Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Một số xã hội đã tìm cách giải quyết vấn để này bằng cách thiết lập một hệ thống trao đổi hàng hoá trung tâm – hệ thống này thu gom tất cả các sản phẩm của những chuyên gia trồng trọt và sản xuất rồi phân phối hàng hoá đến người có nhu cầu. Cuộc thử nghiệm nổi tiếng nhất và có quy mô lớn nhất được thực hiện tại Liên xô, và nó đã thất bại thảm hại. “Làm theo nâng lực, hưởng theo nhu cầu” trên thực tế đã biến thành “né việc nhiều nhất có thể và hưởng bao nhiêu tùy khả nâng vơ vét”. Những cuộc thử nghiệm quy mô vừa phải và thành công hơn đã được xúc tiến ở nhiều giai đoạn khác, ví dụ ở Đế chế Inca. Tuy nhiên, hầu hết các xã hội đã tìm ra một cách dễ dàng hơn để kết nối nhiều ngành nghề khác nhau – họ phát triển tiền tệ.

Vỏ sò và thuốc lá

Tiền đã được tạo ra nhiều lần ở nhiều nơi. Sự phát triển của nó không đòi hỏi những bước đột phá về công nghệ – mà hoàn toàn chỉ là cuộc cách mạng tinh thần. Nó liên quan đến việc tạo ra một thực tại liên-chủ quan chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng được chia sẻ của con người.

Tiền không chỉ là những đồng kim loại hay những tờ giấy bạc. Tiền là bất cứ thứ gì mà con người sẵn sàng sử dụng để đại diện một cách có hệ thống cho giá trị của những thứ khác nữa, phục vụ cho mục đích trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Tiền giúp con người so sánh một cách nhanh nhất và dễ dàng nhất giá trị của những hàng hoá khác nhau (ví dụ như những trái táo, đôi giày và vụ ly hôn), trao đổi một cách dễ dàng thứ này với thứ khác, và tích lũy của cải một cách thuận tiện nhất. Có rất nhiều dạng tiền khác nhau. Dạng quen thuộc nhất là tiền xu, là miếng kim loại đã được định chuẩn và được khắc trên đó. Tuy nhiên, tiền đã tồn tại từ rất lâu trước khi người ta phát minh ra đồng tiền đúc, và các nền văn hoá đã phát triển phồn thịnh bằng việc sử dụng những đơn vị tiền khác, như vỏ sò, gia súc, da động vật, muối, ngũ cốc, các loại hạt cườm, vải vóc và giấy ghi nợ. Vỏ sò đã được sử dụng làm tiền trong khoảng 4.000 năm trên khắp châu Phi, Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương. Đến đầu thế kỷ 20, ở Uganda thuộc Anh, thuế vẫn được nộp dưới dạng tiền vỏ ốc.

Chữ viết cổ đại của người Trung Quốc có dấu hiệu nói đến tiền bạc

Hình 25. Trong chữ viết cổ đại của người Trung Quốc, dấu hiệu vỏ sò chỉ tiền, trong những từ như “bán” hoặc “thưởng”.

Trong những nhà tù hiện đại và các trại tù binh chiến tranh, thuốc lá thường được sử dụng thay cho tiền. Thậm chí những tù nhân không hút thuốc cũng sẵn sàng nhận thuốc lá thay cho tiền và lấy thuốc lá làm căn cứ để tính toán tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ khác. Một người sống sót trong trại tập trung Auschwitz đã mô tả hệ thống tiền tệ bằng thuốc lá như sau: “Chúng tôi có tiền riêng của mình: đó là thuốc lá, và giá trị của nó là điều không ai phải thắc mắc. Giá trị của tất cả mọi thứ đều được quy đổi ra thuốc lá… Vào những thời điểm ‘bình thường’, nghĩa là khi các nạn nhân ‘ứng viên’ của các phòng hơi ngạt được chuyển đến với một nhịp độ đều đặn, một ổ bánh mì trị giá 12 điếu; một gói bơ thực vật 300 gram trị giá 30 điếu, một cái đồng hồ từ 80 đến 200 điếu; và một lít rượu giá 400 điếu!”

