa lạ từ bên kia địa cầu để mua lấy một tấm vé hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Tiền thậm chí còn có mặt khuất hơn nữa. Mặc dù tiền xây dựng nên sự tin tưởng chung giữa những người xa lạ, nhưng sự tin tưởng này không được đặt vào con người, cộng đồng hay những giá trị thiêng liêng, mà vào chính bản thân tiền và những hệ thống vô cảm đứng sau nó. Chúng ta không tin tưởng vào người lạ cũng như tay hàng xóm sát vách, mà tin vào những đồng tiền họ đang nắm giữ. Nếu họ hết tiền, chúng ta cũng hết tin ở họ. Khi tiền làm sụp đổ những con đê bảo vệ của cộng đồng, tôn giáo và quốc gia, thế giới có nguy cơ trở thành một thị trường khổng lồ và vô cảm.
Vì vậy, lịch sử kinh tế của loài người là một vũ điệu tinh tế. Con người dựa vào tiền bạc để thúc đẩy việc hợp tác với những người xa lạ, nhưng họ lại e sợ nó sẽ phá hủy các giá trị nhân văn và các mối quan hệ thân tình. Với một tay, con người sẵn lòng phá hủy những con đập bảo vệ chung của cộng đồng, vốn đã kiểm chế quá lâu dòng luân chuyển của đồng tiền và sự buôn bán thương mại. Nhưng với tay còn lại, con người lại xây nên những cái đập ngăn mới để bảo vệ xã hội, tôn giáo và môi trường khỏi sự nô dịch hoá của các lực thị trường.
Ngày nay, chúng ta thường tin rằng thị trường luôn thắng thế, và những con đập được các vị vua, linh mục và cộng đồng dựng nên cũng không thể kìm giữ được những cơn thủy triều của đồng tiền. Điều này thật thơ ngây. Những chiến binh tàn bạo, những kẻ cuồng tín tôn giáo, và những cư dân có trách nhiệm đã thử xoay xở nhiều lần nhằm đánh bại các nhà buôn đầy toan tính, và thậm chí toan tính nhào nặn lại nền kinh tế. Vì vậy, sẽ là bất khả thi nếu hiểu sự thống nhất của loài người như một quá trình kinh tế thuần túy. Để có thể hiểu được làm cách nào hàng ngàn nền văn hoá bị cô lập đã hợp nhất được theo thời gian, hình thành nên ngôi làng toàn cầu ngày nay, chúng ta phải xem xét vai trò của vàng và bạc, nhưng chúng ta không thể phớt lờ vai trò không kém phần quan trọng của sắt thép.
11. Những tầm nhìn đế quốc
Người La Mã cổ đại đã quen với việc bại trận. Giống như những kẻ thống trị của các đế quốc vĩ đại nhất trong phần lớn lịch sử loài người, họ cũng có thể thua hết trận này đến trận khác, nhưng vẫn chiến thắng trong cuộc chiến. Một đế quốc không trụ vững nổi qua một cú đòn thì không phải là một đế quốc thực sự. Song, người La Mã thấy khó có thể tiêu hoá được tin tức đến từ phía Bắc Iberia vào giữa thế kỷ 2 TCN. Một thị trấn miền núi nhỏ bé, tẩm thường với tên gọi Numantia, nơi sinh sống của những người Celts bản xứ trên bán đảo, đã dám vứt bỏ ách áp bức La Mã. Ở thời điểm đó, Rome hẳn là chủ nhân của toàn bộ vùng lưu vực Địa Trung Hải, đã đánh bại Đế chế Macedonia và Seleucid, nô dịch các thành bang kiêu hãnh của Hy Lạp, và biến Carthage thành một đống tro tàn âm ỉ. Người Numantia không có gì bên mình ngoài tình yêu tự do mãnh liệt và địa hình khắc nghiệt của quê hương. Thế mà họ đã buộc hết quân đoàn La Mã này đến quân đoàn La Mã khác phải đầu hàng hay rút lui trong nhục nhã.
Cuối cùng, năm 134 TCN, sự kiên nhẫn của La Mã đã bị bẻ gãy. Thượng viện quyết định phái Scipio Aemilianus, vị tướng lỗi lạc nhất của Rome từng san bằng Carthage, đi đối phó với người Numantia. Ông được giao cho một đội quân khổng lồ gồm hơn 30.000 lính. Scipio, vốn kính trọng tinh thần chiến đấu và võ nghệ cao cường của người Numantia, đã quyết không phung phí sinh mạng binh sĩ của mình trong cuộc đấu không cần thiết. Thay vào đó, ông bao vây Numantia bằng một tuyến công sự, chặn đứng liên lạc của thị trấn với thế giới bên ngoài. Cái đói đã làm thay công việc của ông. Sau hơn một năm, thực phẩm dự trữ đã cạn kiệt. Khi người Numantia nhận ra rằng tất cả hy vọng đã mất, họ bèn thiêu trụi thị trấn; theo những ghi chép của người La Mã, hầu hết họ đã tự sát để không bị biến thành nô lệ cho Rome.
Numantia sau này trở thành một biểu tượng về ý chí độc lập và quả cảm của người Tây Ban Nha. Miguel de Cervantes, tác giả của tiểu thuyết Don Quixote, đã viết một bi kịch mang tên Trận vây hãm Numantia, kết thúc bằng sự tiêu hủy của thị trấn, nhưng với một viễn cảnh huy hoàng trong tương lai của Tây Ban Nha. Các nhà thơ sáng tác những bài tụng ca về những người đã chống trả quyết liệt, và các họa sĩ đã thực hiện những khắc họa huy hoàng về cuộc vây hãm này lên khung vải. Năm 1882, những tàn tích của nó đã được công bố là “đài tưởng niệm quốc gia” và trở thành một địa điểm hành hương dành cho những người Tây Ban Nha yêu nước. Trong những năm 1930 và 1960, các truyện tranh nổi tiếng nhất dành cho trẻ em ở Tây Ban Nha không nói về Siêu nhân hay Người nhện, mà kể về những cuộc phiêu lưu của El Jabato, một anh hùng Iberia huyền thoại thời cổ đại, đã chiến đấu chống lại những kẻ áp bức La Mã. Người Numantia cổ đại cho đến ngày nay vẫn là những hình mẫu của Tây Ban Nha về chủ nghĩa anh hùng và chủ nghĩa yêu nước, đóng vai trò như tấm gương tiêu biểu cho lớp thanh niên của đất nước này noi theo.