Thực tế là, ngay cả những đồng tiền kim loại và giấy bạc ngày nay cũng là một dạng hiếm của tiền. Năm 2006, tổng lượng tiền trên thế giới ước khoảng 473 nghìn tỉ đô-la, nhưng tổng lượng tiền kim loại và giấy bạc chỉ chưa đến 47 nghìn tỉ đô-la. Hơn 90% lượng tiền – hơn 400 nghìn tỉ đô-la trong các tài khoản của chúng ta – chỉ tồn tại trên các máy chủ máy vi tính. Theo đó, hầu hết những giao dịch kinh doanh đều được tiến hành bằng việc chuyển dữ liệu điện tử từ một file máy tính này sang một file máy tính khác, mà không cần bất kỷ sự trao đổi tiền mặt vật lý nào. Ví dụ, chỉ một tên tội phạm mới mua nhà bằng việc trao tay một vali đầy tiền giấy. Chừng nào mà con người sẵn lòng trao đổi giao dịch hàng hoá và dịch vụ bằng dữ liệu điện tử, chừng đó hình thức này sẽ tốt hơn rất nhiều so với những đồng tiền kim loại bóng loáng và những tờ giấy bạc mới cứng – nhẹ hơn, bớt cồng kềnh hơn và dễ theo dõi hơn.

Để cho những hệ thống thương mại phức tạp hoạt động được thì không thể thiếu một số loại tiền nào đó. Trong nền kinh tế tiền tệ, một người thợ đóng giày chỉ cần nhớ giá của những loại giày khác nhau, chứ không cần nhớ tỉ giá trao đổi giữa giày và táo hay giữa giày và dê. Tiền cũng giải thoát cho những người trồng táo khỏi phải lo tìm những thợ giày thích ăn táo, bởi vì tiền là thứ mà ai ai cũng muốn. Đây có thể là giá trị cơ bản nhất của tiền. Ai cũng thích tiền vì những người khác cũng đều thích tiền, điều đó có nghĩa là bạn có thể trao đổi tiền để lấy bất cứ thứ gì bạn cần hoặc muốn. Người thợ giày sẽ luôn sung sướng khi nhận tiền của bạn, bởi vì cho dù anh ta thực sự cần cái gì – quả táo, con dê hay cuộc ly hôn – anh ta đều có thể dùng tiền để mua được chúng.

Vì vậy, tiền là một phương tiện trao đổi phổ quát, giúp con người có thể quy đổi hầu như mọi thứ này sang mọi thứ khác. Những bắp thịt được chuyển thành trí tuệ, khi người lính giải ngũ lấy trợ cấp quân đội của mình đầu tư cho việc học đại học. Đất đai cũng sẽ biến thành lòng trung thành, khi một nam tước bán tài sản của mình để giúp đỡ những lão bộc của mình. Sức khỏe cũng sẽ biến thành công lý, khi một bác sĩ điều trị sử dụng tiền thù lao của mình để thuê một luật sư – hoặc mua chuộc một thẩm phán. Và thậm chí nó còn có thể biến tình dục thành sự cứu rỗi linh hồn, như những cô gái điếm ở thế kỷ 15 đã làm khi ngủ với đàn ông để lấy tiền rồi sau đó dùng tiền đó để mua lấy sự xá tội.

Các loại tiền lý tưởng không chỉ giúp con người trao đổi giữa các hiện vật, mà còn có thể để dành dụm như của cải nữa. Rất nhiều thứ quý báu không thể dự trữ được, chẳng hạn như thời gian và nhan sắc. Một số thứ thì có thể dự trữ trong một thời gian ngắn, như dâu tây chẳng hạn. Những thứ khác có thể dự trữ dài hơn, nhưng tốn nhiều không gian và đòi hỏi cơ sở vật chất và sự chăm sóc rất tốn kém. Ví dụ, ngũ cốc có thể dự trữ trong nhiều năm, nhưng để làm được điều đó, bạn cần phải xây những kho chứa khổng lồ và canh phòng chuột bọ, nấm mốc, nước, hỏa hoạn và cả trộm cắp nữa. Tiền, bất kể là dưới dạng giấy hay bit máy tính hay vỏ ốc, giải quyết được những vấn đề này. Tiền vỏ ốc không bị mục nát, cũng không ngon lành gì đối với loài chuột, lại có thể chống được lửa và đủ nhỏ gọn để khoá kín trong một tủ đựng an toàn.

Để sử dụng được tài sản của mình thì dự trữ nó là chưa đủ. Người ta thường cần vận chuyển nó từ nơi này sang nơi khác. Một số dạng của cải, chẳng hạn như bất động sản, không thể vận chuyển được. Những mặt hàng khác như lúa mì và gạo có thể vận chuyển được nhưng rất khó khăn. Hãy tưởng tượng một nông dân giàu có sống ở vùng đất không dùng tiền, muốn di cư đến một tỉnh xa xôi khác. Tài sản của ông ta chủ yếu là ngôi nhà và cánh đồng lúa. Người nông dân không thể mang ngôi nhà và cánh đồng lúa đi theo được. Ông ta có thể đổi chúng lấy hàng tấn lúa, nhưng sẽ rất phiền toái và đắt đỏ khi vận chuyển số lúa đó theo. Tiền sẽ giải quyết tất tật những vấn đề này. Người nông dân có thể bán tài sản của mình để đổi lấy một bao tải tiền vỏ ốc và dễ dàng mang nó theo đến bất kỳ nơi nào ông ta muốn.

Vì tiền có thể chuyển đổi, tích trữ và vận chuyển tài sản một cách dễ dàng với chi phí thấp, nó đã góp một phần quan trọng cho sự xuất hiện của những mạng lưới thương mại phức tạp và những thị trường năng động. Nếu như không có tiền, các mạng lưới thương mại và các thị trường hẳn sẽ chịu số phận bị bó hẹp về quy mô, sự phức tạp và tính năng động của chúng.

Tiền đã hoạt động như thế nào?

Giá trị của tiền vỏ ốc và đồng đô-la chỉ nằm trong trí tưởng tượng thông thường của chúng ta. Giá trị của chúng không nằm trong cấu trúc hoá học của những cái vỏ ốc và tờ giấy, hay màu sắc và hình dáng của chúng. Hay nói cách khác, tiền không phải là một thực tại vật chất – nó là một khái niệm tâm lý. Nó hoạt động bằng cách biến đổi từ vật chất thành tinh thần. Nhưng tại sao nó lại thành công? Tại sao bất kỳ ai cũng sẵn sàng đổi những cánh đồng lúa màu mỡ để lấy một nhúm tiền vỏ ốc vô dụng? Tại sao bạn sẵn lòng lật bánh hamburger, bán bảo hiểm sức khỏe hay trông coi ba đứa trẻ ngỗ ngược đáng ghét, khi mà tất cả sự cố gắng của bạn chỉ đổi lại được một vài tờ giấy màu sắc sặc sỡ?

Con người sẵn sàng làm những việc như vậy khi họ tin tưởng vào những điều tưởng tượng của trí tưởng tượng tập thể của họ. Lòng tin là một dạng vật chất thô, mà từ đó tất cả các loại tiền được đúc ra. Khi một nông dân giàu có bán tài sản của mình để đổi lấy một bao tải tiền vỏ ốc và mang chúng theo đến vùng đất khác, ông ta tin tưởng rằng, khi tới đích của mình, những người khác sẽ sẵn sàng bán cho ông ta thóc gạo, nhà cửa và những cánh đồng để đổi lấy những đồng tiền vỏ ốc. Như vậy, tiền là một hệ thống của sự tin cậy lẫn nhau, và không chỉ có vậy: tiền là một hệ thống phổ quát nhất và hiệu quả nhất của sự tin cậy lẫn nhau từng được phát minh ra.

Sự tin tưởng này đã được sinh ra bởi một mạng lưới vô cùng phức tạp và dài hạn của các mối quan hệ chính trị, xã hội và kinh tế. Tại sao tôi lại tin vào tiền vỏ ốc hoặc đồng tiền vàng hoặc đồng đô-la? Bởi vì những người hàng xóm của tôi cũng tin vào chúng. Những người hàng xóm của tôi tin vào chúng là do tôi cũng tin vào chúng. Chúng ta tin vào chúng bởi vì đức vua của chúng ta tin vào chúng và đòi thu chúng dưới dạng thuế, và bởi vì vị linh mục của chúng ta tin vào chúng và đòi thu chúng dưới dạng thuế thập phân.[14] Hãy cầm tờ đô-la lên và xem xét thật kĩ. Bạn sẽ thấy nó chỉ là mẩu giấy đầy màu sắc với chữ ký của Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ ở một mặt và khẩu hiệu “Chúng ta tin vào Chúa” ở mặt còn lại. Chúng ta chấp nhận việc dùng đô-la làm thanh toán, vì chúng ta tin vào Chúa và vào Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ. Vai trò chủ yếu của sự tin tưởng lý giải tại sao những hệ thống tài chính của chúng ta lại ràng buộc chặt chẽ đến vậy với các hệ thống chính trị, xã hội và ý thức hệ, tại sao những cuộc khủng hoảng tài chính lại thường bị châm ngòi bởi những diễn biến chính trị, và tại sao thị trường chứng khoán có thể lên hoặc xuống phụ thuộc vào việc những người giao dịch chứng khoán cảm thấy ra sao vào một buổi sớm mai nào đó.